Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Thế nào là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình?

VnDoc xin giới thiệu bài Thế nào là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình? được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 9. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Câu hỏi: Thế nào là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình?

Trả lời:

Tả cảnh ngụ tình chính là bút pháp bằng việc miêu tả cảnh vật thiên nhiên hoặc cuộc sống xung quanh để từ đó khắc họa tâm trạng, suy nghĩ và cảm xúc của chủ thể trữ tình. Có thể thấy, ngụ tình mới là chính còn cái cảnh chỉ nhằm làm nổi bật cái tình.

1. Thế nào là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình?

Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình là một thi pháp quen thuộc trong văn học trung đại. Đặc trưng của văn học trung đại là sùng cổ, phi ngã và ước lệ. Ước lệ trong thơ văn trung đại chính là sử dụng hình ảnh tượng trưng để gợi tả nhưng chủ yếu là gợi nhiều hơn tả. Chính vì vậy những bút pháp được sử dụng chủ yếu trong văn học trung đại là bút pháp chấm phá, bút pháp đòn bẩy, bút pháp lấy động tả tĩnh, bút pháp lấy điểm tả diện,… nhưng trong đó nổi bật nhất phải kể đến bút pháp tả cảnh ngụ tình.

Bút pháp tả cảnh ngụ tình được sử dụng phổ biến trong các sáng tác trung đại. Bởi lẽ do sự ràng buộc khắt khe về mặt niêm luật, thể thơ nên với một số lượng từ nhất định nhưng lại phải diễn tả được cái tình sâu sắc và khái quát nỗi niềm cả một đời người một kiếp người thì khả năng gợi tả ấy phải đến từ việc sử dụng từ ngữ, bút pháp nghệ thuật

Và còn bởi lẽ “ý tại ngôn ngoại” ý nằm ở bề sâu ngôn ngữ ngoài điều tác giả thể hiện trực tiếp trên bề mặt câu chữ. Và còn vì cảnh vật thiên nhiên ấy đều nhuốm màu tâm trạng của nhân vật trữ tình. Cảnh sẽ chỉ là cảnh vật vô hồn nếu nó không được nhìn nhận qua trái tim của nhân vật trữ tình, của chính tác giả. Hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại xuất hiện nhiều trong các tác phẩm văn học cùng với bút pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.

Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình là một trong những nét nghệ thuật đặc sắc nhất trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Trong trích đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích cũng có một đoạn thơ sử dụng nghệ thuật này

→ Vậy, cùng phân tích chép đoạn thở và cùng nhau phân tích nét đặc sắc nghệ thuật tả cảnh ngụ tình ở đoạn thơ đó nhé

2. Dàn ý nghệ thuật tả cảnh ngụ tình

Mở bài:

– Giới thiệu về tác phẩm và đoạn trích:

+ Tác phẩm “Truyện Kiều” là một tuyệt phẩm của tác giả Nguyễn Du. Ông đã đóng góp cho nền thi ca Việt Nam cổ đại một tác phẩm tuyệt vời có sức sáng tạo, vang xa tới nhiều thế hệ sau.

+ Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một đoạn trích hay nó đã lột tả được tâm trạng của Thúy Kiều.

Thân bài:

– Giới thiệu qua về hoàn cảnh của Thúy Kiều vì đâu mà nàng lại có mặt tại lầu Ngưng Bích này.

– Sau khi gia đình lâm biến và bị Mã Giám Sinh dùng mưu hèn kế bẩn, gạ gẫm lừa tình rồi bị bán vào thanh lâu, Thúy Kiều đã định tự kết liễu đời mình, nhưng kế hoạch của nàng không thành công.

– Đây là tâm trạng của Kiều những ngày đầu ở lầu Ngưng Bích, một tâm trạng sống không bằng chết, cô đơn chán nản cuộc đời và mất lòng tin ở con người.

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”

– Phân tích hai từ “khóa xuân” hai từ này đã gợi lên trong lòng người đọc rất nhiều cảm xúc chua chát.

Thúy Kiều sắc nước hương trời

– Không gian càng mênh mông tăm tối, mịt mù càng làm cho tâm trạng Thúy Kiều trở nên thê lương bi đát hơn bao giờ hết. Một cuộc sống bị giam cầm tù đày cả về tâm hồn, lẫn thể xác.

“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”

– Hai từ “bẽ bàng” đã lột tả được mọi sự ê chề, đau đớn của Thúy Kiều, khi cô vừa bị Mã Giám Sinh lừa tình, rồi lại còn bị bán vào lầu xanh.

– “Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng” con người và cảnh vật đã thật sự hòa nhập vào làm một. Cảnh vật cũng như người đều mang cảnh u sầu, trống trải, cô đơn khắc khoải…

– Trong những câu thơ tiếp theo tác giả đưa nhịp bài thơ nhanh hơn, chuyển hướng tâm trạng của Thúy Kiều hồi tưởng lại những ngày xưa bình yên hạnh phúc.

