Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận văn học đoạn trích Cảnh ngày xuân

Những bài văn mẫu hay lớp 9

Văn mẫu lớp 9: Nghị luận văn học đoạn trích Cảnh ngày xuân được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Nghị luận văn học đoạn trích Cảnh ngày xuân

Cảm hứng nhân đạo và vẻ đẹp ngôn từ của truyện thơ này đã chinh phục trái tim bao thế hệ bạn đọc trong gần hai trăm năm qua. Đọc đoạn trích "Cảnh ngày xuân", chúng ta càng cảm phục bút pháp miêu tả cảnh vật giàu chất tạo hình và man mác xúc cảm của tác giả.

Mở đầu đoạn trích, Nguyễn Du đã gợi tả khung cảnh mùa xuân tuyệt đẹp:

Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Qua việc miêu tả không gian, thời gian nghệ thuật, tác giả đã gợi lên một khung cảnh khoáng đạt và tràn trề sức sống. Cách nói dân gian “thời gian thấm thoắt thoi đưa” đã nhập hồn vào thơ ca Nguyễn Du để ông sáng tạo nên một câu thơ vừa miêu tả không gian, vừa gợi tả thời gian. Chim én được xem là loài chim biểu tượng của mùa xuân. Những cánh én chao liệng như “thoi đưa” ấy đã gợi lên một bầu trời bao la, thoáng đãng đầy sức xuân. Đến câu thơ tiếp theo, tâm trạng tiếc nuối ấy đã hiện lên thật rõ. “Thiều quang” nghĩa là ánh sáng đẹp, ánh sáng ấm áp của mùa xuân, cũng là ẩn dụ để chỉ ngày xuân. Cách tính thời gian như thế thật là ý vị và nên thơ: tiết trời trong sáng, đẹp đẽ của chín mươi ngày xuân nay “đã ngoài sáu mươi” rồi, tức là đã sang đầu tháng Ba rồi. Từ “đã ngoài” ở đây kết hợp vời từ “đưa thoi” ở trên đã gợi lên trong lòng người đọc một sự tiếc nuối rằng mùa xuân sao đi qua nhanh thế. Nguyễn Du nhớ mùa xuân ngay trong mùa xuân, tưởng đó là một nghịch lí, nhưng nó lại có thật. Hơn hai trăm năm sau, Xuân Diệu lại một lần nữa cảm thấy như thế: “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa / Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.” (Vội vàng). Làm sao không tiếc mùa xuân được cơ chứ khi vào lúc này, xuân đã hết dư vị của mùa đông nhưng vẫn chưa ngấp nghé vào hạ nên khung cảnh rất đẹp, rất xuân:

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Bức họa tuyệt đẹp về mùa xuân đã được vẽ nên bằng những nét phác họa, chấm phá tài tình của văn thơ cổ. Nguyễn Du đã sử dụng những từ ngữ gợi hình gợi cảm để vẽ nên bức tranh ấy: “non” (sự mới mẻ, đổi thay của đất trời), “xanh” (sự sống, đâm chồi nảy lộc), “trắng” (tinh khôi, trong sáng, dịu dàng),… Những từ ngữ ấy vừa đem khí xuân đến tràn đầy trong từng lời thơ, vừa giàu chất tạo hình tới nỗi ta có cảm tưởng như trong thơ có họa. Lấy cảm hứng từ hai câu thơ cổ của Trung Quốc: “Phương thảo liên thiên bích / Lê chi sổ điểm hoa”, tác giả chỉ thêm vào hai từ “xanh”, “trắng” mà đã khiến cho sắc trắng của hoa lê nổi bật lên trên cái nền “xanh tận chân trời”, gợi lên vẻ đẹp trong sáng, thanh khiết và khoáng đạt của mùa xuân. Lời thơ tưởng như chiếc cọ của người họa sĩ đang phối sắc cho từng đường nét của bức vẽ. Câu thơ tám chữ vốn có nhịp đôi, nhịp chẵn bỗng chuyển sang nhịp 3/5. Từ nhịp điệu bằng phẳng, quen thuộc, cách ngắt nhịp tài tình mang đầy dụng ý ấy của Nguyễn Du khiến câu thơ xôn xao với cái thần rất mới, rất lạ. Bức tranh ấy đã đẹp, nay lại được đại thi hào phả hồn vào đó bằng một chữ “điểm”. Có thể nói từ ấy chính là nhãn tự của cả đoạn trích, vừa làm câu thơ sống động hơn, vừa là nét vẽ hoàn chỉnh của bức tranh xuân. Chỉ cần một chút đảo ngữ ở “trắng điểm” và “điểm trắng” thôi đã đủ để nâng câu thơ lên một tầm cao mới. Tả mùa xuân đẹp và sống động như thế, hật không còn từ ngữ nào để nói lên sự tài tình trong bút pháp miêu tả gợi hình gợi cảm của Tố Như.

