Viết bài văn tự sự có sử dụng kết hợp yếu tố miêu tả và biểu cảm về một tiết học mà em ấn tượng nhất
Viết bài văn tự sự có sử dụng kết hợp yếu tố miêu tả và biểu cảm về một tiết học mà em ấn tượng nhất được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 6. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Đề bài: Viết bài văn tự sự có sử dụng kết hợp yếu tố miêu tả và biểu cảm về một tiết học mà em ấn tượng nhất
Trả lời:
Trong cuộc đời mỗi con người ai cũng có những kỷ niệm đáng nhớ không thể nào quên. Quãng đời học sinh của bạn và tôi cũng vậy, một khi đã trải qua thì không khỏi ghi lại trong lòng những dấu ấn sâu sắc. Nhưng đấy không nhất thiết phải là kỷ niệm ngập tràn niềm vui và tiếng cười. Đôi khi đó lại là một câu chuyện buồn cứ khiến lòng ta phải ray rứt mãi như câu chuyện tôi sắp kể cho các bạn sau đây.
Giờ ra chơi hôm ấy, tôi được phân công trực nhật cùng Liên. Tôi bảo Liên cứ xuống căn tin ăn sáng, để một mình tôi trực được rồi. Hình như Liên chỉ chờ có thế, cô bạn gật đầu rối rít rồi phóng như bay xuống sân. Trong lớp giờ chỉ còn lại mình tôi. Tôi câm giẻ định lau bảng nhưng tâm trạng lo âu, thấp thỏm đã kéo tôi ngồi xuống ghế giáo viên. Chuyện là tiết đầu tiên hôm nay tôi đã nghịch ngợm trong lớp, không chịu nghe cô Toán giảng bài. Điều đó khiến cô Toán khó chịu lắm, bèn phạt tôi đứng suốt cả hai tiết và ghi hẳn tên tôi vào sổ đầu bài, đề nghị mời phụ huynh.
Tôi run run giở cuốn sổ đầu bài đặt ngay trên bàn giáo viên. Đây, giấy trắng mực đen đây, bằng chứng tội lỗi của tôi đây! Thế nào cô chủ nhiệm cũng mời gặp mẹ tôi cho xem. Có lần đạt điểm kém, tôi phải đối diện với khuôn mặt buồn rười rượi của mẹ. Mẹ tôi luôn phải làm việc vất vả để kiếm từng đồng lương ít ỏi nuôi tôi ăn học. Nếu mẹ biết tin này sẽ thất vọng về tôi biết nhường nào. Ôi, tôi thật là một đứa con bất hiếu.
Chợt, trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ. Tôi đã tìm ra cách giải quyết vấn đề rồi. Chỉ cần cô chủ nhiệm không đọc được lời phê này thì sẽ không có chuyện gì xảy ra nữa. Nghĩ được là làm ngay, tôi liền dùng bút xóa xóa đi dòng chữ của cô Toán trong sổ đầu bài. Thận trọng, tôi đặt sổ đầu bài vào vị trí cũ rồi thở phào nhẹ nhõm vì đã trút được nỗi muộn phiền trong lòng. Reeng… reeng… Tiếng chuông báo hiệu hết giờ ra chơi. Tôi xóa vội bảng, quơ vài nhát chổi rồi vào học như bình thường.
Mọi việc vẫn diễn ra bình thường cho đến cuối tuần ấy. Giờ sinh hoạt, cô chủ nhiệm xem xét sổ đầu bài. Cô đưa mắt nhìn thật kỹ vào trang giấy, đôi mày cô nhíu lại, rồi bất chợt cô ngước lên, nhìn quanh lớp. Tôi hoảng hốt, bối rối, không dám đối diện với ánh mắt của cô. Hai bàn tay tôi siết chặt vào nhau, tim tôi đập thình thịch. Hình như cô đã quan sát được thái độ của tôi. Thôi rồi, tôi biết mình sắp bị cô mắng vì tội tày đình này. Thật xấu hổ quá! Trong đầu tôi lúc ấy có biết bao nhiêu nỗi lo sợ, sợ bị hạ hạnh kiểm, sợ mẹ buồn, sợ bạn bè chê cười, …
Nhưng sao đến cuối giờ cô chẳng hề đả động gì đến chuyện sổ đầu bài. Lạ thật! Trong tôi đặt ra hàng trăm câu hỏi tại sao và tại sao. Dù vẫn cảm thấy bất an nhưng lòng tôi đã nhẹ nhõm hơn. Và tôi mong rằng sai lầm ấy của mình sẽ được chôn giấu mãi mãi dưới lớp bụi thời gian.
