Ẩn dụ là gì?
Ẩn dụ là gì? được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo để chuẩn bị cho bài học sắp tới đây của môn Ngữ văn lớp 6.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Câu hỏi: Ẩn dụ là gì?
Trả lời:
Ẩn dụ là biện pháp tu từ mà người viết dùng tên của sự vật, hiện tượng này để gọi tên sự vật, hiện tượng khác. Giữa hai đối tượng có nét tương đồng về đặc điểm nào đó (tính chất, trạng thái, màu sắc...), nhằm làm tăng khả năng gợi cảm, gợi hình cho sự diễn đạt. Hoặc các bạn có thể hiểu khái quát rằng ẩn dụ là hình thức thay đổi tên gọi của sự vật hiện tượng có tên là A bằng sự vật hiện tượng có tên là B, trong đó A với B có nét tương đồng với nhau.
1. Các hình thức ẩn dụ
- Ẩn dụ hình thức: Với phép ẩn dụ này hai sự vật, sự việc, hiện tượng trong phép ẩn dụ có nét tương đồng về hình thức.
Ví dụ minh họa:
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”
“Khuôn trăng” là chỉ mặt trăng, mặt trăng tròn trịa đầy đặn, ở đây tác giả lấy đặc điểm đó của mặt trăng để ẩn dụ cho khuôn mặt tròn trịa, đầy đặn của Thúy Vân.
- Ẩn dụ cách thức: là phép ẩn dụ các sự vật, hiện tượng có tương đồng về cách thức.
Ví dụ minh họa:
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng”
Quả, cây, khoai là thành quả của lao động, còn hành động trồng cây là hành động lao động, các sự vật hiện tượng này có tương đồng về cách thức đều thuộc về hành động lao động.
- Ẩn dụ phẩm chất: Các sự vật, hiện tượng có nét tương đồng về phẩm chất
Ví dụ minh hoạ:
“Người cha mái tóc bạc,
Đốt lửa cho anh nằm.”
Hình ảnh ẩn dụ “Người cha” trong câu thơ chính là chỉ Bác Hồ, ý nói Bác Hồ chăm sóc cho các chiến sĩ tận tình, chu đáo như đang chăm lo cho chính con cái của mình.
- Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: Hình thức ẩn dụ này là việc cảm nhận bằng một giác quan khác, chuyển đổi từ cảm giác này sang cảm giác khác.
Ví dụ minh họa: “Tiếng hát của cô ấy thật ngọt ngào”
Từ việc nghe bằng tai nhưng lại thể hiện cảm giác bằng miệng “ngọt ngào”, chuyển từ thính giác sang vị giác.
2. Phân biệt ẩn dụ và hoán dụ
Hai biện pháp tu từ này có sự khác nhau như:
- Phép ẩn dụ dựa trên cơ sở của sự tương đồng, dù 2 sự vật, hiện tượng không có sự liên quan gì với nhau. Nhưng giữa 2 sự vật, hiện tượng đó đều có điểm giống nhau. Do đó, người ta đã có sự chuyển đổi giữa những sự vật/ hiện tượng đó.
- Phép hoán dụ là dựa trên cơ sở của sự liên tưởng gắn bó, gần gũi giữa các sự vật, hiện tượng có liên quan trực tiếp với nhau, gần kề nhau.
Khi xử lý dạng bài tập về biện pháp tu từ hoán dụ và ẩn dụ cần làm theo 2 bước sau:
- Bước 1: Từ yếu tố đã cho trong văn bản, học sinh cần tìm ra yếu tố bị ẩn đi dựa vào ngữ cảnh, văn cảnh của nó.
- Bước 2: Xét mối quan hệ giữa 2 yếu tố để khẳng định đó là phép hoán dụ hay ẩn dụ.
Để dễ dàng phân biệt ẩn dụ và hoán dụ, có một mẹo rất đơn giản đó là:
- Bản chất của ẩn dụ chính là phép so sánh ngầm. Khi ta khôi phục được 2 hình ảnh A và B, thử đặt 1 từ so sánh giữa chúng. Nếu thấy hợp lý thì mối quan hệ giữa A và B chính là mối quan hệ tương đồng. Lúc này ta có thể khẳng định đây chính là biện pháp tu từ ẩn dụ.
- Ngược lại, nếu thêm từ so sánh vào giữa A và B mà câu này không có nghĩa hoặc không hợp lý thì đây chính là biện pháp hoán dụ.
-----------------------------------------------
Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Ẩn dụ là gì? Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 6, Soạn bài lớp 6, Văn mẫu lớp 6, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 6, Soạn văn 6 siêu ngắn.