“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ

Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”

– Phân tích tâm trạng của Thúy Kiều khi nhớ về Kim Trọng mối tình đầu của nàng trong sự ê chề, bẽ bàng, tủi nhục này người nàng nhớ về đầu tiên chính là chàng Kim Trọng, nhớ người đã thề hẹn ước nguyện với nàng.

“Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ”

– Tâm trạng của Kiều khi nghĩ về cha mẹ. Nàng nghĩ về những người sinh thành ra mình, cảm thấy xót xa.

– Tâm trạng của Thúy Kiều lại trở về với thực tại của đời mình, trở về với nỗi đau hiện thực:

“Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu

Buồn trông ngọn cỏ dầu dầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”

– Điệp từ “buồn trông” được nhắc đi nhắc lại trong khổ thơ. Nó như tâm trạng của Kiều lúc này, đúng là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

– Câu thơ nói lên sự lênh đênh trên chặng đường đời nhiều sóng gió trước mặt Kiều. Nó nói lên sự phong ba, gập ghềnh mà Kiều sẽ phải đi qua:

“Buồn trông sóng cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

Kết bài

– Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một bức tranh được vẽ lên với những màu sắc xám lạnh, gợi tả tâm trạng vô cùng sống động, nhưng nó cũng nhiều thê lương ai oán.

– Phân tích bút pháp nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình” của Nguyễn Du. Cảnh và người trong đoạn trích như hòa vào làm một.

Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình – Bài mẫu

Nguyễn Du là một thiên tài văn học, một tác gia văn học tài hoa và lỗi lạc của văn học Việt Nam. Ông được mệnh danh là thi sĩ của các nhà thi sĩ. Truyện Kiều là một tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Du là đỉnh cao chói lọi nhất của nghệ thuật thi ca. Đọc tác phẩm, chúng ta không thể quên được đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích".

Sau bao biến cố khủng khiếp: tai bay vạ gió, cha và em bị tù tội, gia sản bị cướp hết, Kiều phải hi sinh chữ tình để báo hiếu với cha mẹ. Bị Mã giám Sinh lừa gạt bán vào lầu xanh của Tú Bà, Kiều tự tử nhưng không chết. Tú Bà dỗ dành Kiều ra ở lầu Ngưng Bích để kén chồng nhưng thật chất đó là cuộc giam lỏng, chờ cơ hội mụ sẽ bắt Kiều trở lại lầu xanh. Lầu Ngưng Bích chơi vơi giữa biển khơi là điểm dừng chân đầu tiên trên con đường lưu lạc đầy cay đắng và tủi nhục của Thúy Kiều. Đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" là nỗi cô đơn buồn tủi, niềm nhớ thương da diết về quê hương gia đình và người thân của Kiều. Đó cũng là thể hiện tấm lòng thủy chung hiếu thảo của nàng.

Trước hết với sáu câu thơ mở đầu của đoạn trích, là không gian nghệ thuật chứa đầy tâm trạng của Kiều. Trước mặt, là biển khơi từ trên lầu cao nàng cảm nhận được một không gian mênh mông rợn ngợp. Xa xa là dãy núi, hai bên bờ là cồn cát bụi mù bay. Chỉ có lầu Ngưng Bích đang giảm lòng một thân phận mỏng manh đơn côi. Đó là một không gian hoàn toàn khép kín. Một mình đối diện với "mây sớm đèn khuya". Khiến Kiều đau khổ đến tủi nhục bẽ bàng cho cái kiếp vô duyên lạc loài của mình:

"Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng"

Không gian đã vậy thời gian cũng hoàn toàn khép kín khiến Kiều buồn tủi, lủi thủi một mình cô đơn đến tuyệt đối.

Đến với tám câu thơ tiếp theo là tâm trạng nhớ thương da diết của Kiều về gia đình và người thân. Trước hết, Nguyễn Du để cho Kiều nhớ Kim Trọng (điều này khác hẳn với Thanh Tâm tài nhân). Nàng đã từng uống rượu ăn thề cùng Kim Trọng dưới ánh trăng nhưng rồi đã phải xót xa trao mối tình ngọt ngào ấy cho Thúy Vân. Trên đường về Lâm Tri theo Mã giám Sinh nàng vẫn thương cho Kim Trọng trong cô đơn buồn tủi: "Một trời thu để riêng ai một người". Giờ đây trong lúc mà thời gian cứ trôi đi Kiều nhớ Kim Trọng là tưởng nhớ tới lời thề đôi lứa:

"Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ

Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai."

Những lời thề nguyền đâu còn nữa, cái cây cầu trần thế mà Kiều và Kim Trọng phải bước qua thật là éo le. Nàng tưởng tượng cái cảnh Kim Trọng đang hướng về mình, đêm ngày đau đáu chờ tin mà uổng công vô ích "Tin sương luống những dày trông mai chờ". Trong nỗi nhớ ấy người đọc nhận ra một tâm trạng xót xa đau đớn. Nàng tự hứa "Tấm son gột rửa bao giờ cho phai". Đó là tấm lòng thủy chung son sắt thề non ước biển của kẻ chung tình.

