Bài ca Mặt Trời trang 72 lớp 5 Tập 1 Kết nối tri thức
Bài ca Mặt Trời lớp 5 Kết nối tri thức
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc
Nghiêm cấm các hành vi sao chép với mục đích thương mại.
A. Khởi động bài Bài ca Mặt Trời
Chia sẻ với bạn suy nghĩ, cảm xúc của em về cảnh mặt trời mọc hoặc mặt trời lặn.
Trả lời:
Gợi ý:
- Mẫu 1: Em rất thích thú khi chiêm ngưỡng cnahr sắc thiên nhiên lúc mặt lặn. Trong ánh hoàng hôn đỏ rực, bóng tối dần dần bao phủ khắp mặt đất. Báo hiệu một ngày đã trôi qua, và em sẽ trở về với bố mẹ yêu dấu.
- Mẫu 2: Cảnh hoàng hôn thật đẹp và tráng lệ. Nó khiến em ngơ ngẩn và say mê quan sát, gợi lên trong em những háo hức, quyết tâm nỗ lực cho ngày mới.
B. Đọc bài Bài ca Mặt Trời
BÀI CA MẶT TRỜI
Không hiểu sao, tôi thức dậy rất sớm. Sương mù như tấm khăn voan mỏng màu sữa bay la đà trên những khóm cây quanh vườn, trùm lắp một khoảng sân. Tôi chợt nhận ra, trên những ngọn cau cao, chim sẻ thi nhau cất tiếng hót. Tôi lắng tai nghe. Dàn đồng ca chim sẻ khi bổng khi trầm, khi nhanh khi chậm, xôn xao vòm không gian. Chúng đang hát về cái gì vậy? Tôi không thể biết được. Nhưng rõ ràng là chúng đã trông thấy một cái gì đó mà tôi không thể cùng trông thấy được.
Tôi ngước nhìn về phương đông, sau vòm cây xanh thẫm bỗng nhô lên nửa vành mũ màu đỏ. Chiếc mũ đỏ to lớn nhô dần lên trên nền trời buổi sớm. Cuối cùng chiếc mũ đỏ bay lên khỏi vòm cây. Đấy là vầng mặt trời. Vầng mặt trời giống một chiếc mâm đồng đỏ bay từ từ chiếm lĩnh nền trời xa, rộng. Chim sẻ càng cất cao giọng, chiếc mâm đồng đỏ càng nhích dần lên.
Vầng mặt trời đã lên từ bao giờ? Chắc là nó đã nhô lên khỏi mặt biển trước khi nhô lên khỏi vòm cây. Trái tim tôi bỗng vang lên một bài ca hoà với bài ca của những con chim sẻ trên trời cao. Bài ca về mặt trời.
Mâm đồng đỏ. Mâm đồng đỏ
Suốt đêm tắm biển
Làm nước biển sôi
Ngày trở về trời
Mâm đồng không nguội
Mâm đồng đỏ chói.
Mặt trời. Mặt trời...
(Theo Nguyễn Trọng Tạo)
C. Trả lời câu hỏi bài Bài ca Mặt Trời
Câu 1 trang 72 Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức Tập 1: Đàn chim sẻ làm gì khiến nhân vật “tôi” chú ý? Nhân vật “tôi” nghĩ gì về chuyện đó?
Trả lời:
- Đàn chim sẻ thi nhau cất tiếng hót, khi bổng khi trầm, khi nhanh khi chậm, xôn xao vòm không gian khiến nhân vật "tôi chú ý"
- Suy nghĩ của nhân vật tôi về chuyện đó: Tò mò không biết nội dụng của bài hát của đàn chim sẻ là gì (Chúng đang hát về cái gì vậy? Tôi không thể biết được. Nhưng rõ ràng là chúng đã trông thấy một cái gì đó mà tôi không thể cùng trông thấy được)
Câu 2 trang 72 Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức Tập 1: Cảnh mặt trời mọc được miêu tả như thế nào?
Trả lời:
Cảnh mặt trời mọc được miêu tả như sau:
Sau vòm cây xanh thẫm bỗng nhô lên nửa vành mũ màu đỏ. Chiếc mũ đỏ to lớn nhô dần lên trên nền trời buổi sớm. Cuối cùng chiếc mũ đỏ bay lên khỏi vòm cây. Đấy là vầng mặt trời. Vầng mặt trời giống một chiếc mâm đồng đỏ bay từ từ chiếm lĩnh nền trời xa, rộng.
Câu 3 trang 72 Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức Tập 1: Vì sao nhân vật “tôi” liên tưởng mặt trời như chiếc mũ đỏ rồi lại như chiếc mâm đồng đỏ?
Trả lời:
Nhân vật “tôi” liên tưởng mặt trời như chiếc mũ đỏ rồi lại như chiếc mâm đồng đỏ vì có sự tương đồng về hình dáng, màu sắc:
- Mặt trời có hình tròn và vầng sáng xung quanh như chiếc mũ có viền
- Mặt trời có màu đỏ đậm và hình trong như cái mâm đồng đỏ
Câu 4 trang 72 Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức Tập 1: Khi phát hiện ra vầng mặt trời như chiếc mâm đồng đỏ, cảm xúc của nhân vật “tôi” như thế nào? Em suy nghĩ gì về bài hát của nhân vật "tôi"?
Trả lời:
- Khi phát hiện ra vầng mặt trời như chiếc mâm đồng đỏ, cảm xúc của nhân vật “tôi” dâng trào, chứa chan, rộn rã. Cảm xúc đó lớn tới mức nhân vật "tôi" sáng tác được một bài hát từ những cung bậc tình cảm của mình
- Gợi ý trình bày suy nghĩ về bài hát của nhân vật "tôI": đó là một bài hát dễ thương, có các hình ảnh liên tưởng hay và thú vị như mặt trời tắm biển cả đêm mà vẫn không nguội, đến sáng vẫn rực rỡ và đỏ chói
Câu 5 trang 72 Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức Tập 1: Khi đọc đoạn văn tả mặt trời mọc, có hai bạn nhỏ đã nêu ý kiến như dưới đây. Em thích ý kiến của bạn nào hoặc có ý kiến nào khác? Vì sao?
Cảnh mặt trời mọc giống như một thước phim quay chậm. Vầng mặt trời chậm rãi xuất hiện, như một nghệ sĩ muốn màn mở đầu của mình phải thật đặc biệt để mang lại cảm xúc vỡ oà cho khán giả.
(Ngọc Minh)
Cảnh mặt trời mọc giống màn ảo thuật mà khán giả hồi hộp mong chờ. Khi mặt trời xuất hiện, bí mật được khám phá “sân khấu” bầu trời sáng bừng rạng rỡ trong niềm vui của tất cả mọi người.
(Việt Phương)
Trả lời:
HS chọn ý kiến mà mình thích.
Gợi ý:
Em thích ý kiến của bạn Ngọc Minh hơn. Vì cách bạn so sánh cảnh mặt trời mọc với màn dạo đầu của một buổi biểu diễn rất sáng tạo và thú vị.