Thuyết minh về mì Quảng

Thuyết minh về món ăn mì Quảng

VnDoc.com gửi tới các bạn bài viết thuyết minh về món ăn mì Quảng - đặc sản của vùng đất Quảng Nam. Hi vọng bài viết sẽ giúp các bạn có thêm tư liệu tham khảo để viết bài văn thuyết minh. Mời bạn đọc cùng tham khảo.

BÀI MẪU

Mỗi vùng miền trên đất nước sẽ có những món ăn đặc trưng khác nhau mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa và con người của nơi đó. Nếu như xứ Huế mộng mơ có món bún bò Huế thơm nồng thì vùng đất Quảng Nam rất nổi tiếng với món ăn mì Quảng.

“Ai đi cách trở sơn khê

Nhớ tô mì Quảng, tình quê mặn nồng”.

Vào thế kỉ thứ XVI, Quảng Nam đã trở thành vùng đất ổn định và Hội An là cảng quốc tế buôn bán rất phồn thịnh. Người Tàu đến lập nghiệp, các thương nhân Nhật Bản, Hà Lan, Tây Ban Nha,... đến mở cửa hiệu hoặc lui tới làm ăn rất đông đúc, nhờ vậy mà việc phát triển dịch vụ ăn uống cũng có cơ hội mạnh mẽ. Món mì Quảng cũng hình thành từ thời đó. Món mì vốn của người Tàu rất gần với khẩu vị của người dân nước ta, người dân xứ Quảng đã dung nạp và biến tấu để nó phù hợp với hồn cốt người Việt, trở thành món ăn đặc sản của vùng đất Quảng Nam. Tuy gọi là sợi mì nhưng nguyên liệu để làm ra không phải là bột mì mà là bột của hạt gạo xay ra – hạt ngọc trời của người dân Việt Nam. Cũng vì điểm đặc trưng đó, sợi mì nơi đây được người dân Quảng Nam yêu quý và trân trọng như một điều quý giá, như sợi ngọc của chính quê hương họ.

Mì Quảng rất dễ nấu và hầu như người dân nào ở Quảng Nam - Đà Nẵng cũng biết nấu món ăn được làm chủ yếu từ bột gạo xay mịn tạo thành sợi này. Gạo làm mì Quảng phải chọn loại gạo ngon, không dẻo, có hàm lượng bột cao và đảm bảo độ kết dính. Vo sạch, ngâm gạo trong nước khoảng 4 giờ rồi xay thành bột mịn. Những lá mì được tráng mỏng, xếp chồng lên nhau và thái theo chiều ngang để có những sợi mì khoảng 1-2cm. Món mì Quảng không có nước lèo (nước dùng) mà chỉ có nước nhưng (hoặc nhưn). Về hình thức thì đây là một loại nước dùng được cô đặc nên trông tô mì Quảng thường rất khô. Bởi vậy, người ta thường thấy trong các quán mì ở thôn quê, thực khách có thể vừa ăn mì vừa nhâm nhi cút rượu trắng, nghĩa là khi cần thì mì Quảng có thể trở thành "món nhậu bình dân". Ngoài nước dùng, tô mì có thêm trứng, thịt gà hoặc thịt lợn... Đây là món ăn bình dân, không cầu kỳ cũng không khắt khe về cách chế biến, có sức sống bền bỉ với hơn 500 năm tuổi. Muốn thưởng thức chuẩn vị mì Quảng truyền thống và cảm nhận trọn vẹn hương thơm nồng nàn đặc trưng, thực khách phải ghém cùng 9 loại rau Trà Quế có mùi vị đặc biệt gồm: rau cải con (cải non mới nụ, cải vừa nhú mầm), rau húng lủi, rau quế xanh (không phải loại húng quế cọng đỏ dùng khi ăn phở), xà lách tươi, giá đỗ, rau mùi ta (ngò rí), rau răm, hành hoa thái nhỏ và thêm hoa chuối xắt mỏng. Món mì Quảng không thể nào thiếu bánh tráng, ớt xanh, chanh, nước mắm ớt làm từ cá cơm (nêm cho vừa khẩu vị từng người) và lạc rang giã nhỏ.

Sự độc đáo trong món ăn này là sự đa dạng trong cách chế biến, là mùa nào thức ấy. Bất kỳ sản vật nào như: tôm, thịt heo, gà, cá lóc, ếch… cũng có thể chế biến làm thành mì, chứa đựng đầy đủ các đặc trưng của ẩm thực xứ Quảng, có sự đa dạng trong nguyên liệu và đặc trưng linh hoạt, sáng tạo trong phương thức chế biến, là món ăn xuất phát từ đời sống nông thôn nên có sự chân chất, hương vị đậm đà như tính cách của người xứ Quảng. Tô mì Quảng là cả một tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc, vàng, trắng, nâu của sợi mì, xanh của rau, ớt, hồng, đỏ của tôm, cua, thịt…

Ăn mì còn cần một không gian vừa đủ để thân thiện, để hòa đồng với người khác, thường là bên chiếc bàn tre hay gỗ, ghế thấp, rổ rau bắt mắt vừa nhìn thấy đã thèm, nồi nước nhưn thơm lừng, đầu óc như mê man khi sắp sửa hòa vào độ nóng, độ cay tô mì.

Mì Quảng hôm nay không còn thuần túy là món ăn nữa; mà trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của một vùng đất, là cái “hồn” nghệ thuật ẩm thực của vùng đất Quảng Nam. Như mọi thứ khác, muốn tồn tại và phát triển, một món ăn cũng phải có sức sống của nó. Mì Quảng, tuy đơn sơ và quê mùa là thế, vẫn có sức sống mạnh, từ lâu đã vượt khỏi biên giới tỉnh nhà. Khi người dân Quảng Nam rời xứ đi tìm được quê hương mới thì món mì của họ cũng có quê hương mới. Trên đường lưu lạc, mì Quảng có thay đổi chút ít về hình thức và nội dung so với quê cũ, nhưng khi kẻ xa xứ còn nói: “Tôi là người Quảng Nam” thì món mì cũng thế, nó vẫn có tên là mì Quảng.

----------------------------------------------

Trên đây VnDoc.com đã gửi tới các bạn bài viết văn mẫu thuyết minh về món ăn mì Quảng - đặc sản của vùng đất Quảng Nam. Hi vọng bài viết sẽ giúp các bạn có thêm tư liệu tham khảo, học tốt hơn môn Ngữ văn 9. Các bạn có thể tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 9.

Đánh giá bài viết
1 188
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 9

    Xem thêm