Một số vấn đề cơ bản của nhà nước
Những vấn đề cơ bản của nhà nước
Nguồn gốc, bản chất, chức năng của nhà nước là bài giảng mở đầu cho môn học pháp luật đại cương. Trong bài viết này các bạn sẽ nắm rõ được nguồn gốc của nhà nước, bản chất của nhà nước và chức năng của nhà nước.
1.1. Nguồn gốc của nhà nước
Trong lịch sử phát triển của xã hội, đã có rất nhiều quan điểm và học thuyết khác nhau về nguồn gốc ra đời của nhà nước. Nhưng do những nguyên nhân khác nhau mà các quan điểm và học thuyết đó chưa thực sự giải thích đúng nguồn gốc của nhà nước.
Các nhà tư tưởng theo thuyết thần học cho rằng: Thượng đế là người sắp đặt trật tự xã hội, nhà nước là do Thượng đế sáng tạo ra để bảo vệ trật tự chung, do vậy, nhà nước là lực lượng siêu nhiên, quyền lực nhà nước là vĩnh cửu và sự phục tùng quyền lực là cần thiết và tất yếu.
Thuyết gia trưởng cho rằng nhà nước ra đời là kết quả phát triển của gia đình và quyền gia trưởng, là hình thức tổ chức tự nhiên của cuộc sống con người; vì vậy cũng như gia đình, nhà nước tồn tại trong mọi xã hội, quyền lực nhà nước về bản chất cũng giống như quyền lực gia trưởng của người đứng đầu gia đình (Aristote, Bodin, More…).
Thuyết bạo lực cho rằng nhà nước xuất hiện trực tiếp từ việc sử dụng bạo lực của thị tộc này đối với một thị tộc khác, mà kết quả là thị tộc chiến thắng “nghĩ ra” một hệ thống cơ quan đặc biệt. Nhà nước, để nô dịch kẻ chiến bại (đại biểu của thuyết này có Hume, Gumplowicz…)
Với quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, chủ nghĩa Mác - Lê nin đã chứng minh một cách khoa học rằng nhà nước không phải là hiện tượng xã hội vĩnh cửu và bất biến. Nhà nước chỉ xuất hiện khi xã hội loài người đã phát triển đến một giai đoạn nhất định và chúng luôn vận động, phát triển và sẽ tiêu vong khi những điều kiện khách quan cho sự tồn tại và phát triển của chúng không còn.
1.1.1. Xã hội cộng sản nguyên thuỷ và tổ chức thị tộc
Xã hội cộng sản nguyên thuỷ là xã hội chưa có giai cấp, chưa có nhà nước và pháp luật. Sự phân chia giai cấp từ đó dẫn đến sự ra đời của nhà nước và pháp luật lại nảy sinh chính trong quá trình phát triển và tan rã của xã hội đó.
Cơ sở kinh tế của xã hội cộng sản nguyên thuỷ được đặc trưng bằng chế độ sở hữu chung về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động với trình độ hết sức thấp kém của lực lượng sản xuất. Công cụ lao động thô sơ, con người chưa hiểu biết đúng đắn về thiên nhiên và về bản thân, năng suất lao động rất thấp… Trong điều kiện đó, con người không thể sống riêng lẻ mà phải dựa vào nhau để sống chung, lao động chung và thụ hưởng thành quả lao động chung. Không ai có tài sản riêng, vì thế không có tình trạng người này chiếm đoạt tài sản của người kia, xã hội lúc này chưa phân chia thành giai cấp và không có đấu tranh giai cấp.
Thị tộc là tế bào của xã hội cộng sản nguyên thuỷ, được hình thành trên cơ sở huyết thống. Những điều kiện về kinh tế dẫn đến những điều kiện về xã hội, thể hiện mọi người trong thị tộc đều tự do bình đẳng, không ai có đặc quyền đặc lợi đối với người khác trong thị tộc. Sự phân công lao động là tự nhiên giữa đàn ông và đàn bà, giữa những người già và trẻ nhỏ để thực hiện các loại công việc khác nhau chưa mang tính xã hội.