Nghị luận văn học đoạn trích Cảnh ngày xuân

Tiếp nối bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp ấy, Nguyễn Du đưa người đọc đến với một khung cảnh tươi đẹp không kém – cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh. Mở đầu cho bức tranh ấy là hai câu thơ giới thiệu khái quát về thời gian cũng như hoạt động của con người:

Thanh minh trong tiết tháng Ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

Tiết Thanh minh là dịp để mọi người đi viếng thăm, quét dọn, sửa sang và cúng bái, khấn nguyện trước phần mộ những người đã khuất. Từ lâu, đây đã là một phong tục cổ truyền của dân tộc ta. Và tất nhiên, sau lễ là hội, hội “đạp thanh”, tức là giẫm lên cỏ xanh mà đi chơi xuân. “Tảo mộ" là dịp để ta tìm lại những ký ức xa xưa, nối lại mối dây liên hệ giữa người đã khuất với người còn sống. Còn “đạp thanh” lại gợi lên cảnh các chàng trai, cô gái gặp gỡ, làm quen và rất có thể dẫn đến những sợi tơ hồng kết duyên mai sau. Bên cạnh điệp từ “là”, cặp tiểu đối “lễ là tảo mộ” – “hội là đạp thanh” được đặt cạnh nhau trong một câu thơ không chỉ nói lên sự nối tiếp liên tục của những tươi vui, nhộn nhịp, rộn ràng trong ngày lễ hội, mà còn muốn nói một điều gì hơn thế. Nguyễn Du đã gửi vào đó những suy ngẫm về khát khao, hy vọng của những người đi chơi xuân, hay cụ thể hơn – của Thúy Kiều về những điều tốt đẹp của cuộc đời phía trước. Và với suy nghĩ ấy, chị em Thúy Kiều hòa mình vào dòng người tấp nập đi trẩy hội:

