Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề cương ôn tập học kì 1 môn Lịch sử 10 Chân trời sáng tạo

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Đề cương ôn tập học kì 1 môn Lịch sử 10 Chân trời sáng tạo. Mời các bạn cùng theo dõi chi tiết bài viết dưới đây nhé.

I. Nội dung ôn tập học kì 1 môn Lịch sử 10

Chủ đề

Nội dung

Kiến thức cần nhớ

1. Lịch sử và sử học, vai trò của sử học

Hiện thực lịch sử và nhận thức lịch sử

Hiện thực lịch sử:

- Lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ gắn với con người và xã hội loài người.

- Hiện thực lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ, tồn tại một cách khách quan, độc lập, ngoài ý muốn của con người.

- Con người có khả năng nhận thức hiện thực khách quan, vì vậy lịch sử còn là hiện thực khách quan có thể nhận thức được.

Nhận thức lịch sử:

- Nhận thức lịch sử là những hiểu biết của con người về hiện thực lịch sử, được trình bày, tái hiện theo nhiều cách khác nhau.

- Có nhiều nhận thức khác nhau về hiện thực lịch sử.

- Sử học là khoa học nghiên cứu lịch sử của xã hội loài người nói chung hoặc của một quốc gia, dân tộc, địa phương, con người nói riêng.

Tri thức lịch sử và cuộc sống

Vai trò:

- Tri thức lịch sử là những hiểu biết của con người về các lĩnh vực liên quan đến lịch sử, hình thành qua quá trình học tập, khám phá, nghiên cứu và trải nghiệm, có ý nghĩa quan trọng không chỉ với cá nhân mà cả xã hội.

Ý nghĩa:

- Tri thức lịch sử luôn để lại cho đời sau những bài học kinh nghiệm quý giá. Tìm hiểu, đúc rút và vận dụng những bài học lịch sử là nhu cầu của mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội trong quá trình phát triển.

Sử học với các lĩnh vực khoa học khác

- Sử học và các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác đều lấy xã hội loài người làm đối tượng nghiên cứu, nhưng mỗi khoa học chỉ nghiên cứu một lĩnh vực nhất định. Trong quá trình hình thành và phát triển, Sử học với các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác luôn thể hiện mối liên hệ mật thiết với nhau.

- Sử học cung cấp thông tin cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác về bối cảnh hình thành, phát triển; xác định rõ những nhân tố (chủ quan và khách quan) tác động đến quá trình hình thành, phát triển; dự báo xu hướng vận động phát triển cho các ngành khoa học này.

- Các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác có thể hỗ trợ khoa học lịch sử trên các phương diện tri thức, kết quả nghiên cứu,... thành tựu của mỗi ngành khoa học xã hội và nhân văn khác tạo điều kiện, phương tiện, phương pháp,... giúp cho khoa học lịch sử đạt kết quả tốt hơn.

Sử học với một số lĩnh vực, ngành nghề hiện đại

- Sử học nghiên cứu, phục dựng lại bức tranh hiện thực lịch sử, xác định giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học cần được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

- Kết quả nghiên cứu của Sử học khẳng định giá trị của các di sản văn hoá, là cơ sở để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của các di sản đó.

Vai trò của Sử học đối với một số ngành, nghề trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá:

- Sử học cung cấp chất liệu cốt lõi, tri thức, ý tưởng và cảm hứng cho một số ngành nghề trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá.

- Sử học góp phần thúc đẩy sáng tạo những sản phẩm có giá trị của công nghiệp văn hóa.

2. Một số nền văn minh thế giới thời kì cổ- trung đại.

Khái quát lịch sử văn minh thế giới cổ- trung đại

Văn hoá:

+ Là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử.

+ Văn hoá đặc trưng cho bản sắc riêng của một cộng đồng người của một dân tộc; để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác.

- Văn minh:

+ Là trạng thái tiến hoá, phát triển cao của nền văn hoá và đối lập với nó là dã man, nguyên thuỷ.

+ Khi loài người xuất hiện và biết chế tạo công cụ lao động bằng đá, họ đã sáng tạo ra văn hoá. Đến thời đại đồ kim khí, Nhà nước và chữ viết ra đời, nhân loại bước vào thời kì văn minh.