Khoảng hai tuần sau đó, vào ngày Giáng sinh, chẳng hiểu vì sao cô chủ nhiệm dành tặng riêng tôi một tấm thiệp vào cuối giờ. Tôi cảm ơn cô rồi vội chạy về nhà, vui mừng mở tấm thiệp ra đọc. Những dòng chữ tròn trịa của tôi khiến cô ngỡ ngàng, sững sờ.
“Giáng sinh năm nay, cô chúc em ngày càng học giỏi và ngoan ngoãn. Cô mong em sẽ là một cô bé can đảm hơn để đối mặt với hiện thực, để tìm được cách giải quyết đúng đắn nhất cho mọi khó khăn trong cuộc sống. Trong đời người ai cũng phải phạm sai lầm. Nhưng điều quan trọng là ta rút ra được kinh nghiệm để sống tốt hơn, chứ không phải là che giấu sai lầm đó đến suốt đời. Hãy dũng cảm lên, em nhé!”
Tôi sững người, chẳng nói được nên lời. Vậy là cô đã biết hết mọi chuyện rồi ư. Da mặt tôi tê rân rân và nóng dần lên vì xấu hổ với cô và với chính bản thân mình. Cảm ơn cô vì đã bao dung, cảm ơn cô vì đã cho tôi những lời khuyên đầy ý nghĩa ấy.
Tìm hiểu về các yếu tố miêu tả và biểu cảm
Trong văn tự sự, rất ít khi tác giả chỉ thuần kể người, kể việc (kể chuyện) mà khi kể thường đan xen các yếu tố miêu tả và biểu cảm. Chính điều đó đã giúp việc kể chuyện trở nên sinh động và sâu sắc hơn
- Miêu tả là dùng ngôn ngữ hoặc một phương tiện nghệ thuật nào đó làm cho người nghe, người đọc có thể thấy sự vật, hiện tượng, con người như đang hiện ra trước mắt.
- Biểu cảm là bộc lộ tình cảm chủ quan của bản thân trước sự vật, sự việc, hiện tượng, con người trong đời sống.
So sánh giữa biểu cảm trong văn bản tự sự với biểu cảm trong văn biểu cảm:
So sánh | Văn bản tự sự | Văn bản biểu cảm |
Giống | - Đều nhằm bộc lộ tình cảm chủ quan của người viết. - Giúp bài văn văn có sức truyền cảm, rung động, mãnh liệt sâu xa. | |
Khác | - Yếu tố biểu cảm là yếu tố phụ - Một bài văn tự sự sử dụng yếu tố miêu làm cho bài văn hay hơn, giàu sức truyền cảm hơn chứ không nhằm biến bài văn tự sự thành bài văn miêu tả hay bài văn biểu cảm | - Yếu tố biểu cảm là yếu tố chính. |
- Căn cứ để đánh giá hiệu quả của miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự là ở chỗ miêu tả và biểu cảm đã phục vụ đắc lực cho mục đích tự sự đến mức độ nào, nó làm cho bài văn tự sự giàu sức truyền cảm ra sao.
Một số bài tập
Bài 1: Tìm một số đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố miêu tả, biểu cảm trong các tác phẩm đã học như Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Tôi đi học của Thanh Tịnh, Lão Hạc của Nam Cao.
Chọn đoạn trích “ Lão cố làm ra vẻ… nỡ tâm lừa nó”
- Yếu tố miêu tả:
+ Cười như mếu, đôi mắt ầng ậng nước
+ Mặt lão đột nhiên co rúm lại
+ Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra
+ Cái đầu ngoẹo về một bên, miệng móm mém của lão mếu như con nít
- Yếu tố biểu cảm:
+ Tôi không xót xa năm quyển sách của tôi như trước nữa
+ Tôi bằng này tuổi đầu rồi còn nỡ đánh lừa một con chó
+ Nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó.
-> Nếu chỉ có mình yếu tố tự sự thì đoạn văn sẽ khô khan, người đọc không cảm nhận được sự xót xa, ân hận, dằn vặt của lão Hạc sau khi bán “cậu Vàng”. Các yếu tố miêu tả, biểu cảm góp phần khiến đoạn văn trở nên sinh động và giàu cảm xúc hơn.
