Bài tập về chữa lỗi dùng từ

Chúng tôi xin giới thiệu bài Bài tập về chữa lỗi dùng từ được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo để chuẩn bị cho bài học sắp tới đây của môn Ngữ văn lớp 6.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

I- Lý thuyết cần nắm vững

1. Lẫn lộn các từ gần âm

Lẫn lộn các từ gần âm là do ta chưa nắm được nghĩa của từ, ta nhớ mang máng nhưng không hiểu rõ nên dùng chệch sang một từ gần âm quen dùng khác. Lỗi thông thường nhất là ở các từ hai tiếng mà ta nhớ một tiếng còn tiếng khác thì nhớ chệch đi.

Ví dụ: cây bạch đàn thành cây bạch đằng, tinh tủy thành tinh tú.

Muốn chữa loại lỗi này ta phải nắm chắc nghĩa của từ, từ nào không hiểu nghĩa hoặc hiểu không chắc chắn thì hỏi người hiểu biết hơn, hoặc phải tra từ điển để nắm được nghĩa của từ. Hiểu nghĩa của từ mới dùng từ chính xác và chữa được lỗi dùng từ.

2. Dùng từ không đúng nghĩa

Dùng từ không đúng nghĩa là do không hiểu nghĩa của từ. Muốn chữa loại lỗi này, chúng ta phải đối chiếu với từ điển và sửa lại cho đúng.

Ví dụ: Nguyễn Đình Chiểu lang thang từ tỉnh này sang tỉnh khác.

(Dẫn theo Phan Thiều)

Câu này phải thay lang thang bằng đi hoặc ngược xuôi.

3. Lặp từ

Lặp từ là hiện tượng dùng nhiều lần một từ trong câu hoặc trong các câu liền kề nhau trong một đoạn văn.

Lặp từ có nhiều khi rất cần thiết trong thể hiện nội dung.

+ Trong câu, lặp từ là để nhấn mạnh nội dung.

Ví dụ: Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi… đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn.

(Thép Mới)

+ Trong câu, lặp từ còn để diễn đạt chính xác.

Ví dụ: Mọi người rất thích thú các cách làm của em và của bạn Lan.

Trong câu này, nếu không có từ của thứ hai thì mọi người sẽ nghĩ rằng các cách làm là của chung hai người.

+ Trong đoạn văn, lặp từ vựa để nhấn mạnh vừa để liên kết câu.

Ví dụ: Người xưa có câu: “Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng”. Tre là thẳng thắn, bất khuất! Ta kháng chiến, tre lại là đồng chí chiến đấu của ta, Tre vốn cùng ta làm ăn, lại vì ta mà cùng ta đánh giặc.

(Thép Mới)

Ngoài các trường hợp đã nêu, việc lặp đi lặp lại một từ trong câu hoặc những câu liền kề nhau sẽ làm cho câu văn rườm rà, nặng nề. Đó là biểu hiện sự nghèo nàn của người viết cho nên được coi là lỗi dùng từ.

Ví dụ: Con mèo nhà em rất đẹp nên em rất thích con mèo nhà em.

Dạng lỗi này có hai cách chữa:

Một là bỏ những từ ngữ bị lặp khi thấy không ảnh hưởng đến nội dung, ý nghĩa của câu. Câu trên sửa lại như sau:

– Con mèo nhà em rất đẹp nên em rất thích.

Hai là thay thế bằng những từ cùng nghĩa. Câu trên có thể sửa lại như sau:

– Con mèo nhà em rất đẹp nên em rất thích nó.

II. – Bài tập

Câu 1 (trang 68 SGK Ngữ Văn 6 Tập 1 - trang 40 VBT Ngữ Văn 6 Tập 1): Hãy lược bỏ những từ trùng lặp trong các câu sau:

Trả lời:

a, Bạn Lan là một lớp trưởng gương mẫu nên cả lớp ai cũng rất lấy làm quý mến bạn Lan.

b, Sau khi nghe cô giáo kể câu chuyện ấy, chúng tôi ai cũng thích những nhân vật trong câu chuyện này vì những nhân vật ấy đều là những nhân vật có phẩm chất đạo đức tốt đẹp.

c, Quá trình vượt núi cao cũng là quá trình con người trưởng thành, lớn lên.

a, Bạn Lan là một lớp trưởng gương mẫu nên cả lớp ai cũng rất lấy làm quý mến.

b, Sau khi nghe cô giáo kể, chúng tôi ai cũng thích những nhân vật trong câu chuyện này vì những nhân vật ấy đều có phẩm chất đạo đức tốt đẹp.

c, Quá trình vượt núi cao cũng là quá trình con người trưởng thành.

Câu 2 (trang 69 SGK Ngữ Văn 6 Tập 1 - trang 40 VBT Ngữ Văn 6 Tập 1): Hãy thay từ dùng sai trong các câu dưới đây bằng những từ khác. Theo em, nguyên nhân chủ yếu của việc dùng sai đó là gì?

a, Tiếng Việt có khả năng diễn tả linh động mọi trạng thái tình cảm của con người.

b, Có một số bạn còn bàng quang với lớp.

c, Vùng này còn khá nhiều thủ tục như: ma chay, cưới xin đều cỗ bàn linh đình; ốm không đi bệnh viện mà ở nhà cúng thôi.

Trả lời:

Câu

Từ bị dùng sai

Cần thay bằng từ

a

linh động

linh hoạt

b

bàng quang

bàng quan

c

thủ tục

hủ tục

Câu 3. Chỉ ra các lỗi dùng từ trong những câu dưới đây. Chữa lại các lỗi sai về dùng từ trong các câu đó.

a, Nghe phong phanh hình như hôm nay được nghỉ.

b, Anh ấy là một người kiên cố.

c, Anh ấy rất cao ráo.

Trả lời:

- Lỗi dùng từ trong:

+ Câu a: phong phanh

+ Câu b: kiên cố

+ Câu c: cao ráo

- Chữa lại các câu đã cho như sau:

+ Câu a: Nghe phong thanh hình như hôm nay được nghỉ

+ Câu b: Anh ấy là một người rất kiên cường

+ Câu c: Anh ấy rất cao

Câu 4. Chọn từ thích hợp trong các từ sau: đỏ gay, đỏ hỏn, đỏ ngầu, đỏ rực để điền vào chỗ trống dưới đây?

Trả lời:

a, Thằng bé con đỏ hỏn

b, Trong khói và bụi vẫn lóe lên những tia lửa đỏ rực

c, Nước sông đỏ ngầu

d, Mặt nó đỏ gay

Câu 5. Giải thích nghĩa các từ sau: rung chuyển, rung rinh. Đặt câu với mỗi từ đó.

Trả lời:

Từ

Nghĩa của từ

rung chuyển

Chỉ sự chuyển động mạnh mẽ của sự vật khi có một lực lớn tác động

rung rinh

Chỉ sự chuyển động nhỏ, không đáng kể của sự vật, thường là những sự vật nhỏ, mỏng manh

Đặt câu:

- Câu chứa từ rung chuyển: Trận động đất đã làm cả mặt đất rung chuyển.

- Câu chứa từ rung rinh: Cơn gió nhẹ của mùa thu thoáng qua, làm rung rinh những cành lá non.

-----------------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Bài tập về chữa lỗi dùng từ. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 6, Soạn bài lớp 6, Văn mẫu lớp 6, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 6, Soạn văn 6 siêu ngắn.

Đánh giá bài viết
1 253
Sắp xếp theo

    Lý thuyết ngữ văn 6 CTST

    Xem thêm