Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Trình bày suy nghĩ về cội nguồn của mỗi con người

Văn mẫu lớp 9: Trình bày suy nghĩ về cội nguồn của mỗi con người bao gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay lớp 9 cho các em học sinh tham khảo, nắm được các ý chính và có thêm nhiều ý tưởng hoàn thành bài văn của mình.

I. Dàn ý Trình bày suy nghĩ về cội nguồn của mỗi con người

1. Dàn ý Trình bày suy nghĩ về cội nguồn của mỗi con người - Mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: cội nguồn của mỗi con người.

2. Thân bài

a. Giải thích

Cội nguồn: là gốc rễ, là tổ tiên, là những người, là những nơi đã sinh ra ta, rộng hơn chính là thế hệ đi trước của con người.

Con người sống trong thời buổi hiện nay được hưởng nền độc lập, thành tựu thì phải luôn nhớ về và biết ơn thế hệ đi trước đồng thời có những hành động đền ơn đáp nghĩa, xây dựng xã hội phát triển hơn để thế hệ mai sau có điều kiện phát triển.

b. Phân tích

Không có đất nước nào tự nhiên giàu đẹp, có sẵn những giá trị cốt lõi, tất cả là công sức lao động, sáng tạo của bao thế hệ đi trước, chúng ta phải biết ơn, trân trọng những thành tựu đó bằng những tình cảm tốt đẹp nhất và cố gắng học tập, lao động để xây dựng đất nước phát triển văn minh hơn.

Tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” khơi gợi lòng biết ơn trong mỗi con người và lan tỏa tình cảm đó ra cộng đồng; tạo nên những thông điệp tích cực và truyền thống biết ơn giúp cho con người trong đất nước thêm đoàn kết, gắn bó với nhau hơn.

Một đất nước mà con người hiểu, biết ơn những giá trị mà bản thân mình được hưởng sẽ là một đất nước phát triển bền vững trên cơ sở của lòng biết ơn, tinh thần đoàn kết.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về tấm gương "Uống nước nhớ nguồn" để minh họa cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người sống vô ơn, người chạy theo lối sống phương Tây mà bỏ quên đi những truyền thống văn hóa dân tộc. Lại có những người coi những gì đất nước mình đang có là những điều có sẵn không cần phải cố gắng gây dựng, bảo vệ,… đây là những suy nghĩ lệch lạc mà chúng ta cần bài trừ.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: cội nguồn của mỗi con người, đồng thời rút ra bài học, liên hệ đến bản thân mình.

2. Dàn ý Trình bày suy nghĩ về cội nguồn của mỗi con người - Mẫu 2

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: cội nguồn của mỗi con người (dẫn dắt vào một số câu tục ngữ cùng nội dung: Uống nước nhớ nguồn,…).

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Cội nguồn: nơi con người ta sinh ra, chôn rau cắt rốn, lớn lên cùng những kỉ niệm. Cội nguồn hiểu theo nghĩa rộng hơn chính là đất nước, là nơi dân tộc ta sinh sống từ bao đời với những nét văn hóa riêng biệt. → Mỗi con người cần nhớ về cội nguồn, biết ơn những điều tốt đẹp mà thế hệ đi trước để lại, cố gắng vươn lên xây dựng một đất nước vững mạnh.

b. Phân tích

• Biểu hiện của người nhớ về cội nguồn:

Biết ơn, trân trọng những thành tựu của thế hệ trước để lại bằng những tình cảm tốt đẹp nhất.

Cố gắng học tập, lao động để có cuộc sống tốt đẹp và xây dựng đất nước phát triển văn minh hơn; gây dựng một tương lai tươi sáng cho thế hệ mai sau.

Có những hành động thiết thực để tưởng nhớ, khắc ghi công lao của ông cha.

• Ý nghĩa của việc nhớ về cội nguồn:

Khơi gợi lòng biết ơn trong mỗi con người và lan tỏa tình cảm đó ra cộng đồng; tạo nên những thông điệp tích cực và truyền thống biết ơn.

