Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng (6 mẫu)

Văn mẫu lớp 7: Giải thích câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" gồm dàn ý và nhiều bài văn mẫu giúp các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Dàn ý Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng

1. Mở bài:

  • Tục ngữ là những lời khuyên răn của ông cha dành cho con cháu
  • Môi trường sống và những người xung quanh ảnh hưởng tới nhân cách và đạo đức của con người.
  • Vậy nên ông cha đã dạy bảo con cháu qua câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng".

2. Thân bài:

- Giải thích câu tục ngữ:

  • "Mực": Là loại mực Tàu thường được các thầy đồ dùng để viết chữ thời xưa. Có màu đen tuyền
  • "Đèn": Là vật dụng dùng để thắp sáng cho con người.
  • "Gần mực thì đen": Tức là nếu ở gần mực sẽ bị dây bẩn, lấm lem
  • "Gần đèn thì rạng": Tức là nếu gần ánh sáng những nơi có ánh sáng thì cũng sẽ được chiếu sáng, rạng rỡ.

- Nghĩa bóng:

  • "Mực" : Tức là những môi trường, những phần tử xấu xa, tiêu cực trong cuộc sống.
  • "Đèn" : Tức là những điều tốt đẹp, tích cực.
  • "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng": Muốn khuyên mọi người, nhất là lớp trẻ cần biết "chọn bạn mà chơi", chọn những con người tốt đẹp để học được những điều hay, điều phải trong cuộc sống.

- Ý nghĩa của câu tục ngữ: Ông cha ta muốn răn dạy con cháu rằng trong cuộc sống phải biết học những điều tốt đẹp, chọn những người bạn tốt để học được điều hay. Nên tránh xa những cái xấu, cái tiêu cực, thói hư tật xấu, không lành mạnh dễ ảnh hưởng trở thành người xấu.

- Dẫn chứng:

  • Mẹ của Mạnh Tử ba lần chuyển trường học cho con.
  • Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã lánh xa chốn quan trường đầy những âm mưu đen tối để về làm bạn cũng núi rừng "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao".

- Liên hệ với thực tế hiện nay: Lời khuyên răn của ông cha còn nguyên giá trị

  • Đối với gia đình: Một gia đình hạnh phúc, bố mẹ luôn giáo dục con cái, hướng con cái tới những điều tốt đẹp thì chúng sẽ trở thành những người có ích cho xã hội. Ngược lại gia đình bố mẹ bất hòa, con cái sẽ dễ dẫn tới sa ngã, thành những người xấu.
  • Đối với xã hội: Phải luôn biết chọn người để giao lưu học hỏi, biết chọn lựa những người có đạo đức, ngay thẳng để học được những điều hay. Nếu gặp những người bạn chưa tốt, có thể khuyên răn để họ trở thành những người tốt hơn.

3. Kết bài:

  • Rút ra bài học cho bản thân từ câu tục ngữ
  • Cần học tập rèn luyện để xứng đáng với lời dạy của cha ông để lại.

Giải thích Gần mực thì đen gần đèn thì rạng ngắn gọn

Từ xưa, ông cha ta vẫn thường nhắn nhủ con cháu rằng “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.

Hình ảnh “mực” và “đèn” là hai biểu tượng đối lập giữa cái xấu và cái tốt. Từ đó, ông cha ta khẳng định rằng, nếu thường xuyên ở cạnh những người có phẩm chất xấu thì ta sẽ trở nên xấu đi và ngược lại.

Đó không phải là một thuyết vô căn cứ mà là đã được kiểm nghiệm qua thời gian. Một người khi chơi với những người xấu, lười biếng, độc ác… thì sẽ bị rủ rê, chèo kéo và học theo thói xấu đó. Còn người đi cùng những người chăm chỉ, tốt bụng, trung thực… thì sẽ bắt chước, học theo họ, dần trở nên tốt hơn. Điều này thấy rất rõ ở những bạn nhỏ. Khi đến trường, nếu được xếp ngồi cạnh các bạn chăm ngoan thì các em cũng sẽ dần thay đổi như thế. Vì vậy, các trường học thường áp dụng hình thức Đôi bạn cùng tiến.

