Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5-7 dòng) với câu chủ đề: Chúng ta cần đối xử thân thiện với động vật

VnDoc xin giới thiệu bài Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5-7 dòng) với câu chủ đề: Chúng ta cần đối xử thân thiện với động vật được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 6. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Đề bài: Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5-7 dòng) với câu chủ đề: Chúng ta cần đối xử thân thiện với động vật

Trả lời:

Chúng ta cần đối xử thân thiện với động vật - Đoạn văn mẫu 1

Động vật không xa lạ với cuộc sống con người; gần như mỗi chúng ta đều từng có những kí ức tuổi thơ tươi đẹp gần gũi với động vật và thiên nhiên. Những động vật nuôi trong nhà giống như những người bạn, chúng giúp các em nhỏ hình thành và rèn luyện được khả năng biết chăm sóc và yêu thương. Bên cạnh đó các loại động vật trong tự nhiên cũng đóng góp vai trò to lớn trong hệ sinh thái và môi trường sống của con người. Mỗi loài động vật đóng một vai trò khác nhau, chúng thúc đẩy và kìm hãm lẫn nhau tạo nên môi trường sống cân bằng. Chính vì vậy chúng ta cần đối xử thân thiện với động vật.

Chúng ta cần đối xử thân thiện với động vật - Đoạn văn mẫu 2

Động vật không chỉ là nguồn thức ăn, mà còn là nguồn vui tâm hồn cũng như môi trường sống của con người. Vào buổi sáng tinh mơ, nghe thấy tiếng gà gáy, nghe thấy tiếng chim hót mới cảm thấy cuộc đời này đẹp đẽ biết bao. Chẳng may một loài nào đó biến mất trên Trái Đất, hệ sinh thái sẽ có một vết khuyết. Con người với trí khôn của mình đã làm chủ Trái Đất, và vẫn luôn tự hào về tình yêu thương của mình. Tình yêu thương đó cũng rất cần được thể hiện với động vật. Vì thế, chúng ta cần đối xử thân thiện với động vật.

Chúng ta cần đối xử thân thiện với động vật - Đoạn văn mẫu 3

Hiện nay, con người đã nâng cao ý thức về việc bảo vệ Trái Đất nói chung cũng như bảo vệ động vật nói riêng. Đó là điều đáng mừng, bởi lẽ động vật không chỉ là nguồn thức ăn mà còn tạo nên hệ sinh thái và nguồn vui cho con người. Xét cho cùng, con người cũng là một loài động vật. Con người không thể sống nếu thiếu động vật hay phá hủy môi trường sống của mình. Đối xử thân thiện với động vật chính là thể hiện tình yêu của con người và bảo vệ ngôi nhà chung Trái Đất.

Chúng ta cần đối xử thân thiện với động vật - Đoạn văn mẫu 4

Chúng ta cần đối xử thân thiện với động vật. Mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ các loài động vật. Trước hết, Nhà nước cần xử lí nghiêm các hành vi buôn bán động vật hoang dã trái phép. Đồng thời, các bộ luật về vấn đề bảo vệ động vật cần được ban hành. Nhưng quan trọng nhất, mỗi người cần phải có ý thức chăm sóc, bảo vệ vật nuôi cũng như các loài động vật hoang dã. Động vật không hề xa lạ mà vô cùng gắn bó với cuộc sống của con người.

Chúng ta cần đối xử thân thiện với động vật - Đoạn văn mẫu 5

Động vật cũng tri giác và tình cảm. Trái Đất cũng là nơi động vật sinh sống. Động vật góp phần tạo nên hệ sinh thái. Động vật cũng là nguồn cung cấp dinh dưỡng và cung cấp cả niềm vui cho con người. Chúng có một vai trò không thể phủ nhận. Con người với trí khôn đã trở thành chủ nhân của Trái Đất. Nhưng Trái Đất là một ngôi nhà chung. Với vị trí chủ nhân, với trí khôn và tình cảm của mình, con người chúng ta nên và cần phải đối xử thân thiện với động vật, đó cũng chính là đối xử thân thiện với chính chúng ta.

1. Khái niệm đoạn văn ở trường phổ thông hiện nay được hiểu theo nhiều cách khác nhau

- Cách hiểu thứ nhất (đoạn ý): Đoạn văn được dùng với ý nghĩa để chỉ sự phân đoạn nội dung, phân đoạn ý của văn bản. Một văn bản bao gồm nhiều đoạn văn: Đoạn mở đầu văn bản, những đoạn khai triển văn bản, đoạn kết thúc văn bản. Mỗi đoạn phải có sự hoàn chỉnh nhất định nào đó về mặt ý, về mặt nội dung. Nhưng thế nào là một nội dung, một ý hoàn chỉnh thì không có tiêu chí để xác định rõ ràng. Một văn bản, tùy theo người đọc cảm nhận mà phân chia ra thành các đoạn, sự phân chia có thể không thống nhất giữa những người đọc: có người chia theo ý lớn, có người chia theo ý nhỏ. Ý lớn là đoạn bài có hai hoặc ba ý nhỏ được khai triển từ ý lớn, bao gồm hai hoặc ba đoạn văn ngắn, mỗi đoạn ngắn đó là một ý nhỏ, các đoạn này hợp ý với nhau thành một ý lớn; ý nhỏ là ý được khai triển từ ý lớn, về mặt nội dung chỉ triển khai theo một phương diện, một hướng cụ thể, mỗi ý nhỏ là một đoạn.

