Thuyết minh về Quảng trường Ba Đình
Thuyết minh về Quảng trường Ba Đình - Ngữ văn 9
Thuyết minh về Quảng trường Ba Đình được VnDoc sưu tầm và đăng tải. Các bài thuyết minh về Quảng trường Ba Đình này không chỉ là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các bạn học sinh mà còn là tài liệu hữu ích dành cho quý phụ huynh cũng như giáo viên sử dụng để kèm các bạn học thêm. Mời các bạn cùng quý thầy cô và quý giáo viên tham khảo.
Nội dung
Thuyết minh về Quảng trường Ba Đình - Bài tham khảo 1
“Dù có đi bốn phương trời
Lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu
Một thời đạn bom, một thời hòa bình….”
Hà Nội là thủ đô của Việt Nam, cũng là quê hương yêu dấu của tôi. Người ta biết tới Hà Nội với những địa danh lịch sử, những danh lam thắng cảnh xinh đẹp như 36 phố phường, hồ Gươm, tháp Bút, chùa Một Cột. Và rất nhiều người tìm về đây để hướng về trái tim của thủ đô – quảng trường Ba Đình lịch sử.
Là người Việt Nam, ai cũng biết đến những mốc lịch sử trọng đại gắn với quảng trường rộng lớn này. Nhưng khi tìm hiểu kĩ hơn về lịch sử lâu đời của nó, thì nơi này vốn là khu vực cửa Tây của thành Hà Nội cổ. Đầu thời Pháp thuộc, chúng phá thành, làm một vườn hoa nhỏ. Quảng trường khi đó gọi là vườn hoa Pugininer. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, để gợi nhớ dải đất Ba Đình ở tỉnh Thanh Hóa – nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp kéo dài từ tháng 9 năm 1886 đến tháng 1 năm 1887, vườn hoa được đổi tên thành Quảng trường Ba Đình. Quảng trường Tròn được gọi là Vườn hoa Ba Đình hay gọi là Quảng trường Ba Đình. Từ ngày đó cho đến hôm nay, quảng trường đã chứng kiến những sự kiện trọng đại của Thủ đô Hà Nội và của cả nước, ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng của lịch sử dân tộc.
Trải qua nhiều tháng năm thăng trầm, đi qua những khó khăn, tàn khốc của chiến tranh, quảng trường Ba Đình đến hôm nay đã có ít nhiều thay đổi. Hiện nay, Quảng trường Ba Đình có khuôn viên với chiều dài 320m, rộng 100m, với 240 ô cỏ xanh tươi, mỗi chiều rộng 10,8m, giữa các ô cỏ đều có đường đi lại, rộng 1,4m và được lát bằng những tấm bê tông sỏi nổi. Dưới các thảm cỏ xanh của Quảng trường có các tầng lọc nước, mạng ống và mương ngầm, đi đôi với hệ thống thoát nước, có hệ thống cấp nước. Hệ thống cấp nước phục vụ cho các nhu cầu cần thiết của hệ thống kỹ thuật. Ở trung tâm quảng trường là cột cờ cao 25m, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, đánh dấu chủ quyền của Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đây là nơi diễn ra các cuộc diễu hành nhân dịp các ngày lễ lớn của Việt Nam, và cũng là một địa điểm tham quan, vui chơi, dạo mát của du khách và người dân Hà Nội.
Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất nước ta, tọa lạc trên đường Hùng Vương, quận Ba Đình và là nơi Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng. Quảng trường nằm trong Cụm Di tích lịch sử - văn hoá Ba Đình: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, cũng chính là địa danh trung tâm của toàn thủ đô.