Qua đó, câu tục ngữ được dùng để khuyên nhủ chúng ta chọn bạn mà nơi, chọn nơi mà mà ở. Tuy nhiên, không phải lúc nào trong thực tế, chúng ta cũng đủ khả năng và bản lĩnh để lựa chọn cho mình môi trường sống. Vậy nên, quan trọng nhất là chúng ta cần phải giữ được bản ngã, ý chí của chính mình, không được để lung lay bởi người khác.

Như vậy, câu tục ngữ “Gần mực thì đen gần đèn thì rạng” đã là một lời khuyên vô cùng hữu ích đối với mỗi người chúng ta trong việc chọn bạn, chọn môi trường sinh sống.

Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì rạng mẫu 1

Môi trường sống luôn có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sự phát triển của nhân cách và đạo đức của con người. Vì vậy, ông cha ta đã khẳng định rằng “Gần mực thì đen gần đèn thì rạng”.

Mực và đèn là hai sự vật mang ý nghĩa biểu trưng đối lập nhau. Mực đại diện cho cái xấu, cái ác, còn đèn đại diện cho ánh sáng, cho cái tốt đẹp. Vì thế khi tiếp xúc với hai môi trường đó thì sẽ dẫn đến hai loại tính cách đối lập nhau. Là trở nên xấu xa hơn hoặc trở nên tốt đẹp hơn. Qua các biểu tượng ấy, câu tục ngữ đã gián tiếp khẳng định với chúng ta rằng nếu sống ở một môi trường tốt thì chúng ta sẽ trở nên hoàn thiện hơn theo chiều hướng tích cực và ngược lại.

Một môi trường tốt là nơi có những con người với các phẩm chất tốt đẹp, đáng để học tập và noi theo. Ví dụ như là những người bạn ngoan ngoãn, học tập chăm chỉ. Những người lớn thân thiện, tốt bụng, tuân thủ pháp luật. Những cá nhân biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết để cùng phát triển đất nước. Trong môi trường ấy, chúng ta cũng sẽ học theo, bắt chước theo những hành động tốt đẹp, cách nói chuyện, hành xử văn minh mà dần hoàn thiện mình hơn. Ngược lại, nếu sống trong môi trường toàn những người lười biếng, xấu xa, thích trộm cắp… thì chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng theo.

Điều này đã được thực tế chứng minh vô cùng rõ ràng từ xưa. Ta có thể dễ cảm nhận được nhất chính là trong môi trường học đường. Nếu được xếp vào một nhóm bàn gồm các bạn chăm học, ngoan ngoãn. Thì trong giờ học, ta sẽ không thể ngồi nghịch hay nói chuyện riêng được. Rồi lúc đi chơi, địa điểm sẽ là các quán nước nhỏ, các thư viện, quầy sách… Chủ đề trò chuyện cũng xoay quanh các vấn đề trong sáng, phù hợp lứa tuổi. Thành tích của các bạn sẽ kích thích ta thêm chăm chỉ học tập. Ngược lại, nếu ngồi cùng các bạn lười biếng, chỉ thích nói chuyện riêng, không làm bài tập về nhà. Thì chúng ta sẽ bị họ lôi kéo, không thể làm bài được. Rồi bị rủ rê đi chơi những nơi không phù hợp, hút thuốc, chửi bậy… Dần dần sẽ trở nên xấu xa giống họ.

Thế nên, qua câu tục ngữ, ông cha đã khuyên nhủ chúng ta phải biết chọn bạn mà chơi, chọn môi trường mà sống cho phù hợp, để phát triển bản thân, đồng thời tránh bị lôi kéo vào những con đường xấu. Dù vậy, không phải lúc nào ta cũng có thể dễ dàng nhận ra được bản chất của một người ngay từ ban đầu để lựa chọn. Và nhiều trường hợp, quyền lựa chọn cũng không thuộc về chính chúng ta. Vì thế, quan trọng hơn cả, chúng ta phải luôn giữ cho bản thân mình một cái đầu lạnh, một tâm thế vững chãi để không bao giờ bị lôi kéo vào những điều xấu xa.

