Thuyết minh về văn bản: "Phong cách Hồ Chí Minh" của Lê Anh Trà

Văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về văn bản: "Phong cách Hồ Chí Minh" của Lê Anh Trà gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

I. Giới thiệu về tác giả Lê Anh Trà

1. Tiểu sử cuộc đời tác giả Lê Anh Trà

Tác giả Lê Anh Trà (1927 – 1999), quê ở xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Cuộc đời của ông là sự song hành trong tư cách kép: Một nhà quân sự và một nhà văn – nhà văn hóa.

Những tác phẩm tiêu biểu của Lê Anh Trà có thể kể đến là: “Giáo dục thẩm mỹ và xây dựng con người mới Việt Nam” (1982), Đường vào văn hóa (1993), Hồ Chí Minh, tác gia, tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ (1997).

Bài viết “Phong cách Hồ Chí Minh cái vĩ đại gắn liền với cái giản dị” của Lê Anh Trà vẫn được nhiều người biết đến như một văn bản nghị luận tiêu biểu về Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

2. Quan điểm sáng tác và phong cách văn chương của tác giả Lê Anh Trà

Lê Anh Trà là một nhà văn, nhà văn hóa tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Với ngòi bút chân thực, sắc sảo, ông đã có nhiều đóng góp cho nền văn học hiện đại với nhiều tác phẩm hay, đặc biệt là ở thể loại nghị luận.

Lê Anh Trà là một cây viết xuất sắc về thể văn nghị luận của nền văn học hiện đại Việt Nam. Văn chương của ông là sự kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc và tính nhân loại, truyền thống và hiện đại, giữa vĩ đại và giản dị với hệ thống lập luận chặt chẽ và dẫn chứng giàu sức thuyết phục.

“Phong cách Hồ Chí Minh” là tác phẩm nói về sự giản dị trong phong cách sống và làm việc của chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng ngòi bút giản dị chân thực của mình. Tác giả Lê Anh Trà đã khắc họa lại cuộc sống và đức tính giản dị, tiết kiệm của chủ tịch trong cuộc sống cũng như khi làm việc.

II. Dàn ý Thuyết minh về văn bản Phong cách Hồ Chí Minh

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Lê Anh Trà và dẫn dắt vào văn bản Phong cách Hồ Chí Minh.

Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.

2. Thân bài

a. Khái quát chung

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc có nhiều đóng góp quan trọng làm nên độc lập tự do cho nước nhà và giúp nhân dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thế hệ bây giờ và mai sau vẫn mãi biết ơn Người và tôn thờ những giá trị tốt đẹp mà Người đã tạo lập nên.

b. Thuyết minh chi tiết

Văn bản Phong cách Hồ Chí Minh tập trung đề cập đến sự tài năng, chăm chỉ, vốn hiểu biết sâu rộng của Người cũng như lối sống giản dị, thanh cao của Người đến với độc giả để nêu lên một tấm gương sáng giúp chúng ta học hỏi, phát triển bản thân.

Dưới ngòi bút tài hoa của mình, tác giả Lê Anh Trà đã khiến chúng ta thêm tự hào khi lột tả một cách chân thực nhưng cũng rất tinh tế những phẩm chất tốt đẹp của Bác Hồ.

Văn bản Phong cách Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn, hàm súc nhưng lại truyền đạt nhiều ý nghĩa sâu xa, trọng tâm và vô cùng tinh tế về con người, phẩm hạnh của Bác.

Tác phẩm không chỉ đơn giản chỉ là một văn bản văn học mà còn có giá trị, ý nghĩa, là niềm tự hào của người Việt ta về vị lãnh tụ vĩ đại một thời đã làm nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc.

3. Kết bài

Khái quát lại tác giả Lê Anh Trà và văn bản Phong cách Hồ Chí Minh.

III. Văn mẫu Thuyết minh về văn bản Phong cách Hồ Chí Minh

1. Thuyết minh về văn bản Phong cách Hồ Chí Minh - Mẫu 1

Lịch sử kiêu hùng của đất nước ta đã ghi danh biết bao vị anh hùng. Thế nhưng, chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được gọi là “Người Việt Nam nhất trong những người Việt Nam”. Lối sống cao đẹp của người đã tác giả Lê Anh Trà trình bày trong bài viết “Phong cách Hồ Chí Minh”.

Văn bản “Phong cách Hồ Chí Minh” được trích từ một bài báo cáo chính trị. Tuy nhiên, bài viết không hề mất đi sự tình cảm, tự nhiên, chân thực và xúc động. Trong bài, hình ảnh Người hiện lên với đầy đủ những vẻ đẹp thanh cao nhất.

