Thuyết minh về những nét đặc sắc của thắng cảnh vùng Nam Bộ
Thuyết minh về những nét đặc sắc của thắng cảnh vùng Nam Bộ lớp 9
Thuyết minh về những nét đặc sắc của thắng cảnh vùng Nam Bộ được VnDoc sưu tầm và đăng tải. Các bài thuyết minh về danh lam thắng cảnh này là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các bạn học sinh. Mời các bạn cùng tham khảo.
- Thuyết minh về nét đặc sắc trong di tích thắng cảnh Cung đình Huế
- Bài văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về cái kéo
- Thuyết minh về bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu
Thuyết minh nét đặc sắc của thắng cảnh vùng Nam Bộ – Ngữ văn 9
Đề 5. Thuyết minh những nét đặc sắc của di tích, thắng cảnh quê em: Nam Bộ.
Bài làm
Nhắc đến khu vực Nam Bộ, nét nổi bật nhất của Nam Bộ chính là sông nước. Tôi sẽ giới thiệu với các bạn về Nam Bộ thông qua hiểu biết của mình.
Ở Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long là nơi rộng nhất. Bởi thế nến mỗi khi khách du lịch đến tham quan, khám phá một số khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long người ta thường nói: khám phá “miền sông nước” Cửu Long. An Giang là nơi có quần thể, di tích và danh lam thắng cảnh nổi tiếng vào bậc nhất của đồng bằng sông Cửu Long. Đến An Giang, điều nổi bật và thú vị nhất là khách tham quan có thể du ngoạn làng nổi, tức là có thể thăm thú, mua bán ngay trên sông… Đến Châu Đốc, thị xã ngã ba sông, khách du lịch sẽ tham quan những công trình kiến trúc độc đáo tại khu du lịch núi Sam gồm các đền, chùa, lăng, miếu… Đặc biệt miếu Bà Chúa Xứ và lăng Thoại Ngọc Hầu là những công trình kiến trúc được xem là tiêu biểu tại đây.
Sau những giây phút thư giãn cùng mây ngàn gió núi, chúng ta sẽ xuống bến để lên ngồi trên chiếc xuồng con xinh xắn, nhẹ nhàng lướt trên mặt sông, để lại đằng sau từng con sóng nhỏ nhấp nhô. Trước mắt chúng ta hiện lên một khu làng nổi trên sông đầy ấn tượng, với mỗi chiếc bè – là một căn hộ gia đình – nối tiếp nhau trải dọc dài hai bên bờ sông, về sinh hoạt đi lại, giao lưu buôn bán hằng ngày của mỗi gia đình ở trên làng nổi này đều dựa vào ghe, xuồng là phương tiện chủ yếu, cũng như xe gắn máy của người dân trên bờ vậy. Chúng ta có thể tự mình bơi xuồng dạo quanh các làng bè hoặc ngồi trên bè để hóng từng luồng gió mát lạnh. Nếu có dịp đến đây vào ban đêm, khi làng bè đã lên đèn, ta tưởng chừng lạc vào chốn thuỷ cung bởi những luồng sáng lấp lánh trên mặt nước, tạo nên những vệt sáng lung linh huyền ảo.
