Thuyết minh về con trâu theo lối đối thoại

Thuyết minh về con trâu theo lối đối thoại được VnDoc sưu tầm và đăng tải. Nội dung gồm dàn ý và 3 bài văn mẫu có sử dụng phương pháp nghệ thuật. Sau đây là tài liệu mời các bạn tham khảo

Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 9, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 9 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 9. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.

Dàn ý thuyết minh con trâu bằng phương pháp đối thoại

Mở bài

Mỗi con người Việt Nam đều biết đến những câu như “con trâu là đầu cơ nghiệp” “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta”…Những câu ca dao, những câu nói ấy thể hiện được vai trò của con trâu trong đời sống của con người. Thế nhưng cũng có rất nhiều người không sinh ra ở nông thôn hoặc những người bạn nước ngoài không biết về vai trò của nó. Đã bao giờ bạn tự hỏi mình nắm được bao nhiêu hiểu biết về con trâu Việt Nam?.

Thân bài

Trong một buổi phóng viên nói chuyện với người nông dân tại làng nọ huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Phóng viên đặt ra câu hỏi cho người nông dân rằng: “Anh có thể cho biết một vài đặc điểm về hình dáng, kích thước, màu da của con trâu nhà mình được không ạ?. Người nông dân không ngần ngại bớt chút thời gian để chia sẻ về con trâu nhà mình. Người nông dân nói: “Con trâu là một con vật rất hiền lành. Thân hình của nó nổi bật nhất với cái bụng to như cái trống vậy, cái sừng nó như một chiếc lưỡi liềm nhưng lại dày và chắc hơn nhiều. Bốn chân to như cái cột đình. Cái mõm rộng mỗi lần ăn cám là vừa ăn vừa thổi phì phì. Trâu thì đương nhiên là có màu đen nhưng một số con nhỏ có màu hạt dẻ.

Nhà phóng viên lại tiếp tục “Anh có thể cho biết thêm về thức ăn và đặc tính của trâu không ạ?. Người nông dân tiếp lời: “Trâu thường ăn cỏ, ăn rơm, ăn cám. Trâu ăn rất khỏe và uống rất nhiều. Mỗi lần ra đồng về là nó uống hết cả một thau nước lớn. Nó thường thích đầm ở những vùng bùn, khi nó muốn đằm thì không tài nào lôi lại nó”.

“Ai cũng biết về vai trò của con trâu trong đời sống người nông dân Việt Nam nhưng tiện đây anh có thể cho biết thêm về vai trò của nó đối với gia đình anh được không ạ? – người phóng viên hỏi. Bác nông dân vui vẻ đáp: “Con trâu là đầu cơ nghiệp, người nông dân mà không có trâu thì chẳng biết xoay sở đồng áng ra sao. Ngày mùa đến nó cày, cuốc cho chúng tôi, thóc lúa đầy xe nó kéo cả lúa lẫn người về. Người nông dân chúng tôi thì chẳng bao giờ thịt trâu, nhưng trên thành phố người ta cũng ưa thích món thịt trâu lắm, nghe đâu thịt nó mềm. Da trâu có thể giúp cho người ta làm da cặp, da giày, áo da, làm cả cái trống trường thằng con trai và đứa con gái tôi đang học nữa. Ngày thường có những lúc trâu được nghỉ ngơi ra đồng ăn cỏ, nó là khoảng thời gian nhàn hạ, bọn trẻ nhà tôi cũng nhờ đó mà chơi bời cả ngày ngoài đồng với đám trâu”.

Kết bài

Kết thúc buổi trò chuyện, người phóng viên tự ghi lại được những đặc điểm, hình dáng, thức ăn, đặc tính và vai trò của con trâu trong đời sống người lao động Việt Nam. Có thể nói con trâu giống như một người bạn vô cùng thân thiết với làng quê Việt.

Thuyết minh con trâu bằng phương pháp đối thoại mẫu 1

Nắng hè rải nhẹ trên đồng cỏ xanh mướt. Gió lượn khẽ khàng làm rung rinh những ngọn cỏ non. Những ngọn tre cao vút cũng rì rào.

– A! Chào bác trâu Vạn! Bác đang nghỉ trưa ạ? – Nghé ọ chào trâu Vạn.