1.1.2. Quyền lực xã hội trong xã hội cộng sản nguyên thủy
Trong xã hội cộng sản nguyên thủy, quyền lực trong xã hội là quyền lực do toàn xã hội tổ chức. Hệ thống quản lý còn rất đơn giản, lúc này quyền lực xã hội chưa tách khỏi xã hội mà gắn liền với xã hội, hòa nhập với xã hội, phục vụ cho cả cộng đồng.
Quyền lực cao nhất trong thị tộc là Hội đồng thị tộc. Hội đồng thị tộc gồm những thành viên lớn tuổi trong thị tộc. Hội đồng thị tộc có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của thị tộc như tổ chức lao động sản xuất, tiến hành chiến tranh, tổ chức các nghi lễ tôn giáo, giải quyết tranh chấp nội bộ… Các quyết định của hội đồng thị tộc thể hiện ý chí chung của tất cả các thành viên và có tính bắt buộc chung. Mặc dù thị tộc chưa có bộ máy cưỡng chế đặc biệt như cảnh sát, tòa án… nhưng quyền lực xã hội có hiệu lực rất cao và đã thể hiện tính cưỡng chế mạnh mẽ.
Hội đồng thị tộc bầu ra những người đứng đầu thị tộc như tù trưởng, thủ lĩnh quân sự... để thực hiện quyền lực và quản lý các công việc chung của thị tộc. Quyền lực của những người đứng đầu thị tộc dựa trên cơ sở uy tín cá nhân, sự tín nhiệm, ủng hộ của các thành viên trong thị tộc. Những người đứng đầu thị tộc không có một đặc quyền, đặc lợi nào, họ cùng lao động và hưởng thụ như mọi thành viên khác và có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào nếu không được cộng đồng ủng hộ.
Thị tộc là tổ chức tế bào cơ sở của xã hôi cộng sản nguyên thủy, là một cộng đồng xã hội độc lập. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, do nhiều yếu tố tác động khác nhau, trong đó có sự tác động của chế độ ngoại tộc hôn, các thị tộc đã mở rộng quan hệ với nhau, dẫn đến sự xuất hiện các bào tộc và bộ lạc
Bào tộc là liên minh bao gồm nhiều thị tộc hợp lại, tổ chức quyền lực của bào tộc là hội đồng bào tộc, là sự thể hiện tập trung quyền lực cao hơn thị tộc. Hội đồng bào tộc bao gồm các tù trưởng, thủ lĩnh quân sự của các thị tộc, phần lớn công việc của bào tộc vẫn do hội nghị tất cả các thành viên của bào tộc quyết định.
Bộ lạc bao gồm nhiều bào tộc, tổ chức quyền lực trong bộ lạc cũng dựa trên cơ sở những nguyên tắc tương tự của tổ chức thị tộc và bào tộc nhưng đã thể hiện ở mức độ tập trung quyền lực cao hơn. Tuy nhiên quyền lực vẫn mang tính xã hội, chưa mang tính giai cấp.
Như vậy, trong xã hội cộng sản nguyên thủy đã có quyền lực, nhưng đó là thứ quyền lực xã hội, được tổ chức và thực hiện trên cơ sở những nguyên tắc dân chủ thực sự, phục vụ lợi ích chung của cả cộng đồng.
1.1.3. Sự tan rã của tổ chức thị tộc và sự xuất hiện nhà nước
Lực lượng sản xuất phát triển không ngừng, công cụ lao động được cải tiến, con người ngày càng nhận thức đúng đắn hơn về thế giới, đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong lao động, đòi hỏi từ sự phân công lao động tự nhiên phải được thay thế bằng phân công lao động xã hội. Lịch sử đã trải qua ba lần phân công lao động xã hội, qua ba lần phân công lao động xã hội này đã làm tan rã xã hội cộng sản nguyên thủy.
- Phân công lao động xã hội lần thứ nhất: chăn nuôi tách khỏi trồng trọt và làm xuất hiện chế độ tư hữu.
Nhờ lao động, bản thân con người cũng phát triển và hoàn thiện. Hoạt động của con người ngày càng phong phú, chủ động và tự giác hơn. Con người đã thuần dưỡng được động vật và do đó đã làm xuất hiện một nghề mới - nghề thuần dưỡng và chăn nuôi động vật. Chăn nuôi phát triển rất mạnh và dần dần trở thành một nghề độc lập tách ra khỏi ngành trồng trọt.