Dù thế nào, thì bài học ý nghĩa mà cha ông ta gửi gắm trong câu tục ngữ “Gần mực thì đen gần đèn thì rạng” vẫn sẽ mãi được con cháu đời sau tin tưởng và vận dụng trong cuộc sống.

Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì rạng mẫu 2

Nếu ca dao là tiếng nói của tình cảm nồng nàn thì tục ngữ chính là sản phẩm của trí tuệ, kinh nghiệm phong phú của cha ông chúng ta để lại cho con cháu nhằm mục đích khuyên răn lớp người sau gần điều lành, lánh điều dữ để trở thành người tốt. Chẳng hạn, để khuyên nhủ thanh thiếu niên học sinh phải chọn bạn mà chơi, tục ngữ ta có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Nghĩa đen của câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng?” thật quá rõ ràng. Người học trò thường xuyên tiếp xúc với mực thì trước sau gì nhất định là mực cũng sẽ rây vào quần áo, chân tay nghĩa là bị lấm lem vì mực, gần mực thì đen là như vậy. Ngược lại, bất cứ ai, khi đến gần ngọn đèn đang thắp sáng thì nhất định ánh đèn sẽ làm rạng rỡ thêm khuôn mặt vì được đèn chiếu sáng.

Thế nhưng, ý nghĩa chủ yếu của câu tục ngữ này là ở nghĩa bóng. Trong sinh hoạt học tập, nếu ta chỉ chung đụng, gần gũi, tiếp xúc với những người xấu thì ta cũng sẽ dễ tiêm nhiễm thói hư tật xấu. Trái lại, nếu ta chỉ gần gũi, tiếp xúc với những người tốt thì ta cũng dễ học tập những phẩm chất tốt đẹp. Suy rộng ra, sống trong xã hội, nếu ta thường xuyên chỉ tiếp xúc với những người xấu, môi trường và hoàn cảnh xấu xa là ta dễ bị tiêm nhiễm những tật xấu thói hư. Trái lại, nếu ta sống gần gũi với những người tốt, môi trường và hoàn cảnh tốt thì ta cũng sẽ dễ học tập được những lề hay lối tốt.

Suy nghiệm lại thì thấy quả đúng như vậy thật. Vì sao? Vì con người nói chung, đặc biệt tuổi thiếu niên học sinh còn non trẻ, chưa có bản lĩnh vững vàng nói riêng, dễ bắt chước lẫn nhau, một cá nhân thường dễ bị đám đông lôi cuốn và cảm hóa. Do đó, sống trong hoàn cảnh xấu như người bên cạnh lúc nào cũng không hay biết. Đã vậy, sống trong hoàn cảnh, môi trường ấy, có điều tốt cũng không ai ủng hộ, làm điều xấu thì cũng không ai chê bai lại còn được khen ngợi và kích thích nữa. Rốt cuộc lại mình cũng không phân biệt được tốt xấu, nghĩ xấu là tốt, nghĩ tốt là xấu. Thế nhưng, sống với người tốt, giữa môi trường tốt thì chính việc tốt của họ là tấm gương để mình noi theo, những ý kiến hay, lời nói tốt của họ giúp mình biết cái đúng để theo, cái xấu để tránh. Từ đó cái đúng, cái tốt của mình ngày sẽ nhiều thêm, còn cái xấu, cái hư cũng sẽ ngày một ít dần đi để mỗi ngày một thành người tốt hơn.

Người xưa thường nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện”, tâm hồn các em thiếu niên học sinh không khác gì tờ giấy trắng. Do đó, điều hay điều dở rất dễ tác động vào. Chính vì vậy, mà có câu tục ngữ vừa phân tích.

Thấy rõ ảnh hưởng, tác động vô cùng to lớn và quan trọng của môi trường xung quanh đặc biệt môi trường bè bạn, thanh thiếu niên học sinh chúng ta, hơn ai hết, nên gần gũi, học tập các bạn tốt, không nên a dua, đua đòi theo các bạn xấu. Từ đó, chúng ta càng quan tâm hơn nữa đến việc tự rèn luyện bản thân, tu dưỡng, tạo cho mình một bản lĩnh để phân biệt được đúng sai, tốt xấu để bảo vệ và phê phán khi cần thiết.

Ngoài ra, cũng cần hiểu vấn đề một cách toàn diện hơn. Xưa nay, trong xã hội cũng có những người gần mực nhưng vẫn không đen. Tuy sống trong môi trường xấu, nhưng họ vẫn là người tốt, vẫn là “sen trong bùn”, “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chu Văn An, Trần Bình Trọng, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thái Bình... là minh chứng cụ thể. Trái lại, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống... dẫu có gần đèn nhưng vẫn tối om.

Đủ thấy trong đời sống, bản lĩnh của mỗi người là điều hệ trọng, thêm vào đó cần tự chủ và cẩn thận khi tiếp xúc với sự việc, với con người. Xa lánh cái xấu chứ không xa lánh con người, xa lánh các bạn có khuyết điểm.

Là học sinh hiểu được ý nghĩa câu tục ngữ trên, ta phải làm gì? “Chọn bạn mà chơi” ta phải biết gần gũi khiêm tốn để học tập các bạn tốt đồng thời phải chân thành thẳng thắn giúp đỡ bạn chưa tốt để cùng nhau tiến bộ trong học tập và rèn luyện.

Cũng nên lưu ý rằng sách báo, phim ảnh, các trò chơi cũng là người bạn gần gũi với ta trong cuộc sống. Do đó, ta nên thận trọng trong việc tiếp xúc. Hơn thế nữa, trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn hiện nay, trong xã hội còn nhiều tệ nạn, thì câu tục ngữ này là phương châm hành động thiết thực cho tuổi trẻ.

Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì rạng mẫu 3

Trong cuộc sống hằng ngày môi trường sống ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành của mỗi cá nhân con người. Các mối quan hệ như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… đều tác động tới mỗi cá nhân chúng ta, và điều đó đã được thể hiện qua câu tục ngữ “Gần mực thì đen,gần đèn thì sáng”.

Vì sao ông cha ta lại mượn hình ảnh “mực” và “đèn” để thể hiện ý của mình? Như ta đã biết “mực” thì có màu đen khi ta không cẩn thận bị làm bẩn ra áo hay ra tay thì rất khó tẩy sạch nên thực tế ông cha ta mượn nó để so sánh với hành động xấu xa. Còn “đèn” là vật phát ra ánh sáng tượng trưng cho điều tốt đẹp, sáng sủa vậy nên ý nghĩa của toàn bộ câu tục ngữ là nếu ta tiếp xúc hay giao du với người xấu thì ta sẽ bị nhiễm thói hư tật xấu, nếu ta chơi với những người tốt ta sẽ học hỏi và học được nhiều điều hay từ họ.

Gần mực thì đen gần đèn thì sáng

Chúng ta biết rằng môi trường học tập của các em học sinh hay như môi trường sống của chúng ta là đặc biệt quan trọng đối với việc hình thành nhân cách của mỗi người. Đặc biệt là các em học sinh người ta nói tâm hồn học sinh lứa tuổi thiếu niên như tờ giấy trắng quả không sai tuổi trẻ có môi trường, hoàn cảnh để rèn luyện, thử thách nhiều vì vậy cũng chưa có chưa có bản lĩnh vững vàng để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống khi được tiếp xúc với cái xấu, cái hay cái đúng nhiều khi chưa phân biệt được đúng sai, chính xác.

