Các biện pháp tu từ

Các biện pháp tu từ được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 9. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

I. Biện pháp tu từ

Biện pháp tu từ là những cách phối hợp các phương tiện ngôn ngữ để tạo hiệu quả cho hoạt động của từ; làm cho lời hay, ý đẹp, có sức biểu cảm, nâng cao hiệu quả diễn đạt và giá trị thẩm mĩ của ngôn từ.

Ví dụ: Để diễn đạt ý: “mặt trời đang lên trên đỉnh núi”, nhà thơ Trần Đăng Khoa sử dụng cách nói tu từ: bác mặt trời đạp xe lên đỉnh núi.

II. Các biện pháp tu từ

1. So sánh

So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Cấu tạo: mô hình cấu tạo đầy đủ của một phép so sánh gồm:

Vế A: nêu tên sự vật, sự việc được so sánh.

Vế B: nêu tên sự vật, sự việc được dùng để so sánh với sự vật, sự việc nói ở vế A.

Từ ngữ chỉ phương diện so sánh.

Từ ngữ chỉ ý so sánh (gọi tắt là từ so sánh).

Trong thực tế, mô hình cấu tạo nói trên có thể thay đổi ít nhiều:

Các từ ngữ chỉ phương diện so sánh và chỉ ý so sánh có thể được lược bớt.

Vế B có thể được đảo lên trước vế A cùng với từ so sánh.

Ví dụ:

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

(Thanh Hải, Mùa xuân nho nhỏ)

- Tác dụng của phép so sánh: làm cho cách diễn đạt sinh động, có giá trị biểu cảm, gợi tả cụ thể, chi tiết đặc điểm của sự vật, sự việc…

- Các kiểu so sánh:

+ So sánh ngang bằng:

Ví dụ: Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.

+ So sánh không ngang bằng:

Ví dụ:

Những ngôi sao thức ngoài kia

Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con.

Vai trò: Tăng sức gợi hình, gợi cảm trong ca dao, trong thơ, trong miêu tả, trong nghị luận.

2. Nhân hóa

Nhân hóa là gọi hoặc tả cây cối, con vật, đồ vật… bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật… trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người. Ví dụ:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa.

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

(Huy Cận, Đoàn thuyền đánh cá)

Tác dụng của phép nhân hóa: làm cho cách diễn đạt sinh động, có giá trị biểu cảm. Cảnh vật, sự vật vô tri vô giác được nhân hoá trở nên gần gũi, thân thiết, có tâm hồn…

- Các kiểu nhân hóa: dùng những từ chỉ hoạt động, suy nghĩ, tình cảm của con người để chỉ hoạt động của sự vật; dùng những từ vốn gọi người để gọi vật; trò chuyện, xưng hô với vật như với người.

3. Ẩn dụ

Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. Ví dụ:

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng

(Nguyễn Khoa Điềm, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ)

- Tác dụng của phép ẩn dụ: làm cho cách diễn đạt sinh động, có giá trị biểu cảm cao, tăng tính hình tượng cho lời văn; gợi những liên tưởng thú vị, sâu sắc.

- Có bốn kiểu ẩn dụ thường gặp:

+ Ẩn dụ hình thức - tương đồng về hình thức

“Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”

[Truyện Kiều – Nguyễn Du]

=> hoa lựu màu đỏ như lửa

+ Ẩn dụ cách thức – tương đồng về cách thức

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

[ca dao]

=> ăn quả - hưởng thụ, “trồng cây” – lao động

“Về thăm quê Bác làng Sen,

Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng”

[Nguyễn Đức Mậu]

=> thắp: nở hoa, chỉ sự phát triển, tạo thành

+ Ẩn dụ phẩm chất - tương đồng về phẩm chất

“Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”

[ca dao]

=> thuyền – người con trai; bến – người con gái

+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác - chuyển từ cảm giác này sang cảm giác khác, cảm nhận bằng giác quan khác.

“Ngoài thềm rơi chiếc lá đa

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”

[Đêm Côn Sơn – Trần Đăng Khoa]

“Cha lại dắt con đi trên cát mịn

Ánh nắng chảy đầy vai”

[Những cánh buồm – Hoàng Trung Thông]

“Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng”

[Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải]

“Một tiếng chim kêu sáng cả rừng”

[Từ đêm Mười chín – Khương Hữu Dụng]

Cách sử dụng: Chọn nét tương đồng để tạo ẩn dụ tăng hiệu quả biểu đạt trong văn miêu tả, thuyết minh, nghị luận, sáng tác thơ ca…

4. Hoán dụ

Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. Ví dụ:

Vì sao? Trái đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên Người: Hồ Chí Minh

(Tố Hữu, Theo chân Bác)

- Tác dụng của phép hoán dụ: làm cho lời văn sinh động, có giá trị biểu cảm cao; nhấn mạnh, gây ấn tượng vào đặc điểm, dấu hiệu… của sự vật.