Phân công lao động xã hội lần thứ nhất đã tạo ra những biến đổi sâu sắc trong xã hội. Bên cạnh ngành chăn nuôi, ngành trồng trọt cũng có những bước phát triển mới, năng suất lao động tăng nhanh, sản phẩm làm ra ngày càng nhiều, do đó, đã xuất hiện những sản phẩm dư thừa. Đây chính là mầm mống sinh ra chế độ tư hữu. Các tù trưởng, thủ lĩnh quân sự là những người có khả năng chiếm đoạt những sản phẩm dư thừa đó. Gia súc là nguồn tài sản cơ bản để tích lũy và trao đổi. Sự phát triển mạnh mẽ của nghề chăn nuôi và trồng trọt đặt ra nhu cầu về sức lao động nên những tù binh trong chiến tranh được giữ lại làm nô lệ để bóc lột sức lao động.
Như vậy, sau lần phân công lao động xã hôi thứ nhất, chế độ tư hữu đã xuất hiện, xã hội đã phân chia thành người giàu, người nghèo. Mặt khác, chế độ tư hữu xuất hiện đã làm thay đổi chế độ hôn nhân. Chế độ hôn nhân một vợ một chồng đã thay thế cho chế độ quần hôn. Đồng thời với sự thay đổi đó, người chồng đã trở thành người chủ trong gia đình, gia đình cá thể đã trở thành một lực lượng và đe dọa chế độ thị tộc
- Phân công lao động xã hội lần thứ hai: thủ công nghiệp tách ra khỏi nông nghiệp
Việc tìm ra kim loại, đặc biệt là sắt, và chế tạo ra các công cụ lao động bằng sắt đã tạo ra cho con người khả năng có thể trồng trọt trên những diện tích rộng lớn. Nghề dệt, nghề chế tạo kim loại, nghề thủ công khác dần dần được chuyên môn hóa làm cho sản phẩm phong phú hơn. Vì vậy, dẫn đến sự phân công lao động lần thứ hai, thủ công nghiệp tách ra khỏi nông nghiệp. Xã hội có nhiều ngành nghề phát triển nên càng cần sức lao động thì số lượng nô lệ làm việc ngày càng tăng và trở thành một lực lượng xã hội. Sự phân công lao động lần thứ hai đã đẩy nhanh quá trình phân hóa xã hội, làm cho sự phân biệt giữa kẻ giầu người nghèo, giữa chủ nô và nô lệ ngày càng sâu sắc, mâu thuẫn giai cấp ngày càng tăng.
- Phân công lao động xã hội lần thứ ba: xuất hiện tầng lớp thương nhân và nghề thương mại
Nền sản xuất đã tách các ngành sản xuất riêng biệt với nhau, các nhu cầu trao đổi và sản xuất hàng hóa ra đời, đồng thời thương nghiệp phát triển dẫn đến phân công lao động xã hội lần thứ ba.
Sự phân công này đã làm nảy sinh giai cấp thương nhân, đẩy nhanh sự phân chia giai cấp, làm cho sự tích tụ và tập trung của cải vào trong tay một số ít người giầu có, đồng thời thúc đẩy sự bần cùng hóa của quần chúng và sự tăng nhanh của đám đông dân nghèo.
Như vậy, do sự phát triển của lực lượng sản xuất dẫn đến xuất hiện những yếu tố mới làm đảo lộn đời sống thị tộc, phá vỡ cuộc sống định cư của thị tộc. Tổ chức thị tộc dần dần không còn phù hợp.
Về mặt xã hội, bên cạnh những nhu cầu và lợi ích mà thị tộc phải bảo vệ đã xuất hiện những nhu cầu mới. Lợi ích mới đối lập với chế độ thị tộc về mọi phương diện của những tầng lớp người khác nhau.
Với ba lần phân công lao động đã làm xuất hiện chế độ tư hữu dẫn đến xã hội đã phân chia thành các giai cấp đối lập nhau luôn có mâu thuẫn và đấu tranh gay gắt với nhau để bảo vệ lợi ích của giai cấp mình. Xã hội mới này đỏi hỏi phải có một tổ chức đủ sức dập tắt các cuộc xung đột công khai giữa các giai cấp và giữ cho các cuộc xung đột giai cấp ấy trong vòng trật tự có lợi cho những người có của và giữ địa vị thống trị. Tổ chức đó là Nhà nước.
