Kể chuyện về lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu Ngắn nhất lớp 4
Kể về lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu lớp 4 Ngắn nhất
- Kể chuyện về lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu Ngắn nhất - Mẫu 1
- Kể chuyện về lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu Ngắn nhất - Mẫu 2
- Kể chuyện về lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu Ngắn nhất - Mẫu 3
- Kể chuyện về lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu Ngắn nhất - Mẫu 4
- Kể về lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu Hay nhất
Bản quyền thuộc về VnDoc
Nghiêm cấm sao chép dưới mọi hình thức!
Đề bài: Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe nói về lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu
Kể chuyện về lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu Ngắn nhất - Mẫu 1
“Sự tích hồ Ba Bể” là một câu chuyện hay và ý nghĩa nói về lòng nhân hậu. Câu chuyện này em đã được nghe kể từ lúc còn nhỏ, nhưng đến nay vẫn còn nhớ như in những tình tiết của nó.
Câu chuyện diễn ra tại một ngọn núi lớn, vào lúc nơi đây diễn ra lễ hội Phật Đản, quy tụ rất nhiều khách từ khắp các nơi về dâng hương, lễ Phật. Trong dòng người đó, xuất hiện một bà cụ nghèo khổ, rách rưới, bẩn thỉu đi xin ăn, nhưng chẳng ai để ý đến bà cả. Duy chỉ có hai mẹ con ở góa đã đón bà cụ về nhà. Họ giúp bà tắm rửa sạch sẽ, nấu cơm cho bà ăn, rồi để bà ngủ ở chỗ sạch đẹp nhất trong nhà. Đêm đến, khi hai mẹ con đang ngủ, thì nghe thấy tiếng ngáy to và rền như tiếng sấm. Lấy làm lạ, họ thức dậy kiểm tra thì thấy ở vị trí bà cụ nằm, xuất hiện một con giao long rất lớn đang ngủ say, gác đầu lên xà nhà. Quá sợ hãi, hai mẹ con trở về góc nhà tiếp tục nằm ngủ yên, không dám cựa quậy. Sáng hôm sau khi họ thức dậy, giao long đã trở về hình dáng bà cụ. Trước lúc rời đi, bà cụ đưa cho hai mẹ con một nắm tro, dặn rải xung quanh nhà, cùng với đó là hai mảnh trấu nhỏ cần phải luôn mang theo bên mình. Sau khi bà cụ rời đi, trời bỗng kéo mây đen, rồi đổ mưa lớn. Cơn mưa khiến nước sông dâng cao, tạo thành cơn lũ quét qua khu vực tổ chức lễ Phật Đản. Khắp nơi đều chìm hết trong biển nước, chỉ có ngôi nhà của hai mẹ con ở góa là vẫn bình an vô sự. Hai mảnh trấu mà họ mang theo người cũng biến thành con thuyền khổng lồ khi gặp nước. Con thuyền đó chẳng sóng nước nào có thể quật ngã. Nên hai mẹ con ở góa đã liều mình chèo thuyền ra cứu mọi người. Nhờ lòng tốt của hai mẹ con, mà mọi người ở lễ hội đều bình an vô sự.
Tấm lòng nhân hậu đó của hai mẹ con ở góa trong câu chuyện khiến em rất xúc động và trân quý.
Kể chuyện về lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu Ngắn nhất - Mẫu 2
“Ba lưỡi rìu” là câu chuyện hay nhất về tấm lòng trung thực mà em biết.
Nhân vật chính trong câu chuyện này là một anh chàng tiều phu có hoàn cảnh nghèo khó. Gia tài của anh chỉ duy nhất có một lưỡi rìu đã cũ mà cha để lại. Một ngày nọ, khi đang đốn củi bên bờ sông, thì bất ngờ lưỡi rìu của anh văng ra và rơi xuống nước. Dòng nước chảy xiết và sâu không thấy đáy khiến anh sợ hãi không dám nhảy xuống. Đúng lúc anh đang hoang mang, thì một ông lão râu tóc bạc phơ bỗng xuất hiện từ giữa dòng sông, hứa với anh sẽ thay anh tìm lại lưỡi rìu. Và rồi, ông biến mất trong dòng nước. Sau đó ít phút ông lại xuất hiện với một lưỡi rìu bằng vàng. Với tấm lòng trung thực, anh tiều phu lắc đầu bảo rằng đó không phải lưỡi rìu của mình. Nghe vậy, ông lão lại biến mất và xuất hiện lần thứ hai với một lưỡi rìu bằng bạc. Cũng như lần trước, anh tiều phu lại lắc đầu từ chối. Đến lần thứ ba, ông lão cầm lên một lưỡi rìu bằng sắt đã cũ cho anh tiều phu xem. Lần này anh liền mừng rỡ đứng dậy, đón lấy lưỡi rìu từ tay ông và cảm ơn ông rối rít. Thấy thế, ông lão mỉm cười hiền từ, biến ra hai lưỡi rìu vàng và bạc đưa cho anh. Ông nói đó là phần thưởng cho người trung thực, không tham lam. Khi anh tiều phu định từ chối, thì ông đã lặn xuống nước và biến mất.