– Chào nghé con, bác vừa cày xong thửa ruộng mà! – Trâu Vạn dừng gặm cỏ, nhìn nghé ọ.

– Bác ơi, sao họ nhà trâu chúng ta cứ phải làm việc vất vả cho con người như vậy? – Nghé có vẻ bức xúc.

Trâu giải thích:

– Chúng ta làm việc để trả ơn con người mà cháu. Chính họ đã thuần hoá trâu rừng Đông Nam Á – tổ tiên chúng ta thành trâu nhà ngày nay đấy.

Nghé con gặm búi cỏ non, hếch mặt thắc mắc:

– Hoá ra vậy. Không biết hình dáng của tổ tiên có giống chúng ta ngày nay không hả bác?

Vừa gặm cỏ, trâu Vạn vừa giảng giải:

– Bác chỉ biết rằng trâu rừng sống hoang dã to lớn và dữ tợn hơn trâu nhà. Nhưng nhìn chung, trâu rừng hay trâu nhà cũng có những điểm chung. Trâu lông ngắn màu đen hoặc xám, cũng có khi màu trắng gọi là trâu bạc. Bụng và đầu trâu to, mông dốc, bốn chân vững chãi. Trâu có cái trán gồ, đôi mắt hơi lồi, đen và rất sáng. Họ nhà trâu đặc biệt vì có đôi sừng dài và cong nhọn như lưỡi liềm ở trên đầu. Cặp sừng này khiến kẻ thù dù đáng sợ cũng phải gờm.

Nghé con vẫn ngây thơ hỏi:

– Bác bảo họ nhà trâu to thế sao cháu bé tí thế này. Mà bác sao cũng không to bằng bác trâu Mộng?

– Đó là vì cháu mới chỉ là con nghé, là trâu con chưa trưởng thành. – Trâu Vạn tủm tỉm cười vì sự nôn nóng của nghé con, lại kiên nhẫn giảng giải – Lúc mới sinh, trâu chỉ nặng 25 đến 30 kg, khi trưởng thành nặng 400 đến 450 kg. Cân nặng còn tuỳ thuộc loài và giống; giống cái thường nhẹ cân hơn, như bác đây chỉ nặng 350 kg thôi.

– Thế bao giờ cháu mới mọc sừng? Các anh chị của cháu ai cũng có sừng rồi – Nghé phụng phịu.

– Mỗi trâu mẹ có khoảng năm hay sáu con, cháu chưa phải là con út đâu. Các anh chị của cháu đã trưởng thành nên mọc sừng, phải đi làm việc như trâu bố mẹ. Còn cháu mới là con nghé chưa mọc răng thì so sánh làm gì! .

– Vâng, cháu nhớ rồi, bác bảo đến ba tuổi trâu mới mọc răng cửa giữa cố định, đến sáu tuổi thì có tám răng cửa giữa. Vậy là còn ba năm nữa cháu là trâu trưởng thành, bác nhỉ?

– Cháu nhớ giỏi lắm! – Trâu Vạn khen nghé.

Tất cả những gì bác dạy cháu đều nhớ, nhất là những kiến thức về họ trâu nhà mình. – Nghé con tự hào – Bác dạy cháu rằng: Trâu là loài động vật thuộc họ Bò, thuộc nhóm Sừng rỗng, bộ Móng guốc chẩn, lớp Động vật có vú. Và… – Nghé con cau mày nhớ bài cũ.

Và vì có tới bốn ngăn dạ dày nên trấu thuộc phân bộ Nhai lại. Điều này thuận lợi cho chúng ta vì trâu làm việc vất vả nên cần có thức ăn dự trữ khi đói – Bác trâu cười, nhắc bài cho nghé con.

– Như vậy trời sinh ra trâu là để làm việc nặng nhọc hả bác?

Bác trâu Vạn tự hào, mắt sáng lên:

– Ừ, có thể nói như vậy vì nhà nông nuôi chúng ta để lấy sức kéo cày, mà kéo căy là công việc rất nặng nhọc. Như bác đây là loại trâu khoẻ, có thể cày được từ ba đến bốn sào mộng mỗi ngày, còn có trâu chỉ cày được đến ba sào. Trâu còn giúp cho người nhiều việc như kéo xe, kéo gỗ,… Cái đáng quý nhất là họ nhà trâu ai cũng chăm chỉ, cần mẫn.