- Từ thời nguyên thuỷ, con người đã sáng tạo ra những giá trị văn hoá. Đến thiên niên kỉ thứ IV TCN, nhân loại bước vào thời kì văn minh đầu tiên với trung tâm chính ở khu vực Đông Bắc châu Phi và Tây Á.

Văn minh Ai Cập cổ đại

- Ai Cập cổ đại nằm ở đông bắc châu Phi.

- Địa hình:

+ Chia làm hai khu vực: cao nguyên Thượng Ai Cập ở phía nam và đồng bằng Hạ Ai Cập ở phía bắc.

+ 90% diện tích là sa mạc

+ Có nhiều khoáng sản như đá quý, vàng, đồng,…

- Sông Nin có phần chảy qua lãnh thổ Ai Cập cổ đại, nước dâng lên đem theo lượng phù sa màu mỡ bồi đắp cho đồng bằng dọc hai bên bờ sông, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp.

- Thiên niên kỉ IV TCN, do nhu cầu trị thuỷ, làm thuỷ lợi, nhà nước Ai Cập cổ đại ra đời để tổ chức sản xuất và quản lí xã hội.

- Ban đầu, Ai Cập gồm hai vương quốc cổ là Thượng Ai Cập và Hạ Ai Cập, sau đó được thống nhất.

Thành tựu văn hóa:

- Sùng bái tự nhiên, thờ cúng nhiều thần linh: thần có hình bò, sư tử, khỉ, cá sấu; thần A-mun (vua của các vị thần), thần Ra (thần Mặt Trời), thần Ô-si-dít (thần cai quản cõi chết và tái sinh),...

Tính thời gian bằng đồng hồ đo bóng Mặt Trời, đồng hồ nước.

- Vẽ bản đồ 12 cung hoàng đạo, biết các ngôi sao như Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ.

- Giỏi về Số học và Hình học.

- Phát minh hệ đếm thập phân, sáng tạo chữ số, giải phương trình bậc nhất.

- Tính được diện tích, thể tích của một số hình cơ bản, tính ra số pi = 3,1416,…

Văn minh Trung Hoa cổ- trung đại

- Từ thời nguyên thuỷ, các bộ lạc sớm đến cư trú trên lưu vực Hoàng Hà, hình thành tộc Hoa Hạ. Họ mở rộng lãnh thổ về phía nam, đồng hoá các cư dân bản địa. - Sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, cộng đồng dân cư Hoa Hạ phát triển, dần thành một dân tộc ổn định vào thời Hán, gọi là Hán tộc, giữ vai trò chủ thể trong quá trình phát triển văn minh Trung Hoa.

- Kinh tế nông nghiệp phát triển; các ngành nghề thủ công như làm gốm, đúc đồng, luyện sắt, dệt vải, đóng thuyền, làm giấy,... sớm phát triển, trình độ thẩm mĩ và kĩ thuật chế tác cao.

- Thương nghiệp phát triển, trao đổi, buôn bán trong nước và nước ngoài mở rộng. Từ thời Hán, hoạt động ngoại thương của Trung Quốc phát triển mạnh mẽ thông qua con đường Tơ lụa.

Văn minh Ấn Độ cổ - trung đại

- Ấn Độ là một bán đảo rộng lớn nằm ở Nam Á, ba một giáp biển, thuận lợi cho giao thương và giao lưu văn hoá.

- Khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều vùng khô nóng nhưng cũng có vùng ẩm mát.

- Phía bắc là khu vực đồi núi, có dãy Hi-ma-lay-a, nơi khởi nguồn của những con sông lớn.

- Đồng bằng hạ lưu có thung lũng sông Ấn và lưu vực sông Hằng - nơi phát tích của những trung tâm văn minh.

- Khu vực phía nam có cao nguyên Đề-can, được xem là vùng đất cổ xưa nhất, tạo dựng nên những giá trị văn minh riêng biệt của các dân tộc Đra-vi-đa.

- Cư dân bản địa sinh sống trên lưu vực sông Ấn

- Thiên niên kỉ III TCN, Ấn Độ đã hình thành nhà nước, có trung tâm đô thị và thành luỹ kiên cố (Mô-hen-giô Đa-rô và Ha-ráp-pa).