Giúp cho con người trong đất nước thêm đoàn kết, gắn bó với nhau hơn.

Góp phần xây dựng cho con người những đức tính quý báu.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về tấm gương về những con người nhớ về và biết ơn cội nguồn để minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải nổi bật, tiêu biểu và xác thực, được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người sống lạnh lùng, thờ ơ và vô ơn đối với những gì bản thân đang được hưởng, họ coi đó là những điều có sẵn, lại có những người chạy theo lối sống phương Tây mà bỏ quên đi những truyền thống văn hóa dân tộc,… những người này đáng bị phê phán và chỉ trích.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: cội nguồn của mỗi con người, đồng thời rút ra bài học, liên hệ đến bản thân mình.

II. Văn mẫu Trình bày suy nghĩ về cội nguồn của mỗi con người

1. Trình bày suy nghĩ về cội nguồn của mỗi con người - Mẫu 1

Từ xa xưa, dân tộc ta đã có truyền thống luôn hướng về cội nguồn bởi vậy mới có câu ca dao "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba". Đúng vậy, biết ơn, trân trọng nguồn cội là điều vô cùng cần thiết và ý nghĩa trong cuộc sống.

Cội nguồn là nơi khởi đầu, nơi ta sinh ra, là gia đình, quê hương, đất nước. Biểu hiện của những người biết yêu thương nguồn cội vô cùng phong phú. Đó là những người biết khắc ghi công lao to lớn của những vị anh hùng dân tộc, tự hào về quê hương, trân trọng, ghi nhớ ơn nghĩa của cha mẹ.

Vậy tại sao chúng ta cần nhớ về cội nguồn yêu thương? Bởi lẽ, đó là những điều thiêng liêng nhất trong trái tim mỗi người. Đầu tiên, đó là động lực để ta cố gắng trong cuộc sống. Gia đình là nơi ta sinh ra, lớn lên, dành cho ta tất cả những yêu thương. Ở nơi đó, có những người thân yêu khiến ta muốn cố gắng mỗi ngày để mang đến niềm vui cho họ. Gia đình chính là điểm tựa vững chắc cả về vật chất và tinh thần để ta vững bước vào đời. Hơn nữa, nguồn cội yêu thương đó còn là quê hương. Nơi "chôn rau cắt rốn", lưu giữ những kỉ niệm buồn vui của mỗi người. Ở nơi đó có mái ấm gia đình, có họ hàng, có những người bạn thân thiết. Quê hương, gia đình chính là nơi bình yên mà ta luôn muốn quay trở về.

Như vậy, cội nguồn yêu thương có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người. Thế nhưng, ở ngoài kia còn một số người lại tìm cách chia rẽ tinh thần đoàn kết của đại dân tộc. Họ tuyên truyền những thông tin sai lệch, đi ngược lại những bản sắc văn hóa tốt đẹp của quê hương, đất nước. Hay có người sống vong ơn bội nghĩa, bất hiếu với chính người đã sinh ra mình. Những điều đó, không chỉ gây hậu quả cho chính họ, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước.

Để cuộc sống thêm ý nghĩa, chúng ta hãy biết yêu thương nguồn cội. Mỗi người cần cố gắng học tập thật tốt để góp phần xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp hơn. Là một học sinh, mỗi chúng ta cần học tập và rèn luyện đạo đức để góp phần đưa đất nước phát triển đi lên như lời Bác đã từng căn dặn "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".