Không phải tự nhiên mà người ta gọi quảng trường này là quảng trường Ba Đình lịch sử. Nơi đây là lưu giữ những giá trị lịch sử của thời đại, của quá khứ hào hùng. Cách đây 72 mùa Thu, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, giữa rừng cờ đỏ sao vàng tung bay và hàng triệu đồng bào ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Quảng trường Ba Đình trở thành nơi khai sinh ra nước Việt Nam mới. Nó chứng kiến những cuộc mít tinh quan trọng trong lịch sử như: cuộc mít tinh mừng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa trở về Thủ đô ngày 1/1/1955; cuộc mít tinh ngày 2/9/1975 mừng thống nhất đất nước và tất cả các buổi mít tinh, diễu binh, diễu hành chào mừng các ngày lễ lớn của Việt Nam ngày nay. Ngày 2/9/1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, tại Quảng trường Ba Đình, Lễ Truy điệu Người vào ngày 9/9/1969 được cử hành long trọng, quảng trường Ba Đình đã cùng cả đất nước khóc thương, tiễn đưa vị lãnh tụ vĩ đại, người cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc ta.
Quảng trường Ba Đình là chứng nhân đi cùng năm tháng, âm thầm lặng lẽ khắc ghi, lưu giữ những dấu vết của thời gian, của lịch sử. Nơi đây là trái tim của thủ đô, đồng thời cũng là niềm tự hào lớn nhất của người dân thủ đô nói riêng, toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung.
Thuyết minh về Quảng trường Ba Đình - Bài tham khảo 2
Nguyên nơi này vốn là khu vực cửa tây của thành Hà Nội cổ. Đầu thời pháp thuộc, chúng phá thành làm một vườn hoa nhỏ. Nơi đây gọi là vườn hoa Pugininer.
Năm 1945 vườn hoa này được đổi tên là vườn hoa Ba Đình (chữ Ba Đình là để gợi nhớ dải đất Ba Đình ở tỉnh Thanh Hóa nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp kéo dài từ tháng 9/1886). Nửa triệu đồng bào Hà Nội và phụ cận đã cuồn cuộn đổ về Quảng trường này để dự lễ độc lập. Lễ đài dựng giữa quảng trường, bốn mặt hình ngôi ngôi sao vàng năm cánh. Trên thành lễ đài phủ vải vàng.
Đúng 14 giờ, các vị trong chính phủ lâm thời đã có mặt trên lễ đài. Sau lễ chào cờ, bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập. Hàng triệu đồng bào hân hoan, xúc động im lặng đón nghe tiếng nói của lãnh tụ. Bác đọc xong, chính phủ lâm thời tuyên bố. Sau đó, bộ trưởng bộ nội vụ Võ Nguyên Giáp trình bày tình hình trong nước và chính sách của chính phủ. Bộ trưởng bộ tuyên truyền trần huy liệu báo cáo công việc tước ấn, kiếm tại Huế, trình với đồng bào quả ấn và cây kiếm tượng trưng cho uy quyền của triều Nguyễn mà Bảo Đại đã nộp cho cách mạng. Đại diện tổng bộ việt minh Nguyễn Lương Bằng nói về cuộc đấu tranh của nhân dân và kêu gọi đoàn kết, đẩy mạnh quá trình cách mạng. Sau cùng, mít tinh biến thành biểu tình tuần hành trên các đường phố.
Ngày 9/9/1969, bảy ngày sau khi chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cũng tại quảng trường này, lễ truy điệu người đã được cử hành trọng thể. Mười vạn đồng bào thủ đô và các địa phương cùng 34 đoàn đại biểu quốc tế đã tới đây dự lễ vĩnh biệt người.
Nay mặt chính của quảng trường – mặt tây – là lăng Bác. Trước lăng là Quảng trường với 320 mét chiều dài, 100 mét chiều rộng, đủ chỗ cho 20 vạn người dự mít tinh. Quảng trường gồm 168 ô cỏ, bốn mùa xanh tươi, ở giữa là cột cờ cao 30 mét. Lá quốc kì với năm cánh sao vàng như năm cánh hoa xòe ra trùm lên năm cửa ô Hà Nội. Quảng trường Ba Đình đã trở thành không gian thiêng liêng của thủ đô Hà Nội.
Audio Thuyết minh về Quảng trường Ba Đình
Video Thuyết minh về Quảng trường Ba Đình
......................................................
Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan:
Ngoài ra các bạn tham khảo thêm tài liệu lớp 9 đầy đủ các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh... mà chúng tôi sưu tầm, chọn lọc bám sát với chương trình học lớp 9 hơn. Hy vọng rằng tài liệu lớp 9 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới