Trình bày suy nghĩ về lời xin lỗi

Trình bày suy nghĩ về lời xin lỗi được VnDoc sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 9. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Dàn ý chung Trình bày suy nghĩ về lời xin lỗi

Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Bàn về lời xin lỗi, suy nghĩ về vai trò, ý nghĩa của lời xin lỗi trong cuộc sống

Thân bài:

Giải thích

- "Xin lỗi": là hành động tự nhận khuyết điểm, sai lầm về mình, là sự đồng cảm, sẻ chia đối với người bị ta làm tổn thương, thiệt hại. Biết xin lỗi là mong muốn được đền bù thiệt hại và tha thứ.

- Xin lỗi không chỉ là cách thể hiện thái độ biết lỗi, tự nhận thấy sai lầm mà còn là phép lịch sự trong giao tiếp, ứng xử giữa người với người.

Bàn luận:

* Biểu hiện của người biết nói lời xin lỗi:

- Luôn chủ động mở lời xin lỗi, tự nhận khuyết điểm về mình khi gây ra một lỗi lầm, hoặc một hành động sai trái gây ra hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến người khác

- Tích cực tìm cách khắc phục hậu quả đã gây ra

- Biết nhận thấy sai lầm của mình và mong muốn được khắc phục

- Người biết nói lời xin lỗi luôn sống hiền hòa, chuẩn mực, quan tâm, kính nhường và tôn trọng người khác.

* Tại sao sống phải biết nói lời xin lỗi?

- Xin lỗi là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa của con người, là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội

- Lời xin lỗi chân thành phản ánh phẩm chất văn hóa của cá nhân, giúp mọi người dễ cư xử với nhau hơn.

- Xin lỗi là một phép lịch sự trong giao tiếp, thể hiện sự văn minh và thái độ tôn trọng con người

- Lời xin lỗi chân thành có thể cứu vãn được sự việc đáng tiếc có thể đã xảy ra

- Xin lỗi đúng cách, đúng lúc giúp ta tránh được những tổn thất về vật chất và tinh thần

- Lời xin lỗi còn để thể hiện sự chia sẻ, đồng cảm với mọi người

- Lời xin lỗi chân thành hàn gắn những chia rẽ và hận thù do những lỗi lầm ấy gây nên.

- Xin lỗi còn để dạy cho con cái biết học cách lớn lên là người có ý thức trách nhiệm.

- Biết nói lời xin lỗi giúp cho cuộc sống của chúng ta được an lành, hạnh phúc hơn.

* Bài học nhận thức và hành động

- Biết sống chân thành, tôn trọng, quý trọng người khác, thành thật nhận khuyết điểm về mình, không được né tránh trách nhiệm hay ngụy biện về hành động của mình

- Lời xin lỗi phải xuất phát từ đáy lòng mới thật sự hữu dụng

- Hiểu rõ đối tượng là ai để bày tỏ thái độ xin lỗi một cách đúng đắn và hiệu quả nhất.

- Xin lỗi đúng lúc, đúng nơi sẽ làm cho người được xin lỗi thấy dễ tha thứ hơn, đặc biệt cần biết sửa sai sau khi xin lỗi.

Kết bài:

- Khẳng định vai trò, ý nghĩa của lời xin lỗi trong các mối quan hệ cuộc sống

- Nêu quan điểm của mình về vấn đề này.

Trình bày suy nghĩ về lời xin lỗi - Bài mẫu 1

Người xưa từng nói: “Nhân bất thập toàn”, nghĩa là không ai sinh ra đã trở nên hoàn hảo. Sai lầm là một biểu hiện thường thấy trong cuộc sống con người. Có những sai lầm mới có những thành công. Từ con người bình thường đến các vĩ nhân đều có những sai lầm nhất định trong cuộc đời và sự nghiệp của mình. Lời xin lỗi luôn là một hành động cần thiết trong cuộc sống. Mỗi khi sai lầm xảy ra để hạn chế những hậu quả đáng tiếc và làm cho tâm hồn được bình yên hơn thì lời xin lỗi thực sự cần thiết.

Xin lỗi là hành động tự nhận khuyết điểm, sai lầm về mình. Xin lỗi còn là sự đồng cảm, sẻ chia đối với người bị ta làm tổn thương, thiệt hại. Biết xin lỗi là mong muốn được đền bù thiệt hại và tha thứ.

Văn hóa xin lỗi là vẻ đẹp cao quý trong đời sống giao tiếp của con người. Nhận ra lỗi lầm và chân thành nhận lấy nó để mong được tha thứ sẽ làm dịu bớt cơn giận dữ hoặc nỗi đau của người khác. Bởi vậy lời xin lỗi mang tính nhân văn cao cả trong đời sống.