2. Trình bày suy nghĩ về cội nguồn của mỗi con người - Mẫu 2

Ca dao xưa có câu: “Con người có tổ có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn”. Đúng vậy, cội nguồn là gốc rễ, là nơi có trước để sản sinh ra những giá trị tiếp theo. Đó là nơi con người ta sinh ra, chôn rau cắt rốn, lớn lên cùng những kỉ niệm. Cội nguồn hiểu theo nghĩa rộng hơn chính là đất nước, là nơi dân tộc ta sinh sống từ bao đời với những nét văn hóa riêng biệt. Việc ghi nhớ và biết ơn cội nguồn mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc cho mỗi cá nhân và cả một dân tộc. Cội nguồn giúp ta nhận ra mình đến từ đâu, giúp ta liên kết hiện tại với quá khứ, từ đó, ta có thể thấu hiểu và tìm tòi về văn hóa, truyền thống, lịch sử và những giá trị quan trọng mà ông cha đã để lại. Không chỉ vậy, ghi nhớ và biết ơn cội nguồn giúp tạo ra sự đoàn kết và gắn bó giữa mọi người, giữa các thế hệ và giữa đất nước với nhân dân. Đây được coi là sợi dây kết tinh nên tinh thần đoàn kết dân tộc và góp phần xây dựng một xã hội văn minh, giàu mạnh, phát triển. Đó là lý do mà vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày giỗ Tổ: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3”, để tất cả mọi người cùng hướng về nơi đất Tổ thiêng liêng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng cho tinh thần này. Dù bôn ba khắp năm châu bốn bể, sống ở nước ngoài trong 30 năm nhưng Người chưa bao giờ quên đi quê hương. Thói quen, lối sống giản dị của Người đại diện cho vẻ đẹp của con người Việt Nam. Người sống trong nhà sàn, trồng cây, nuôi cá, ăn những món bình dân. Văn hóa nước ngoài chỉ có thể bồi đắp tâm hồn Người càng thêm phong phú, khiến người tích lũy được vốn tri thức rộng lớn chứ không thể làm lung lay tình yêu đất nước, nguồn cội ở Người. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có nhiều người sống thờ ơ và vô ơn đối với những gì bản thân đang được hưởng. Lại có những người chạy theo lối sống phương Tây mà chê bai những truyền thống văn hóa dân tộc. Những người này đáng bị phê phán. Hãy luôn nhớ rằng quê hương là cội nguồn bắt đầu cho cuộc đời mỗi chúng ta. Khi quên đi truyền thống, phản bội quê hương là ta chặt đứt cội nguồn sinh dưỡng của mình. Chỉ bằng cách sống có trách nhiệm với Tổ quốc, yêu thương đồng bào thì cuộc đời ta mới trở nên ý nghĩa.

3. Trình bày suy nghĩ về cội nguồn của mỗi con người - Mẫu 3

Trong cuộc sống, ai cũng có một cội nguồn, quê hương để hướng về. Cội nguồn quê hương là nơi mà ta đã được sinh ra và lớn lên, đã được nuôi dưỡng và nhận tất cả những điều tốt đẹp quý báu. Cội nguồn quê hương của mỗi người là nơi mà mỗi cá nhân được sinh ra trong sự chào đón và hân hoan của toàn thể gia đình, bằng tất cả niềm hạnh phúc và sung sướng. Cội nguồn là nơi mà ta lớn lên và được nuôi dưỡng tâm hồn bằng biết bao những kỷ niệm quý giá và tốt đẹp với quê hương. Tuổi thơ ấu ở quê hương cội nguồn với bạn bè, với người thân, với những bạn hàng xóm sẽ bồi đắp và xây dựng cho chúng ta một tuổi thơ đáng quý và hạnh phúc. Những kỷ niệm mà quê hương đem đến cho chúng ta sẽ đem đến cho ta giá trị tinh thần to lớn, góp phần hình thành nhân cách của chúng ta, gây dựng đời sống tinh thần tình cảm của chúng ta, trở thành bước đệm cho chúng ta phát triển tốt đẹp hơn trong tương lai phía trước. Cội nguồn, gia đình chính là bước đệm về cả mặt tinh thần và vật chất để mỗi người có đủ hành trang bước vào tương lai suôn sẻ và thuận lợi nhất có thể. Từ đó, mỗi người đều cần xác định trách nhiệm của mình đối với cội nguồn, quê hương. Trách nhiệm chính của chúng ta chính là trở thành một công dân toàn diện, có đầy đủ đức và tài, phẩm chất đạo đức và tri thức để xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn, ngày một tốt đẹp hơn và lan tỏa lòng tốt và sự tử tế ra trong cộng đồng nhiều hơn nữa trong tương lai.