Một đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình có điều kiện giáo dục tốt, một môi trường trong sáng lành mạnh sẽ khác hẳn với một đứa trẻ sống trong môi trường có nhiều cái xấu. Hay như trong môi trường học tập, ngay cả khi một đứa trẻ được sống trong một trường có văn hóa được giáo dục tốt thì học trong một môi trường có nhiều bạn có thói quen xấu hay không được giáo dục tốt thì cũng sẽ bị ảnh hường ít nhiều đến việc hình thành tính cách của em đó. Và ngược lại môi trường giáo dục sư phạm mẫu mực của nhà trường cũng có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với những đứa trẻ chưa ngoan đưa chúng trở lại với chuẩn mực đạo đức con người, cũng có biết bao đứa trẻ hư được gia đình chiều chuộng nhưng khi đưa đến trường với sự rèn rũa của cô giáo và quy luật của nhà trường mà các em dần biết lỗi sai của mình và kịp thời sửa lỗi để từ đó các em có thể trở thành một đứa trẻ ngoan.

Khi ta phần nào hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ thì chúng ta cần thấy rõ ảnh hưởng và sức tác động to lớn quan trọng của môi trường bạn bè đối với cuộc sống học tập sinh hoạt của thiếu niên, học sinh. Mỗi người cần chọn cho mình một người bạn tốt để chơi, để có thể học tập được ở bạn nhiều cái hay cái tốt.

Nhưng chỉ học tập cái tốt mà tránh xa cái xấu ra thì chưa đủ, ta còn phải lên án cái xấu không thỏa hiệp với nó để cái xấu ngày càng có cơ hội phát triển, đồng thời ta cũng phải biểu dương cái đẹp để cho cái đẹp tiếp tục được phát huy, nhân rộng hơn trong xã hội.

Ngày nay trong xã hội mà ta đang sống vẫn còn không ít những người nhắm mắt chạy theo đồng tiền để thỏa mãn lòng tham của mình mà đánh mất đi đạo đức và nhân cách của mình thậm chí là mất cả sự nghiệp. Vì vậy trong quan hệ ta phải sáng suốt để không phải ân hận về sau.

Qua câu tục ngữ “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng” khuyên nhủ chúng ta phải biết lựa chọn cho mình những cái đúng, cái hay cái đẹp để chơi cũng như chọn bạn mà chơi. Tuy nhiên không phải là xa lánh người mắc khuyết điểm mà là ta nên chỉ ra cái điểm sai của bạn để từ đó bạn có thể đẩy xa cái xấu và tiến lại gần hơn đèn, làm như vậy không những giúp được bạn mà ta còn tự mình tỏa sáng. Hãy tránh xa những cám dỗ của bóng tối, chọn bạn tốt để chơi để cùng học tập và phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi. Gần đèn để được soi sáng là điều cần thiết nhưng ngọn đèn sáng nhất vẫn là ngọn đèn tỏa chiếu từ chính tâm hồn mình.

Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì rạng mẫu 4

Từ xưa, ông cha ta đã luôn đúc kết những lời khuyên răn từ những điều giản đơn trong cuộc sống, đó là kho tàng ca dao tục ngữ với ngụ ý khuyên dạy con cháu nên người trong đó có câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Đây là một câu dạy bảo của ông cha với hàm ý cho chúng ta biết tầm quan trọng của môi trường sống cũng như những người xung quanh đến nhân cách cũng như đạo đức của một con người.

Tục ngữ là một kho tàng vốn sống, kinh nghiệm sống vô cùng quý báu của thế hệ trước dành cho những lớp thế hệ sau. Từ những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống thường ngày, ông cha đã đúc kết ra những bài học sâu xa qua từng câu chữ. Với câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng", cha ông đã mượn những vật dụng vô cùng thân thuộc với mỗi người để dạy ta một đạo lý, một bài học. "Mực" vốn là loại mực Tàu dùng để viết của những ông đồ ngày xưa, có màu đen tuyền, dùng để mài cùng nước lấy mực viết. "Đèn" là một vật dụng dùng để thắp sáng cho con người, soi tỏ mọi vật. "Gần mực thì đen" tức là nếu khi tiếp xúc, sử dụng mực mà không khéo, ta có thể bị vấy bẩn bởi mực, dễ bị lem nhem, xấu xí. "Gần đèn thì rạng" tức là nếu gần nơi có ánh sáng thì ta sẽ được soi tỏ bởi lớp ánh sáng ấy, dễ tỏa ra hào quang rực rỡ hơn người khác.

