“Giải oan” cho Trương Sinh trong Chuyện người con gái Nam Xương

“Giải oan” cho Trương Sinh trong Chuyện người con gái Nam Xương lớp 9

“Giải oan” cho Trương Sinh trong Chuyện người con gái Nam Xương được VnDoc sưu tầm và đăng tải. Bài văn dưới đây cho chúng ta nhìn nhận về khía cạnh khác của con người Trương Sinh. Mời bạn đọc cùng tham khảo và có cái nhìn đa chiều hơn về nhân vật này

“Chuyện người con gái Nam Xương” trích trong “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong giai đoạn văn học thế kỉ XVI – XVII. Tác phẩm từ lâu đã được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông. Các nhân vật trong truyện đều được đem ra phân tích một cách chi tiết, sâu sắc. Tuy nhiên, xưa nay, hầu hết chúng ta đều có cách nhìn nhận về nhân vật Trương Sinh trong truyện vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét một cách thấu đáo.

Trước tiên, có thể nói, trong truyện cổ tích, nhân vật Trương Sinh là một loại nhân vật chức năng. Nhà văn xây dựng nhân vật này nhằm phát triển nội dung câu chuyện, nhằm thể hiện những điều mà nhà văn muốn nói. Những hành động, lời nói của nhân vật chức năng chỉ nhằm làm nổi bật phẩm chất, đức hạnh của nhân vật trung tâm của truyện.

Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ đã phát triển nhân vật chức năng này thành một nhân vật chính có vai trò quyết định đến sự phát triển của truyện. Tuy nhiên, những đặc điểm cơ bản của nhân vật chức năng vẫn hiện hữu một cách đầy đủ trong nhân vật Trương Sinh. Do vậy, khi tìm hiểu về nhân vật này, chúng ta cần xem xét một cách toàn diện trên tất cả các bình diện.

“Giải oan” cho Trương Sinh trong Chuyện người con gái Nam Xương

Xưa nay, hầu hết các thầy cô giáo khi giảng cho học sinh đều cho Trương Sinh là một kẻ ngu si, thô bạo. Chàng là con nhà hào phú nhưng lại không được học hành đầy đủ. Chính chi tiết đó làm cho mọi người “kết tội” chàng Trương là vô học. Thực ra, theo tôi, đó không phải là mục đích mà Nguyễn Dữ muốn đề cập đến. Chi tiết không có học chỉ là điều kiện để sau này chàng Trương mặc dù là con nhà hào phú nhưng vẫn phải đi lính. Về thực chất có thể thấy chàng Trương hoàn toàn không phải là một kẻ vô học, thô bạo, ngu si. Chàng là một người biết yêu và trân trọng cái đẹp. Chính vẻ đẹp người, đẹp nết của Vũ Thị Thiết đã cuốn hút chàng. Việc Trương Sinh đem trăm lạng vàng cưới nàng về làm vợ đã chứng tỏ điều đó. Rõ ràng chàng là người biết nâng niu và trân trọng cái đẹp. Một người không có đầu óc, thiếu văn hoá sẽ không thể biết điều đó.

Nhiều người dựa vào chi tiết “mang trăm lạng vàng cưới về làm vợ” để kết luận rằng cuộc hôn nhân đó hoàn toàn là mua bán, không có tình yêu. Thực chất, “trăm lạng vàng” kia chính là sính lễ mà nhà trai đem đến để rước dâu. Đó là tục lệ ngàn đời của dân tộc ta còn tồn tại đến ngày nay. Do đó, việc đem trăm lạng vàng để cưới Vũ Nương của Trương sinh là một việc làm hoàn toàn bình thường, đúng với đạo lý ở đời. Nguyễn Dữ nhấn mạnh chi tiết này để khẳng định thêm về giá trị, vẻ đẹp của Vũ Nương mà thôi.

Trong cuộc sống, vợ chồng họ rất hạnh phúc. Lấy nhau đã lâu mà không có lúc nào có chuyện thất hoà quả là việc không dễ. Đó không chỉ do cố gắng của một mình Vũ Nương được. Bởi hạnh phúc gia đình phải do tất cả các thành viên cùng vun trồng xây đắp mới trở nên tốt đẹp được. Một người, dù có cố gắng đến mức nào cũng không thể cứu vãn được nếu những người còn lại không ủng hộ. Chúng ta có thể thấy điều đó ở phần sau của câu chuyện. Dù Vũ Nương có cố níu kéo nhưng hạnh phúc gia đình không thể cứu vãn được khi Trương Sinh cố ý đạp đổ nó. Như vậy có thể thấy rằng, Trương Sinh cũng hết lòng chăm chút nâng niu tổ ấm của mình. Nguyễn Dữ nhấn mạnh tính hay ghen của Trương Sinh để làm nổi bật sự giữ gìn khuôn phép của Vũ Nương, nhưng không có nghĩa ông phủ nhận những cố gắng của Trương Sinh trong việc vun đắp hạnh phúc gia đình.