- Có bốn kiểu hoán dụ thường gặp:

+ Lấy một bộ phận để chỉ toàn thể:

“Đầu xanh có tội tình gì

Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi”

[Truyện Kiều - Nguyễn Du]

“Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

[Bài ca vỡ đất – Hoàng Trung Thông]

+ Lấy vật chứa đựng chỉ vật bị chứa đựng:

“Vì sao trái đất nặng ân tình,

Nhắc mãi tên người Hồ Chí Minh”

[Tố Hữu]

+ Lấy dấu hiệu của sự vật để chỉ sự vật:

“Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

[Việt Bắc - Tố Hữu]

+ Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng

“Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Lưu ý:

Ẩn dụ và hoán dụ cùng chung cấu trúc nói A chỉ B nhưng khác nhau:

- Ẩn dụ: A và B có quan hệ tương đồng [giống nhau]

- Hoán dụ: A và B có quan hệ gần gũi, hay đi liền với nhau.

5. Điệp ngữ

Khi nói hoặc viết, người ta có thể dùng biện pháp lặp lại một từ, một cụm từ (hoặc cả một câu) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh. Cách lặp như vậy gọi là điệp ngữ. Ví dụ:

Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ố trứng hồng tuổi thơ.

(Xuân Quỳnh, Tiếng gà trưa)

- Tác dụng của phép điệp ngữ: làm cho lời văn sinh động, giàu nhịp điệu, có giá trị biểu cảm cao; nhấn mạnh, gây ấn tượng cho ý cần diễn đạt.

- Các kiểu điệp ngữ:

+ Điệp ngữ cách quãng:

Vd: Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

(Hồ Chí Minh)

+ Điệp ngữ nối tiếp:

Vd: Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu

Cô gái ở Thạch Kim,Thạch Nhọn.

+ Điệp ngữ liên hoàn (còn được gọi là điệp ngữ vòng hay điệp ngữ chuyển tiếp)

Vd:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.

(Chinh phụ ngâm)

6. Chơi chữ

-Chơi chữ là lợi dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của từ ngữ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước… làm câu văn hấp dẫn, thú vị. Ví dụ:

Còn trời, còn nước, còn non

Còn cô bán rượu, anh còn say sưa.

(Ca dao)

- Tác dụng của phép chơi chữ: làm cho lời văn sinh động, giàu ý nghĩa, dí dỏm, sâu sắc. Choi chữ được dùng trong cuộc sống, trong văn thơ, trong câu đối, câu đố.

- Các lối chơi chữ:

+ Dùng từ ngữ đồng âm; dùng lối nói trại âm (gần âm); dùng cách điệp âm; dùng lối nói lái; dùng từ trái nghĩa, đồng nghĩa, gần nghĩa.

+ Chơi chữ được sử dụng trong cuộc sống thường ngày, trong văn thơ, đặc biệt là trong văn thơ trào phúng, trong câu đối, câu đố,… làm cho câu văn lời nói được hấp dẫn và thú vị.

7. Nói quá

- Nói quá là biện pháp tu từ phóng đại quy mô, mức độ, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.

Ví dụ: Một hai nghiêng nước nghiêng thành. (Nguyễn Du)

- Tác dụng của phép nói quá: làm cho lời văn sinh động, có giá trị biểu cảm cao; nhấn mạnh, gây ấn tượng cho ý cần diễn đạt.

- Cần phân biệt nói quá với nói khoác, nói dối.

---------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Các biện pháp tu từ. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 9, Soạn bài lớp 9, Văn mẫu lớp 9, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 9, Soạn văn 9 siêu ngắn.

Đánh giá bài viết
11 4.630
2 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Bé Heo
    Bé Heo

    🤙🤙🤙🤙🤙🤙🤙🤙

    Thích Phản hồi 27/05/22
    • Bi
      Bi

      tuyệt vời

      Thích Phản hồi 27/05/22

      Soạn Văn 9 - Văn 9

      Xem thêm