Một địa danh thứ hai cũng thuộc đồng bằng sông Cửu Long là “đảo xanh Tân Lộc”. Tân Lộc trước kia gồm, hai xã Tân Lộc Đông và Tân Lộc Tây, đến tháng 10 năm 1989 mới sáp nhập thành một xã vươn dài trên dòng sông Hậu. Nơi đây, đầu quay về An Giang, đông nhìn qua Đồng Tháp, tây và nam hướng về Cần Thơ, có bề dày lịch sử hơn hai trăm năm. Đi giữa màu xanh Tân Lộc, chúng ta có cảm giác như đi giữa những tán rừng xanh um quanh năm cây ăn trái xum xuê, tươi tốt nhờ sông nước tứ bề và phù sa màu mỡ. Những hôm trời ui ui, gió hây hây từ sông thổi vào mát rượi thú vị làm sao! Dọc theo hai bờ sông chan hoà nhiều màu xanh dịu mát – màu xanh của hoa lục bình, chen lẫn với rặng bần lơ thơ – một thứ thuỷ liễu mang vẻ đặc thù Nam Bộ. Xa xa là mặt nước xanh rì lâng lâng vỗ sóng, nhịp nhàng với làn điệu tình ca muôn thuở của dòng sông Hậu. Phía trẽn là bờ tiếp bờ, thấp thoáng ẩn hiện giữa các lùm cây những chùm trái cây đủ loại: xanh non, vàng rực hoặc ửng hồng, dường như toát lên một vẻ hài hoà dung dị giữa thiên nhiên mộc mạc không kém thơ mộng.
Vùng Nam Bộ, sông nước là như vậy, đối với người dân Nam Bộ, sông nước có ý nghĩa như thế nào? Thường thì sống trên vùng sông nước chủ yếu bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản. Ở An Giang họ nuôi cá ba sa, cá tra xuất khẩu. Có những bè cá khang trang lịch sự khiến khách du lịch, nhất là khách nước ngoài rất thích. Họ thường đi trên những chiếc tắc sáng hay xuồng gắn máy đuôi tôm có mái che để tham quan. Đến đây chúng ta sẽ được tận mắt chứng kiến quy trình chế biến thức ăn cho cá và tận tay ném mồi xuống bè để thích thú xem con cá vẫy đuôi đớp ăn. ở Tân Sơn Lộc cũng vậy, các gia đình cũng sống chủ yếu bằng nghề nuôi, bắt thuỷ hải sản. Đa số là họ nuôi cá nhưng ngoài ra, một số hộ còn nuôi tôm, cua. Với kĩ thuật mà cha ông để lại, họ đánh bắt bằng các phương tiện cổ truyền như kéo vó, đăng, dớn, nò, lờ, lọp. Khu vực cồn mới Mĩ An đã thành lập được ba năm, hiện có trên 10 héc ta mặt ao khai thác từ đất bãi bồi, giải quyết công ăn việc làm cho hơn ba trăm lao động trực tiếp và gián tiếp. Ở cả Tân Lộc Đông và Tân Lộc Tây, hằng năm vẫn thường tổ chức lễ Kì Yên thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan và lễ bái. Nổi tiếng nhất là Tết Đoan Ngọ, còn gọi là Tết nửa năm. Cứ vào ngày mùng 5 tháng năm, từng đoàn người tấp nập đổ về ăn uống hay tổ chức hát đờn ca tài tử trên sông như một ngày hội truyền thống. Họ ca hát, nhảy múa trên sông như để cầu thần sông ban cho họ quanh năm nhiều cá và gia đình họ ấm no hạnh phúc. Họ sống bằng nghề nuôi và đánh bắt thuỷ hải sản trên sông nước, họ coi sông nước như là phương tiện để mưu cầu hạnh phúc. Và họ sẽ mãi sống cạnh sông nước như một thứ mà thần linh ban tặng.
Qua bài viết này, hẳn các bạn đều thấy rằng sông nước vùng Nam Bộ không chỉ là nơi du lịch kì thú mà nó còn mang ý nghĩa cuộc sống cực kì to lớn đối với người dân nơi đây, cũng như với các thế hệ sau này.
VnDoc đã giới thiệu tới các bạn bài Thuyết minh về những nét đặc sắc của thắng cảnh vùng Nam Bộ, giúp các bạn có thêm nhiều ý tưởng hay cho bài thuyết minh của mình. Chúc các bạn học tốt, mời các bạn tham khảo
............................................
Ngoài Thuyết minh về những nét đặc sắc của thắng cảnh vùng Nam Bộ. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 9, soạn bài 9, Soạn văn 9 VNEN hoặc đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt