Qua Đèo Ngang

VnDoc xin giới thiệu bài Lý thuyết Ngữ văn 7: Qua Đèo Ngang được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp ích cho các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo để giảng dạy và học tập tốt Ngữ văn lớp 7.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết

1/ Tìm hiểu chung tác phẩm Qua Đèo Ngang

a/ Tác giả

- Bà Huyện Thanh Quan (1805 – 1848).

- Tên thật là Nguyễn Thị Hinh là một nhà lớn nổi tiếng trong thời văn học trung đại.

- Bà sinh ra tại mảnh đất Nghi Tàm, Vĩnh Thuận, Tây Hồ.

- Bà là một người phụ nữ tài giỏi nên được cử một chức quan vào cung dạy học cho những cung phi công chúa.

- Bà để lại các tác phẩm tiêu biểu như

+ Qua đèo ngang

+ Thăng Long thành hoài cổ

+ Chiều hôm nhớ nhà

+ Tức cảnh chiều thu

b/ Tác phẩm

- Hoàn cảnh sáng tác

+ Bài thơ được viết khi Bà Huyện Thanh Quan vào Phú Xuân - Huế nhận chức quan của mình.

+ Bài thơ này được viết vào khoảng thế kỉ XIX, khi tác giả lần đầu tiên tới Đèo Ngang.

- Thể thơ: Thất ngôn bát cú đường luật.

- Bố cục: 4 phần (Đề, thực, luận, kết)

+ Hai câu luận: bàn luận, nhận xét

+ Hai câu thực: miêu tả cụ thể cảnh và người

+ Hai câu đề: mở ý

+ 2 câu cuối: khép lại mạch ý bài thơ. Đó chính là nỗi lòng của Bà Huyện Thanh Quan.

2/ Đọc - hiểu văn bản Qua Đèo Ngang

a/ Hai câu đề

"Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá lá chen hoa"

- Thời điểm: bóng xế tà

→ Ánh nắng nhạt của chiều muộn ⇒ Gợi nỗi buồn.

→ Gợi lên một nỗi buồn man mác.

- Cảnh: cỏ cây chen đá > < lá chen hoa

+ Điệp từ, tiểu đối

+ Điệp từ “chen”

+ Tiểu đối: Cỏ cây thì chen đá > < lá thì chen hoa.

→ Nơi đây có cây cối, có hoa lá chen chúc um tùm, hoang sơ.

⇒ Gợi lên vẻ hoang sơ, rậm rạp; không gian hoang vắng gợi nỗi buồn.

b/ Hai câu thực

"Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà"

- Phép đối: Lom khom > < lác đác

→ Đối rất cân, rất chỉnh ⇒ Phác họa nên một bức tranh sơn thủy hữu tình.

- Từ láy tượng hình

+ Lom khom: Gợi dáng vẻ vất vả, nhỏ nhoi

+ Lác đác, vài: Gợi hình ảnh ít ỏi, thưa thớt.

- Đảo cấu trúc câu

+ Lom khom - tiều vài chú

+ Lác đác - chợ mấy nhà

→ Nhấn mạnh dáng vẻ nhỏ bé, tội nghiệp của con người và sự thưa thớt, xác xơ của cảnh vật.

- Đảo từ

+ Tiều vài chú

+ Chợ mấy nhà

→ Đảo từ trong cụm danh từ + từ chỉ số lượng ít ỏi (vài, mấy) ⇒ Gợi lên một thế giới cô liêu, lẻ loi, hoang vắng.

⇒ Cảnh: Sự sống ít ỏi, thưa thớt, hoang sơ.

⇒ Tình: Nỗi buồn man mát của lòng người.

c/ Hai câu luận

"Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia"

- Nghệ thuật đối

+ Nhớ nhà > < đau lòng

+ Con quốc quốc > < cái gia gia

+ Hệ thống thanh điệu cũng đối: TT BB BTT > < BB TT TBB

→ Làm nổi bật trạng thái, cảm xúc, tạo nhạc điệu cân đối cho bài thơ

- Nghệ thuật ẩn dụ: mượn tiếng chim để gợi tả lòng người

⇒ Sự hoang vắng của cảnh vật và nỗi nhớ nước, thương nhà bồn chồn của nhà thơ

d/ Hai câu kết

"Dừng chân đứng lại trời ,non ,nước

Một mảnh tình riêng ta với ta"

- Cảnh đèo Ngang: trời, non, nước > < Mảnh tình riêng ta với ta

+ Cảnh: bao la, bát ngát, hùng vĩ, trùng điệp → Ấn tượng mênh mông, xa lạ, vắng vẻ và tĩnh lặng

+ Tình: nhỏ nhoi, cô đơn tuyệt đối

⇒ Hình ảnh đối lập. Cảnh bao la khôn cùng, con người buồn bã, cô đơn, nhỏ bé

⇒ Gợi tâm sự sâu kín về nỗi nhớ nước, thương nhà da diết, âm thầm, lặng lẽ của con người trước cảnh vật bao la và rộng lớn..

* Tổng kết

Nghệ thuật

- Sử dụng thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật điêu luyện

- Sử dụng bút pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc.

- Bút pháp miêu tả kết hợp với biểu cảm hấp dẫn.

- Lời thơ trang nhã, điêu luyện; âm điệu trầm lắng.

- Sử dụng phép đối, từ láy trong việc tả cảnh, tả tình.

Nội dung: Cảnh đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng của sự sống con người nhưng còn hoang sơ.

Ý nghĩa

- Bài thơ thể hiện nỗi nhớ nước, thương nhà, nỗi buồn cô đơn thầm lặng của tác giả.

- Nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ trước cảnh vật Đèo Ngang.

3/ Bài tập minh họa bài Qua Đèo Ngang

Đề bài: Phân tích bài thơ "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan.

1/ Mở bài

- Họ tên là Nguyễn Thị Hinh sống vào giữa thế kỉ 19. Quê ở Nghi Tàm, Thăng Long; sinh trưởng trong một gia đình quyền quý cuối thời Lê – Trịnh. Chồng bà làm quan huyện Thanh Quan (tỉnh Thái Bình) nên người đời ái mộ gọi bà là Bà Huyện Thanh Quan.

- Bà hay chữ, giỏi thơ; hiện còn lại sáu bài thơ Nôm: “Qua Đèo Ngang”, “Chiều hôm nhớ nhà”, “Thăng Long thành hoài cổ’”,… Thơ của bà trang trọng du dương, rất điêu luyện. Bà hay nói đến hoàng hôn và li biệt. Thơ bà thấm một nỗi buồn man mác, cô đơn.

-Bài thơ “Qua Đèo Ngang” có thể được nữ sĩ viết vào khi trên đường thiên lí vào kinh đô Phú Xuân làm nữ quan “Cung trung giáo tập”. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, luật trắc vần bằng. “Qua Đèo Ngang” tả cảnh Đèo Ngang lúc ngày tàn và nói lên nỗi buồn nhớ, cô đơn của người lữ khách:

“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
……….
Một mảnh tình riêng ta với ta”.

2/ Thân bài

a/ Phần đề

- Đèo Ngang là địa giới tự nhiên giữa hai tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình. Dãy Hoành Sơn chạy dài ra tận bờ biển mà tạo thành con đèo “đệ nhất hùng quan” của Đại Việt.

- Câu phá đề nói lên thời điểm khi nữ sĩ vừa “bước tới” chân đèo. Đó là lúc mặt trời đã gác núi, lúc “bóng xế tà”. Thời khắc ấy thường rất buồn, nhất là đối với khách li hương. Chữ “tà” để gieo vần, là trầm bình thanh (thanh bằng có dấu huyền) cũng tạo nên âm điệu trầm buồn như kéo dài mãi ra.