Mượn những hình ảnh dễ thấy, dễ hiểu, người xưa muốn khuyên răn con cháu một bài học về tầm quan trọng của môi trường sống khi nó ảnh hưởng tới nhân cách của một con người. Con người ta khi sống trong một môi trường lành mạnh, được giáo dục và dạy bảo những điều hay điều tốt thì nhất định cũng sẽ trở thành một người có nhân cách, có đạo đức tốt.Giống như đèn hay cách so sánh "Gần đèn thì rạng", nếu ta được sống trong một môi trường với những người có đạo đức tốt, giỏi giang, biết cách cư xử, lễ phép thì đó chính là ngọn "đèn" soi tỏ, giúp người đó hình thành nhân cách cũng như phẩm chất đạo đức tốt. "Đèn" là tượng trưng cho những điều tốt đẹp, điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Còn "Mực" tức là những điều xấu, điều không tốt, không lành mạnh, "gần mực" tức là gần những cái xấu, dễ bị ảnh hưởng, bị vấy bẩn nếu "gần mực" mà không khéo léo, chắc chắn sẽ bị dính bẩn.

Qua những hình ảnh trên, hẳn mỗi người trong chúng ta cũng nhận ra lời khuyên mà ông cha ta muốn dành cho chúng ta qua câu tục ngữ trên. Rằng mỗi người phải biết tu dưỡng đạo đức, phải biết chọn những người bạn hiền để cùng tu tập đạo đức, nhân cách cũng như trí tuệ. Ngoài ra, ta cũng nên tạo ra những môi trường lành mạnh để mọi người có thể cùng nhau phát triển, soi sáng lẫn nhau, mỗi người đều là ngọn "đèn" để người khác được soi tỏ. Đừng sa đà vào những điều xấu xa sẽ bị "lấm bẩn" trở thành một vệt mực xấu xí, bao người xa lánh. Mỗi chúng ta cũng cần tôi rèn ý chí kiên cường trước mọi hoàn cảnh khó khăn, để dù trong hoàn cảnh khó khăn, ta vẫn biết vươn lên, biết tránh những điều xấu, bảo vệ được nhân cách đạo đức của mình.

Không phải ngày nay, mà từ xưa, câu nói của cha ông đã được bao đời kiểm nghiệm và thực hiện, Chúng ta biết đến một Trang Tử đạo cao, đức trọng, hiểu biết thâm sâu, nhưng lại không hề biết sau ông có một người mẹ hiền đã nuôi dạy ông nên người. Xưa kia, nhà Trang Tử vốn ở gần trường học, nhưng trường học đó lại có những đứa trẻ hay gây gổ, bắt nạt bạn bè, không chịu khó học hành. Lo sợ Trang Tử sẽ bị ảnh hưởng bởi những điều xấu xa, những vết "mực" từ bạn bè, bà đã chuyển nhà tới gần một trường học khác. Nhưng trường học này cũng không có những người bạn hiền, giỏi giang để Trang Tử có thể học hỏi, chính vì thế bà lại chuyển nhà. Đến lần thứ ba, bà đã tìm được một ngôi trường ưng ý để Trang Tử có thể học hành, tu dưỡng tại đó, và sau này là người được lưu danh muôn thuở, là kẻ học sâu hiểu rộng. Vậy ta mới thấy môi trường và bạn bè ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách cũng như đạo đức của một đứa trẻ đến mức nào!

Cũng như một Nguyễn Bỉnh Khiêm tài giỏi một đời không chịu đựng nổi chốn quan trường quỷ kế đã một mình cáo quan về ở ẩn tại rừng trúc

"Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người tới chốn lao xao"

Ông lo sợ chốn quan trường ấy sẽ biến mình trở thành một kẻ đầy mưu mô, tham lam. Vậy nên môi trường không chỉ hình thành nhân cách mà còn ảnh hưởng vô cùng tới nhân cách một người. Phải luôn biết chọn cho mình con đường trong sáng, lành mạnh để giữ được nhân cách làm người.