– Chưa hết đâu ạ. Sữa trâu còn là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho con người. Mỗi chu kì, trâu sữa cho từ 400 đến 500 kg sữa tươi. Sữa này làm nguyên liệu chế biến bánh kẹo – Nghé bổ sung.

Trâu Vạn nói với nghé con:

– Họ nhà trâu giúp người làm ra cây ngô, cây lúa nên người cũng yêu quý trâu hết lòng, người chăm sóc trâu rất chu đáo. Người nấu cháo gạo và cám chợ trâu ăn khi trâu làm việc nhiều. Trâu được người cho ăn cỏ non, rơm tươi. Mùa đông ít cỏ tươi thì cho ăn rơm, ăn cỏ khô, lá ngô,…; mùa hè cho trâu tắm mát dưới sông. Trâu là bạn của người nông dân. Từ tuổi thơ, trẻ con ở làng quê đã quen với việc chăn trâu, cắt cỏ. Chiều chiều, lũ trẻ cưỡi trâu, thổi sáo từ cánh đồng trở về là cảnh không thể quên khi nhớ về làng quê. Cảnh này đã đi vào thơ ca, chắc ai cũng nhớ câu thơ của vua Trần Nhân Tông “Mục đồng địch lí ngưu quy tận” (“Mục đồng sáo vẳng trâu về hết”) tả cảnh buổi chiều trên cánh đồng. Trâu đi vào tranh dân gian, điêu khắc,… Tục ngữ có biết bao câu nói đến trâu: Con trâu là đầu cơ nghiệp, Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng,… Lòng trâu dịu đi sau những lúc vất vả lại nghe người hát:

"Trâu ơi ta bảo trâu này,

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.

Câỳ cày vốn nghiệp nông gia,

Ta đây, trâu đấy ai mà quản công.

Bao giờ cây lúa cố bông,

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.”

Nghé con gật gù như người lớn nhưng vẫn cứ hỏi:

– Bác ơi, người yêu trâu thế sao vẫn cứ làm thịt trâu để lấy thịt, lấy sừng, lấy da trâu? Rồi người còn tổ chức hội chọi trâu, lễ đâm trâu?

Vừa nói xong, nghé con đã sụt sịt.

Bác trâu Vạn an ủi:

– Cháu còn nhỏ nên nhiều điều chưa hiểu cũng phải thôi. Da, thịt, sừng là những bộ phận của trâu mang đến lợi ích cho người, được người dùng làm thực phẩm, đồ mĩ nghệ hoặc đồ dùng. Còn hội chọi trâu, đâm trâu là những phong tục có ý nghĩa tâm linh văn hoá của dân tộc Việt Nam nên rất có ý nghĩa, cả thế giới loài người đối xử với trâu bò như vậy mà. Cháu à, ở đời, sống chết là chuyện sớm muộn, cái chính là phải sống sao cho có ích, có tình, có nghĩa để khi chết đi vẫn là một cái chết có ích cho đời, không phụ công người đối với ta. “Trâu chết để da, người ta để tiếng” là như vậy.

– Vâng, cháu hiểu rồi, cháu sẽ cần cù chăm chỉ như họ nhà trâu bao đời.

Cao Khánh Linh

(Trường THCS Trưng Vương)

Thuyết minh con trâu bằng phương pháp đối thoại mẫu 2

Trời thu mát mẻ đang dần trải khắp làng quê Việt Nam. Chiều tà, ông mặt trời đang khoan thai hưởng thụ chút gió, chút nắng cuối cùng của một ngày. Gió hiu hiu thổi làm cánh đồng lúa nhẹ nhàng dập dềnh như sóng biển vỗ bờ: không ào ạt mà mềm mại, dịu dàng. Trên cánh đồng, một nhóm bạn đang ngồi bàn luận sôi nổi: nào là bạn Ngô, Khoai, Sắn và cả bạn Lúa nữa. Các bạn đang tranh luận xem điều gì trực tiếp giúp đỡ các bác nông dân trên cánh đồng để có được những mùa bội thu như bây giờ đấy.

