Xa ngắm thác núi Lư
Lý thuyết Ngữ văn 7: Xa ngắm thác núi Lư được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp ích cho các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo để giảng dạy và học tập tốt Ngữ văn lớp 7.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết
Bài: Xa ngắm thác núi Lư
1/ Tìm hiểu chung bài thơ Xa ngắm thác núi Lư
a/ Tác giả
- Lí Bạch (701 – 762), tự Thái Bạch. Hiệu: Thanh Liêm Cư Sĩ
- Nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời Thịnh Đường và Trung Hoa nói chung.
- Quê ở Cam Túc nhưng ngay từ khi mới năm tuổi ông đã theo gia đình về sống ở Tứ Xuyên. Vì thế, nhà thơ vẫn thường coi Tứ Xuyên là quê hương của mình. Lí Bạch từ nhỏ đã thích ngao du, mong lập nên công danh sự nghiệp, song đường quan nghiệp của ông có nhiều trắc trở.
- Lí Bạch được mệnh danh là “Tiên thơ”.
+ Thơ ông thể hiện một tâm hồn tự do phóng khoáng.
+ Hình ảnh trong thơ của ông tươi sáng, kì vĩ, ngôn ngữ tự nhiên mà điêu luyện.
+ Thơ ông hay nhất ở những bài viết về chiến tranh, thiên nhiên, tình yêu và tình bạn.
b/ Tác phẩm
- Thể thơ: thất ngôn tứ tuyệt
-Nội dung: Là bài thơ tiêu biểu viết về đề tài thiên nhiên của Lý Bạch
- Bố cục: Chia làm 2 phần
+ Phần 1 (Câu 1): Tả núi Hương Lô
+ Phần 2 (3 câu cuối): Tả thác nước núi Lư.
2/ Đọc - hiểu văn bản Xa ngắm thác núi Lư
a/ Tả núi Hương Lô
"Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên"
(Nắng rọi Hương Lô khói tía bay)
- Nội dung
+ Tả núi Hương Lô với đặc điểm nổi bật nhất: hơi khói (sương, hơi nước)
+ Ánh sáng mặt trời + bụi nước → Sinh khói màu đỏ tía.
+ Vị trí ngắm cảnh thác núi Lư: đứng từ xa
⇒ Ngọn núi Hương Lô với những làn khói tía rực rỡ, huyền ảo làm nền cho thác nước.
⇒ Khung cảnh sống động, kì vĩ, huyền ảo, thấp thoáng như tiên cảnh.
b/ Tả thác nước núi Lư
"Dao khan bộc bố quải tiền xuyên"
(Xa trông dòng thác trước sông này)
- Động từ "quải" (treo): Đã biến cái động thành cái tĩnh.
→ Nhìn từ xa dòng thác nước như dải lụa trắng, được treo bất động vào khoảng giữa vách núi và dòng sông.
⇒ Khung cảnh thiên nhiên tươi sáng, huyền ảo.
"Phi lưu trực há tam thiên xích"
(Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước)
- Động từ
+ Phi (bay)
+ Lưu (chảy) → Phi lưu: Cảnh tĩnh chuyển sang động
+ Trực (thẳng)
+ Há (xuống)
+ Tam thiên xích (ba nghìn thước)
→ Dòng nước lao thẳng mạnh xuống. Gây ấn tượng mạnh mẽ về độ nhanh, sức đổ và thế đổ của thác nước
⇒ Hình dung thế núi cao, dốc, có cảm giác mạnh mẽ, choáng ngợp trước sự hùng vĩ của thiên nhiên.
⇒ Diễn tả qui mô khổng lồ và tốc độ nước ghê gớm của thác
"Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên"
(Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây)
- Động từ
+ "Nghi" (ngỡ là)
+ "Lạc" (rơi xuống)
- Hình ảnh liên tưởng, tưởng tượng: "Ngân Hà"
→ Sử dụng phép so sánh (dòng thác như dải Ngân Hà) và phép phóng đại (tuột khỏi mây rơi xuống)
⇒ Cảm giác kì diệu. Câu thơ kết hợp cái thực và cái ảo, cái hữu tình và cái thần kì
⇒ Cái đẹp bất tử cho bài thơ. Thác núi Lư đẹp tráng lệ, hùng vĩ.
* Tổng kết
Nghệ thuật
- Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt
- Kết hợp giữa cái thực và cái ảo.
- Sử dụng từ ngữ sinh động, sáng tạo giàu hình ảnh, giàu sắc thái biểu cảm.
- Nghệ thuật so sánh và phóng đại
- Tả cảnh ngụ tình
Nội dung
- Cảnh tượng thiên nhiên sinh động, tráng lệ, hùng vĩ và huyền ảo của thác nước núi Lư khi nhìn từ xa
- Tình người say đắm với thiên nhiên
- Tâm hồn lãng mạn, phóng khoáng của tác giả.
