Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Cảm nhận về nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà

Cảm nhận về nhân vật anh Sáu là bài văn nghị luận xã hội do VnDoc biên soạn giúp các em học sinh lớp 9 có thêm tài liệu Ngữ văn 9 để tham khảo phục vụ quá trình học tập.

Truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đề cao tình cảm gia đình, cụ thể là tình phụ tử thiêng liêng, sâu nặng của cha con ông Sáu, được thể hiện tuy giản dị mà đầy xúc động bất ngờ. Dưới đây là một số bài văn mẫu Cảm nhận nhân vật anh Sáu gửi tặng các em học sinh.

Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Luyện thi lớp 9 lên lớp 10.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.

Dàn ý cảm nhận nhân vật ông Sáu

1. Mở bài

Giới thiệu truyện ngắn Chiếc lược ngà và nhân vật anh Sáu.

2. Thân bài

a. Ngày trở về

Tâm trạng: vui vẻ, háo hức vì được gặp lại bố mẹ, vợ sau bao ngày xa cách, đặc biệt là cô con gái bé bỏng.

không biết con gái đã lớn thế nào, trong nó ra sao, nó có vui khi gặp lại mình không.

Cảnh quê nhà: không có gì thay đổi nhiều, vẫn thân thuộc, gần gũi như xưa.

b. Khi gặp con gái

Cất tiếng gọi xúc động nhưng nó chỉ tròn mắt nhìn, coi mình như người xa lạ → xúc động đến mức vết thẹo trên mặt giật giật.

Vẫn kiên trì gọi con, muốn ôm con vào lòng, thấy nó sợ hãi, chạy lại chỗ vợ thì buồn bã, thất vọng, đáng thương.

Suốt ba ngày ở nhà chỉ quanh quẩn bên cô con gái, nhưng càng vỗ về thì nó càng đẩy anh ra xa. Mong muốn được gọi một tiếng ba nhưng bé chẳng bao giờ chịu gọi.

c. Cuộc đối thoại của hai cha con

Khi má bảo gọi ba vào ăn cơm, bé chỉ nói trống không “Vô ăn cơm, cơm chín rồi”. chỉ biết cười gượng gạo vì buồn mà không thể khóc.

Khi bé nói trống không nhờ anh Sáu chắt nước cơm, anh Sáu vờ như không nghe thấy với mong mỏi nó gọi tiếng ba nhưng nó tự loay hoay làm mà không cần anh Sáu giúp đỡ.

Trong bữa cơm, anh Sáu gặp cho nó miếng trứng cá ngon nhất nhưng nó đã dùng đũa hất ra, quá cáu giận, anh Sáu đã vung tay đánh vào manh nó. Những tưởng nó sẽ khóc nhưng không, nó im lặng, gắp miếng trứng cá bỏ lại bát rồi bỏ đi sang ngoại → anh Sáu vô cùng buồn bã và ăn năn.

d. Cảnh chia tay

Anh Sáu bận rộn tiếp đón bà con làng xóm mà không để ý gì đến con nữa. Nhưng khuôn mặt nó không còn bướng bỉnh như mọi khi mà trở nên buồn rầu.

Đến lúc chia tay, anh Sáu chào mọi người và quay sang chào con. Lúc này, mọi thứ như vỡ òa, bé cất tiếng gọi ba đầu tiên. Bé chạy đến ôm lấy anh Sáu, hôn cùng khắp và giữ không cho anh Sáu đi ra chiến trường.

Anh Sáu ôm con, rút khăn lau nước mắt, nhưng nó dứt khoát không cho anh Sáu đi.

Mọi người khuyên bảo Thu để anh Sáu ra chiến trường, nó muốn anh Sáu mua cho nó chiếc lược. anh Sáu đồng ý. Anh Sáu và con chia tay nhau trong cảnh vô cùng bịn rịn, xúc động.

Anh Sáu trở lại chiến trường nhưng trong lòng không bao giờ quên lời hứa với con.

3. Kết bài

Khái quát lại ý nghĩa câu chuyện.

Văn mẫu Cảm nhận của em về nhân vật anh Sáu

Tình cảm gia đình là thứ tình cảm thiêng liêng nhất không gì sánh bằng. Cha mẹ luôn là người yêu thương con cái của mình hết mực trong mọi hoàn cảnh. Anh Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà là một ví dụ điển hình của một người cha giàu tình yêu thương.