Thuyết minh con trâu bằng phương pháp đối thoại

Ngô mở đầu:

– Theo tớ nghĩ, để có được những vụ mùa tươi tốt, con người phải có được loại hạt giống tốt. Chắc chắn hạt giống là quan trọng nhất.

Ngô đang chắc chắn như đinh đóng cột thì Khoai phản đối ngay:

– Ngô ơi, cậu quên mất rằng có đất thì mới gieo trồng được chứ. Đất mới đúng là nhất.

– Nhưng các cậu không nhớ câu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” à? Cánh đồng nào mà chả cần nước để sinh sống? Không là chết khô hết đấy? – Sắn không đồng tình với hai bạn.

Ba bạn tiếp tục tranh cãi gay gắt, chỉ riêng Lúa nãy giờ vẫn suy nghĩ.

– Kìa Lúa, ý kiến của cậu thế nào? Đất là quan trọng nhất đúng không?

– Khoai thúc giục Lúa, mong Lúa sẽ theo ý kiến của mình.

Lúa nghĩ ngợi thêm một chút rồi lên tiếng, giọng phân vân:

– Ừm…Các cậu đều nói đúng cả. Đất, nước, và hạt giống đều rất quan trọng nhưng đó đều là những yếu tố tự nhiên, được trời đất ban cho. Nhưng điều trực tiếp giúp đỡ con người trên đồng ruộng là gì nhỉ?..Sự chăm chỉ chăng?…Cũng không phải…A! Tớ nghĩ ra rồi!

Cả ba bạn cùng chăm chú lắng nghe Lúa nói. Chắc hẳn, đây chính là một điều gì cao quý lắm đây.

– Đó chính là Trâu – Lúa mỉm cười nói tiếp.

– Hả! Là Bác Trâu ấy à! – bất giác, cả ba bạn cùng đồng thanh rồi phá lên cười. Nhưng bị bạn bè chê cười không làm cho Lúa thay đổi ý kiến. Lúa tự tin bảo vệ ý kiến của mình:

– Đúng thế, là Bác Trâu. Các cậu không biết đấy thôi chứ bác Trâu đã gắn bó với con người lâu lắm rồi. Từ thuở khai thiên lập địa, con người không thể tự san bằng đất được nên đã cầu cứu đến các con vật. Thế nhưng chỉ duy nhất có trâu là đồng ý giúp đỡ con người. Từ đó trở đi, trâu và người trở thành đôi bạn thân thiết của cánh đồng Việt Nam đấy.

Ngô vẫn lắp đầu:

– Cậu nói thế nào ấy chứ. Làm sao mà con trâu đen đen, người thì to đùng, cục mịch, chân thì ngắn cũn lại giúp đỡ nhiều cho bác nông dân được? Mà riêng miệng trâu nhé, lúc nào tớ cũng thấy nhai nhóp nhép mấy miếng cỏ non từ hôm trước ấy. Ghê lắm! – Ngô lấy tay che miệng, thì thầm cho chúng bạn nghe.

– Thật à? Sao bác Trâu lại phải ăn uống khổ sở thế? Sắn ngạc nhiên hỏi.

Lúa cười phá lên rồi hân hoan nói:

– Đấy là do các cậu không biết thôi. Trâu có nguồn gốc từ trâu rừng, được con người thuần hóa. Loài trâu là thuộc họ Bò, bộ Guốc chẵn, nhóm sừng rỗng và đặc biệt là thuộc phân bộ nhai lại. Thế nên, bác Trâu nhai đi nhai lại cỏ non là một đặc điểm riêng trâu có chứ không xấu đâu nhé!

Nghe lúa nói, Ngô, Khoai, và Sắn vẫn chưa tin lắm, càng nghe càng thấy tò mò về bác Trâu. Khoai thắc mắc:

– Ừ, đúng đấy, cậu nói đi xem nào! – Các bạn còn lại đồng thanh nói.

– Đấy nhé?