Như vậy, nhà nước đã xuất hiện một cách khách quan, là sản phẩm của một xã hội đã phát triển đến một giai đoạn nhất định. Nhà nước không phải là một quyền lực từ bên ngoài áp đặt vào xã hội mà là một lực lượng nảy sinh từ xã hội, một lực lượng tựa hồ đứng trên xã hội, có nhiệm vụ làm dịu bớt sự xung đột, giữ cho sự xung đột đó nằm trong vòng trật tự.
1.2. Bản chất của nhà nước
Nhà nước được hiểu là bộ máy đặc biệt đảm bảo sự thống trị về kinh tế, để thực hiện quyền lực về chính trị và thực hiện sự tác động về tư tưởng đối với quần chúng, ngoài ra nhà nước còn phải giải quyết tất cả các vấn đề nảy sinh trong xã hội, nghĩa là phải thực hiện các chức năng xã hội. Điều đó chứng tỏ rằng, nhà nước là một hiện tượng phức tạp và đa dạng, nó vừa mang bản chất giai cấp vừa mang bản chất xã hội.
Nhà nước là một bộ máy bạo lực do giai cấp thống trị tổ chức ra để trấn áp các giai cấp khác. Vì thế, nhà nước chính là một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị. Giai cấp thống trị sử dụng nhà nước để tổ chức và thực hiện quyền lực chính trị của giai cấp mình.
Các kiểu nhà nước bóc lột có bản chất chung là sử dụng bộ máy để thực hiện nền chuyên chính của giai cấp bóc lột. Các nhà nước này đều duy trì sự thống trị về chính trị, kinh tế, tư tưởng của một thiểu số người bóc lột đối với đa số nhân dân lao động. Trái lại, nhà nước Xã hội chủ nghĩa lại sử dụng bộ máy để bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chiếm đa số trong xã hội, trấn áp những lực lượng thống trị cũ đã bị lật đổ và những phần tử chống đối cách mạng. Quan trọng hơn, nó là bộ máy để tổ chức, xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa.
Tính giai cấp là mặt cơ bản thể hiện bản chất của nhà nước. Tuy nhiên, với tư cách là bộ máy thực thi quyền lực công cộng nhằm duy trì trật tự và sự ổn định của xã hội, nhà nước còn thể hiện rõ nét tính xã hội của nó. Trong bất kỳ nhà nước nào, bên cạnh việc bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, nhà nước cũng phải chú ý đến lợi ích chung của xã hội, giải quyết những vấn đề mà đời sống xã hội đặt ra. Chẳng hạn: bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng và thực hiện hệ thống an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, chống thiên tai, dịch bệnh…
Nhà nước là một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, một bộ máy chuyên làm nhiệm vụ cưỡng chế và thực hiện các chức năng quản lý đặc biệt nhằm duy trì trật tự xã hội, thực hiện mục đích bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội.
So với các tổ chức khác trong xã hội có giai cấp, nhà nước có một số đặc điểm riêng sau đây:
+ Nhà nước thiết lập một quyền lực công đặc biệt không hòa nhập với dân cư
Trong xã hội cộng sản nguyên thủy, quyền lực chưa tách khỏi xã hội mà gắn liền với xã hội, hòa nhập với xã hội chưa có giai cấp nên chưa có nhà nước. Quyền lực đó do toàn xã hội tổ chức ra, chưa mang tính giai cấp, phục vụ lợi ích chung của cả cộng đồng.
Khi xuất hiện nhà nước, quyền lực công cộng đặc biệt được thiết lập. Chủ thể của quyền lực này là giai cấp thống trị. Để thực hiện quyền lực này, nhà nước hình thành một bộ máy cưỡng chế để duy trì địa vị và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, bắt các giai cấp khác phải phục vụ ý chí của giai cấp thống trị. Như vậy, quyền lực công cộng đặc biệt này đã tách khỏi xã hội, mang tính giai cấp sâu sắc và chỉ phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị.