Không chỉ với người xưa, mà lời khuyên cha ông ta "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" còn nguyên giá trị tới tận ngày nay. Trong một gia đình, nếu cha mẹ hòa thuận, yêu thương nhau, luôn giáo dục con cái phải biết lễ phép, học hỏi những điều tốt thì chắc chắn những đứa trẻ đó lớn lên sẽ là những người có phẩm cách tốt. Bởi vì cha mẹ chính là tấm gương, là ngọn "đèn" soi tỏ con đường con cái mình đi. Chính môi trường mà cha mẹ tạo dựng cũng như tính cách, sự giao tiếp, đối xử lẫn nhau của cha mẹ là kim chỉ cho mỗi đứa con của mình. Gia đình là một phần nhỏ của xã hội, gia đình tốt thì xã hội tốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng là những người bạn tốt, những người thầy tốt mà ta đáng học hỏi, vậy nên phải biết chọn lấy người để chơi, để học tập cùng. "Học thầy không tày học bạn", hãy biết chọn những người có tư cách đạo đức tốt, ngay thẳng để cùng nhau học hỏi. Chỉnh bản thân ta cũng phải biết tu dưỡng học hỏi tốt để có thể trở thành một ngọn "đèn" soi tỏ cho người khác.

Trong xã hội, vẫn còn đâu đó những thành phần cá biệt, là "mực", là những điều xấu. Vậy nên mỗi con người cần chú ý tu tập, rèn luyện để có thể hướng những người khác trở thành một con người tốt, một ngọn "đèn" rạng chứ không phải một viên "mực" đen.

Từ câu tục ngữ trên, ta đã rút ra được bài học cho chính mình, phải biết học hỏi bạn bè, cũng như biết cách chọn lấy những người bạn tốt, những môi trường tốt để rèn luyện, tránh xa những cái xấu, cái không lành mạnh và phải luôn rèn luyện cho xứng đáng với lời dạy của cha ông ta.

Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì rạng mẫu 5

Từ lâu nhân dân ta đã rút ra kết luận đúng đắn là môi trường xã hội mà mình đang sống, đặc biệt là mối quan hệ bạn bè có một tác dụng quan trọng đối với nhân cách đạo đức của mỗi người. Kết luận ấy được đúc kết lại thành câu tục ngữ:

“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”

Câu tục ngữ có giúp ích gì cho chúng ta trong cuộc sống hôm nay?

Để nêu lên một bài học, một kinh nghiệm trong cuộc sống, ông cha ta thường mượn hình ảnh sự vật có liên quan đến con người để thể hiện ý của mình. Mực có màu đen, nếu ta tiếp xúc, sử dụng không khéo léo sẽ dễ dàng bị vấy bẩn. Mực tượng trưng cho những cái xấu xa, những điều không tốt đẹp. Còn đèn là vật phát ra ánh sáng soi tỏ mọi vật xung quanh. Đến gần đèn, ta được soi sáng. Đèn tượng trưng cho những cái tốt đẹp, sáng sủa. Từ hai hình ảnh tương phản nhau “mực” và “đèn”, câu tục ngữ nhằm nhắc nhở chúng ta : Nếu giao du với những người xấu ta se tiêm nhiễm thói hư tật xấu; ngược lại nếu ta quan hệ với người tốt ta sẽ được ảnh hưởng tốt, sẽ học tập được những đức tính của bạn.

Câu tục ngữ là bài học kinh nghiệm của người xưa được đúc kết từ cuộc sống. Nó thể hiện rất rõ mối quan hệ giữa môi trường xã hội vơi việc hình thành nhân cách con người.