4. Trình bày suy nghĩ về cội nguồn của mỗi con người - Mẫu 4

“Con người có tổ, có tông như cây có cội, như sông có nguồn”. Thật vậy, để khuyên nhủ con cháu sống yêu thương, tình nghĩa và luôn nhớ về cội nguồn, ông cha ta đã sáng tác ra nhiều câu tục ngữ hay và ý nghĩa. Từ đó, ta có thể nhận thấy cội nguồn có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Cội nguồn là gốc rễ, là tổ tiên, là những người, là những nơi đã sinh ra ta, rộng hơn chính là thế hệ đi trước của con người. Có cội nguồn, có những sự hi sinh của thế hệ đi trước mới có chúng ta ngày hôm nay, mới có một đất nước độc lập tự do, một cuộc sống hạnh phúc mà ta đang được hưởng. Là một người con trước hết ta phải biết khắc ghi công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Là một người học sinh, biết ơn công ơn dạy dỗ của các thầy cô giáo, sự giúp đỡ của tập thể lớp, trường. Sống trong cuộc đời, ta phải biết khắc ghi công ơn những ai đã cưu mang, giúp đỡ mình khi gặp hoạn nạn khó khăn và cả những công ơn của bao thế hệ đi trước. Cội nguồn là nơi con người được sinh ra, gắn bó và khôn lớn, rộng hơn cội nguồn là quốc gia, đất nước, là dân tộc. Chúng ta, mỗi cá thể sống trong ngôi nhà chung đó phải có trách nhiệm khiến cho nó ngày càng phát triển tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần phê phán những người có lối sống thờ ơ, vô trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, chỉ biết đến bản thân mình. Chúng ta không chỉ hoàn thiện, phát triển bản thân để có được những giá trị tốt đẹp mà còn giúp ích cho đất nước ngày càng văn minh hơn.

5. Trình bày suy nghĩ về cội nguồn của mỗi con người - Mẫu 5

Người Việt Nam ta từ xưa đến nay được biết đến với nhiều phẩm chất, đức tính tốt đẹp khác nhau, trong đó phải kể đến truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. “Nguồn” được hiểu là thượng nguồn, nơi bắt đầu của dòng sông, nghĩa bóng ở đây là cội nguồn, là tổ tiên, thế hệ đi trước của con người. Câu nói mang ý nghĩa khuyên nhủ con người được hưởng nền độc lập, những thành tựu bây giờ thì phải luôn nhớ về và biết ơn thế hệ đi trước đồng thời có những hành động đền ơn đáp nghĩa, xây dựng xã hội phát triển hơn để thế hệ mai sau có điều kiện phát triển. Việc “nhớ nguồn” được biểu hiện ở sự biết ơn, trân trọng những thành tựu của thế hệ trước để lại cho mình bằng những tình cảm tốt đẹp nhất. Bên cạnh đó là tinh thần cố gắng học tập, lao động để có cuộc sống tốt đẹp và xây dựng đất nước phát triển văn minh hơn; gây dựng một tương lai tươi sáng cho thế hệ mai sau. Việc nhớ đến công lao của người đi trước mang đến cho cuộc sống con người nhiều ý nghĩa quan trọng: khơi gợi lòng biết ơn trong mỗi con người và lan tỏa tình cảm đó ra cộng đồng; tạo nên những thông điệp tích cực và truyền thống biết ơn. Nó giúp cho con người trong đất nước thêm đoàn kết, gắn bó với nhau hơn; đồng thời góp phần xây dựng cho con người những đức tính quý báu. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có nhiều người sống lạnh lùng, thờ ơ và vô ơn đối với những gì bản thân đang được hưởng, họ coi đó là những điều có sẵn, lại có những người chạy theo lối sống phương Tây mà bỏ quên đi những truyền thống văn hóa dân tộc,… những người này đáng bị phê phán và chỉ trích. Là một con dân Việt Nam, mỗi chúng ta cần có trách nhiệm giữ gìn và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc đồng thời khắc ghi phẩm chất “Uống nước nhớ nguồn”.