Người biết nói lời xin lỗi luôn chủ động mở lời xin lỗi người khác khi gây ra một lỗi lầm. Hoặc một hành động sai trái gây ra hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến người khác và tự nhận khuyết điểm về mình. Đồng thời, tích cực tìm cách khắc phục hậu quả đã gây ra. Họ nhận thấy hành động của mình là không nên có. Họ cũng nhận thấy sai lầm và mong muốn được khắc phục. Người biết nói lời xin lỗi luôn sống hiền hòa, chuẩn mực. Họ luôn là người mẫu mực, quan tâm, kính nhường và tôn trọng người khác.

Biết cảm ơn hay xin lỗi là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa của con người. Đó cũng là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội. Trong ứng xử giữa cộng đồng thái độ quan tâm và cầu thị hết sức cần thiết. Khi lời xin lỗi được trình bày chân thành nó phản ánh phẩm chất văn hóa của cá nhân. Mặt khác, giúp mọi người dễ cư xử với nhau hơn.

Xin lỗi là một phép lịch sự trong giao tiếp mà ta gọi đó là văn hóa xin lỗi. Nó thể hiện sự văn minh và thái độ tôn trọng con người. Hơn cả lễ độ, biết nói nói lời xin lỗi thể hiện lối sống vị tha và cao thượng của con người.

Lời xin lỗi chân thành có thể cứu vãn được sự việc đáng tiếc có thể đã xảy ra. Xin lỗi đúng cách, đúng lúc giúp ta tránh được những tổn thất về vật chất và tinh thần. Hành động này giúp cho các bên kiềm chế được cơn giận của bản thân. Từ đó, hướng đến những hành động đúng đắn. Lời xin lỗi đúng lúc, đúng việc giúp người bị thiệt hại cảm thấy được tôn trọng. Dựa trên sự đồng cảm, đồng tình hướng đến giải quyết sự việc theo hướng tích cực.

Lời xin lỗi không đơn giản là biết lỗi và nhận lỗi. Lời xin lỗi thể hiện trách nhiệm của con người với cuộc sống. Ai cũng có thể có những sai lầm. Điều này thật không thể tránh khỏi trong cuộc sống vốn rất phức tạp. Biết nói lời xin lỗi là biết nhận trách nhiệm của mình đối với hậu quả do hành vi của mình gây ra. Đó là một nét đẹp trong phong cách ứng xử, thể hiện một nhân cách tốt đẹp, cao thượng.

Biết nói lời xin lỗi là tự nhắc nhở mình trước những sai phạm đồng thời hứa với người khác hành động này không còn tái diễn nữa. Từ đó nâng cao tinh thần, ý chí, quyết tâm hành động đúng. Biết nói lời xin lỗi để giúp mình quyết tâm sửa chữa và thăng tiến hơn.

Biết nói lời xin lỗi còn để thể hiện sự chia sẻ, đồng cảm với mọi người. Vì những lỗi lầm của mình mà làm ảnh hưởng tới người khác. Lời xin lỗi chân thành hàn gắn những chia rẽ và hận thù do những lỗi lầm ấy gây nên. Xin lỗi còn để dạy cho con cái biết học cách lớn lên là người có ý thức trách nhiệm. Biết nói lời xin lỗi thể hiện là con người có hiểu biết và có nhân cách đứng đắn.

Lời xin lỗi có thể giải quyết xung đột, chữa lành tổn thương, thúc đẩy sự tha thứ, lòng vị tha và cải thiện mối quan hệ trong cả đời sống cá nhân lẫn xã hội. Mặt khác, lời xin lỗi còn tăng lòng trung thành, niềm tin và sự cộng tác của con người với nhau. Biết nói lời xin lỗi giúp cho cuộc sống của chúng ta được an lành, hạnh phúc hơn. Sự tha thứ của người khác giúp gia tăng tình thương giữa con người với nhau. Biết nói cảm ơn khi nhận về mình một cái gì đó từ người khác và nói lời xin lỗi khi mình phạm phải lỗi lầm thể hiện lối sống văn hóa lành mạnh, cao thượng đáng được đề cao trong cuộc sống.

Trước hết phải sống chân thành, biết tôn trọng, quý trọng người khác. Phải thành thật nhận khuyết điểm về mình, không được né tránh trách nhiệm hay ngụy biện về hành động của mình. Chân thành lắng nghe, bình tĩnh ứng xử thật lịch sự, tế nhị. Sự chân thành lúc nào cũng được ghi nhận trong cuộc sống.

