Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Qua bài thơ Câu cá mùa thu, em có cảm nhận như thế nào về tấm lòng của tác giả đối với thiên nhiên?

Chúng tôi xin giới thiệu bài Qua bài thơ Câu cá mùa thu, em có cảm nhận như thế nào về tấm lòng của tác giả đối với thiên nhiên? được VnDoc sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 9. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Qua bài thơ Câu cá mùa thu, em có cảm nhận như thế nào về tấm lòng của tác giả đối với thiên nhiên?

Nhắc đến mùa thu, thường gợi cho ta nghĩ đến vẻ đẹp dịu dàng, êm ả mà bàng bạc một nỗi sầu khắc khoải, mà man mác một nỗi niềm tha thiết. Bởi vậy, thu đi vào những trang thơ của người nghệ sĩ vừa đẹp cảnh lại vừa đẹp tình. Trong kho tàng văn thơ trung đại Việt Nam, đã nhắc đến mùa thu thì không thể không kể đến chùm thơ thu của “ông hoàng mùa thu” – Nguyễn Khuyến. Qua bức tranh “Thu điếu” (Câu cá mùa thu), cùng đến với cái tình của Nguyễn- một bầu tâm sự nói mấy cũng không vơi, nhìn vào đâu cũng thấy thơ, cũng có thể bắt vào thơ.

Chỉ bằng một vài đường nét, một vài sắc màu điểm tô, ta thấy được qua bức tranh “câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến chan chứa mênh mang những cái tình của thi nhân. Mà có lẽ trước hết, “tình” ở đây chính là cái tình gắn bó, cái tình quyện hòa, cái tình tha thiết với thiên nhiên non nước. Đọc “Thu điếu”, ta như được đắm mình vào một không gian thu rất riêng của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.

Mở đầu bài thơ tác giả miêu tả khung cảnh thiên nhiên gần gũi với làng quê:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

“Ao” là hình ảnh gần gũi, thân thuộc với người nông dân. Thời tiết chuyển sang mùa thu, ngay cả cái ao cũng mang hơi hướng, âm hưởng mùa thu với làn nước mát lạnh và trong veo. Trong khung cảnh mùa thu với ao nước trong xanh, làn nước mát lạnh ấy là hình ảnh chiếc thuyền câu của người thi sĩ nhỏ bé, lọt thỏm trong không gian rộng lớn trở nên “bé tẻo teo”. Khung cảnh thiên nhiên, bức tranh mùa thu trở nên đẹp đẽ và mang màu sắc riêng biệt không lẫn với bất cứ nơi nào.

Bức tranh mùa thu ở làng quê được miêu tả ở những cảnh vật thân thuộc khác:

“Sóng nước theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

Làn gió thổi lăn tăn sóng trên mặt nước “hơi gợn tí” làm cho bức tranh tuy động nhưng vẫn tĩnh. Tiếng sóng nước nhỏ bé ti li gợn gợn gợi cảm giác thanh bình. Hình ảnh chiếc lá vàng rụng khỏi cây và rơi xuống đất được miêu tả sinh động “khẽ đưa vèo” vừa gợi sự mỏng manh yếu đuối của chiếc lá bị gió cuốn bay vừa gợi âm thanh mùa thu - âm thanh của những chiếc lá rơi.

Cái tình mà tác giả gửi vào đây chỉ có ai yêu thiên nhiên mới có thể hiểu được. Một cái tình lãng mạn được thể hiện qua ánh mắt, qua ngòi bút, một cái tình sâu sắc chẳng bao giờ phai. Tình cảm lãng mạn nhưng cũng rất thực, mọi thứ qua ngòi bút của tác giả được vẽ một cách thật đẹp, nếu ai không yêu thiên nhiên, đọc bài thơ sẽ khó mà hiểu được sự sâu sắc đến cỡ nào.

Rồi mùa thu hiện lên với nào sóng biếc “gợn tí”, xa hơn một chút là hình ảnh lá vàng “khẽ đưa vèo” trong gió, cao hơn là khoảng không gian vời vợi của bầu trời “xanh ngắt”, men theo lối đi của chiếc ao nhỏ là ngõ trúc “quanh co” uốn lượn… và đến cuối cùng, tầm mắt của thi nhân lại quay về với chiếc thuyền câu bởi âm thanh của tiếng cá “đớp động” dưới chân bèo. Khung cảnh hiện lên đẹp tựa tiên cảnh, nhưng lại là vẻ đẹp vô cùng giản dị thân thuộc, gắn liền với đồng đất quê hương.

Xuân Diệu từng nhận xét: “…Thu điếu (Câu cá mùa thu) là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”. Mùa thu của thi nhân không chỉ gây ấn tượng ở màu sắc, không những đẹp trong từng nét họa mà còn vang động những thanh âm rất riêng. Ao thu hiện ra qua hai tính từ: “lạnh lẽo” và “trong veo” – ao lạnh, nước yên và trong đến tận đáy. Ở đây, cái trong đã song hành cùng cái tĩnh: càng trong lại càng tĩnh, càng tĩnh lại càng trong.

Phải là người có tâm hồn tinh tế nhạy cảm lại đang chìm đắm, say sưa trong cảnh vật mới có thể nắm bắt được nét vẽ rất động nhưng cũng rất nhẹ ấy của bức tranh thiên nhiên. Từ xa tới gần, bức tranh lại tiếp tục được mở rộng lên cao, ra xa:

"Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo"

Không biết tại khí thu vốn mang trong nó vị buồn hay lòng người sẵn mối suy tư mà vô hình chung, tất cả cảnh vật hiện lên trong bức tranh đều có một cái gì đó lạnh lẽo, lẻ loi, vắng vẻ. Tất cả đều đượm buồn. Chắc cũng vẫn là cái màu da trời xanh ngắt trong “Thu ẩm”, màu xanh rất đặc trưng của khí thu vùng nhiệt đới, khí thu vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng ở đây nó không trở nên “gắt” như trong câu hỏi “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt” mà hài hoà hơn cùng với tầng mây trôi lơ lửng. Không gian vắng, lạnh nhưng rất sáng. Một lần nữa, góc nhìn của nhân vật trữ tình lại có sự thay đổi khi nhìn ra xa, tới những ngõ trúc quanh co uốn lượn, vẫn không có sự xuất hiện của con người. Chỉ là “khách vắng teo” dường như để tạo nên sự tĩnh lặng đến tuyệt đối, chỉ có tác giả - người câu cá - đối mặt với cả một bầu không gian mùa thu buồn. Không biết bởi lòng người mang sẵn nhiều tâm sự nên mang điều ấy, mang cái nhìn ấy gieo vào cảnh vật hay cảnh vật dường như cũng đồng cảm với tâm sự của con người mà thay đổi theo mà giữa con người và cảnh vật có một sự hài hoà cao độ.

Cái ý vị của bài thơ "Thu điếu" là ở hai câu kết:

"Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo".

"Tựa gối ôm cần" là tư thế của người câu cá cũng là một tâm thế nhàn của nhà thơ đã thoát vòng danh lợi. Cái âm thanh"cá đâu đớp động", nhất là từ "đâu" gợi lên sự mơ hồ, xa vắng và chợt tỉnh. Người câu cá ở đây chính là nhà thơ, một ông quan to triều Nguyễn, yêu nước thương dân nhưng bất lực trước thời cuộc, không cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp đã cáo bệnh, từ quan. Đằng sau câu chữ hiện lên một nhà nho thanh bạch trốn đời đi ở ẩn. Đang ôm cần đi câu cá nhưng tâm hồn nhà thơ đang đắm chìm trong giấc mộng mùa thu, bỗng chợt tỉnh trở về thực tại khi"Cá đâu đớp động dưới chân bèo". Cho nên cảnh vật ao thu, trời thu êm đềm, vắng lặng như chính nỗi lòng của nhà thơ vậy - buồn cô đơn và trống vắng.

Âm thanh tiếng cá"đớp động dưới chân bèo" đã làm nổi bật khung cảnh tịch mịch của chiếc ao thu. Cảnh vật như luôn luôn quấn quýt với tình người. Thiên nhiên đối với Nguyễn Khuyến như một bầu bạn tri kỷ. Ông đã trang trải tình cảm, gửi gắm tâm hồn, tìm lời an ủi ở thiên nhiên, ở sắc "vàng" của lá thu, ở màu"xanh ngắt" của bầu trời thu, ở làn "sóng biếc" trên mặt ao thu "lạnh lẽo"...

Qua ngòi bút miêu tả tinh tế của Nguyễn Khuyến, bức tranh thiên nhiên mùa thu hiện lên thật buồn nhưng cũng thật đẹp. Buồn, đó là khí thu đặc trưng nhưng đó cũng là bởi người ngoạn cảnh cũng đang mang rất nhiều tâm trạng. Bài thơ cho ta cảm nhận về một tâm hồn thơ nhạy cảm yêu thiên nhiên đất nước. Sự gắn bó và tình yêu thương trìu mến đặc biệt với vùng đồng bằng chiêm trũng, với những ao chuôm nhỏ nhắn, với thuyền câu, lá vàng, ngõ trúc quanh co... đã giúp cho nhà thơ có được những cảm nhận tinh tế về thiên nhiên cũng như giành cho nó tình cảm ưu ái đặc biệt. Bài thơ còn là sự gửi gắm những tâm sự thầm kín của một người luôn nặng trĩu suy tư về quê hương, đất nước, về trách nhiệm của bản thân đối với quê hương đất nước mình. Là một trí thức yêu nước, ông không thể làm ngơ trước nỗi nhục, nỗi đau vong quốc mà ở đó “Vua chèo còn chẳng ra gì/ Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề”. Chính nỗi “non nước” khôn nguôi này làm ông tủi hổ, làm như lỗi tại mình nên mượn thơ mà cả thẹn: “Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già/ Xuân về ngày loạn càng lơ láo”. Mượn tiếng cuốc kêu mà thổ lộ tâm sự: “Có phải tiếc xuân mà đứng gọi/ Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ”. Có thể nói Nguyễn Khuyến đã nén cả một nhân cách lớn, một hồn thơ lớn một nỗi đau lớn vào tiếng cuốc nhớ nước thảm thiết làm chảy máu cả tâm can người đọc hôm nay.

Nằm trong chùm ba bài thơ thu nổi tiếng, “Thu điếu” là một trong những bài thơ không chỉ góp phần đưa Nguyễn Khuyến trở thành “nhà thơ của làng cảnh Việt Nam” mà còn làm nên một nhân cách lớn Nguyễn Khuyến còn lại mãi trong lòng người.

---------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Qua bài thơ Câu cá mùa thu, em có cảm nhận như thế nào về tấm lòng của tác giả đối với thiên nhiên? Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 9, Soạn bài lớp 9, Văn mẫu lớp 9, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 9, Soạn văn 9 siêu ngắn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
2 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Bơ

    😒😒😒😒😒

    Thích Phản hồi 08/06/22
    • Bánh Bao
      Bánh Bao

      😙😙😙😙😙😙😙

      Thích Phản hồi 08/06/22
      🖼️

      Gợi ý cho bạn

      Xem thêm
      🖼️

      Soạn Văn 9 Sách mới

      Xem thêm