6. Trình bày suy nghĩ về cội nguồn của mỗi con người - Mẫu 6

Kho tàng văn học dân gian của ông cha ta để lại vô cùng phong phú và đa dạng. Một trong số những câu tục ngữ gây ấn tượng nhất mà người Việt Nam ta ai ai cũng biết đó là “uống nước nhớ nguồn”. Nguồn nghĩa đen là thượng nguồn, nơi bắt đầu của dòng sông, nghĩa bóng ở đây là cội nguồn, là tổ tiên, thế hệ đi trước của con người. Câu tục ngữ khuyên nhủ con người sống trong thời buổi hiện nay được hưởng nền độc lập, thành tựu thì phải luôn nhớ về và biết ơn thế hệ đi trước đồng thời có những hành động đền ơn đáp nghĩa, xây dựng xã hội phát triển hơn để thế hệ mai sau có điều kiện phát triển. Không có đất nước nào tự nhiên giàu đẹp, có sẵn những giá trị cốt lõi, tất cả là công sức lao động, sáng tạo của bao thế hệ đi trước, chúng ta phải biết ơn, trân trọng những thành tựu đó bằng những tình cảm tốt đẹp nhất và cố gắng học tập, lao động để xây dựng đất nước phát triển văn minh hơn. Tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” khơi gợi lòng biết ơn trong mỗi con người và lan tỏa tình cảm đó ra cộng đồng; tạo nên những thông điệp tích cực và truyền thống biết ơn giúp cho con người trong đất nước thêm đoàn kết, gắn bó với nhau hơn. Một đất nước mà con người hiểu, biết ơn những giá trị mà bản thân mình được hưởng sẽ là một đất nước phát triển bền vững trên cơ sở của lòng biết ơn, tinh thần đoàn kết. Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người sống vô ơn, người chạy theo lối sống phương Tây mà bỏ quên đi những truyền thống văn hóa dân tộc. Lại có những người coi những gì đất nước mình đang có là những điều có sẵn không cần phải cố gắng gây dựng, bảo vệ,… đây là những suy nghĩ lệch lạc mà chúng ta cần bài trừ. Mỗi người hãy là một công dân có ích cho xã hội và lan tỏa truyền thống uống nước nhớ nguồn ra bốn bể năm châu để cuộc sống này thêm tươi đẹp hơn.

7. Trình bày suy nghĩ về cội nguồn của mỗi con người - Mẫu 7

Tục ngữ là một bộ phận trong kho tàng văn học dân gian, được xem là túi khôn của nhân loại, bời vì đó là những bài học trí tuệ sâu sắc của người xưa được đúc kết bằng những câu nói ngắn gọn, điển hình là câu tục ngữ: Uống nước nhớ nguồn. "Nguồn" là nơi xuất phát của dòng nước, mạch nước từ núi, từ rừng ra suối, ra sông rồi đổ ra biển cả mênh mông, không bao giờ cạn. "Nguồn" còn có thể hiểu là những người đã tạo ra thành quả về vật chất, tinh thần cho xã hội. Còn "uống nước" đó chính là sử dụng, đón nhận thành quả ấy. Câu tục ngữ nhằm khuyên nhủ chúng ta phải biết ơn những người đã tạo dựng thành quả cho mình trong cuộc sống. Thật vậy, trong cuộc sống, không có thành quả nào mà không có công lao của một ai đó tạo nên. Mặt khác, người tạo ra thành quả phải đổ mồ hôi công sức, thậm chí phải chịu phần mất mát hi sinh. Trong khi đó người thụ hưởng thì không bỏ ra công sức nào cả, vì lẽ đó chúng ta phải biết ơn họ. Đó là sự công bằng trong xã hội. Hơn nữa, lòng biết ơn sẽ giúp ta gắn bó với cha anh, với tập thể tạo ra một xã hội thân ái, kết đoàn. Cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao nêu truyền thống ấy được lưu giữ và xem trọng. Con người sống ân nghĩa sẽ được người khác quý trọng, được xã hội tôn vinh. Thật đáng chê trách cho những ai còn đi ngược lại với lẽ sống cao thượng ấy. Họ sống lạnh lùng, thờ ơ và vô ơn đối với những gì bản thân đang được hưởng, họ coi đó là những điều có sẵn, chỉ việc hưởng thụ. Lại có những người chạy theo lối sống phương Tây mà bỏ quên đi những truyền thống văn hóa dân tộc,… những người này đáng bị phê phán và chỉ trích. Qua việc sử dụng câu tục ngữ ngắn gọn, ngôn ngữ giản dị, hình ảnh cụ thể mà ý nghĩa thật vô cùng sâu sắc, người xưa đã khuyên nhủ thế hệ đi sau phải biết nhớ ơn những ai đã tạo dựng thành quả cho mình trong cuộc sống. Mặc dù trái qua bao thăng trầm của thời đại, ý nghĩa câu tục ngữ trên vẫn sống mãi với thời gian.

8. Trình bày suy nghĩ về cội nguồn của mỗi con người - Mẫu 8

Người Việt Nam ta từ xưa đến nay được biết đến với nhiều phẩm chất, đức tính tốt đẹp khác nhau, trong đó phải kể đến truyền thống uống nước nhớ nguồn, luôn nhớ về cội nguồn của mỗi con người.

Cội nguồn là nơi con người ta sinh ra, chôn rau cắt rốn, lớn lên cùng những kỉ niệm. Cội nguồn hiểu theo nghĩa rộng hơn chính là đất nước, là nơi dân tộc ta sinh sống từ bao đời với những nét văn hóa riêng biệt. Mỗi con người cần nhớ về cội nguồn, biết ơn những điều tốt đẹp mà thế hệ đi trước để lại, cố gắng vươn lên xây dựng một đất nước vững mạnh.

Người nhớ về cội nguồn luôn thể hiện sự biết ơn, trân trọng những thành tựu của thế hệ trước để lại bằng những tình cảm tốt đẹp nhất. Bên cạnh đó còn là việc chúng ta cố gắng học tập, lao động để có cuộc sống tốt đẹp và xây dựng đất nước phát triển văn minh hơn; gây dựng một tương lai tươi sáng cho thế hệ mai sau. Việc nhớ về cội nguồn khơi gợi lòng biết ơn trong mỗi con người và lan tỏa tình cảm đó ra cộng đồng; tạo nên những thông điệp tích cực và truyền thống biết ơn. Nó giúp cho con người trong đất nước thêm đoàn kết, gắn bó với nhau hơn góp phần xây dựng cho con người những đức tính quý báu.

Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người sống lạnh lùng, thờ ơ và vô ơn đối với những gì bản thân đang được hưởng, họ coi đó là những điều có sẵn, lại có những người chạy theo lối sống phương Tây mà bỏ quên đi những truyền thống văn hóa dân tộc,… những người này đáng bị phê phán và chỉ trích.

Là một con dân Việt Nam, mỗi chúng ta cần có trách nhiệm giữ gìn và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc đồng thời khắc ghi phẩm chất “Uống nước nhớ nguồn”.

