Đêm nay Bác không ngủ thuộc thể thơ gì?

Đêm nay Bác không ngủ thuộc thể thơ gì? được VnDoc sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 6. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Đêm nay Bác không ngủ thuộc thể thơ gì?

Câu hỏi: Đêm nay Bác không ngủ thuộc thể thơ gì?

Trả lời:

Bài thơ được làm theo thể thơ năm chữ:

- Mỗi dòng thơ có năm tiếng; mỗi khổ có bốn dòng thơ.

- Cách gieo vần giữa các dòng trong một khổ thơ: chữ cuối câu thứ hai và chữ cuối câu thứ ba vần liền với nhau.

- Chữ cuối của dòng cuối mỗi khổ vần với chữ cuối của dòng đầu của khổ tiếp theo.

Chính cách gieo vần được nối nhau như trên cho nên thể thơ năm chữ này thích hợp với cách kể chuyện (tự sự) như bài Đêm nay Bác không ngủ.

I. Tác giả Minh Huệ

Nhà thơ Minh Huệ tên khai sinh là Nguyễn Đức Thái, sinh năm 1927, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, quê ở thành phố Vinh.

Tác phẩm đã xuất bản: Tiếng hát quê hương (thơ, 1959); Đất chiến hào (thơ, 1970); Mùa xanh đến (thơ, 1972); Đêm nay Bác không ngủ (thơ, 1985); Rừng xưa, rừng nay (bút kí, 1962);Ngọn cờ Bến Thuỷ (truyện kí, 1974-1979); Người mẹ và mùa xuân (truyện kí, 1981); Phút bi kịch cuối cùng (tiểu thuyết, 1990); Thưởng thức thơ viết về Bác Hồ (tiểu luận, 1992).

Nhà thơ đã được nhận: Giải Nhất chi hội văn nghệ kháng chiến khu Bốn và Sở Thông tin tuyên truyền khu Bốn 1954 (thơ Dòng máu Việt Hoa); Giải thưởng Nguyễn Du của Nghệ - Tĩnh 1986 (tập thơ Đêm nay Bác không ngủ).

II. Giới thiệu về Đêm nay Bác không ngủ

Hoàn cảnh sáng tác

Giữa tháng 4/2000, tôi có việc nghỉ ở 37 Hùng Vương – Hà Nội, tình cờ ở phòng với nhà thơ Minh Huệ từ Nghệ An ra. Đi xe mệt, tối, nhà thơ Minh Huệ và tôi không muốn đi đâu. Tôi ngày còn học phổ thông đã thuộc lòng "Đêm nay Bác không ngủ", nhưng giờ mới "mục sở thị" tác giả bài thơ nổi tiếng ấy. Nên vừa cạn tuần trà đầu, tôi hỏi ngay nhà thơ:

- Ông viết bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" trong hoàn cảnh nào?

Như khơi đúng mạch, không cần nghĩ ngợi lâu, nhà thơ nói ngay :

- Đấy là vào một đêm cuối mùa đông năm 1950, tôi vừa từ chiến trường Bình – Trị – Thiên ra Thanh Hoá, làm cán bộ Tuyên huấn Khu ủy khu Bốn thì gặp anh Trác. Tôi và Trác trước cùng công tác với nhau, sau anh ấy được điều ra Việt Bắc, làm bảo vệ Trung ương. Biết anh Trác có đi Chiến dịch Biên giới, tôi hỏi: "Nghe nói Bác Hồ đi chiến dịch, cậu có được gặp Bác không?". Thế là Trác kể luôn những chuyện về Bác Hồ đi Chiến dịch Biên giới, mà anh ấy là một trong những người được đi bảo vệ Bác suốt chiến dịch. Trong những chuyện anh Trác kể, có một chuyện tôi nghe rất cảm động. Đó là vào một đêm chiến dịch, trên đường đi, Bác cùng anh em ghé vào dừng chân trong một cái lán có các chiến sĩ vệ quốc đang trú quân. Trời tối om. Bếp lửa tắt tự lúc nào. Bác nhóm lại lửa. Ngọn lửa cháy phừng phừng. Một anh vệ quốc quân tỉnh giấc, nhận ra Bác Hồ đang ngồi bên bếp lửa. Anh ta rón rén dậy, đi lại chỗ bếp lửa, lễ phép: "Bác ơi, Bác đi ngủ đi. Khuya lắm rồi!". Bác quay lại, giục anh vệ quốc : "Cháu cứ đi ngủ đi. Ngày mai còn đánh giặc". Câu chuyện nghe anh Trác kể, tôi viết lại gần như thật trong bài thơ: "Anh đội viên thức dậy/ Thấy trời khuya lắm rồi/ Mà sao Bác vẫn ngồi/ Lặng yên bên bếp lửa". Chỉ khác là khi viết, tôi để anh đội viên kia ba lần thức dậy: "Lần thứ ba thức dậy/ Anh hốt hoảng giật mình" để lột tả tình cảm yêu thương Bác Hồ của anh vệ quốc quân, gói vào một khổ thơ với hai điệp ngữ "mời Bác ngủ": "Anh đội viên nằng nặc/ Mời Bác ngủ, Bác ơi/ Trời sắp sáng mất rồi/ Bác ơi, mời Bác ngủ".

Tôi hỏi cắt ngang lời nhà thơ:

- Trước đây đọc bài thơ, tôi cứ ngỡ người viết đã có vinh dự được gần Bác Hồ, hoặc ít ra cũng nhiều lần được gặp Bác Hồ mới viết được như thế. Nhà thơ Minh Huệ nói ngay, bằng một giọng chân thành và cảm động:

- Khi làm bài thơ ấy, tôi chưa được nhìn thấy Bác Hồ lần nào. Nhưng thực thì Bác Hồ đã ở trong tâm tưởng tôi rồi. Tôi tự hào được là người con của quê hương Bác Hồ. Trong tôi vẫn nung nấu viết một cái gì đó về Bác. Đến khi nghe anh Trác kể chuyện Bác Hồ đi Chiến dịch Biên giới thì lập tức trong tôi như bùng lên tình cảm mới và rất lớn lao về Bác Hồ. Sở dĩ trong bài thơ, tôi miêu tả cụ thể từng cử chỉ của Bác: "Rồi Bác đi dém chăn/ Từng người, từng người một/ Sợ cháu mình giật thột/ Bác nhón chân nhẹ nhàng" là vì tôi nghĩ tình cảm và sự chăm sóc của Bác Hồ đối với các chiến sĩ cũng giống như mẹ mình đối với mình hồi còn nhỏ. Cho nên khi viết, cảm hứng của tôi về Bác Hồ là cảm hứng về người mẹ đối với con cái, vừa ân tình, cẩn thận lại vừa cụ thể đến từng chi tiết nhỏ : "Từng người, từng người một/ Sợ cháu mình giật thột". Đó là cử chỉ của một người mẹ. Cho nên, bài thơ không có chữ người mẹ nào, nhưng lại đúng là viết về người mẹ. Tôi quên đi là mình viết về lãnh tụ, mà mải nghĩ về một người mẹ chan chứa tình cảm yêu thương, chăm sóc cháu con.

- Hẳn là khi đã có cảm xúc như thế thì ông viết cũng nhanh thôi, thưa nhà thơ? Câu hỏi của tôi dường như có làm nhà thơ Minh Huệ phải lần dở lại thời gian, nên ông dừng lại giây lát, rồi mới tiếp tục câu chuyện:

- Không nhanh đâu. Tôi viết từ tháng 10/1950 đến qua Tết Nguyên đán, tất cả khoảng gần 5 tháng mới xong. Lúc đầu, tôi viết còn dài nữa. Rồi cứ sửa đi sửa lại. Cuối cùng chỉ để lại 16 khổ thơ như hiện nay. Nhưng làm xong chưa gửi đi đâu, vẫn để trong cặp tài liệu. Cho đến một hôm, có anh ở Chi hội Văn nghệ khu Bốn đến chơi. Trong khi trò chuyện, anh ấy hỏi tôi lâu nay có làm được bài thơ nào không. Tôi lấy đưa anh ấy xem bài thơ, rồi anh ấy mang đi in trong tập thơ "Tin vui", do Chi hội Văn nghệ khu Bốn ấn hành. Thế là bài thơ ra đời.

- Trước đó ông đã viết bài thơ nào về Bác Hồ chưa?

- Tôi có viết bài "Nắng Nghệ An chuyện trò với mây Việt Bắc" gửi gắm niềm mong ước của tôi, mà cũng là của người dân quê Bác mong được gặp Bác, đón Bác về thăm quê hương. Bài thơ viết theo lối hát ví – một loại dân ca rất gần gũi với người dân xứ Nghệ. Nhưng không thành công. Dù vậy, tôi coi đó là sự thể nghiệm của tôi trong việc sáng tác về Bác Hồ, về sự vận dụng dân ca vùng quê Nghệ – Tĩnh của tôi vào thơ. Đến "Đêm nay Bác không ngủ" là bài thứ hai, thì tôi hóa thân thành anh đội viên vệ quốc để được gặp người Mẹ – Bác Hồ. Còn cách viết, tôi vẫn theo lối hát ví, hát vè như ở bài thơ trước.

- Từ ấy đến nay, nhà thơ vẫn theo đuổi đề tài sáng tác về Bác Hồ? - Tôi vẫn viết, và còn viết nữa về Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Bác và Đảng luôn ở trong tôi, là nguồn cảm hứng vô tận của thơ tôi. Nên trong một bài thơ mới viết, tôi mong được góp một cái gì đó vào việc biến Di chúc của Bác Hồ thành hiện thực, thể hiện qua câu: "Đuốc Di chúc tỏa Thăng Long/ Thơ ơi, góp gió cánh rồng Vạn Xuân". Năm 1985, tôi đã ra tập thơ viết về Bác Hồ, mang tên "Đêm nay Bác không ngủ", gồm 26 bài và một chuyện thơ về Nguyễn Ái Quốc với Xô Viết Nghệ – Tĩnh.

Năm 2000, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Bác Hồ, tôi lại cho ra tập thơ "Cõi xanh", gồm 40 bài thơ viết về Bác. Với tôi, một người làm thơ thì không gì bằng: "Yêu Bác, làm thơ theo trí Bác/ Tâm hồn yên tĩnh giữa trùng khơi". Cuộc trò chuyện giữa nhà thơ Minh Huệ với tôi về hoàn cảnh ra đời bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ", tôi ghi kín mấy trang sổ tay. Nhưng chỉ xin ghi lại chừng ấy, nhân đang có cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bác Hồ, và 60 năm (1950 – 2010) ra đời bài thơ nổi tiếng "Đêm nay Bác không ngủ", xin được coi những dòng này như nén nhang tưởng nhớ nhà thơ Minh Huệ.

Bố cục

Gồm 3 phần:

Phần 1: Từ đầu đến “Lấy sức đâu mà đi”: Lần thức dậy đầu tiên của anh đội viên.

Phần 2. Tiếp theo đến “Anh thức luôn cùng Bác”: Lần thứ ba thức dậy của anh đội viên.

Phần 3. Còn lại: Hình tượng của Bác Hồ.

Nội dung

Tác phẩm kể về một đêm không ngủ của Hồ Chí Minh trên đường đi chiến dịch trong thời kì kháng chiến chống Pháp và thể hiện tấm lòng yêu thương sâu sắc của Bác Hồ với nhân dân và bộ đội Việt Nam và tình cảm khâm phục, kính yêu của người chiến sĩ đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

-----------------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Đêm nay Bác không ngủ thuộc thể thơ gì? Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 6, Soạn bài lớp 6, Văn mẫu lớp 6, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 6, Soạn văn 6 siêu ngắn.

Đánh giá bài viết
1 66
Sắp xếp theo

    Lý thuyết ngữ văn 6 CTST

    Xem thêm