Câu chuyện “Ba lưỡi rìu” đã đem đến một nhân vật tuy có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn giữ lòng trung thực, không bị cám dỗ bởi vàng bạc. Anh ấy là tấm gương sáng cho chúng em noi theo.
Kể chuyện về lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu Ngắn nhất - Mẫu 3
Trung thực là một phẩm chất vô cùng đáng quý của con người. Đất nước Việt Nam ta có rất nhiều danh nhân nổi tiếng với phẩm chất này. Tiêu biểu nhất có lẽ là Tô Hiến Thành - người được nhắc đến trong câu chuyện Một người chính trực.
Câu chuyện Một người chính trực gồm hai mẩu chuyện nhỏ về Tô Hiến Thành. Mẩu chuyện thứ nhất, kể về chuyện Tô Hiến Thành được vua Lý Anh Tông giao cho quyền phò tá Thái tử Long Càn lên ngôi vua sau khi ông mất. Dù bị mẹ của hoàng tử Long Xưởng hối lộ nhiều vàng bạc của cải, Tô Hiến Thành vẫn nhất quyết làm theo đúng khẩu dụ của nhà vua.
Mẩu chuyện thứ hai kể về những năm cuối đời của Tô Hiến Thành. Lúc đó ông lâm bệnh nặng, sắp không qua khỏi. Ông có hai phụ tá là Vũ Tán Đường và Trần Trung Tá. Thời gian đó, Vũ Tán Đường dành thời gian ngày đêm chăm sóc ông, còn Trần Trung Tá thì lại bận rộn việc triều chính nên ít khi chăm nom. Dù vậy, khi được hỏi về người kế nhiệm mình, Tô Hiến Thành vẫn đề bạt Trần Trung Tá. Bởi ông chọn người giỏi việc nước chứ không để tình cảm cá nhân làm lung lạc sự thật.
Chỉ qua hai mẩu chuyện đó, phẩm chất trung thực của Tô Hiến Thành đã được chứng minh. Nhờ vậy, mà người đời và con cháu đời sau luôn xem ông là tấm gương sáng để noi theo.
Kể chuyện về lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu Ngắn nhất - Mẫu 4
Trong một lần đọc sách ở thư viện, em đã tìm thấy một câu chuyện rất hay về lòng trung thực. Đó là câu chuyện Những hạt thóc giống.
Câu chuyện lấy bối cảnh ở một đất nước thái bình, sung túc. Nhà vua đang cai trị của vương quốc này là một người nhân hậu và yêu thương con dân. Tuy nhiên, khi đã về già, ông lại không có con cháu để nhường ngôi, nên đã quyết định tìm một người có đức trong vương quốc để nhường ngôi. Sau nhiều lần suy nghĩ, ông đã quyết định ra một bài toán khó để thử thách người dân. Nhà vua triệu tập toàn bộ dân chúng và thông báo rằng: “Ta sẽ phân phát cho các ngươi mỗi người một túi thóc. Các ngươi hãy đem về để gieo trồng, chăm sóc. Sau một năm, ai thu hoạch được nhiều lúa gạo nhất, ta sẽ nhường ngôi cho”. Đúng một năm sau, khi đến ngày hẹn, người dân từ khắp nơi nô nức chở lúa gạo đến từng xe lớn, chỉ riêng một cậu bé mồ côi đi đến gặp nhà vua bằng tay không. Khi được hỏi lý do, cậu bé đáp: “Dạ thưa ngài, toàn bộ số thóc đó con đã chăm sóc rất cẩn thận, nhưng tất cả đều không thể nảy mầm ạ”. Vừa đáp, cậu bé vừa run sợ quỳ xuống, nhưng nhà vua lại đỡ cậu dậy và bật cười hiền lành. Ông tuyên bố sẽ nhường ngôi cho cậu bé ấy trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Lúc này, nhà vua mới giải thích lý do. Thì ra, toàn bộ số thóc được phát từ năm ngoái đều đã được luộc chín, nên việc nảy mầm là điều không thể. Toàn vương quốc, chỉ có cậu bé này là người trung thực, dám dũng cảm nói ra sự thật. Nên cậu bé ấy xứng đáng với ngôi vị cao nhất.
Kết thúc câu chuyện, cậu bé mồ côi năm nào trở thành một vị vua hiền lành, đức độ. Còn em thì nhận được một bài học ý nghĩa về sự trung thực trong cuộc sống chính nhờ câu chuyện này.
Kể về lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu Hay nhất
>> HS tham khảo các bài văn mẫu hay tuyển chọn tại đây Kể lại một câu chuyện về lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu lớp 4