Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Khoa học tự nhiên 9 Chân trời sáng tạo bài 45

Với nội dung bài Giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 9 bài 45: Ứng dụng công nghệ di truyền vào đời sống chi tiết sách Chân trời sáng tạo giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập môn KHTN 9.

Mở đầu trang 190 Bài 45 KHTN 9: Drew Weissman và Katalin Kariko là hai nhà khoa học đạt giải Nobel năm 2023 với nghiên cứu ứng dụng công nghệ di truyền để sản xuất vaccine mRNA phòng chống COVID-19. Trong tương lai, công nghệ di truyền sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn vào đời sống và xã hội. Tuy nhiên, liệu tất cả ứng dụng của công nghệ di truyền đều mang lại lợi ích cho con người và được nhân loại đón nhận không?

Trả lời:

Không phải tất cả ứng dụng của công nghệ di truyền đều mang lại lợi ích cho con người. Bên cạnh những lợi ích đem lại thì những ứng dụng của công nghệ di truyền cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Do đó, để được nhân loại đón nhận, khi nghiên cứu và ứng dụng công nghệ di truyền cần cân nhắc kĩ giữa lợi ích và rủi ro.

1. Ứng dụng công nghệ di truyền

Hình thành kiến thức mới 1 trang 190 KHTN 9: Quan sát Hình 45.1 và đọc thông tin ở Bảng 45.1, hãy cho biết giống cây trồng biến đổi gene có những đặc tính vượt trội nào so với giống ban đầu.

Trả lời:

Giống cây trồng biến đổi gene có những đặc tính vượt trội so với giống ban đầu như có năng suất cao hơn, khả năng chống chịu tốt hơn, khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, có khả năng kháng sâu bệnh,…

Luyện tập trang 190 KHTN 9: Hãy tìm hiểu thực tế và cho biết ở địa phương em có sử dụng giống cây trồng biến đổi gene không? Nếu có, hãy liệt kê một số loại cây trồng đó.

Trả lời:

- Ở địa phương của em có sử dụng giống cây trồng biến đổi gene.

- Một số giống cây trồng biến đổi gene như: giống ngô được chuyển gene kháng sâu; giống “lúa vàng” được chuyển gene tổng hợp b-carotene; giống đu đủ mang gene kháng virus gây bệnh đốm vòng; giống lúa được chuyển gene tổng hợp lactoferrin có trong sữa người; các giống đậu tương, ngô, bông kháng thuốc diệt cỏ;…

Hình thành kiến thức mới 2 trang 191 KHTN 9: Đọc thông tin và cho biết những thành tựu công nghệ di truyền nào đã được ứng dụng tại địa phương nơi em sống.

Trả lời:

Một số thành tựu công nghệ di truyền đã và đang được ứng dụng:

- Tạo cây trồng biến đổi gene: giống ngô được chuyển gene kháng sâu, giống “lúa vàng” được chuyển gene tổng hợp b-carotene, giống đu đủ mang gene kháng virus gây bệnh, giống lúa được chuyển gene tổng hợp lactoferrin có trong sữa người,…

- Tạo vật nuôi chuyển gene: Cá chép được chuyển gene tổng hợp hormone sinh trưởng ở người giúp cá chép sinh trưởng nhanh và có khả năng kháng virus gây bệnh IHNV; bò được chuyển gene tổng hợp protein giúp bò tăng chất lượng sữa; dê được chuyển gene tạo ra tơ nhện để sản xuất sữa dê chứa protein tơ nhện dùng cho nhiều mục đích như tạo dây chằng, giác mạc mắt và sụn, gân nhân tạo, áo giáp quân sự;…

- Tạo ra các sinh vật biến đổi gene có khả năng xử lí ô nhiễm môi trường: Vi khuẩn biến đổi gene có thể phân huỷ các polyme nhựa hóa học; chuyển gene quy định khả năng phân hủy RDX (một loại thuốc nổ) có nguồn gốc từ một loài vi khuẩn vào loài cỏ switchgrass, cỏ chuyển gene hấp thụ thành công và phân hủy hoàn toàn RDX trong nơi trồng;…

- Sản xuất các chế phẩm sinh học dùng trong y tế: insulin, hormone tăng trưởng, follistim để điều trị vô sinh, albumin người, kháng thể đơn dòng, các yếu tố chống loạn nhịp, thuốc chống xuất huyết, chống đông, vaccine chống covid-19,…

- Ứng dụng công nghệ di truyền để phân tích DNA giúp xác định quan hệ họ hàng hoặc xác định được danh tính nạn nhân/ tội phạm.

Luyện tập trang 191 KHTN 9: Tại sao việc sản xuất insulin từ vi khuẩn E.coli có nhiều ưu điểm hơn việc chiết insulin từ tuyến tụy của động vật?