- Từ giữa thiên niên kỉ II đến giữa thiên niên kỉ I TCN: thời kì văn minh sông Hằng của người A-ri-a, còn gọi là thời kì Vê-đa.

- Khoảng thế kỉ VI TCN đến thế kỉ IV: các quốc gia cổ đại và các vương triều được thành lập.

- Từ thế kỉ IV: chế độ phong kiến xác lập và phát triển thịnh đạt ở giai đoạn vương triều Hồi giáo Mô-gôn.

-Về sau, chữ Hin-đi được sáng tạo và trở thành chữ viết chính thức hiện nay của Ấn Độ.

- Kiến trúc Phật giáo với đặc trưng là tháp, chùa, trụ đá,... Tiêu biểu: tháp San-chi, chùa hang A-gian-ta, các trụ đá thời A-sô-ca.

Văn minh Hy Lạp- La Mã cổ đại

Hy Lạp và La Mã cổ đại là các quốc gia thuộc khu vực Địa Trung Hải, lãnh thổ ba mặt giáp biển, với nhiều đảo lớn nhỏ. Đường bờ biển có nhiều vũng, vịnh, tạo thành nhiều hải cảng thuận tiện cho tàu bè đi lại, kết nối giao thương.

- Cư dân Hy Lạp cổ đại:

+ Gồm bốn tộc người chính: Ê-ô-li-an, I-ô-ni-an, A-kê-an và Đô-ri-an.

+ Đến khoảng thế kỉ VIII - VII TCN, cư dân Hy Lạp mới gọi mình là Hê-len và gọi đất nước mình là Hy Lạp.

- Bán đảo I-ta-li-a thời cổ đại có nhiều tộc người.

+ Những cư dân có mặt sớm nhất là người Li-gua, sau đó là người I-ta-li-ốt và một nhánh sống ở đồng bằng La-ti-um được gọi là người La-tinh.

Ý nghĩa:

- Nền văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại được tạo dựng từ sức sáng tạo phi thường của cư dân Địa Trung Hải trên cơ sở tiếp biến những giá trị tiêu biểu của văn minh phương Đông.

- Những thành tựu văn minh Hy Lạp - La Mã có tính hiện thực cao, mang tính nhân bản, là cơ sở của văn hoá châu Âu về sau. Nhiều di sản của nền văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

Văn minh Tây Âu thời Phục hưng

- Ở Tây Âu thời hậu kì trung đại, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dần hình thành. Sự ra đời và phát triển của thành thị thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế hàng hoá, mở rộng thị trường.

- Phong trào Văn hoá Phục hưng bùng nổ là kết quả của sự vận động thay đổi về nhiều mặt trong xã hội Tây Âu.

- Phong trào Văn hoá Phục hưng khởi đầu ở I-ta-li-a vào thế kỉ XIV, sau đó lan rộng ra các nước khác ở Tây Âu cho đến cuối thế kỉ XVI.

Ý nghĩa:

- Phong trào Văn hoá Phục hưng kế thừa và phát huy những giá trị nhân bản của các nền văn minh đi trước, đặt nền tảng về văn hoá tinh thần, góp phần biến đổi xã hội, chuẩn bị cho thời kì xác lập và phát triển của chủ nghĩa tư bản thời cận - hiện đại.

- Di sản văn hoá Phục hưng góp thêm vào kho tàng di sản văn minh nhân loại những giá trị to lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là triết học, văn học, nghệ thuật và khoa học tự nhiên, tạo nên bản sắc văn hoá châu Âu đương đại.

II. Câu hỏi ôn tập cuối kì 1 Lịch sử 10

Câu 1: Em hãy nêu khái niệm Sử học?

Bài làm

Sử học là khoa học nghiên cứu lịch sử của xã hội loài người nói chung hoặc của một quốc gia, dân tộc, địa phương, con người nói riêng.

Câu 2: Theo em, quá khứ có mối quan hệ như thế nào với hiện tại và tương lai? Những bài học kinh nghiệm trong lịch sử có giá trị như thế nào?

Bài làm

- Quá khứ, hiện tại và tương lai có mối quan hệ mật thiết với nhau.