Gần xa nô nức yến anh

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

Dập dìu tài tử giai nhân

Ngựa xe như nước, áo quần như nêm

Ở đây, một lần nữa ta lại được gặp nghệ thuật miêu tả ước lệ. Mùa xuân là lúc chim yến , chim oanh tụ họp lại ríu rít bay lượn trên không trung. Tác giả đã vận dụng hình ảnh ấy dưới cách nói ẩn dụ “nô nức yến anh” để gợi tả hình ảnh những đoàn người đi du xuân trong không khí rộn ràng, đông vui. Xuân không chỉ về trong thiên nhiên mà còn tràn ngập trong lòng người. Các tính từ “gần xa”, “nô nức” đã đặc tả cảnh người người khắp nơi cùng tụ hội lại trong tâm trạng náo nức, vui tươi của lễ hội. Đó cũng chính là tâm trạng của chị em Thúy Kiều khi: “Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân”. Sống trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che”, những cô thiếu nữ như họ ít có dịp được tham gia một cuộc vui nhộn nhịp như lần này, nên dù chưa đến hội, hai chị em đã như mở hội trong lòng. Động từ “sắm sửa” đã diễn tả được sự háo hức, trông mong ấy của họ. Rất tự nhiên, họ hòa vào dòng người nườm nượp những nam thanh nữ tú. Dưới cách nhìn phơi phới xuân xanh của chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du đã biến một cảnh lễ hội tưởng như năm nào cũng có thành một ấn tượng khó phai trong mắt người đọc. Nếu như ở hai câu thơ trước có “yến anh” thì ở hai câu sau cũng rất xứng với “tài tử giai nhân”, làm bật lên cảnh những chàng trai cô gái phong lưu, thanh lịch, áo quần tươi thắm trong buổi hội xuân đang “Gặp tuần đố lá, thỏa lòng tìm hoa”. Từ láy “dập dìu” gợi lên từng đoàn, từng đoàn người đi lại tấp nập, đông đúc nhưng vẫn rất uyển chuyển, nhịp nhàng như những đợt sóng. Nhịp điệu ấy làm chậm lại dòng chảy trong “ngựa xe như nước”, và cho dù “áo quần như nêm” nhưng lễ hội lại không chật cứng mà vẫn có một điều gì đó rất khoan thai trong từng chiếc xe, từng bước chân. Ấy là sự khoan thai, thơ mộng và trữ tình của tâm hồn tuổi trẻ đang say sưa trong không khí mùa xuân. Hai hình ảnh so sánh được đặt liên tiếp nhau trong câu thơ càng khiến cho khung cảnh ấy thêm sống động. Nguyễn Du đã vô cùng khéo léo trong việc biến đổi phép đối, khi thì dồn lại giữa “tài tử” và “giai nhân”, khi thì tách giãn “ngựa xe như nước” và “áo quần như nêm”, khi ẩn khi hiện một sức hút khó tả và rất riêng của cảnh ngày xuân. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng hàng loạt những từ có hai âm tiết thuộc nhiều từ loại khác nhau để miêu tả không khí lễ hội thật rộn rã: danh từ (yến anh, chị em, tài tử, giai nhân), động từ (sắm sửa, dập dìu), tính từ (gần xa, nô nức). Trong đó vừa có từ ghép, vừa có từ láy, tự sự hòa vào với miêu tả, làm sống lại trước mắt người đọc một ngày hội đậm chất trữ tình, khiến cho ta cũng như ngây ngất trong không khí tràn đầy sức xuân ấy. Và tất nhiên, tả lễ hội trong tiết Thanh minh thì không thể thiếu một phong tục rất quen thuộc:

Ngổn ngang gò đống kéo lên

Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay

Phong tục cổ truyền đã có từ nghìn xưa được Nguyễn Du đưa vào câu thơ thật sinh động. “Ngổn ngang gò đống” không chỉ gợi tả cảnh những ngôi mộ mà còn muốn nói đến những đống tro tàn vương vãi khắp nơi trên mặt đất. Đi tảo mộ, không thể không rắc thoi vàng vó, đốt tiền vàng mã, để tưởng nhớ những người đã khuất. Trong cảnh tượng khói bay nghi ngút ấy như âm ỉ cháy những lời thì thầm vọng về từ quá khứ, từ ông bà tổ tiên. Sự cách trở âm dương tưởng chừng như bị xóa nhòa, quá khứ được kéo gần hơn tới hiện tại trong không gian thiêng liêng đầy thành kính ấy. Không hề có sự nặng nề, âm u tưởng chừng như luôn chập chờn đâu đó khi ta nhắc đến mồ mả, mà thay vào đó là một nét đẹp rất thanh tao của văn hóa phương Đông về nghĩa tình với những người đã khuất. Có thể trong thời buổi hiện đại ngày nay, phong tục ấy được xem là sự mê tín cổ hủ, nhưng giá trị nhân văn trong những vần thơ của Tố Như vẫn làm ta xúc động về đời sống tâm linh của người xưa. Vẫn là bút pháp gợi hình gợi cảm, nhưng bằng hàng loạt từ ngữ miêu tả, Nguyễn Du đã tái hiện lại cảnh "hội" mùa xuân thật sống động, rộn ràng và tươi vui nhưng cũng không làm mờ đi chữ "lễ" qua những phong tục cổ truyền của dân tộc.