Trả lời:

Việc sản xuất insulin từ vi khuẩn E.coli có nhiều ưu điểm hơn việc chiết insulin từ tuyến tụy của động vật vì việc sản xuất insulin từ vi khuẩn E.coli được tiến hành bằng cách chuyển gene mã hóa insulin của người vào vi khuẩn E.coli. Phương pháp này đem lại nhiều ưu điểm vượt trội:

- Sản xuất được lượng insulin lớn trong thời gian ngắn, từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm: Vi khuẩn E.coli có ưu điểm là sinh sản rất nhanh giúp tăng số bản sao của gene mã hóa insulin một cách nhanh chóng và dễ dàng, từ đó giúp thu được số lượng lớn hormone insulin. Trong khi, nếu dùng động vật để chiết insulin thì cần một lượng tụy rất lớn mới có thể sản xuất được một lượng nhỏ insulin.

- Sản xuất được insulin có độ tinh sạch cao: Việc insulin được sản xuất trực tiếp từ tụy động vật thường có cấu trúc không hoàn toàn giống với insulin người, hoạt động chức năng trong cơ thể kém hơn so với insulin người , khả năng hấp thụ kém, có thể gây ra những phản ứng phụ. Trong khi đó, sản xuất insulin từ vi khuẩn E.coli sẽ tạo ra insulin có cấu trúc giống insulin của người hơn, làm giảm tối đa tính phức tạp và giá thành của các giai đoạn tinh sạch.

- Chi phí sản xuất thấp: Vi khuẩn E.coli có kích thước nhỏ, dễ nuôi cấy nên giảm được chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất hơn nhiều so với việc nuôi bò hoặc lợn để tách chiết insulin.

Vận dụng trang 191 KHTN 9: Trong đợt dịch bệnh COVID-19 bùng nổ, Bộ Y tế đã cấp phép cho 8 loại vaccine được sử dụng trong điều kiện khẩn cấp gồm: (1) AstraZeneca; (2) Sputnik V; (3) Vero cell; (4) Pfizer; (5) Moderna; (6) Janssen; (7) Hayat-vax; (8) Abdala. Hãy tìm hiểu thông tin và cho biết loại vaccine nào trong số tám loại ở trên được sản xuất nhờ ứng dụng công nghệ mRNA.

Trả lời:

Trong số 8 loại vaccine trên, có 2 loại vaccine được sản xuất nhờ ứng dụng công nghệ mRNA là (4) Pfizer và (5) Moderna.

Hình thành kiến thức mới 3 trang 192 KHTN 9: Theo em, vi sinh vật biến đổi gene dùng để phân hủy rác thải hữu cơ cần có những đặc tính nào?

Trả lời:

Vi sinh vật biến đổi gene dùng để phân hủy rác thải hữu cơ cần có những đặc tính như có khả năng phân hủy chất thải hiệu quả nhanh; có sức sống, chống chịu tốt; có khả năng chuyển hóa hóa học để trung hòa độc tố, cải tạo môi trường đất;…

Luyện tập trang 192 KHTN 9: Hãy tìm hiểu thực tế và cho biết địa phương em có sử dụng chế phẩm vi sinh vật để làm sạch môi trường không? Nếu có, hãy xác định đó có phải là vi sinh vật biến đổi gene không?

Trả lời:

- Một số chế phẩm vi sinh vật thường được dùng để làm sạch môi trường: Microbelift IND, icrobelift SA, Microbelift N1, men vi sinh Hiếu khí Jumbo A, men vi sinh kị khí Jumbo G, BIOTECH-H01, Bionetix BCP10, Microbelift OC, Microbelift DGT, men vi sinh khử mùi, Biomix1,…

- Trong các chế phẩm trên có chế phẩm Microbelift là chế phẩm chứa chủng vi sinh Pseudomonas sp. biến đổi gene có khả năng tổng hợp được tập hợp khả năng phân hủy các hợp chất hydrocacbon từ một vài chủng Pseudomonas, đặc biệt là khả năng phân hủy dầu mỏ.

Hình thành kiến thức mới 4 trang 192 KHTN 9: Em hãy nêu ví dụ về ứng dụng công nghệ di truyền trong an toàn sinh học mà em biết.

Trả lời:

Một số ứng dụng công nghệ di truyền trong an toàn sinh học như:

- Sử dụng kĩ thuật giải trình tự gene thế hệ mới giúp công bố nhanh trình tự gene của các virus gây bệnh nguy hiểm như SARS, COVID-19,... từ đó sản xuất nhanh vaccine để phòng bệnh.

- Sử dụng kĩ thuật tổng hợp đoạn mồi ứng dụng để phát hiện nhanh vi sinh vật gây bệnh trên vật nuôi, cây trồng và con người bằng kĩ thuật phân tử.

- Ứng dụng công nghệ kháng thể đơn dòng trong chuẩn đoán nhanh người mắc bệnh COVID-19.