Trước hết, tác giả phân tích về phong cách làm việc, học tập của Bác. Có thể thấy rằng chính thái độ tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại một cách cởi mở và có chọn lọc đã tạo nên lối sống rất Việt Nam, rất truyền thống nhưng cũng rất hiện đại ở Người. Hiếm có một vị lãnh tụ nào lại đặt chân đến nhiều vùng đất, nói nhiều thứ tiếng như Bác Hồ. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác đã đi đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, trải nghiệm cả văn hóa phương Đông lẫn phương Tây. Vốn tri thức văn hóa sâu rộng của Người không phải tự nhiên mà hình thành. Người nắm được tầm quan trọng của ngôn ngữ nên đã tích cực trau dồi khả năng giao tiếp. Việc viết và nói thạo nhiều thứ tiếng như Anh, Hoa, Pháp, Nga,… đã giúp Người rất nhiều trên con đường tìm đường cứu nước. Hơn nữa, chính tinh cần cần cù, chăm chỉ lao động, sẵn sàng làm nhiều nghề khác nhau từ phụ bếp đến cào tuyết đã cung cấp cho Bác biết bao kinh nghiệm sống. Ngoài ra, trong việc học tập, Người luôn học hỏi ở mức sâu sắc và uyên thâm chứ không “Cưỡi ngựa xem hoa” một cách qua quýt. Điều quan trọng nhất là khi tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài, Bác Hồ không chịu ảnh hưởng một cách thụ động. Người tiếp thu cái hay, phê phán cái tiêu cực, dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc mà tiếp thu ảnh hưởng quốc tế. Trong lịch sử, không ít những vị vua, những nhà lãnh đạo vì “Thủ cựu bài tân” mà khiến đất nước lâm vào cảnh lạc hậu, cũng có người vì ỷ vào ngoại bang mà mất nước. Bác Hồ luôn đề cao tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, yêu quê hương và trân trọng gốc gác văn hóa dân tộc. Từ đó, Người cởi mở và đón nhận có chọn lọc tri thức tiến bộ từ văn hóa bên ngoài.

Về phong cách sống hằng ngày, nét sinh hoạt của Bác rất đỗi giản dị, khiêm nhường mà thanh cao. Người sống trong nhà sàn đơn sơ, bên cạnh có ao cá và vườn cây. Tất cả gợi ra không gian quen thuộc của làng quê Bắc Bộ. Trang phục của Người cũng chỉ có bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ. Tư trang bên mình của vị lãh tụ vĩ đại, ai mà ngờ chỉ có một chiếc vali con con với vài bộ quần áo và một số vật kỉ niệm. Trong bữa cơm, Người ăn cá kho, rau muống, dưa ghém, cà muối, cháo hoa – những món ăn đạm bạc, quen thuộc với bất kì con người Việt Nam nào. Lối sống đó mộc mạc mà sang trọng, cho ta thấy được quan niệm thẩm mỹ rất nhân văn: cái đẹp gắn liền với cái tự nhiên.

Để khắc họa phong cách sống đáng trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người viết đã kết hợp giữa kể và bình luận, chọn lọc những dẫn chứng tiêu biểu, vận dụng nghệ thuật đối lập, đan xen cả thơ ca và từ Hán Việt.

Bài viết cho ta thấy vẻ đẹp cao quý của Người, thể hiện thái độ trân trọng và ngợi ca vô cùng của tác giả. Đây quả thực là một trong những bài viết hay nhất viết về Bác Hồ. Từ đó, bài viết góp phần định hướng cho người độc cung cách ứng xử văn hóa, ý nghĩa trong đời sống.

2. Thuyết minh về văn bản Phong cách Hồ Chí Minh - Mẫu 2

Đừng cố tìm ở Hồ Chí Minh cái gì cũng đều có, cũng đều “vĩ đại”, vì như vậy chính là xuyên tạc, hạ thấp hoặc là bôi nhọ tư tưởng Hồ Chí Minh." - GS.Tương Lai đưa ra một vài gợi ý để hiểu sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh.

“Tư tưởng Hồ Chí Minh” không đơn thuần chỉ là sự vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng lý luận của “học thuyết C.Mác” vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Hồ Chí Minh không chỉ tiếp thu những phần tinh tuý nhất của học thuyết khoa học và cách mạng đó. Là một nhà cách mạng chuyên nghiệp đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, Hồ Chí Minh đã hấp thu vào mình trí tuệ, văn hoá của cả loài người, vì thế, Bác Hồ được thế giới nói đến như là một danh nhân văn hoá.

Có được điều đó, trước hết là do Hồ Chí Minh am hiểu sâu sắc về dân tộc mình, thấm nhuần lịch sử và văn hoá của dân tộc. Nhờ nắm vững phương pháp biện chứng của học thuyết C.Mác gắn với tư duy thực tiễn của người cách mạng Việt Nam gắn bó máu thịt với dân tộc mình, tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự kết hợp hài hoà đó.

