Kể chuyện về lòng trung thực lớp 4 Ngắn gọn
Kể chuyện về lòng trung thực lớp 4 Ngắn gọn
Kể chuyện về lòng trung thực Ngắn gọn - Mẫu 1
Lòng trung thực là một phẩm chất quan trọng và đáng quý của con người. Chính vì vậy mà nhà vua trong câu chuyện “Những hạt thóc giống” đã đưa ra thử thách về lòng trung thực để tìm kiếm người thừa kế ngai vàng của mình.
Trong câu chuyện “Những hạt thóc giống”, nhà vua đã lớn tuổi nhưng vẫn không có con nối dõi, nên đã quyết định tìm kiếm một người thật xứng đáng để nối ngôi. Ông cho triệu tập tất cả những người dân lại và tuyên bố rằng mình sẽ thử thách họ bằng việc trồng lúa từ số hạt giống mà ông phát cho. Sau một năm gieo trồng, chăm sóc, ai mang về được nhiều thóc lúa nhất thì sẽ là người nối ngôi vua. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới đó mà ngày hẹn đã đến. Trong dòng người nườm nượp chở thóc lúa đến gặp nhà vua, chỉ có một cậu bé đến tay không - đó chính là Chôm, nhân vật chính trong câu chuyện. Dù đã thử mọi cách, cậu bé vẫn không thể tự trồng được lúa từ hạt giống vua ban cho, nên cuối cùng cậu đành chấp nhận đến nhận phạt. Nhưng không ngờ, khi cậu thú nhận với nhà vua, không những ông không trách phạt, mà còn âu yếm xoa đầu cậu. Thì ra, nhà vua đã luộc toàn bộ số thóc trước khi phát, nhằm thử thách lòng trung thực của mọi người. Và ở đây, chỉ có một mình Chôm vượt qua thử thách này. Cậu đã không bị ngai vàng làm mờ mắt, vẫn giữ sự trung thực của bản thân, dám nói ra sự thật. Vì vậy mà nhà vua quyết định chọn Chôm làm người thừa kế ngai vàng. Sau này, Chôm đã trở thành một vị vua tốt, được nhân dân kính yêu.
Từ câu chuyện của cậu bé Chôm, em học được bài học ý nghĩa về lòng trung thực trong cuộc sống. Rằng nếu muốn được mọi người tôn trọng và yêu mến, chúng ta cần sống trung thực, không nên gian dối vì những lợi ích trước mắt.
Kể chuyện về lòng trung thực Ngắn gọn - Mẫu 2
Tô Hiến Thành là một nhân vật lịch sử vô cùng nổi tiếng về lòng trung thực. Câu chuyện “Một người chính trực” chính là câu chuyện nói về phẩm chất cao quý ấy của của ông.
Theo chuyện kể, năm đó khi vua Lý Anh Tông qua đời đã để lại di chiếu yêu cầu Tô Hiến Thành phò tá Thái tử Long Càn lên ngôi vua. Tuy nhiên mẹ của hoàng tử Long Xưởng là Chiêu Linh thái hậu đã đem rất nhiều vàng bạc, châu báu đến hối lộ Tô Hiến Thành, nhằm mong muốn ông thay đổi khẩu dụ. Tuy nhiên, Tô Hiến Thành hoàn toàn không lung lay, vẫn nhất quyết làm theo lời vua dặn dò.
Bốn năm sau đó, Tô Hiến Thành lâm bệnh nặng. Hằng ngày có một viên quan là Vũ Tán Đường ngày ngày ra vào chăm sóc ông chu đáo. Còn Trần Trung Tá thì do bận việc triều chính nên ít đến thăm nom. Tuy nhiên dù như vậy, thì khi Đỗ thái hậu hỏi về người sẽ thay thế cho Tô Hiến Thành sau khi ông mất, thì ông lại tiến cử Trần Trung Tá. Bởi với ông, người tài giỏi hơn, có thể giúp nước giúp dân mới xứng đáng với vị trí đó. Chứ không phải là một người giỏi chăm sóc người bệnh.
Qua hai mẩu chuyện đó, em rất hiểu và khâm phục tấm gương trung thực, thẳng thắn của Tô Hiến Thành. Ông chính là tấm gương sáng cho con cháu đời sau học tập và noi gương.
Kể chuyện về lòng trung thực Ngắn gọn - Mẫu 3
Một câu chuyện mà em rất thích về đức tính trung thực chính là câu chuyện Ba chiếc rìu của thần sông.
Truyện kể về một người tiều phu có hoàn cảnh gia đình nghèo khó. Hằng ngày, anh phải lên rừng kiếm củi từ sớm đến tối mịt. Vất vả là thế nhưng cuộc sống của anh lại chẳng tốt hơn là bao. Một hôm, khi anh đang đốn củi ở cạnh bờ sông, thì lưỡi rìu tuột mất, rơi xuống nước. Nước sông khá sâu, anh lại chẳng biết bơi nên loay hoay mãi vẫn chưa tìm được cách lấy lại lưỡi rìu. Bỗng từ dưới sông, một cụ già râu tóc bạc phơ hiện lên, tự giới thiệu là thần sông. Thần giơ lên một lưỡi rìu vàng và hỏi anh có phải do anh đánh rơi không, anh liền lắc đầu. Lần thứ hai thần lại giơ lên một lưỡi rìu bạc và hỏi lại câu hỏi cũ, lần này anh vẫn lắc đầu. lần thứ ba, thần đưa ra một lưỡi rìu bằng sắt cũ kĩ thì anh tiều phu mới gật đầu nhận lấy.
Sự trung thực và ngay thẳng ấy của anh khiến ông tiên rất hài lòng, bèn tặng cho anh cả lưỡi rìu bạc và lưỡi rìu vàng. Nhờ đó, cuộc sống của anh trở nên giàu có và ổn định hơn trước. Qua đó, em rút ra được bài về ý nghĩa của lòng trung thực trong cuộc sống này.
>> Tham khảo thêm: Kể lại một câu chuyện về lòng trung thực