2. Đạo đức sinh học trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ di truyền

Hình thành kiến thức mới 5 trang 193 KHTN 9: Đạo đức sinh học là gì? Tại sao chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức sinh học trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ di truyền?

Trả lời:

- Đạo đức sinh học là những quy tắc ứng xử phù hợp với đạo đức xã hội trong nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu của sinh học vào thực tiễn, bao hàm sự đánh giá về lợi ích và rủi ro bởi các can thiệp của con người vào sự sống.

- Chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến vấn để đạo đức sinh học trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ di truyền vì: Bên cạnh những lợi ích đem lại, công nghệ di truyền cũng đã can thiệp vào hệ gene của sinh vật, làm thay đổi sự phát triển tự nhiên của sinh vật và phát sinh các vấn đề liên quan đến đạo đức sinh học. Do đó, nếu không đảm bảo các vấn đề về đạo đức sinh học trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ di truyền thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho sự ổn định và phát triển của xã hội.

Luyện tập trang 193 KHTN 9: Tại sao nhân bản vô tính ở người bị các quốc gia trên thế giới xem là vi phạm đạo đức sinh học?

Trả lời:

Nhân bản vô tính ở người được coi là vi phạm đạo đức sinh học vì nó đặt ra những câu hỏi đầy thách thức về đạo đức, quyền lợi và tầm quan trọng của con người trong xã hội. Việc tạo ra một cá thể con người mà không có sự tham gia của hai phụ huynh tự nhiên đều đặn có thể dẫn đến việc coi thường giá trị cá nhân và quan hệ gia đình. Ngoài ra, việc thực hiện nhân bản vô tính có thể dẫn đến việc lạm dụng công nghệ trong y tế và thúc đẩy sự phân biệt đối xử giữa những người được tạo ra theo cách này và những người được sinh ra tự nhiên. Điều này gây ra những lo ngại đáng kể về công bằng và sự đa dạng trong xã hội.

Vận dụng trang 194 KHTN 9:

- Năm 1968, Robert Edwards đã cho thụ tinh thành công trứng người trong phòng thí nghiệm. Sau đó, vào năm 1978, với sự hỗ trợ của bác sĩ sản khoa Patrick Steptoe, ông và cộng sự đã tạo ra đứa trẻ bằng thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở Anh. Với thành công này, ông đã được trao giải Nobel vào năm 2010.

- Năm 2018, một nhà khoa học đã công bố kết quả về việc sử dụng kĩ thuật CRISPR-Cas9 chỉnh sửa gene của phôi thai để tạo ra hai đứa bé gái sinh đôi có khả năng đề kháng với HIV. Với công bố này, tháng 12 năm 2019, ông đã bị toà án kết án ba năm tù vì tội vi phạm vấn đề đạo đức trong nghiên cứu.

Theo em, tại sao cả hai nghiên cứu đều được thực hiện trên người nhưng nghiên cứu của Robert Edwards không vi phạm đạo đức sinh học?

Trả lời:

- Nghiên cứu của Robert Edwards vào năm 1968 và 1978 về thụ tinh trong ống nghiệm không bị xem là vi phạm đạo đức sinh học vì Edwards và đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu này với mục tiêu chính là giúp các cặp vợ chồng vô sinh có thể có con, điều này được xem là một ứng dụng y học có ích và mang lại lợi ích cho xã hội.

- Trong khi đó, nghiên cứu sử dụng CRISPR-Cas9 để chỉnh sửa gene của phôi thai với mục đích tạo ra bé gái sinh đôi có khả năng đề kháng với HIV là vi phạm đạo đức sinh học vì nghiên cứu này làm dấy lên lo ngại về sự rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện, có thể gây ra những đột biến không mong muốn, ảnh hưởng đến quyền lợi con người.

>>>> Bài tiếp theo: Khoa học tự nhiên 9 Chân trời sáng tạo bài: Ôn tập chủ đề 11

Trên đây là toàn bộ lời giải Giải sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 9 bài 45: Ứng dụng công nghệ di truyền vào đời sống sách Chân trời sáng tạo. Các em học sinh tham khảo thêm Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo Toán 9 Chân trời sáng tạo. VnDoc liên tục cập nhật lời giải cũng như đáp án sách mới của SGK cũng như SBT các môn cho các bạn cùng tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Điện hạ
    Điện hạ

    😍😍😍😍😍😍😍

    Thích Phản hồi 12:46 11/06
    • Sư Tử
      Sư Tử

      💯💯💯💯💯💯💯💯

      Thích Phản hồi 12:46 11/06
      • Gia Kiet Hoang ...
        Gia Kiet Hoang ...

        😇😇😇😇😇😇😇

        Thích Phản hồi 12:46 11/06

        KHTN 9 Chân trời sáng tạo

        Xem thêm