Giải thích câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng"Ở gia đình, cha mẹ anh chị là tấm gương để cho đứa trẻ bắt chước. Nếu gia đình hòa thuận, cha mẹ là tấm gương sáng về học tập, về đạo đức thì gia đình đó sẽ có những đứa con ngoan. Trong khu xóm cũng vậy, nếu cả tập thể đều biết chấp hành tốt những quy định chung về nếp sống văn minh đô thị , biết giáo dục con cái tốt thì con em trong khu phố đó sẽ có một cuộc sống nền nếp đạo đức tốt. Gần gũi với chúng ta nhất là việc giao du với bạn bè trong trường trong lớp, nếu ta quan hệ được với nhiều bạn tốt, chăm ngoan học giỏi, nói năng lễ độ biết kính trên nhường dưới… thì chúng ta sẽ học tập được những đức tính tốt ấy và trở nên người tốt.

Ngược lại, trong gia đình, nếu cha mẹ chỉ biết lo làm ăn không quan tâm đến con cái, vợ chồng luôn luôn bất hòa thì chắc chắn những đứa trẻ lớn lên trong môi trường đó sẽ nhanh chóng trở thành đứa con hư. Ngoài xã hội, khi tiếp xúc gần gũi với môi trường không tốt đẹp, con người dễ dàng tập nhiễm những thói hư tật xấu và dần dần đánh mất bản chất lương thiện của mình. Cụ thể ở môi trường học tập, quanh ta có biết bao nhiêu bạn xấu thường xuyên trốn học, quậy phá, học yếu làm phiền lòng thầy cô. Nếu ta cứ lân la gắn bó với những bạn ấu ấy thì sớm muộn gì ta cũng bị ảnh hưởng lây. Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, nhân dân ta có nhiều câu ca dao mang nội dung giáo dục về vấn đề này:

“Thói thường gần mực thì đen
Anh em bạn hữu phải nên chọn người”

Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng bị lôi kéo bởi môi trường xấu xa. Vẫn có những cánh sen vươn lên từ bùn lầy nước đọng, dù xung quanh hôi hám sen vẫn nở đẹp và tỏa ngát hương thơm. Thực tế vẫn có những người sống trong môi trường không tốt đẹp, không thuận lợi mà vẫn giữ mình không sa ngã. Môi trường càng xấu xa thì phẩm chất của con người càng tuyệt vời đáng khâm phục. Anh Nguyễn Văn Trỗi, người thợ điện ở thành phố Sài Gòn hoa lệ, vẫn không chút mảy may xao động bởi cuộc sống hào nhoáng, những thủ đọan lọc lừa xảo trá. Anh chọn cho mình con đường Cách mạng, chấp nhận chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng mà mình theo đuổi… Tấm gương của anh và biết bao gương sáng khác đã trở thành bài học cho bao thế hệ cháu con học tập.

Ngày nay, trong xu thế cả nước tiến lên con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa, vẫn có những con người không giữ vững bản chất tốt đẹp của mình. Giữa cuộc sống tốt đẹp, giữa môi trường thân thiện, họ vẫn biến chất, tha hóa, sống ăn chơi sa đọa trên những đồng tiền bất chính, những đồng tiền mồ hôi xương máu của nhân dân đóng góp… Những con người đó chính là những “con sâu làm rầu nồi canh”, là thứ ung nhọt của xã hội mà chúng ta có nhiệm vụ phải loại trừ.

Có thể nói, câu tục ngữ trên là một lời khuyên bảo sâu sắc, giúp em bài học bổ ích, một cách nhìn đúng đắn về mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách của bản thân. Câu tục ngữ giúp em có tinh thần cảnh giác trong việc giao du tiếp xúc với bạn bè, đồng thời xác định cho mình một thế đứng vững vàng trước những tác động tiêu cực của môi trường xung quanh để luôn luôn “gần mực” mà vẫn không “đen” và “gần đèn” để luôn tỏa sáng.

...................................

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn dàn ý và 4 bài văn mẫu lớp 7: Giải thích câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng, hy vọng tài liệu sẽ giúp các em học sinh hiểu hơn về ý nghĩa của câu tục ngữ này, đồng thời giúp các em có thêm nhiều ý tưởng cho các bài viết sắp tới của mình.

Ngoài tài liệu trên, các bạn có thể tham khảo soạn bài Ngữ văn 7 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 7.

Tài liệu liên quan:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
73
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm