Ngôi kể trong văn tự sự là gì?

Ngôi kể trong văn tự sự là gì? được VnDoc sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 6. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Câu hỏi: Ngôi kể trong văn tự sự là gì?

Trả lời:

- Ngôi kể là vị trí giao tiếp mà người kể sử dụng khi kể chuyện.

- Có 2 loại ngôi kể là: ngôi kể thứ nhất và ngôi kể thứ ba.

Ngôi kể thứ nhất trong văn bản tự sự

- Trong ngôi kể thứ nhất, người kể xưng "tôi". Người kể có thể trực tiếp kể ra những gì mình nghe, thấy, trải qua, trực tiếp nói ra cảm tưởng, ý nghĩ, tình cảm của mình.

- Khi kể chuyện theo ngôi thứ nhất, người kể xưng tôi, em, chúng tôi , chúng em….Cách kể này mang màu sắc tâm tình, dễ bộc lộ tình cảm, ý nghĩ của người kể. Do đó, giọng kể được sử dụng trong ngôi thứ nhất là giọng điệu trữ tình, tạo cho người đọc cảm giác thân thiết gần gũi

- Kể theo ngôi thứ nhất là hình thức kể ra đời khá muộn, khi ý thức về con người cá nhân xuất hiện. Ngôi thứ nhất là vị trí của người kể cho phép kể những gì mình biết, mình thấy, mình chịu trách nhiệm một cách công khai, cho nên mặc dù lời kể thân mật, gần gũi, mang màu sắc cá nhân nhưng lại bị hạn chế trong tầm nhìn và hiểu biết của một người. Vì thế, người kể chuyện không thể đi sâu vào tâm tình, ý nghĩ của các nhân vật khác nếu họ không tự nói ra, không kể được những gì mà tôi không chứng kiến, không biết.

- Có hai loại ngôi kể thứ nhất:

+ Ngôi thứ nhất của các giả đứng ra kể chuyện về mình hoặc chuyện mình biết (thường là nhật ký, hồi ký của các nhà văn, nhà thơ).

Ví dụ: “Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm”.

+ Ngôi thứ nhất của một nhân vật hư cấu cũng xưng tôi nhưng là nhân vật do nhà văn xây dựng nên để gửi gắm ý đồ nghệ thuật của mình. Trong Dế Mèn phiêu lưu ký”, Dế Mèn là nhân vật do nhà văn hư cấu đứng ra kể chuyện về cuộc phiêu lưu của mình. Trong Lão Hạc, ông giáo, người hàng xóm của lão Hạc đứng ra kể đoạn cuối về cuộc đời và cái chết thương tâm của lão.

- Tác dụng của ngôi thứ nhất: Làm nhiệm vụ dẫn dắt, kể lại toàn bộ câu chuyện là người kể chuyện xưng “tôi” - được coi là “người phát ngôn tự sự” thứ nhất (người nắm quyền kể toàn bộ câu chuyện, không ngừng can dự vào câu chuyện dưới nhiều hình thức). Các tác phẩm đều bắt đầu và kết thúc bằng lời kể của người phát ngôn này. Hai người phát ngôn tự sự cùng nằm trong một tầng câu chuyện, có sự giao lưu hai chiều, mang tính đối ngẫu. Nếu không có sự dẫn dắt và giao lưu của “tôi”, tính cách không được thể hiện một cách trọn vẹn. Ngược lại, nhờ có quá trình giao lưu với các nhân vật chính mà tính cách của “tôi” với vai trò là nhân vật phụ cũng hiện lên một cách tự nhiên, chân thực. Qua tiếp xúc với các nhân vật, người đọc dễ dàng nhận thấy, cả hai người phát ngôn tự sự trong hai tác phẩm đều là những trí thức thất bại, đang trong tâm trạng cô độc, chán chường, hoang mang, khắc khoải. Tất cả đều ẩn chứa những nét nào đó gần gũi với ý thức, tư tưởng và tình cảm của tác giả.

Ngôi thứ ba trong bài văn tự sự

- Kể theo ngôi thứ ba là ngôi kể rất cổ xa, được hiểu như là “người ta kể” , như là sự việc tự nó kể. Đó là cách kể trong thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười… Người ta kể theo kí ức và kiến thức cộng đồng, thường gọi nhân vật theo tên gọi của chúng. Về sau, ngôi thứ ba trở thành hình thức giấu mình đi . mặc dù “giấu mình đi” nhưng người kể có mặt ở khắp mọi nơi trong văn bản, biết hết từ

- Cách kể này, người kể chuyện không xưng tôi nhưng kín đáo gọi nhân vật theo ngôi thứ ba “nó”, “chúng nó”, gọi tên nhân vật, sự vật theo nhận xét của mình. Truyện Làng – Kim Lân kể theo ngôi thứ ba. Nghĩa là, khi sử dụng cách kể này bao giờ cũng có hình ảnh người kể chuyện đứng sau các sự vật. Người kể chuyện có vai trò dẫn dắt người đọc vào câu chuyện: giới thiệu nhân vật và tình huống, tả người và tả cảnh vật, đưa ra những nhận xét, đánh giá về những điều được kể. Kể theo ngôi thứ ba, câu chuyện có tính khách quan hơn, phạm vi phản ánh hiện thực rộng hơn so với cách kể ngôi thứ nhất.