+ Nhà nước có lãnh thổ và phân chia dân cư theo lãnh thổ thành các đơn vị hành chính
Lãnh thổ, dân cư là trong các yếu tố cấu thành quốc gia. Mọi nhà nước đều có lãnh thổ riêng của mình để cai trị hay quản lý và chia lãnh thổ thành các đơn vị hành chính (tỉnh, huyện, xã). Việc phân chia này bảo đảm cho hoạt động quản lý của nhà nước tập trung, thống nhất. Người dân có mối quan hệ với Nhà nước bằng chế định quốc tịch, chế định này xác lập sự phụ thuộc của công dân vào một nhà nước nhất định và ngược lại nhà nước phải có những nghĩa vụ nhất định đối với công dân của mình.
+ Nhà nước có chủ quyền quốc gia
Chủ quyền quốc gia là quyền tối cao của nhà nước về đối nội và độc lập về đối ngoại. Mọi cá nhân, tổ chức sống trên lãnh thổ của nước sở tại đều phải tuân thủ pháp luật của nhà nước đó. Nhà nước là người đại diện chính thức về mặt pháp lý cho toàn xã hội về đối nội và đối ngoại. Chủ quyền quốc gia thể hiện quyền độc lập tự quyết của nhà nước về chính sách đối nội và đối ngoại không phụ thuộc vào bất kỳ một quốc gia nào khác. Chủ quyền quốc gia là thuộc tính gắn với nhà nước.
+ Nhà nước là tổ chức duy nhất có quyền ban hành pháp luật và quản lý xã hội bằng pháp luật
Pháp luật do nhà nước ban hành có tính chất bắt buộc chung và được nhà nước bảo đảm thực hiện với các biện pháp tổ chức, cưỡng chế, thuyết phục. Nhà nước là tổ chức duy nhất có quyền ban hành pháp luật và áp dụng pháp luật để quản lý xã hội.
+ Nhà nước quy định và tiến hành thu các loại thuế dưới hình thức bắt buộc
Nhà nước xây dựng một chính sách thuế công bằng, hợp lý để bảo đảm cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết các công việc chung của toàn xã hội.
Nhà nước nào cũng thu thuế để bảo đảm vận hành bộ máy nhà nước, các tổ chức khác không có quyền thu thuế mà chỉ thu phí.
1.3. Chức năng của nhà nước
Chức năng của nhà nước được thể hiện thông qua những phương diện, những mặt hoạt động cơ bản của nhà nước, phản ánh bản chất của nhà nước, được xác định tùy thuộc vào đặc điểm tình hình trong nước và quốc tế, nhằm thực hiện những nhiệm vụ đặt ra trước nhà nước trong từng giai đoạn.
Chức năng của nhà nước do các cơ quan nhà nước bộ phận hợp thành bộ máy nhà nước thực hiện. Căn cứ vào những phương diện hoạt động của nhà nước, các chức năng của nhà nước được chia thành chức năng đối nội và chức năng đối ngoại
- Chức năng đối nội là những phương diện hoạt động chủ yếu của nhà nước trong nội bộ đất nước như: bảo đảm trật tự xã hội, trấn áp những phần tử chống đối chế độ, bảo vệ và phát triển chế độ kinh tế, văn hóa…
- Chức năng đối ngoại thể hiện vai trò của nhà nước trong quan hệ với các nhà nước, các dân tộc, quốc gia khác như: thiết lập mối quan hệ với các quốc gia khác, phòng thủ đất nước, chống sự xâm lược từ bên ngoài…
Các chức năng đối nội và đối ngoại có mối quan hệ mật thiết với nhau, nếu thực hiện tốt chức năng đối nội thì sẽ tạo thuận lợi cho việc thực hiện tốt chức năng đối ngoại và ngược lại, thực hiện thành công hay thất bại chức năng đối ngoại sẽ ảnh hưởng tốt hoặc cản trở việc thực hiện chức năng đối nội.
Nhằm giúp các bạn học tập môn pháp luật đại cương tốt hơn, VnDoc xin chia sẻ đến các bạn bộ đề cương ôn thi tự luận pháp luật đại cương kèm theo 700 câu hỏi thi trắc nghiệm pháp luật đại cương, chúc các bạn đạt kết quả tốt trong môn học này nhé.