- Giá trị của những bài học kinh nghiệm trong lịch sử:

+ Là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước, là niềm tự hào và là điểm tựa cho lòng tin vào sức mạnh dân tộc.

+ Giúp con người khám phá và tiếp cận với nhiều nền văn hóa, văn minh của nhân loại. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ lịch sử giúp mỗi quốc gia, dân tộc tự nhận thức chính mình.

+ Giúp học sinh hiểu rõ quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, hình thành tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc, có hiểu biết về lịch sử thế giới, văn hóa nhân loại, là cơ sở để học hỏi, giao lưu, hội nhập quốc tế.

+ Học tập lịch sử giúp hiểu rõ quá khứ, là cơ sở để nhận thức hiện tại và tương lai.

Câu 3: Các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ có vai trò như thế nào đối với Sử học?

Bài làm

Vai trò của các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ đối với Sử học:

- Sử học thực hiện chức năng, nhiệm vụ xã hội của mình thông qua việc làm sáng tỏ quá trình phát sinh, phát triển và những tác động, hệ quả, ý nghĩa của các khoa học trong sự tiến bộ của văn minh nhân loại.

- Cung cấp tri thức, kĩ thuật và phương pháp tiếp cận mang tính liên ngành cho Sử học để nghiên cứu về con người và xã hội loài người.

- Giúp nhận ra được sự sáng tạo của con người trong quá trình vận động phát triển.

Câu 4: Hãy cho biết vai trò của Sử học đối với lĩnh vực công nghiệp hóa?

Bài làm

Vai trò của Sử học đối với lĩnh vực công nghiệp hóa:

- Cung cấp chất chiệu cốt lõi, tri thức, ý tưởng và cảm hứng cho một số ngành nghề trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

- Góp phần thúc đẩy sáng tạo những sản phẩm có giá trị của công nghiệp văn hóa.

Câu 5: Vì sao chữ viết là thành tựu tiêu biểu và sớm nhất của văn minh nhân loại?

Bài làm

Chữ viết là thành tựu tiêu biểu và sớm nhất của văn minh nhân loại vì:

+ Các nhà sử học phân định rạch ròi thời tiền sử và thời lịch sử -> thời lịch sử bắt đầu kể từ khi có các nguồn ghi chép đáng tin cậy.

+ Sự xuất hiện của chữ viết là một trong những tiêu chí đánh dấu con người bước vào thời kì văn minh.

+ Chữ viết ra đời là thành tựu có ý nghĩa lớn nhất của văn minh phương Đông để lại cho lịch sử nhân loại. => Việc ghi chép lại lịch sử được tiến hành dễ dàng hơn, thế hệ sau có thể hiểu hơn về lịch sử thế giới cổ đại.

Câu 6: Theo em, tại sao người Ai Cập lại rất giỏi về khoa học tự nhiên và kĩ thuật?

Bài làm

Người Ai Cập lại rất giỏi về KHTN và kĩ thuật vì:

- Hằng năm, việc nước sông Nin dâng cao khiến ranh giới giữa các thửa ruộng bị xoá nhoà => mỗi khi nước rút, người Ai Cập cổ đại phải tiến hành đo đạc lại diện tích nên người Ai Cập giỏi toán học.

- Sùng bái tín ngưỡng, kỹ thuật ướp xác phát triển nên y học phát triển.

- Chinh phục sông Nin nên lịch pháp phát triển.

Câu 7: Điều kiện chính trị xã hội ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành nền văn minh Trung Hoa cổ - trung đại?

Bài làm

Ảnh hưởng của điều kiện chính trị xã hội đến sự hình thành nền văn minh Trung Hoa cổ - trung đại:

+ Khoảng TK XXI TCN, cư dân ở lưu vực sông Hoàng Hà bước vào thời kì tan rã của chế độ công xã nguyên thủy. => Hình thành xã hội có phân hóa giai cấp và nhà nước.