3/ Bài tập minh họa bài Xa ngắm thác núi Lư
Đề bài: Phân tích bài thơ "Xa ngắm thác núi Lư" của Lý Bạch.
1/ Mở bài
- Thiên nhiên chiếm một vị trí sang trọng trong hồn thơ Lí Bạch. Với thanh kiếm hiệp sĩ và bầu rượu, túi thơ, Thi tiên đã đi tới mọi chân trời góc bể. Ở đâu có cảnh đẹp là ông tìm đến thăm thú, thưởng ngoạn và đề thơ.
- Núi Hương Lô, thác núi Lư ở Giang Tây, Trung Quốc là một danh lam thắng cảnh. Bài “Vọng Lư Sơn bộc bố” (Xa ngắm thác núi Lư) của Lí Bạch viết bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật (luật trắc, vần bằng):
+ Có thể dẫn nguyên tác hoặc bài thơ dịch.
+ Bài thơ tả cảnh thác núi Lư tráng lệ với cảm xúc mạnh mẽ, ấn tượng sâu sắc của Lí Bạch khi đứng từ xa say sưa ngắm nhìn.
2/ Thân bài
- Câu thứ nhất tả núi Hương Lô (núi tựa như là cái lò hương thiên tạo khổng lồ) được ánh mặt trời chiếu xuống, rọi vào, sinh ra muôn ngàn làn khói tía (tím đỏ) vô cùng huyền ảo rực rỡ. Một nét vẽ thơ mộng:
“Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên”
(Nắng rọi Hương Lô khói tía bay)
→ Cảnh đẹp thác núi Lư được tả bằng mắt và bằng tưởng tượng vì nhà thơ đứng ở một nơi rất xa ngắm thác.
- Câu thứ hai, tả vị trí ngắm thác, ở một nơi rất xa. Núi cao, thác cao, tưởng như thác treo trên dòng sông lơ lửng, cheo leo ở phía trước. Chữ Hán “quải” nghĩa treo, một động từ tả hình dáng thác núi Lư. Đó là một thi nhân rất hình tượng và gợi cảm:
“Dao khan bộc bố quải tiền xuyên”
(Xa trông dòng thác trước sông này)
→ Câu thơ dịch rơi mất chữ “quải”. Hai câu thơ đầu có năm chi tiết được nói đến, có núi, thác và sông, có ánh mặt trời và làn khói tía. Chữ “sinh” là một vẻ động rất thần tình, gợi tả vẻ đẹp huyền diệu của núi và thác.
- Câu thơ thứ ba tả độ cao, chiều dài, tốc độ của dòng thác. “Phi lưu trực há” nghĩa là chảy như bay đổ thẳng xuống, đó là độ cao, là tốc độ mạnh ghê gớm của dòng thác. Con số ước lượng ba nghìn thước tả chiều dài: chảy bay (phi lưu), các tính từ – trạng ngữ: thẳng xuống (trực há) là những vẻ động, rất thần tình:
“Phi lưu trực há tam thiên xích”
(Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước)
- Câu thơ thứ tư là lời thốt lên vô cùng ngạc nhiên và thú vị của Thi tiên Lí Bạch:
“Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên”
(Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây)
→ Với trí tưởng tượng phi thường và cảm xúc lãng mạn bay bổng, Lí Bạch sử dụng thủ pháp nghệ thuật so sánh và thậm xưng để ví thác núi Lư kì vĩ, tráng lệ như dải Ngân Hà lấp lánh … triệu vì sao trên bầu trời. Dải Ngân Hà ấy đã rơi từ chín tầng mây cao xuống. Chữ “lạc” nghĩa là rơi, rụng, là thi nhãn trong câu thơ tuyệt cú.
3/ Kết bài
- Nét đặc sắc, độc đáo của bài "Vọng Lư Sơn bộc bố" là thủ pháp lấy diện để tô đậm điểm. Trên cái nền núi sông làn khói tía, Ngân hà, chín tầng mây của bầu trời bao la, kì vĩ hiện lên thác núi Lư. Các động từ: "chiếu, sinh, quải, phi lưu, lạc" là những nét đẹp rất gợi hình và gợi cảm. Hình ảnh so sánh thác núi Lư với dải Ngân hà tuột khỏi mây là một sáng tạo kì diệu thể hiện một bút pháp nghệ thuật lãng mạn và bay bổng.
- "Vọng Lư Sơn bộc bố" thể hiện một tình yêu thiên nhiên say đắm, một sự cảm mến nồng hậu trước vẻ đẹp gấm vóc của giang sơn.
---------------------------------------------
Với nội dung bài Xa ngắm thác núi Lư các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức về hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và nhân đạo của bài thơ Xa ngắm thác núi Lư...
Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Lý thuyết Ngữ văn 7: Xa ngắm thác núi Lư. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 7, Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 7, Soạn bài lớp 7, Văn mẫu lớp 7, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 7.