Lúa bắt đầu giải thích:

– Vì mỗi bác Trâu đều nặng từ khoảng 200 đến 400 kg nên các Bác rất khỏe mạnh, việc gì khó nhọc, các bác đều giúp đỡ người nông dân hết. Từ sáng sớm tinh mơ, bác Trâu đi trước, chăm chỉ, cần mẫn kéo chiếc cày, theo sau là bác nông dân. Thế mà mỗi ngày trâu phải kéo cày được 1,5 đến 4 sào cơ đấy. Mà chưa hết, trâu còn kéo xe chở hàng hóa giúp con người. Hay thịt trâu, sữa trâu đều cung cấp chất dinh dưỡng; phân trâu thì để bón ruộng, rất có lợi cho cây trồng. Mà hằng ngày, các cậu đều nghe thấy tiếng trống trường làng ta vang lên, nhắc nhở các bạn học sinh vào lớp thì chính mặt trống ấy được làm bằng da trâu, trông vừa đẹp mắt lại vừa bền. Thế nhưng, một khi nhà ai đó có trâu thì yêu quý trâu nhiều lắm, không muốn xẻ thịt nó đâu. Trâu là bạn của con người mà!

Ngồi nghe chăm chú, tới lúc này, cả ba bạn đều gật gật đồng ý với Lúa. Khoai vui vẻ nói:

– Ừ đúng đấy nhỉ. Công nhận là trâu thật sự rất quan trọng với làng quê Việt Nam. Mà hôm nào tớ cũng thấy các bạn nhỏ dắt trâu ra đồng ăn cỏ. Các bạn không chỉ ngồi nhìn trâu ăn cỏ mà còn cưỡi lên lưng, ngồi đó đọc sách, thả diều hay thổi sáo. Không chỉ có vậy mà các bạn còn chơi đùa với trâu vui vẻ lắm nhé!

– Dĩ nhiên rồi! Các bạn nhỏ đều gắn bó với trâu từ thuở nhỏ đến khi trưởng thành cơ mà. Trâu gắn liền với tuổi thơ của không chỉ các bạn nhỏ mà còn các cụ sinh ra và lớn lên ở làng quê đấy nhé – Ngô đồng tình.

– Các cháu đúng là giỏi quá! – Bác cổ thụ ở gần đó lên tiếng.

– A! Bác Cổ Thụ! Chúng cháu chào bác ạ? – Cả bốn bạn cùng đồng thanh chào Bác.

– Chào các cháu – bác Cổ Thụ ôn tồn nói tiếp – Nãy giờ, Bác đã nghe hết câu chuyện và rất đồng ý với các cháu. Quả thật, hình ảnh những chú Trâu giản dị, vạm vỡ đang thung thăng gặm cỏ non trên cánh đồng mênh mông, xanh mượt; trên lung chở một chú bé ba chòm tóc đang ngồi thổi sáo diều vi vu, trong trẻo,…trông mới đẹp làm sao!

– Còn nữa bác ạ, con trâu còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Ở Đồ Sơn ấy bác, năm nào người ta cũng tổ chức một hội chọi trâu tưng bừng, náo nhiệt lắm. Cờ hoa tung bay phấp phới. Những chú trâu được chọn để thi đấu khi bước ra thì bệ vệ, trông quyết tâm lắm. Rồi khi đã vào cuộc đấu thì hai chú Trâu bao giờ cũng chọi nhau cho tới khi phân biệt thắng bại rõ ràng thì thôi. Cuộc chiến đấu gay go, kịch tính lắm bác ạ – Sắn nói trong niềm phấn khởi – Mà chẳng phải đi đâu xa, ở làng mình ấy, hôm nào có lễ hội gì, các bác nông dân đều dẫn trâu ra đình, mặc cho trâu những tấm áo màu vàng, đỏ rất sang trọng. Trâu chính là niềm tự hào của người nông dân đấy cơ mà!

– Chưa hết đâu – Lúa tiếp lời – Hình ảnh con trâu còn có trong cả thơ ca, lời hát đấy nhé. Mà các cậu còn nhớ, trong đợt Sea Game 22 tổ chức ở Việt Nam, con trâu vàng được chọn làm biểu tượng chính thức đấy nhé – Mắt Lúa ánh lên vẻ tự hào về Việt Nam mình.