9. Trình bày suy nghĩ về cội nguồn của mỗi con người - Mẫu 9

Gia đình từ xưa đến nay vẫn luôn được coi là “chiếc nôi” của trẻ thơ. Ở nơi ấy có đầy ắp tình thương và niềm tin trao gửi. Ở nơi ấy, đứa trẻ được lớn lên trong sự thương yêu đùm bọc, chở che. Một gia đình trong đó cha mẹ luôn thương yêu, chăm sóc và tôn trọng nhau sẽ để lại dấu ấn tuyệt đẹp trong đời sống tâm lý của trẻ.

Mỗi con người trong cuộc đời đều cần có nơi tìm về sau mỗi lần thất bại hay mỗi khi bị gục ngã để được chắp cánh thêm niềm tin, để tiếp tục sống và vươn lên - Nơi ấy là gia đình!

“Gia đình, gia đình, ôm ấp ta những ngày thơ…
Gia đình, gia đình, bên nhau khi đớn đau, bên nhau đến suốt đời…”

Lời bài hát như đưa ta trở về với tuổi thơ êm đềm. Con người ta lớn lên, đi học, đi làm rồi “quay cuồng” với cuộc sống bộn bề hay lãng quên đi bao điều. Nhưng, có một điều chẳng bao giờ đổi thay ấy là khi mệt mỏi hay lúc gặp phải khó khăn thì đều mong được tìm về một chốn bình yên. Nơi đó con người ta cảm thấy mình bé nhỏ được che chở và nâng niu trong vòng tay của những người thân yêu. Nơi ấy có một bờ vai vững chắc để ta khóc trước nỗi đau, có bàn tay của mẹ nắm lấy kéo ta ra khỏi tuyệt vọng và nơi ấy còn có cái vỗ vai của cha cùng lời động viên “gắng lên con”... Nơi ấy là gia đình.

Mới 6 giờ tối bé Tuấn đã sang nhà tôi chơi. Hỏi cháu ăn cơm chưa mà đi chơi thì cháu đáp “Mẹ cháu lại đi rồi, cháu với bố ăn mì tôm”. Câu nói của Tuấn không làm tôi ngạc nhiên bởi đây không phải lần đầu mẹ Tuấn bỏ đi như thế. Là lao động tự do, bố Tuấn - anh Lâm phải làm quần quật lo cho 4 miệng ăn. Còn chị Lan chỉ ở nhà lo cơm nước cho chồng, cho con. Thế nhưng, không hiểu chị bận gì mà nhà cửa, con cái chị chẳng mấy quan tâm. Lạ là cứ khi nào “khúc mắc” với chồng chị lại bỏ nhà đi vài ba bữa rồi... tự về. Bấy lâu ở cạnh nhà anh chị nhưng tôi không khi nào nghe được lời nói nhẹ nhàng của chị với chồng con. Hễ con cái làm trái ý là chị chửi. Lắm khi tức khí chị cầm gậy đuổi đánh con khắp xóm. Hai thằng con của anh chị đứa học cấp 2, đứa hết hè này vào lớp 4 không được quan tâm suốt ngày bêu nắng, lặn ngụp dưới ao, vẻ mặt lúc nào trông cũng rầu rầu.

Gia đình từ xưa đến nay vẫn luôn được coi là “chiếc nôi” của trẻ thơ. Ở nơi ấy có đầy ắp tình thương và niềm tin trao gửi. Ở nơi ấy, đứa trẻ được lớn lên trong sự thương yêu đùm bọc, chở che. Một gia đình trong đó cha mẹ luôn thương yêu, chăm sóc và tôn trọng nhau sẽ để lại dấu ấn tuyệt đẹp trong đời sống tâm lý của trẻ. Ngược lại, những mất mát trong đời sống gia đình sẽ làm cho trẻ bị tổn thương và ảnh hưởng xấu đến nhân cách của trẻ. Ví như, với cuộc sống của anh em Tuấn trong câu chuyện kể trên liệu có ai dám bảo đảm rằng sau này hai đứa trẻ sẽ không trở thành “gánh nặng” cho xã hội? Ðã có rất nhiều tội lỗi con trẻ gây nên mà nguyên nhân chính là từ gia đình không trọn vẹn. Báo chí phản ánh nhiều những tội phạm ở tuổi vị thành niên, thế nhưng ít ai hiểu sâu xa nguyên nhân khiến các em trở thành như thế.