Như đã nói ở trên, vì không được học hành đầy đủ mà Trương Sinh phải đi lính. Chi tiết này mở ra một hướng phát triển mới cho câu chuyện. Chàng từ biệt mẹ già, vợ trẻ đang bụng mang dạ chửa để đi ra chiến trường. Khi tổ quốc lâm nguy, chàng cũng sẵn sàng từ bỏ cuộc sống vinh hoa để ra chiến trường chiến đấu giết giặc mang theo nỗi nhớ thương mẹ già vợ trẻ.

Khi trở về, mẹ già vừa mất, đứa con nhất định không nhận mình làm cha khiến chàng đau đớn. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của Trương Sinh, chúng ta sẽ lỹ giải được vì sao chàng lại hành động như vậy. Hơn nữa, lời bé Đản rất có lý khiến chúng ta không thể không tin có “điều gì đó” mờ ám diễn ra.

– Đêm nào cha Đản cũng đến, mẹ đản đi cũng đi, mẹ đản ngồi cũng ngồi và chẳng bao giờ bế Đản cả.

Chỉ có gian phu dâm phụ thì mới lén lút đi lại trong đêm. Nếu đường đường chính chính thì làm gì phải đợi đến đêm mới đến. Còn việc không bế Đản là đương nhiên, làm sao có thể bế bồng, ôm ấp đứa con của “tình địch được”!?

Nguyễn Dữ đã khéo léo đặt những lời nói đó vào miệng một đứa trẻ ngây thơ. Hơn ai hết, lời của bé Đản khiến không chỉ Trương Sinh có thể kết luận rằng: Vũ Nương đã ngoại tình.

Khi ghen tuông mấy ai còn đủ tỉnh táo và sáng suốt!? Hơn nữa, mẹ vừa mất, vợ lại ngoại tình, còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau ấy?

Nỗi đau đớn khôn cùng ấy tất sẽ dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ của Trương Sinh. Chàng không thể chấp nhận một người vợ đã thất tiết. Đó là một hành động tội lỗi không thể tha thứ trong xã hội phong kiến. Do vậy, việc đánh đuổi Vũ Nương hoàn toàn có thể giải thích được.

Công bằng mà nói, cái chết của Vũ Nương có một phần lỗi của nàng. Tại sao lại chỉ cho con cái bóng của mình và bảo đó là cha? Có người nói, việc làm đó thể hiện mong muốn gắn bó như hình với bóng của nàng với chồng!? Nhưng một đứa trẻ lên ba liệu có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa đó? Thực tế đã chứng minh, hành động đó chỉ đem đến một kết thúc bi thảm đối với nàng.

Khi Vũ Nương quyên sinh, Trương Sinh đã đi tìm xác nàng để chôn cất. Đó là một hành động đáng trân trọng. Nó thể hiện tình cảm của chàng đối với người vợ bất hạnh.

Vợ đi rồi, một mình chàng lầm lũi nuôi con. Khi nhận ra nỗi oan của vợ thì mọi sự đã quá muộn. Mái ấm gia đình của chàng đã mãi mãi không còn nữa. Chính chàng cũng là một nạn nhân bất hạnh của xã hội phong kiến. Bi kịch gia đình ấy đâu phải chỉ mình Vũ Nương gánh chịu. Nỗi cô đơn, ân hận có lẽ sẽ theo chàng đến hết cuộc đời.

Được Phan Lang báo tin, Trương Sinh đã lập đàn tràng giải oan cho Vũ Nương tại bến Hoàng Giang. Đây là cố gắng cuối cùng của chàng để níu kéo hạnh phúc đã mất. Chàng muốn chuộc lỗi với Vũ Nương, muốn xây dựng lại gia đình vốn rất ấm êm, hạnh phúc.

Nhưng những gì đã mất thì khó có thể cứu vãn được. Hạnh phúc đã tan vỡ không thể hàn gắn.

Kết thúc câu chuyện là một khoảng trống khiến chúng ta phải suy ngẫm nhiều điều. Tất cả các nhân vật đều phải gánh chịu bi kịch của sự đổ vỡ. Không chỉ Vũ Nương mà cả Trương Sinh, bé Đản đều là nạn nhân. Nó cho chúng ta một chân lý: hạnh phúc gia đình không phải chỉ do một người gây dựng và vun đắp mà nó là sự cố gắng của tất cả thành viên trong gia đình ấy. Trong “Chuyện người con gái Nam Xương” không chỉ bé Đản, hay Trương sinh gây ra bi kịch mà có cả Vũ Nương.

Do vậy, khi phấn tích, đánh giá về nhân vật Trương Sinh, chúng ta cần có cái nhìn khách quan và đúng đắn hơn để hiểu một cách sâu sắc về điều mà tác giả muốn gửi gắm.

Đánh giá bài viết
5 4.617
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 9

    Xem thêm