- Câu thừa đề gợi tả cảnh quan con đèo. Cỏ, hoa, lá, đá “chen” nhau mà tồn tại. Cảnh cằn cỗi hoang vu. Điệp ngữ “chen” tô đậm nét cằn cỗi, hoang vu ấy. Chữ “lá” vần với chữ “đá” tạo nên một vần lưng đặc sắc, hòa điệu với vần chân: “tà – hoa”, âm điệu thơ trầm bổng, du dương. Hoa được nói tới là hoa rừng, hoa mua, hoa sim tím, một “màu hoang biền biệt” (thơ Hữu Loan).

b/ Phần thực

- Cuộc sống và con người nơi Đèo Ngang hơn 150 năm về trước. Cành vật đối nhau: có núi và sông, có mấy chú tiều phu “lom khom” gánh củi và mấy nhà chợ “lác đác” thưa thớt. Chợ miền núi, chợ chiều nên trống trơ, hoang vắng.

- Cặp từ láy “lom khom” và “lác đác” đứng đầu câu thơ đảo ngữ vừa tạo nên ấn tượng sâu sắc về cuộc sống hoang vắng, nghèo nàn nơi Đèo Ngang. Nữ sĩ càng cảm thấy mình bơ vơ, trơ trọi và buồn khôn xiết kể.

c/ Phần luận

- Trời tối dần, chim rừng cất tiếng gọi đàn: con cuốc cuốc và cái gia gia. Khúc nhạc rừng cất lên, lúc hoàng hôn rất buồn, gợi lên bao nỗi niềm đối với li khách vừa “nhớ nước, đau lòng” vừa “thương nhà mỏi miệng”. Tiếng chim cũng là tiếng lòng. Bút pháp tả cảnh ngụ tình rất đặc sắc.

- Phép đối và đảo ngữ vừa tạo hình vừa tạo nhạc; vần thơ rung lên làm xúc động, làm thổn thức hồn người.

d/ Phần kết

- Bốn chữ “dừng chân đứng lại” gợi tả một cử chỉ, một hành động, một tâm trạng ngơ ngác, bồi hồi. Đứng lại để nhìn con đèo; dừng chân để nghe tiếng chim gọi đàn. Giữa mênh mông “trời non nước”, lữ khách chỉ thấy mình trơ trọi “ta với ta”. Chút “tình riêng” như tan ra thành “mảnh”, buồn đau tê tái. Chữ “một” đứng đầu câu thơ cuối bài đã đặc tả nỗi buồn lẻ loi, cô đơn của tác giả khi một mình đứng trên đỉnh Đèo Ngang lúc ngày tàn.

- Hình tượng thơ được đặt trong thế tương phản độc đáo. Cái mênh mông, bao la, vô hạn của “trời non nước’’ tương phản cái “ta” nhỏ bé, lẻ loi và đơn côi. Nỗi nhớ quê nhớ nhà dâng lên trong lòng li khách không thể nào kể xiết.

- Trong bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà”, hai câu kết cũng đã cực tả nỗi buồn nhớ da diết, nhớ quê, nhớ nhà, nhớ người thân thương của người lữ khách:

“Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ,
Lấy ai mà k nỗi hàn ôn”

3/ Kết bài

- “Qua Đèo Ngang” là bài thơ Nôm thất ngôn bát cú Đường luật rất đặc sắc. Vần thơ, niêm luật, bố cục và phép đối chặt chẽ chứng tỏ một bút pháp nghệ thuật độc đáo, điêu luyện. Hình tượng thơ mang tính ước lệ tượng trưng nhưng rất biểu cảm, nhất là âm điệu, nhạc điệu bổng trầm, du dương như cuốn hút hồn người.

- Cảnh Đèo Ngang, tâm tình nữ sĩ – khách li hương như chan hòa, như cộng hưởng. Tình yêu thiên nhiên, nỗi nhớ quê nhớ nhà, nỗi buồn cô đơn của li khách đã kết đọng thành vẻ đẹp nhân văn của bài thơ tuyệt bút “Qua Đèo Ngang”.

---------------------------------------------

Với nội dung bài Qua Đèo Ngang các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức về hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Qua Đèo Ngang do Bà Huyện Thanh Quan sáng tác…

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Lý thuyết Ngữ văn 7: Qua Đèo Ngang. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 7, Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 7, Soạn bài lớp 7, Văn mẫu lớp 7, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 7, Soạn văn 7 siêu ngắn.

Đánh giá bài viết
10 3.906
Sắp xếp theo

Lý thuyết Ngữ văn 7 CTST

Xem thêm