Còn nhớ một học sinh đã nói trong nước mắt khi được đưa vào trung tâm giáo dưỡng: “Con đã rất buồn và xấu hổ với bạn bè vì cha mẹ con suốt ngày đánh chửi nhau, thậm chí chẳng thèm quan tâm xem con ăn ngủ như thế nào...”. Nước mắt của em hẳn làm nhiều người xót xa và không khỏi suy nghĩ về vai trò của các thành viên trong gia đình đối với con trẻ. Ðối với những đứa trẻ đó, sẽ chẳng còn đâu hình ảnh “Lung linh lung linh tình mẹ tình cha. Lung linh lung linh cùng một mái nhà. Lung linh lung linh cùng buồn cùng vui..”. Người lớn vẫn nghĩ rằng trẻ con thì biết gì, họ đâu biết rằng chỉ cần cha mẹ biểu hiện lạnh nhạt trong những bữa cơm hay trong nhà thiếu vắng những tiếng cười đùa, những lời yêu thương là con trẻ đã cảm nhận được nỗi buồn và nhân cách trẻ cũng vì thế mà sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực.

Mặt khác, hiện nay có thể thấy sự gần gũi giữa các thành viên gia đình đang bị giảm sút do cha mẹ mải lo làm ăn ít có thời gian quan tâm đến con trẻ hoặc có quan tâm thì thái quá và không hiểu trẻ cần gì. Nhiều trẻ em nói rằng, cha mẹ mải lo toan vật chất cho chúng mà quên đi rằng chúng còn có những nhu cầu rất quan trọng khác nữa như nhu cầu vui chơi giải trí, phát triển năng khiếu, quyền được tiếp cận các thông tin thích hợp và tham gia các hoạt động xã. Trẻ em còn đánh giá cha mẹ không hiểu chúng và vì thế mà họ áp đặt trẻ theo suy nghĩa của mình, thiếu tôn trọng ý kiến của trẻ. Giữa bố mẹ và con cái dường như không có sự trao đổi, tâm sự. Mọi việc con cái làm nếu trái ý bố mẹ thì bị cho là “vô lễ”. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng thiếu sự hiểu biết lẫn nhau, điều này khiến trẻ cảm thấy chán nản, bi quan, thấy rằng gia đình không phải là chiếc nôi êm đềm hạnh phúc như mình mong muốn và hậu quả là trẻ dễ bị sa vào con đường tội lỗi. Ðời sống ngày càng được cải thiện, việc chăm sóc trẻ em vì thế ngày càng có điều kiện thuận lợi hơn. Thế nhưng, việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong tình hình mới lại nảy sinh nhiều khó khăn, phức tạp. Do vậy, bên cạnh các đoàn thể chính trị - xã hội, nhà trường có trách nhiệm chăm lo, giáo dục trẻ em thì gia đình phải thực sự đóng vai trò chủ động tích cực nhất và có trách nhiệm cao nhất.

Mỗi con người trong cuộc đời đều cần có nơi tìm về sau mỗi lần thất bại hay mỗi khi bị gục ngã để được chắp cánh thêm niềm tin, để tiếp tục sống và vươn lên. Nơi ấy là gia đình, là những người thân yêu. “Gia đình, gia đình. Ôm ấp những ngày thơ. Cho ta bao kỷ niệm thương mến”. Ơi gia đình mến thương, hãy thực sự là chiếc nôi hạnh phúc để “Vương vấn bước chân ta đi. Ấm áp trái tim quay về”, để nâng đỡ con trẻ vượt qua khó khăn, thử thách trên mỗi chặng đường đời.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
65
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 9 Sách mới

    Xem thêm