Biện pháp tu từ trong bài thơ Chiều sông Thương

VnDoc xin giới thiệu bài Biện pháp tu từ trong bài thơ Chiều sông Thương được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 9. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Biện pháp tu từ trong bài thơ Chiều sông Thương

Câu hỏi: Biện pháp tu từ trong bài thơ Chiều sông Thương

Trả lời:

- Ẩn dụ, nhân hóa, liệt kê:

“Những gì sông muốn nói
cánh buồm đang hát lên
đám mây trên Việt Yên
rủ bóng về Bố Hạ
lúa cúi mình giấu quả
ruộng bờ con gió xanh
nước màu đang chảy ngoan
giữa lòng mương máng nổi
mạ đã thò lá mới
trên lớp bùn sếnh sang”

- Điệp ngữ:

“ôi con sông màu nâu
ôi con sông màu biếc”

1. Bài thơ Chiều sông Thương

Đi suốt cả ngày thu
vẫn chưa về tới ngõ
dùng dằng hoa quan họ
nở tím bên sông Thương
nước vẫn nước đôi dòng
chiều vẫn chiều lưỡi hái
những gì sông muốn nói
cánh buồm đang hát lên
đám mây trên Việt Yên
rủ bóng về Bố Hạ
lúa cúi mình giấu quả
ruộng bời con gió xanh
nước màu đang chảy ngoan
giữa lòng mương máng nổi
mạ đã thò lá mới
trên lớp bùn sếnh sang
cho sắc mặt mùa màng
đất quê mình thịnh vượng
những gì ta gửi gắm
sắp vàng hoe bốn bên
hạt phù sa rất quen
sao mà như cổ tích
mấy cô coi máy nước
mắt dài như dao cau
ôi con sông màu nâu
ôi con sông màu biếc
dâng cho mùa sắp gặt
bồi cho mùa phôi phai
nắng thu đang trải đầy
đã trăng non múi bưởi
bên cầu con nghé đợi
cả chiều thu sang sông.

2. Bình giảng bài thơ Chiều sông Thương

“Chiều sông Thương” của Hữu Thỉnh là một bài thơ hay. Con sông của Kinh Bắc thân thuộc, dòng sông của ca dao trữ tình đã nhập lưu vào hồn thơ người lính binh chủng Tăng - Thiết giáp một thời chiến trận (1973).

Bài thơ ngũ ngôn dài 32 câu gợi lên một chiều thu êm đềm, một dòng sông thơ mộng, một miền quê trù phú mang bao sức sống tiềm tàng... gợi lên nhiều man mác bâng khuâng.

Đây là đoạn thơ khá hay trong bài thơ đầy thi vị ấy:

“Chiều uốn cong lưỡi hái
Những gì sông muốn nói
Cánh buồm đang hát lên
Đám mây trên Việt Yên
Rủ bóng về Bố Hạ
Lúa cúi mình giấu quả
Ruộng bời con gió xanh
Nước màu đang chảy ngoan
Giữa lòng mương máng nổi
Mạ đã thò lá mới
Trên lớp bùn sếnh sang
Cho sắc mặt mùa màng
Đất quê mình thịnh vượng
Những gì ta gửi gắm
Sắp vàng hoe bốn bên
Hạt phù sa rất quen
Sao mà như cổ tích”...

Bầu trời, cánh buồm, dòng sông, ruộng lúa, con gió, lòng mương, nương mạ, nước phù sa... là những chi tiết nghệ thuật gợi tả vẻ đẹp bình dị, thân thuộc một buổi chiều sông Thương, một chiều thu Kinh Bắc. Những nét chấm phá cảnh sắc làng quê, tác giả chỉ gợi mà rung động, thấm thía.

Chiều uốn con lưỡi hái... Cánh buồm đang hát lên...”. Và đám mây từ bầu trời Việt Yên lại “Rủ bóng về Bố Hạ”. Những ẩn dụ, nhân hóa kết hợp với chuyển đổi cảm giác đã tạo nên những hình tượng nên thơ.

Chiều thu xưa từng thấm thía bao nỗi buồn: “Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà...”, “Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn - Tiếng ốc xa đưa vắng trống đồn...” (Thơ Bà Huyện Thanh Quan). Thì nay với Hữu Thỉnh, chiều sông Thương khi người lính từ khói lửa trở về thăm quê là “Chiều uốn cong lưỡi hái”. Ngày đã tàn, mặt trời đã lặn, trăng non lấp ló chân đồi uốn cong như chiếc liềm, uốn cong như lưỡi hái. Hình ảnh trong trẻo thơ mộng một chiều thu đồng quê gợi lên thời gian thu hoạch mùa màng đang đến, đã đến với xóm thôn.

“Cánh buồm đang hát lên” cũng là một câu thơ hay, một nét vẽ tài hoa. Nhà thơ không nói đến gió mà ta vẫn cảm thấy gió, gió mát, gió thổi căng những cánh buồm trên dòng sông Thương một chiều thu. Chữ “hát lên” không chỉ đặc tả cánh buồm mà còn diễn tả được niềm vui cuộc đời đang dâng lên khắp mọi miền quê Kinh Bắc. Hình ảnh đám mây chiều với dáng vẻ “rủ bóng” đã góp phần gợi lên sự bình yên, êm đềm trên một vùng quê trải dài trải rộng:

“Đám mây trên Việt Yên
Rủ bóng về Bố Hạ”.