+ Trải qua các triều đại Hạ, Thương, Chu, tổ chức bộ máy nhà nước được từng bước xây dựng và phát triển theo mô hình quân chủ chuyên chế. Từ thời Chu, do chế độ phân phong cho tôn thất và công thần, trên lãnh thổ Trung Quốc hình thành rất nhiều nước nhỏ (chư hầu của nhà Chu). Năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng đánh bại 6 nước, thống nhất Trung Quốc. Thiết chế nhà nước quân chủ chuyên chế tiếp tục được xây dựng và củng cố qua các triều đại từ Tần cho đến Minh, Thanh.

+ Thời Hạ, Thương, Chu, cơ cấu xã hội Trung Quốc bao gồm vua, quý tộc, nông dân, thợ thủ công, thương nhân và nô lệ. Từ thời Tần trở đi, xã hội Trung Quốc bao gồm vua quan, địa chủ, nông dân, thợ thủ công, thương nhân. Trong đó, nông dân là giai cấp đông đảo nhất, giữ vai trò quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp.

Câu 8: Theo em, điều gì làm nên sự đa dạng về tộc người ở Ấn Độ?

Bài làm

Điều làm nên sự đa dạng về tộc người ở Ấn Độ:

+ Cư dân bản địa của Ấn Độ cổ đại sinh sống trên lưu vực sông Ấn. Khoảng từ TNK III đến TNK II TCN, họ đã xây dựng nền văn minh đầu tiên với dấu tích được khai quật ở Mô-hen-giô Đa-rô và Ha-ráp-pa. Họ được gọi là người Ha-ráp-pan.

Khoảng giữa TNK II TCN, người A-ri-a gốc từ I-ran xâm nhập, chinh phục và làm chủ vùng Bắc Ấn. Phía Nam Ấn Độ chủ yếu là tộc người Đra-vi-đi-an.

+ Trong các thời kì sau, người Hy Lạp, Hung Nô, A Rập,....cũng đến Ấ Độ cư trú, tạo nên quá trình hỗn chủng và sự đa đạng về tộc người.

Câu 9: Theo em, sự phát triển kinh tế sẽ tạo ra những cơ sở gì để phát triển văn minh Hy Lạp - La Mã?

Bài làm

Sự phát triển kinh tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn minh Hy Lạp - La Mã:

+ Hoạt động giao thương buôn bán tạo cơ sở để Hy Lạp La Mã tiếp xúc với các nền văn minh trên thế giới.

+ Các cảng thị trở thành nơi tập trung các cơ quan chính trị, hành chính, pháp luật của cư dân Hy Lạp – La Mã cổ đại, từ thế kỉ VIII – IV TCN ở đây hình thành hàng trăm nhà nước nỏ được gọi là thành bang (hay thị quốc).

+ Bản chất của các thành bang (thị quốc) là được ra đời bắt nguồn từ các thành thị cổ đại, mỗi thành bang đều có phố xá, lâu đài, đền thờ,…và quan trọng nhất là bến cảng.

Câu 10: Em hãy trình bày những thành tựu tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học, kĩ thuật của phong trào Văn hóa Phục hưng?

Bài làm

Những thành tựu tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học, kĩ thuật của phong trào Văn hóa Phục hưng:

- Toán học, vật lí, y học:

  • Thuyết hình học giải tích của Đề-các-tơ
  • Nghiên cứu về áp suất của E.Tô-ri-xe-li
  • Thuật giải phẫu của nhà y học Vê-da-lơ
  • Sự tuần hoàn máu của Ha-vi

- Thiên văn học:

  • Cô-péc-ních với thuyết nhật tâm
  • Bru-nô phát triển thêm nhận thức về Mặt trời
  • Ga-li-lê với thành tựu cải tiến kính thiên văn.

- Kĩ thuật:

  • Có những tiến bộ trong lĩnh vực dệt, khai khoáng, luyện kim, chế tạo vũ khí, hàng hải.
  • Đặc biệt là cải tiến guồng nước tác động tới sự phát triển nhiều ngành sản xuất.

-------------------------------------------------

Trên đây VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Đề cương ôn tập học kì 1 môn Lịch sử 10 Chân trời sáng tạo. Bài viết đã gửi tới bạn đọc nội dung ôn tập cho kì thi học kì 1 sắp tới. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để học tập tốt hơn môn Lịch sử 10 CTST, Toán 10 CTST, đề thi học kì 1 lớp 10...

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi học kì 1 lớp 10

    Xem thêm