Bác Cổ Thụ khen:

– Các cháu đều nói đúng cả! Con trâu chính là biểu tượng của cánh đồng, của làng quê và đặc biệt, trâu tượng trưng cho người Việt Nam: chăm chỉ, cần cù, kiên trì và dũng cảm; không bao giờ lùi bước. Những chú Trâu mang đến cho chúng ta một cảm giác quen thuộc mà ấm áp. Con người, dù là đi đến nước nào trên thế giới, khi quay lại chỉ cần nhìn thấy con trâu trên cánh đồng là đã biết ngay mình đã về quê nhà.

Năm bác cháu tiếp tục ngồi trò chuyện. Ở đằng xa, mặt trời đã xuống núi. Những tia nắng cuối cùng đã khuất dần. Phía cuối con đường, bác nông dân đang dắt trâu về sau một ngày làm việc vất vả. Hình ảnh ấy mới đẹp làm sao! Con trâu của làng quê Việt Nam là một nét đẹp truyền thống cao quý mà không có gì thay đổi được!

Thuyết minh con trâu bằng phương pháp nghệ thuật đối thoại mẫu 3

Cả tòa soạn Mickey Mouse đang nóng lòng chờ đợi kết quả của cuộc thi “Phỏng vấn linh vật SEA Games”. Bất chợt, Mickey đi xuống, tay cầm tờ giấy ghi kết quả tuyên bố:

- Người thắng cuộc là Belle. Và bây giờ ta cùng nghe đoạn băng ghi âm bài phỏng vấn của cô ấy với Trâu Vàng tại Việt Nam.

Belle: Chào Trâu Vàng, tớ là Belle. Nếu cậu không phiền thì cho tớ hỏi vài câu nhỉ?

Trâu Vàng: Chào người đẹp, Belle. Đương nhiên là tớ sẵn lòng rồi.

Belle: Hay quá! Vậy thì trước tiên cậu hãy giới thiệu về họ hàng nhà trâu nhé!

Trâu Vàng: Trâu tớ thuộc họ Bò, phân bộ Nhai lại, nhóm Sừng rỗng, bộ Guốc chẵn, lớp Thú.

Belle: Ở nước Pháp, tớ chỉ thấy bò sữa, bò thịt hay thỉnh thoảng được Ngài Quái Thú đưa sang Tây Ban Nha xem bò tót. Còn các cậu, tớ thấy lạ quá. Cậu có thể miêu tả sơ qua về họ nhà trâu các cậu không?

Trâu Vàng: Trâu Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng, đã được những người dân thuần hóa từ xa xưa nên trở nên hiền lành. Tuy vậy, nếu có kẻ cố ý chọc ghẹo thì cặp sừng cứng cáp này chẳng phải là đối thủ tầm thường đâu. Đó là cái sừng, còn thân hình của bọn tớ cũng khá lắm đấy, không mảnh mai như nai, cũng chẳng hùng dũng như hổ, báo, sư tử. Nhà trâu tớ vạm vỡ, bụng to, chắc, lại còn có vòng ba lớn, tuyệt đẹp đấy.

Belle: Ái chà! Màu lông của nhà cậu cũng lạ quá.

Trâu Vàng: Hì hì. Phải độc chứ. Bộ lông ấy không có màu nâu óng như các loài thuộc họ Bò khác. Nó có màu xám hay xám đen có hai đai màu trắng ở dưới cổ và ở chỗ đầu xương ức.

Belle: Nhìn cậu to lớn thế này chắc cũng phải nặng tới 3 - 4 tạ.

Trâu Vàng: Đoán trúng phóc. Các chị em nặng trung bình 350 — 400 kg (300 - 600 kg). Các anh, các chú mập mạp hơn, khoảng 400 - 450 kg (350 — 700 kg). Cân nặng đủ để giở trò “lấy thịt đè người” đấy nhé. Hì hì.

Belle: Cậu cười tớ mới thấy. Hàm dưới của cậu đâu mất rồi?

Trâu Vàng: Hé hé! Cậu khờ quá! Cả bộ Nhai lại có ai có hàm dưới đâu.

Belle: Kì vậy sao? Vậy các cậu ăn uống thế nào?

Trâu Vàng: Vì chỉ có hàm trên nên bọn tớ không nhai kĩ như các động vật khác. Bọn tớ cứ tạm nhai qua rồi nuốt, khi nào về chuồng sẽ ợ lên nhai lại.