Cách hiểu này khiến cho cách phân đoạn thiếu tính khách quan. Với cách hiểu này, diện mạo đoạn văn không được xác định (đoạn văn bắt đầu từ đâu, như thế nào, các câu văn trong đoạn có mối liên kết với nhau như thế nào,…) cho nên việc xây dựng đoạn văn trở nên khó khăn, phức tạp, khó rèn luyện các thao tác để trở thành kĩ năng kĩ xảo.

- Cách hiểu thứ hai (đoạn lời): Đoạn văn được hiểu là sự phân chia văn bản thành những phần nhỏ, hoàn toàn dựa vào dấu hiệu hình thức: một đoạn văn bao gồm những câu văn nằm giữa hai dấu chấm xuống dòng.

Cách hiểu này không tính tới tiêu chí nội dung, cơ sở ngữ nghĩa của đoạn văn. Với cách hiểu này, việc rèn luyện xây dựng đoạn văn càng trở nên mơ hồ, khó xác định vì đoạn văn không được xây dựng trên một cơ sở chung nào vì hình thức bao giờ cũng phải đi đôi với nội dung, bao chứa một nội dung nhất định và phù hợp với nội dung mà nó bao chứa.

- Cách hiểu thứ ba (đoạn văn xét thao cả hai tiêu chí về ý và về lời): Đoạn văn vừa là kết quả của sự phân đoạn văn bản về nội dung ( dựa trên cơ sở logic ngữ nghĩa) vừa là kết quả của sự phân đoạn về hình thức ( dựa trên dấu hiệu hình thức thể hiện văn bản).

+ Về mặt nội dung: đoạn văn là một ý hoàn chỉnh ở một mức độ nhất định nào đó về logic ngữ nghĩa, có thể nắm bắt được một cách tương đối dễ dàng. Mỗi đoạn văn trong văn bản diễn đạt một ý, các ý có mối liên quan chặt chẽ với nhau trên cơ sở chung là chủ đề của văn bản. Mỗi đoạn trong văn bản có một vai trò chức năng riêng và được sắp xếp theo một trật tự nhất định: đoạn mở đầu văn bản, các đoạn thân bài của văn bản (các đoạn này triển khai chủ đề của văn bản thành các khía cạnh khác nhau), đoạn kết thúc văn bản. Mỗi đoạn văn bản khi tách ra vẫn có tính độc lập tương đối của nó: nội dung của đoạn tương đối hoàn chỉnh, hình thức của đoạn có một kết cấu nhất định.

+ Về mặt hình thức: đoạn văn luôn luôn hoàn chỉnh. Sự hoàn chỉnh đó thể hiện ở những điểm sau: mỗi đoạn văn bao gồm một số câu văn nằm giữa hai dấu chấm xuống dòng, có liên kết với nhau về mặt hình thức, thể hiện bằng các phép liên kết; mỗi đoạn văn khi mở đầu, chữ cái đầu đoạn bao giờ cũng được viết hoa và viết lùi vào so với các dòng chữ khác trong đoạn.

Đây là cách hiểu hợp lí, thỏa đáng hơn cả giúp người đọc nhận diện đoạn văn trong văn bản một cách nhanh chóng, thuận lợi đồng thời giúp người viết tạo lập văn bản bằng cách xây dựng từng đoạn văn được rõ ràng, rành mạch.

2. Ví dụ về đoạn văn

“Vì ông lão yêu làng tha thiết nên vô cùng căm uất khi nghe tin dân làng theo giặc(1). Hai tình cảm tưởng chừng mâu thuẫn ấy đã dẫn đến một sự xung đột nội tâm dữ dội( 2). Ông Hai dứt khoát lựa chọn theo cách của ông: Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù( 3). Đây là một nét mới trong tình cảm của người nông dân thời kì đánh Pháp(4). Tình cảm yêu nước rộng lớn hơn đã bao trùm lên tình cảm đối với làng quê(5). Dù đã xác định như thế, nhưng ông Hai vẫn không thể dứt bỏ tình yêu đối với quê hương; vì thế mà ông xót xa cay đắng”(6).

---------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5-7 dòng) với câu chủ đề: Chúng ta cần đối xử thân thiện với động vật. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 6, Soạn bài lớp 6, Văn mẫu lớp 6, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 6, Soạn văn 6 siêu ngắn.

Đánh giá bài viết
1 517
2 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Cún ngốc nghếch
    Cún ngốc nghếch

    quá hay

    Thích Phản hồi 16/05/22
    • Chuột nhắt
      Chuột nhắt

      thêm vài mẫu nữa đi ad

      Thích Phản hồi 16/05/22

      Lý thuyết ngữ văn 6 CTST

      Xem thêm