Ngay từ đầu câu chuyện, người đọc đã có thể cảm nhận sâu sắc tình yêu con tha thiết của anh Sáu. Người lính đã trải qua khói lửa chiến tranh, gió sương núi rừng, có một khuôn mặt lạnh, một ý chí thép nhưng trái tim người cha trong anh thì vẫn ấm nóng. Hành động vội vàng: “không thể chờ xuồng cập lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra”, “bước vội vàng với những bước chân dài, rồi dừng lại, kêu to: “Thu! Con” đã khắc họa rõ nét nỗi lòng khao khát, mong mỏi của người cha. Tiếng gọi con lần đầu như vỡ oà trong tình yêu quá lớn bị dồn nén bao năm. Hình ảnh “vết thẹo dài trên má phải đỏ ửng lên, giần giật…” là biểu hiện của sự xúc động tột độ. Tiếng xưng “ba” sau bao ngày nhớ mong, mòn mỏi, vừa muốn vỡ oà, vừa lại như bị dòng cảm xúc quá lớn kìm xuống, khiến nó nghẹn lại trong “giọng run run”: “Ba đây con”. Nhưng chính nỗi mong mỏi, niềm hạnh phúc, mong chờ quá lớn ấy lại khiến anh đau đớn bội phần khi đứa con gái không đáp lại sự vồ vập của anh, “mặt nó tái đi, rồi vụt chạy”. Cả bầu trời như sụp xuống trước mắt người cha. Niềm đau, sự hụt hẫng bóp nghẹt trái tim anh. Anh “đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại tranh thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy”.

Không nản lòng, trong ba ngày ở nhà, anh Sáu dành hết tình cảm cho bé Thu. Anh ân cần, nhẹ nhàng chăm chút con bé. Trước sự cự tuyệt, bướng bỉnh của cô con gái, người cha ấy vẫn hết sức bền bỉ, nhẫn nại. Đó là sự bao dung của một người làm cha, của nỗi niềm khao khát “mong được nghe một tiếng gọi ba của con gái”. Và rồi, khi tình cảm quá lớn lại gặp phải sự cự tuyệt kiên quyết của bé Thu, nó như bị thúc ép, khiến anh không giữ được bình tĩnh “vung tay đánh mạnh vào mông" con bé và hét lên: ‘‘Sao mày cứng đầu quá vậy ?”. Anh Sáu đánh con vì tức giận, đau đớn và bất lực. Thời gian anh có thể ở bên con không còn nhiều, vậy mà con bé vẫn không chịu thừa nhận anh. Hành động đánh con của anh là một sự kìm nén của nỗi lòng mong mỏi quá lớn. Nhưng cũng chính điều đó đã giày vò tâm trí anh, trở thành mối khổ tâm suốt những năm tháng sau này khi phải xa con.

Vào thời khắc cuối cùng được ở nhà, được nhìn thấy con gái, trái tim của người cha đã được xoa dịu khi bé Thu nhận ra ba. Lúc chia tay, anh Sáu cố nén lòng, kìm giữ cảm xúc của mình. Anh “cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng cũng lại sợ nó giãy lên, lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó”. Chỉ cần nhìn thấy sự hiện diện của con thôi, anh cũng cảm thấy được an ủi phần nào. Và bao nhiêu tình yêu anh dồn cả vào ánh mắt nhìn con – “đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu”. Ánh mắt ấy vừa muốn bộc lộ hết tình yêu tha thiết với con, vừa thể hiện nỗi khao khát bị kìm nén, nỗi buồn của sự chia xa và cả nỗi đau của sự bị khước từ. Để rồi, tất cả như vỡ oà theo tiếng gọi “ba” bất ngờ của bé Thu: “Ba… a… a… ba!”. Tiếng gọi anh Sáu khao khát, trông chờ, tưởng chừng mòn mỏi bao lâu đã vang lên, khiến tim anh như muốn vỡ ra vì hạnh phúc. Người đọc như cũng lạc nhịp tim trong giây phút âm thanh yêu thương ấy cất lên. anh Sáu “không ghìm được xúc động”, “một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt”. Những dòng nước mắt tuôn trào từ trái tim yêu thương cháy bỏng của người cha.

Tình yêu của anh Sáu dành cho con thật sâu sắc. Bao cung bậc cảm xúc của anh được người đọc thấu cảm, sẻ chia. Trong chiến tranh, có những việc tưởng chừng rất bình dị như nghe một tiếng con gọi “ba”, tự tay tặng cho con một món quà nhỏ, được ôm con trong vòng tay,… cũng trở thành mơ ước của rất nhiều người và cũng rất nhiều người trong số họ giống như anh Sáu đã không thực hiện được ước nguyện đó. Nhưng cũng chính trong sự khốc liệt của chiến tranh, tình cảm tha thiết, trái tim ấm nóng của người cha lại được bộc lộ rõ nhất. Nó lắng đọng ngân vang mãi trong lòng ta.

Sức ám ảnh của truyện ngắn Chiếc lược ngà được tạo nên bởi nội dung câu chuyện. Ngòi bút của Nguyễn Quang Sáng thật tinh tế trong việc thể hiện mọi cung bậc của cảm xúc, xây dựng tình huống truyện, sử dụng ngôn từ,… Nhiều năm tháng qua đi nhưng câu chuyện vẫn giữ nguyên vẹn được vẻ đẹp, giá trị của nó và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.

------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em bài Cảm nhận về nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Đề thi vào lớp 10 môn Toán, Đề thi vào lớp 10 môn Tiếng Anh, Đề thi vào lớp 10 môn Vật lý mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em học tập thật tốt.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Văn 9 Sách mới

    Xem thêm