Belle: Vậy các cậu sống ở những nơi như thế nào?

Trâu Vàng: Tớ ở vùng đồng bằng, lại ưa nóng ẩm. Thế nên ở Việt Nam, ngoài vùng núi cao ra, ở đâu trâu cũng có mặt.

Belle: Thế các cậu sinh đẻ như thế nào?

Trâu Vàng: Các chị em nhà trâu không sinh sớm như chó, mèo. Phải ba tuổi mới sinh lứa đầu. Trâu cái sống hết một đời sẽ cho khoảng 5-6 nghé.

Belle: À, mà sao ở đây nhiều trâu thế?

Trâu Vàng: Vì đối với người Việt Nam, trâu có rất nhiều công dụng lại dễ nuôi. Bọn tớ ăn nhiều nhưng chỉ ăn cỏ hay lá ngô. Ấy vậy mà bọn tớ làm việc rất siêng năng. Việc chính là cày, bừa. Một ngày bọn tớ ít cũng cày được ba - bốn sào. Đến mùa thu hoạch, bọn tớ còn là tay kéo xe tài ba giúp các bác nông dân mang lúa về nhà hoặc khi cần lại mang lúa lên thành phố bán.

Belle: Trâu mập vậy thì có lấy được thịt như bò không?

Trâu Vàng: Có chứ. Thịt trâu nhiều đạm, ngon vô cùng. Sữa trâu ít mỡ, chỉ khoảng 9 - 10%. Sữa vắt ra dùng để làm sữa uống, kẹo sữa hay vài món khác. Ngay cả phân trâu cũng có tác dụng. Bọn tớ được chủ huấn luyện đi vệ sinh ơ một chỗ rồi họ dọn đi để làm phân bón cho đồng ruộng, cây cối, vừa an toàn lại vừa không tốn kém.

Belle: Cậu có được mọi người yêu quý không?

Trâu Vàng: Đương nhiên rồi, trâu hiền lành nên chẳng ai sợ. Người ta gần gũi trâu từ thuở tấm bé, họ tắm cho bọn tớ, cho bọn tớ ăn, dắt bọn tớ đi thả diều, chơi trận giả,...

Belle: Ngoài ý nghĩa với thôn quê ra trâu còn xuất hiện ở đâu nữa?

Trâu Vàng: Trong thơ ca như câu: “Mục đồng địch lí ngưu quy tận” (Mục đồng sáo vẳng trâu về hết). Không chỉ vậy, tranh cũng có hình trâu bọn tớ đấy. Nào là “Cậu bé đội lá sen cưỡi trâu” của làng Đông Hồ rồi các bức tranh nông thôn cũng có sự góp mặt của bọn tớ.

Belle: A mà vừa nãy thấy cậu có vẻ vội vã, cậu đi đâu vậy.

Trâu Vàng: Tớ đến Đồ Sơn để cổ vũ hội chọi trâu thường niên. Chúng tớ không chỉ có trong thơ ca, tranh ảnh, còn là phần quan trọng trong các lễ hội. A, mà cậu có bận không, cùng tớ đi xem hội cho vui.

Belle: Tuyệt quá, vậy đi thôi.

Cuối cùng Mickey kết luận: Qua bài phỏng vấn của Belle, chúng ta không chỉ được làm quen với Trâu Vàng - linh vật SEA Games 22 mà còn được biết thêm về loài trâu, loài vật quen thuộc và sẽ mãi tồn tại trong tiềm thức của người nông dân Việt Nam. Cô ấy xứng đáng được nhận giải này.

Trên đây VnDoc đã hướng dẫn các bạn Thuyết minh về con trâu theo lối đối thoại. Hy vọng qua tài liệu này các bạn học sinh có thể dễ dàng sử dụng những phương pháp nghệ thuật khác áp dụng cho bài viết của mình. Chúc các bạn học tốt và nhớ thường xuyên tương tác với VnDoc.com để nhận nhiều tài liệu hay bôt ích hơn nhé

.......................................................................

Ngoài Thuyết minh về con trâu theo lối đối thoại. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 9, soạn bài 9 hoặc đề thi học học kì 1 lớp 9, đề thi học học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Hóa, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt

Đánh giá bài viết
3 1.613
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 9

    Xem thêm