Bài 2: Hãy kể về một kỉ niệm đáng nhớ đối với một con vật nuôi mà em yêu thích (kết hợp yếu tố miêu tả và biểu cảm)
Bài làm
Tuổi thơ của ai cũng gắn bó với một loài vật nuôi đáng yêu, đó có thể là chú rùa, chú chim hay chú mèo... Riêng với tôi, tuổi thơ của tôi gắn với chú chó Phi Phi dũng cảm.
Phi Phi là chú chó lai béc-giê mà tôi đã.. nhặt được trong công viên! Chuyện là thế này: cách đây chừng một năm, vào buổi chiều tôi đi tập thể dục trong công viên. Đang chạy bộ, tôi chợt nghe tiếng rên yếu ớt trong lùm cây. Tò mò, tôi rẽ đám lá nhìn vào thì thấy một chú chó nhỏ yếu ớt đang nằm rên trong chiếc hộp giấy. Thương chú quá, tôi mang về nuôi. Tôi không ngờ, lúc mang Phi Phi về bố mẹ không những không trách tôi mà còn giục tôi đi lấy sữa cho chú uống nữa!
Bây giờ thì Phi Phi đã lớn lắm. Lông chú màu đen mượt, bốn chân cao và chắc. Hai tai lúc nào cũng dựng lên lắng nghe mọi âm thanh xung quanh. Cái mũi thì lúc nào cũng có vẻ khịt khịt như đánh hơi mọi thứ. Phi Phi rất ngoan và can đảm. Khi tối trời, chú luôn ra ngoài hiên nằm canh. Có Phi Phi ở ngoài, cả nhà tôi rất yên tâm đi ngủ. Thế rồi, đến một ngày, có chuyện xảy ra, gia đình tôi đã cảm nhận được sâu sắc sự dũng cảm và lòng trung thành của Phi Phi.
Đó là một đêm mùa đông gió rét. Như mọi hôm, Phi Phi vẫn nằm canh ở ngoài hiên. Cả nhà tôi đang ngủ thì chợt nghe tiếng Phi Phi sủa dữ dội, tiếng chú giằng dây xích loảng xoảng. Bố vội vàng bật dậy rồi nhẹ nhàng cầm gậy lách ra ngoài. Cuối góc vườn, một bóng đen khả nghi đang di chuyển. Thấy động, hắn vội vàng trèo tường hòng thoát ra ngoài. Bố vừa hô hoán hàng xóm vừa lao theo tên trộm. Phi Phi cũng lồng lộn chồm lên, dây xích bị giằng co hết mức. Bố đuổi theo tên trộm, bất ngờ, hắn quay lại đạp mạnh vào bố. Bị lỡ đà, bố ngã xuống. Hắn lợi dụng lúc ấy đè lên người bố, tay phải rút mạnh con dao ra rồi vung lên. Chính lúc ấy, Phi Phi từ đâu lao đến ngoạm vào tay cầm dao của hắn rồi mặc cho gã gian phi đẩy, đạp đánh như thế nào cũng kiên quyết không nhả tay hắn ra. Cuộc vật lộn dừng lại khi các cô bác hàng xóm ùa đến trói gô tên trộm lại. Mẹ tôi vừa xuýt xoa dìu bố vào nhà vừa nhắc chị em tôi lấy sữa cho Phi Phi và đưa chú vào nhà.
Sau hôm ấy, Phi Phi nổi tiếng cả khu phố với câu chuyện “cứu chủ”. Kẻ gian bị bắt sau đó đã khai ra rất nhiều vụ trộm mà hắn nhúng tay vào. Gia đình tôi và Phi Phi còn được tuyên dương nữa!
Phi Phi vẫn sống cùng gia đình tôi cho đến bây giờ. Chú luôn được cả nhà cưng chiều và yêu quý, đặc biệt là tôi. Phi Phi tuy là một chú chó nhưng có nhiều điều đáng để chúng ta học tập đúng không các bạn!
---------------------------------------
Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Viết bài văn tự sự có sử dụng kết hợp yếu tố miêu tả và biểu cảm về một tiết học mà em ấn tượng nhất. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 6, Soạn bài lớp 6, Văn mẫu lớp 6, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 6, Soạn văn 6 siêu ngắn.