Buổi du xuân vui vẻ cũng dã tới chỗ phải nói lời tạm biệt. Vẫn là cảnh mùa xuân, vẫn là không khí của ngày hội lễ, nhưng bây giờ là giây phút cuối ngày:

"Tà tà bóng ngả về tây,

Chị em thơ thẩn dang tay ra về

Bước dần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong canh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nuóc uốn quanh

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang."

Nếu câu thơ mở đầu của "Cảnh ngày xuân" chan hòa ánh sáng "thiều quang" thì đến đây, hoàng hôn dường như bắt đầu nhuốm dần xuống phong cảnh và con người. Hội đã hết, ngày đã tàn nên nhịp thơ không còn cái rộn ràng, giục giã mà trái lại thật chậm rãi, khoan thai. Cảnh vật vì thế mang cái vẻ nên thơ, dịu êm, vắng lặng trong ánh nắng nhạt dần. Dòng khe có chiếc cầu nho nhỏ cuối ghềnh tạo thành đường nét thể hiện linh hồn của bức tranh một buổi chiều xuân. Nhịp chân có chút tâm tình man mác nên "thơ thẩn" và đến đây là "bước dần", chẳng có gì nao nức, vội vàng. Các từ láy "tà tà", "thanh thanh", "nho nhỏ", "nao nao" góp phần làm nên sự yên ắng và nỗi buồn của cảnh vật, của con người. Cảnh vật và thời gian được miêu tả bằng bút phá ước lệ cổ điển nhưng vẫn gợi cho người đọc cảm giác gần gũi, thân quen vì nó đã thấm hồn dân tộc, mang bóng dáng cảnh sắc quê hương Việt Nam.Rõ ràng, cảnh ở đây được nhìn qua tâm trạng nhân vật tham gia vào lễ hội. Hai chữ "nao nao" (Nao nao dòng nước uốn quanh) đã nhuốm màu tâm trạng lên cảnh vật. Dòng nước nao nao, trôi chậm lưu luyến bên chân cầu nho nhỏ, phải chăng cũng là nỗi lưu luyến, tiếc nuối của lòng người khi ngày vui chóng qua? Nguyễn Du đã từng viết: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?". Vì vậy, khi vào lễ hội, người vui thì cảnh sắc rộn ràng tươi mới. Lúc lễ hội tan rồi, người về sao tránh khỏi sự xao xuyến, cảnh sắc sao tránh khỏi màu ảm đạm! Dường như có một nỗi niềm man mác, bâng khuâng thấm sâu, lan tỏa trong tâm hồn vốn đa tình, đa cảm như Thúy Kiều. Và ở sáu dòng cuối này, Nguyễn Du không chỉ nhằm nói tâm trạng buồn tiếc khi lễ hội vừa tàn, mà hình như, ông chuẩn bị đưa nhân vật của mình vào một cuộc gặp gỡ khác, một thế giới khác. Như ta đã biết, ngay sau buổi Thanh minh, Nguyễn Du đã sắp đặt để Thúy Kiều gặp Đạm Tiên và Kim Trọng. Vì thế, cảnh vật trong hoàng hôn này cũng là một dự báo, một linh cảm cho đoạn trường mà đời kiều sắp phải bước qua.

Nguyễn Du đã cho ta thấy một ngày xuân nô nức, vui tươi. Nghệ thuật tả cảnh, tả tình của ông như thế thật khéo và cách chuyển ý cũng thật tinh tế, tự nhiên.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 9: Nghị luận văn học đoạn trích Cảnh ngày xuân. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 9 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 9.

Bài tiếp theo: Nghị luận văn học đoạn trích Chị em Thúy Kiều

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Văn 9 Sách mới

    Xem thêm