Đứa con đi xa trở về, tưởng như đang “dùng dằng” rồi dừng bước, nhìn cao nhìn thấp, nhìn gần nhìn xa, lúc dõi theo cánh buồm lúc ngắm vành trăng non, áng mây chiều mà lòng bâng khuâng man mác.

Cánh đồng quê mở rộng bao la. Lúa đã chắc hạt, sây bông. Nầm xưa, anh trai cày ra trận đánh Pháp, đi tắt cánh đồng làng, “lúa níu anh trật dép” với nhiều lưu luyến mến thương. Thì nay, người lính thời đánh Mĩ trở về thăm làng lại bồi hồi cảm thấy “lúa cúi mình giấu quả” như e thẹn, dịu dàng. Lúa sẩy hạt nặng bông, lúa uốn cong. “Ba tháng trông cây không bằng một ngày trông quả”, bao nỗi mừng vui dâng lên phập phồng. Từng làn gió thu nhẹ lướt qua cánh đồng, sóng lúa bời bời nhấp nhô:

“Lúa cúi mình giấu quả
Ruộng bời con gió xanh”.

“Con gió xanh”, một nét vẽ siêu thực, phong tình, tài hoa. Người đọc thú vị chợt nhớ tới câu thơ của thi sĩ Xuân Diệu gần 70 năm về trước: “Con gió xinh thì thào trong lá biếc” (Vội vàng).

Nước phù sa đục ngầu êm đềm chảy theo lòng mương, lòng máng, tưới tắm ruộng vườn. Trên lớp bùn “sếnh sang” màu mỡ, mạ mới gieo “đã thò lá mới”, chuẩn bị cho một mùa cày cấy nay mai, hứa hẹn một mùa bội thu sắp tới. Ước mơ và niềm tin về quê hương ấm no, giàu có, thịnh vượng cứ dâng lên trong lòng dào dạt:

“Nước màu đang chảy ngoan
Giữa lòng mương máng nổi
Mạ đã thò lá mới
Trên lớp bùn sếnh sang
Cho sắc mặt mùa màng
Đất quê mình thịnh vượng”.

Một chữ “ngoan”, một chữ “thò” tinh tế, gợi cảm. Dòng nước phù sa, cây mạ mới gieo được nhân hóa, trông thật nhân hậu, đáng yêu. Cuộc sống đang vận động, đang sinh sôi nảy nở.

Nhìn cảnh vật đồng quê, nhà thơ bổi hồi gửi gắm bao ước mơ hi vọng. Giọng thơ trở nên thầm thì. Người lính về thăm nhà đứng lặng trong bóng chiều thu ngắm nhìn cảnh vật thân yêu nơi quê nhà tưởng như đang chìm vào một giấc mộng đẹp:

“Những gì ta gửi gắm
Sắp vàng hoe bốn bên 
Hạt phù sa rất quen
Sao mà như cổ tích”.

Nhà thơ hỏi thầm mình hay hỏi ai về “hạt phù sa” trên dòng sông Thương quê mẹ, quê em? “Hạt phù sa” ấy rất quen vì đã thấm sâu vào hồn người, đã tưới tắm bồi đắp nên những cánh đồng phì nhiêu đã bao đời nay:

“Sông Thương nước chảy đôi dòng,
Dòng trong dòng đục, em trông ngọn nào”...
(Ca dao)

Câu thơ: “Hạt phù sa rất quen - Sao mà như cổ tích” là câu thơ đậm đà, ý vị, chứa đầy tâm trạng.

Đoạn thơ ta đang nói đến là một nét đẹp của “Chiều sông Thương”. Cảnh vật tươi đẹp, êm đềm, thơ mộng, đầy sức sống vươn lên của quê nhà được cảm nhận với bao tình thương mến và hi vọng dào dạt. Những ẩn dụ, những nhân hóa được tác giả vận dụng sáng tạo và tinh tế, làm cho vần thơ giàu hình tượng, thi vị, gợi cảm.

Bức tranh chiều sông Thương, bức tranh đồng quê dân dã, ấm no thanh bình, ở đây, thời gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật đã tô đậm sắc điệu trữ tình của một hồn thơ mơ mộng.

---------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Biện pháp tu từ trong bài thơ Chiều sông Thương. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 9, Soạn bài lớp 9, Văn mẫu lớp 9, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 9, Soạn văn 9 siêu ngắn.

Đánh giá bài viết
1 917
2 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Lang băm
    Lang băm

    🥰🥰🥰🥰🥰🥰🥰

    Thích Phản hồi 06/06/22
    • Lê Jelar
      Lê Jelar

      hay quá

      Thích Phản hồi 06/06/22

      Soạn Văn 9 - Văn 9

      Xem thêm