- Tác dụng của ngôi thứ ba: Ngôi thứ ba có liên quan trực tiếp đến người kể chuyện, có vai trò dẫn dắt người đọc khám phá câu chuyện: giới thiệu nhân vật và sự việc, tả người và tả cảnh vật, đưa ra các nhận xét , đánh giá về nhân vật và những điều được kể….

Sự chuyển đổi ngôi kể trong văn tự sự

Sự thay đổi ngôi kể cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

+ Khi chuyển đổi ngôi kể cần phải có sự thay đổi ngôn từ của nhân vật (nhất là đại từ xưng hô) cho phù hợp với quan hệ mới của câu chuyện. Người kể phải sắp xếp lại các chi tiết, xác định cảnh, tình huống cần lướt qua hay tả lại… cho phù hợp với ngôi kể mới của câu chuyện.

+ Sự chuyển đổi ngôi kể không được làm thay đổi ý nghĩa và nội dung câu chuyện. Nếu phá vỡ nguyên tắc này thì không còn là cách kể chuyện theo một ngôi kể mới mà là sự sáng tạo một câu chuyện hoàn toàn khác.

=> Vì vậy, để thực hiện tốt nhất sự chuyển đổi ngôi kể, người kể phải có sự nhập vai. Muốn thế, cần phải có sự xác định vai mới trong câu chuyện có mối quan hệ với các vai khác trong câu chuyện như thế nào. Cần phải có sự điều chỉnh không gian, thời gian và lời kể khi thay đổi theo ngôi kể. Bởi vì, khi thay đổi theo ngôi kể buộc phải thay đổi lời kể để phù hợp với nhân vật.

Ví dụ 1: Thay đổi ngôi kể trong đoạn văn sau thành ngôi thứ ba và nhận xét ngôi kể đem lại điều gì mới cho đoạn văn:

Ngày nào cũng vậy, suốt buổi tôi chui vào trong hang, hì hục đào đất để khoét một cái ổ lớn làm thành một cái giường ngủ sang trọng. Rồi cũng lo xa như các cụ già trong họ hàng dế, tôi đào hang sâu sang hai ngả làm những con đường tắt, những cửa sau, những ngách thượng, phòng khi gặp nguy hiểm, có thể thoát thân ra lối khác được.

(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)

Bài làm:

- Có thể thay đổi từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba bằng cách thay từ “tôi” bằng “Dế mèn”:

Ngày nào cũng vậy, suốt buổi Dế Mèn chui vào trong hang, hì hục đào đất để khoét một cái ổ lớn làm thành một cái giường ngủ sang trọng. Rồi cũng lo xa như các cụ già trong họ hàng dế, Dế Mèn đào hang sâu sang hai ngả làm những con đường tắt, những cửa sau, những ngách thượng, phòng khi gặp nguy hiểm, có thể thoát thân ra lối khác được.

- Cách kể bằng ngôi thứ ba khiến câu chuyện khách quan hơn bằng con mắt của người ngoài cuộc, khiến người đọc hình dung được những việc Dế Mèn làm như đang diễn ra trước mắt.

Ví dụ 2: Thay đổi ngôi kể trong đoạn văn sau thành ngôi thứ nhất và nhận xét ngôi kể đem lại điều gì khác cho đoạn văn:

Một cái bóng lẹ làng từ trong vụt ra, rơi xuống mặt bàn. Thanh định thần nhìn rõ: con mèo già ca bà chàng, con mèo già vẫn chơi đùa với chàng ngày trước. Con vật nép chân vào mình khẽ phe phẩy cái đuôi, rồi hai mắt ngọc thạch xanh giương lên nhìn người. Thanh mún cười lại gần vuốt ve con mèo.

(Thạch Lam, Dưới bóng hoàng lan)

Bài làm:

- Có thể thay đổi ngôi kể từ ngôi thứ 3 sang ngôi thứ nhất bằng cách thay “Thanh” bằng từ “tôi”

Một cái bóng lẹ làng từ trong vụt ra, rơi xuống mặt bàn. Tôi định thần nhìn rõ: con mèo già của bà chàng, con mèo già vẫn chơi đùa với chàng ngày trước. Con vật nép chân vào mình khẽ phe phẩy cái đuôi, rồi hai mắt ngọc thạch xanh giương lên nhìn người. Tôi muốn cười lại gần vuốt ve con mèo.

- Cách kể bằng ngôi thứ nhất khiến cho nhân vật có thể trực tiếp bộc bạch tình cảm của mình, mang tính cảm xúc chủ quan hơn.

-----------------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Ngôi kể trong văn tự sự là gì? Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 6, Soạn bài lớp 6, Văn mẫu lớp 6, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 6, Soạn văn 6 siêu ngắn.

Đánh giá bài viết
1 300
Sắp xếp theo

    Lý thuyết ngữ văn 6 CTST

    Xem thêm