Những ngọn núi nóng rẫy trang 68 lớp 5 Tập 1 Kết nối tri thức
Những ngọn núi nóng rẫy lớp 5 Kết nối tri thức
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc
Nghiêm cấm các hành vi sao chép với mục đích thương mại.
A. Khởi động bài Những ngọn núi nóng rẫy
Theo em, những ngọn núi dưới đây có gì đặc biệt?
Trả lời:
Các ngọn núi trong bức ảnh đều rất cao lớn, được bao phủ bởi nhiều mây mù, trên đỉnh núi là một vùng bằng phẳng, không nhọn như các ngọn núi thường thấy
B. Đọc bài Những ngọn núi nóng rẫy
NHỮNG NGỌN NÚI NÓNG RẪY
Nói đến núi lửa, đa số mọi người nghĩ đến một quả núi hình nón đang bốc lửa nóng rẫy. Nhưng thực tế, núi lửa không phải bao giờ cũng y như vậy. Có quả núi lửa hình nón, có quả lại hình tròn thoai thoải. Một số phun lửa, một số khác chỉ phun khói, khí hoặc các đám mây tro. Một số quả núi lửa nổ với tiếng động kinh hoàng, một số khác chỉ rít lên khe khẽ. Ngoài núi lửa trên mặt đất còn có những quả núi lửa hoạt động ngầm trong nước biển nữa.
Để hiểu núi lửa hình thành ra sao, bạn cần biết Trái Đất được tạo bởi nhiều lớp khác nhau, y hệt một củ hành khổng lồ với nhiều lớp áo.
Lớp ngoài cùng của Trái Đất là lớp vỏ rất cứng, chính là nơi mà bạn đang đi đứng nhảy nhót phía trên. Dưới lớp vỏ, có những chỗ đã bị sức nóng nung chảy thành một thứ mác-ma đặc quánh. Thứ mác-ma này giống như cháo đặc lục bục sôi ở khoảng 700 đến 1 300 độ C. Do nhiều nguyên nhân, dòng mác-ma sôi sùng sục này có thể len lên trên, xuyên qua kẽ nứt ở lớp vỏ và phun trào, tạo thành núi lửa.
Vậy là nếu mặt đất tự nhiên nứt ra và từ kẽ nứt đó trào ra một thứ đá nóng chảy, thì chắc chắn là chúng ta đang thấy một quả núi lửa đấy.
(Theo A-ni-ta Ga-nê-ri, Dương Kiều Hoa dịch)
Từ ngữ:
- Mác-ma: đá nóng chảy trong lòng đất
C. Trả lời câu hỏi bài Những ngọn núi nóng rẫy
Câu 1 trang 69 Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức Tập 1: Những đặc điểm dưới đây của núi lửa được miêu tả như thế nào?
Hình dáng | Hoạt động | Tiếng động | Vị trí |
Trả lời:
- Hình dáng: hình nón, hình tròn thoai thoải
- Hoạt động: bốc lửa nóng rẫy, phun lửa, phun khói, phun khí hoặc các đám mây tro
- Tiếng động: nổ với tiếng động kinh hoàng, một số khác chỉ rít lên khe khẽ
- Vị trí: một số trên mặt đất, một số hoạt động ngầm trong nước biển
Câu 2 trang 69 Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức Tập 1: Vì sao Trái Đất được miêu tả “y hệt một củ hành khổng lồ”? Em nghĩ gì về hình ảnh đó?
Trả lời:
- Trái Đất được miêu tả “y hệt một củ hành khổng lồ” vì Trái Đất được tạo bởi nhiều lớp khác nhau giống như củ hành tây có nhiều lớp vỏ
- Hình ảnh đó thật thú vị, đồng thời giúp em tưởng tượng dễ dàng hơn về cấu tạo của Trái Đất
Câu 3 trang 69 Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức Tập 1: Lớp vỏ Trái Đất và mác-ma bên dưới được miêu tả như thế nào?
Trả lời:
Lớp vỏ Trái Đất và mác-ma bên dưới được miêu tả như sau:
- Lớp vỏ Trái Đất: rất cứng
- Mác-ma: đặc quán, giống như cháo đặc lục bục sôi ở khoảng 700 đến 1 300 độ C, sôi sùng sục
Câu 4 trang 69 Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức Tập 1: Núi lửa được hình thành ra sao?
Trả lời:
Núi lửa được hình thành bởi: mác-ma dưới lớp vỏ trái đất len lên trên, xuyên qua kẽ nứt ở lớp vỏ rồi phun trào tạo ra núi lửa.
Câu 5 trang 69 Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức Tập 1: Trao đổi với bạn về các thông tin trong bài đọc theo gợi ý.
- Thông tin em đã biết
- Thông tin mới đối với em
- Thông tin em thấy thú vị nhất
- Thông tin em muốn biết
Trả lời:
HS thực hành trao đổi với bạn ở lớp.
Gợi ý:
- Thông tin em đã biết:
- Núi lửa hình nón
- Núi lửa biết phun lửa
- Dưới lớp vỏ cứng của Trái Đất là mác-ma sôi sùng sục
- Thông tin mới đối với em:
- Núi lửa còn có thể có hình tròn thoai thoải
- Núi lửa có thể nằm dưới nước và vẫn hoạt động được
- Một số ngọn núi lửa không phun lửa, mà phun khói, khó nóng và tro núi lửa
- Một số ngọn núi lửa chỉ rít lên chứ không phun lửa
- Thông tin em thấy thú vị nhất: Mác-ma khi sôi trông giống nồi cháo đặc
- Thông tin em muốn biết thêm: trước khi phun lửa thì núi lửa có đặc điểm gì
D. Luyện tập theo văn bản đọc Những ngọn núi nóng rẫy
Câu 1 trang 69 Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức Tập 1: Tìm những từ ngữ chỉ hiện tượng tự nhiên có thể gây thiệt hại nặng nề cho đời sống con người.
Trả lời:
Những từ ngữ chỉ hiện tượng tự nhiên có thể gây thiệt hại nặng nề cho đời sống con người: động đất, lũ lụt, bão, lốc xoáy, sóng thần, mưa đá, núi lửa phun trào, sương muối, băng giá, hạn hán...
Câu 2 trang 69 Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức Tập 1: Trong các cặp từ ngữ dưới đây, từ quả và từ lửa nào được dùng với nghĩa gốc, từ quả và từ lửa nào được dùng với nghĩa chuyển?
- quả núi – quả cam
- núi lửa – ngọn lửa ước mơ
Trả lời:
- quả núi (từ quả được dùng với nghĩa chuyển) – quả cam (từ quả được dùng với nghĩa gốc)
- núi lửa (từ lửa được dùng với nghĩa gốc) – ngọn lửa ước mơ (từ lửa được dùng với nghĩa chuyển)