Tiếp đó, là Kiều nhớ tới cha mẹ. Nghĩ tới song thân Kiều vô cùng thương xót:

"Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?

Sân Lai cách mấy nắng mưa,

Có khi gốc tử đã vừa người ôm"

Nàng nghĩ tới cái cảnh cha mẹ ngồi tựa cửa ngóng con lúc sáng sớm hay buổi chiều tà. Vậy mà vẫn bặt vô âm tín. Nàng xót xa lúc cha mẹ già yếu không có ai chăm sóc phụng dưỡng chăm nom. Tâm trạng nhớ thương vời vợi cùng với nỗi xót xa thể hiện sâu sắc tấm lòng hiếu thảo của nàng. Rất nhiều từ ngữ lấy từ điển cố cùng với từ ngữ dân gian vừa nói được thời gian xa cách, vừa nói đến sự tàn phai khốc liệt của thiên nhiên đối với con người. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm, phong cách cổ điển hài hòa với phong cách dân tộc tạo nên những vần thơ biểu cảm thể hiện một tâm trạng bi kịch, một cảnh ngộ đầy bi kịch của Kiều. Trong cảnh bình rơi trâm gãy Kiều là người đáng thương nhất nhưng nàng không nghĩ đến mình mà vẫn nhớ thương cha mẹ và người thân. Kiều thực sự là người tình thủy chung một người con hiếu thảo có tấm lòng vị tha đáng trân trọng.

Tám câu cuối, là cảnh xế chiều cảnh vật dễ làm cho con người buồn thương da diết:

"Buồn trông cửa biển chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu

Buồn trông nội cỏ dầu dầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi"

Mỗi biểu hiện của cảnh vật bên bờ biển lúc này đều thể hiện một tâm trạng và một cảnh ngộ đáng thương. Nhìn cánh buồm thấp thoáng giữa biển khơi rồi dần dần khuất bóng "càng trông" lại càng thấy buồn, nàng liên tưởng tới cuộc đời nho nhỏ bơ vơ trơ trọi trên đất khách. Nhìn những cánh hoa tàn nát trôi giữa dòng nước lũ. Nàng tự hỏi rồi nó sẽ trôi về đâu về phương trời nào mà hoàn toàn vô định. Cánh hoa ấy hay chính số phận chìm nổi không có nơi nào neo đậu của số phận nàng Kiều. Nhìn nội cỏ dầu dầu trong không gian bao la, cái màu sắc ảm đạm thê lương ấy phản chiếu một nỗi đau tê tái của người con gái lưu lạc. Cuộc sống như mất hết ý nghĩa như cái sắc cỏ úa tàn kia mất dần sự sống. Rồi "ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi" trận cuồng phong của biển cả bắt đầu nổi lên, gió to sóng lớn hay chính lòng đố kị ghen ghét của thiên nhiên đang bủa vây lấy nàng. Phải chăng đây là điều mà Nguyễn Du đã dự báo những tai họa khủng khiếp giáng xuống đầu nàng. Càng lo âu Kiều càng hãi hùng và ghê sợ. Cứ thế, từ nhìn đến nghe, "buồn trông" đến bốn lần trong một điệp ngữ.

Tám câu thơ là một điệp khúc buồn được lặp lại qua sự thay đổi của từng cảnh vật. Cảnh được miêu tả từ xa đến gần, từ màu nhạt đến màu đậm, âm thanh từ tĩnh đến động nỗi buồn cũng từ "man mác" đến lo sợ hãi hùng Nguyễn Du đã từng kết luận:

"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"

Đoạn thơ sử dụng rất nhiều câu hỏi tu từ, các từ láy các thành ngữ, ngôn ngữ độc thoại nội tâm, âm hưởng trầm buồn tạo nên một không gian nghệ thuật và cảm xúc nghệ thuật.

Đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" là một trong những đoạn thơ tả cảnh ngụ tình hay nhất Truyện Kiều. Ngòi bút của ông đi sâu vào từng ngõ ngách tâm tư sâu kín của nàng Kiều khiến người đọc thực sự rung động xót xa. Cảnh trong tình, tình trong cảnh cứ hòa quyện đan xen làm nổi bật chủ đề đoạn thơ. Bức tranh tâm trạng của người con gái họ Vương vì thế neo đậu mãi trong lòng người đọc.

---------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Thế nào là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình? Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 9, Soạn bài lớp 9, Văn mẫu lớp 9, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 9, Soạn văn 9 siêu ngắn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Kim Ngưu
    Kim Ngưu

    😜😜😜😜😜😜

    Thích Phản hồi 09/06/22
    • Bảnh
      Bảnh

      tuyệt vời

      Thích Phản hồi 09/06/22
      • Gấu Bông
        Gấu Bông

        hay quá đi

        Thích Phản hồi 09/06/22
        🖼️

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm
        🖼️

        Soạn Văn 9 Sách mới

        Xem thêm