Nhân kỷ niệm lần thứ 118 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin mạnh dạn gợi lên đôi điều suy nghĩ: làm thế nào nghiên cứu để hiểu thật sâu sắc, để thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh. Xin chỉ gợi lên mấy vấn đề về hiểu và về phương pháp nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh:

Nói đến tư tưởng, trước hết phải nói đến con người. Con người mà cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với những sự kiện lịch sử Việt Nam, với những biến động lớn của thế giới trong một thời đoạn lịch sử đặc biệt với những biến động cực lớn.

Nguyễn Ái Quốc đến với học thuyết của C.Mác và Ph. Angghen, đến với tư tưởng của V.I Lênin, từ thân phận của một người mất nước, một người dân thuộc địa, một người được hấp thu nền học vấn và triết lý phương Đông, rồi được bổ sung văn hóa và triết lý phương Tây, trước hết là văn hóa Pháp. Con người ấy, so với C.Mác, Ph Angghen và V. I Lênin, thì trải nhiều oan nghiệt, cay đắng về thân phận cá nhân hơn nhiều. Từ thân phận ấy, Hồ Chí Minh dễ có sự thông cảm sâu sắc hơn và mãnh liệt hơn với người dân thuộc địa nói riêng và những người lao động nghèo khổ, những dân tộc đang bị nô lệ, bị giày xéo phải gánh chịu áp bức, bất công trên thế giới nói chung. Sự cảm thông ấy không chỉ dừng lại ở thân phận cá nhân để nhìn ngắm và suy đoán về thế giới, mà đã vượt khỏi chính mình để có được cái tầm cao của người chiến sĩ cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

Là con người sống ở gần ba phần tư đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh có điều kiện để thấy và hiểu được sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa với phong trào giải phóng dân tộc làm thay đổi cục diện thế giới từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam, tạo ra một phản ứng dây chuyền, đánh sụp chủ nghĩa thực dân cũ, xuất hiện chủ nghĩa thực dân mới. Ba phần tư thế kỷ này chất chứa bao nhiêu sự biến, tác động mạnh đến số phận của nhiều dân tộc trên hành tinh này.

Tuy nhiên, cũng như C.Mác, Ph Angghen và V.I Lênin, Hồ Chí Minh không thấy được những biến động dữ dội về đời sống chính trị làm thay đổi diện mạo của thế giới mà sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa cùng với những bước tiến như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ của một phần tư cuối thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI, những sự biến nổi bật nhất. Đặc biệt khoa học và công nghệ, một phần tư thế kỷ này có những bước tiến lớn hơn rất nhiều những thế kỷ trước gộp lại.

Chứng kiến những biến động ấy khiến cho tầm mắt không ít người được mở rộng hơn nhờ vào “sự xé toang một tấm màng bưng bít, sự hiện ra và sáng lên của sự thật, sự tan vỡ một số huyền thoại, sự phá sản nhiều giáo điều, sự bộc lộ những sai lầm trầm kha, sự nhận thức mới, không phải về lý tưởng mà về lý luận cách mạng, thực tiễn hoạt động và thực tế đời sống, sự khơi dậy những niềm hy vọng mới, sự bắt đầu một quá trình thanh lọc và tái tạo đầy hứa hẹn” .

Hồ Chí Minh đã từng là người đứng ở vị trí quyền lực cao nhất của Đảng và Nhà nước của một nước Việt Nam đã giành được độc lập, tự do trong 24 năm, từ tháng 8.1945 đến tháng 9.1969, sau cũng ngần ấy năm đã từng là lãnh tụ của Đảng, của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trước 1945. So với V.I Lênin chỉ có 7 năm lãnh đạo Nhà nước Xô Viết (1917-1924), Hồ Chí Minh có hơn gấp ba thời gian ở cương vị Chủ tịch nước. Với 24 năm là lãnh tụ của một Đảng cầm quyền, là Chủ tịch Nước, đứng ở đỉnh cao quyền lực, song Hồ Chí Minh trước sau vẫn thủy chung như nhất là người lãnh tụ của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, chiếm trọn trái tim của nhân dân, xứng đáng với lời ghi nhận của nhân dân và của Đảng: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

-----------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Thuyết minh về văn bản: "Phong cách Hồ Chí Minh" của Lê Anh Trà. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Giải bài tập Toán lớp 9, Trắc nghiệm Tiếng Anh 9, Lý thuyết môn Vật lí lớp 9, Giải Tập bản đồ Lịch Sử lớp 9 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi của mình.

Đánh giá bài viết
36 22.523
Sắp xếp theo

    Lớp 9

    Xem thêm