Xác định rõ mức độ thiệt hại hay tổn thương của người khác do hành động của mình gây ra từ đó có ý định hay hành động bồi thường cụ thể để nhanh chóng giải quyết mâu thuẫn, tránh những xung đột đáng tiếc xảy ra. Lời xin lỗi đúng lúc có tác dụng ngăn cản những hành vi bạo lực, thái độ thô lỗ trong giao tiếp.

Để lời xin lỗi thật sự hữu dụng cách tốt nhất là hãy để lời xin lỗi xuất phát từ đáy lòng. Một lời xin lỗi vụng về vẫn tốt hơn sự im lặng nhưng đó là lời nói hết sức chân thành với thái độ thành tâm nhất có thể. Đôi khi, khi sự việc đáng tiếc xảy ra, ta còn lưỡng lự không biết lỗi lầm do ai, thì trước hết nếu ta không bị thiệt hại gì hãy mở lời động viên, cảm thông, chia sẻ với người thiệt hại nhiều hơn. Điều đó sẽ khiến cho sự việc trở nên nhẹ nhàng và mau chóng được giải quyết ổn thỏa. Lời xin lỗi chân thành có sức mạnh hơn mọi loại thuốc an thần.

Hãy bày tỏ sự thấu hiểu, đồng cảm một cách chân thành. Không nên cố chấp tranh cãi, lớn tiếng, nóng giận khi mình gây ra lỗi lầm. Hiểu rõ đối tượng là ai để bày tỏ thái độ xin lỗi một cách đúng đắn và hiệu quả nhất.

Không phải ai cũng dũng cảm khi phải thừa nhận chính lỗi lầm của mình, nhưng vượt qua được điều đó bạn sẽ thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng. Tuy nhiên, xin lỗi đôi khi cũng cần có nghệ thuật. Xin lỗi đúng lúc, đúng nơi sẽ làm cho người được xin lỗi thấy dễ tha thứ hơn. Nếu bạn đã nhận ra sai lầm của mình thì đừng để quá lâu rồi mới nói lời xin lỗi. Đừng cố biện minh cho sự chậm trễ bằng việc chờ đợi đến lúc thích hợp, mà hãy nói ngay, càng sớm càng tốt.

Biết nói lời xin lỗi khi gây ra lỗi lầm là một hành vi cao thượng cần có ở mỗi chúng ta. Một lời xin lỗi tưởng chừng sẽ đem đến cho bạn gánh nặng nhưng thực sự đó chính là cách để bạn tháo gỡ những vướng mắc, áy náy và giúp bạn trở nên nhẹ nhõm lòng mình hơn, yêu cuộc đời hơn. Nếu biết nói lời cảm ơn làm tăng thêm hạnh phúc trong cuộc sống thì xin lỗi là lối giải thoát đầu tiên và nhanh chóng cho mọi sai lầm và tội lỗi.

Trình bày suy nghĩ về lời xin lỗi - Bài mẫu 2

Con người chúng ta sống không chỉ để đáp ứng những nhu cầu vật chất, tinh thần mà sống còn là để trau dồi những phẩm chất tâm hồn đáng quý. Ngày nay, kĩ năng sống là một phần không thể thiếu trong quá trình rèn luyện cách sống sao cho tốt của con người. Trong kỹ năng ứng xử, giao tiếp, lời xin lỗi đóng vai trò mấu chốt để giữ vững mối quan hệ cá nhân và xã hội. Có ý kiến cho rằng: Phải biết nói lời xin lỗi. Đây là ý kiến hoàn toàn đúng và nhận được sự đồng tình của hầu hết mọi người.

Nhiều người cho rằng, lời xin lỗi được thốt ra khi một cá nhân hay tập thể có lỗi. Ý kiến đó không hẳn là sai nhưng không nên nghĩ quá tiêu cực đối với lời xin lỗi như vậy. Bởi trong cuộc sống hàng ngày, ít nhiều chúng ta cũng nghe thấy lời xin lỗi xung quanh. Nhưng lời xin lỗi ấy có thể là “Xin lỗi bạn, đường đến bưu điện cách đây bao xa?”, “Xin lỗi, tôi có thể ngồi chiếc bàn này cùng anh?”, “xin lỗi vì tôi đã đường đột đến đây”, “con xin lỗi mẹ vì khi nãy con đã làm điều không đúng với mẹ” …..

Lời xin lỗi là rất nhiều nhưng có thể thấy lời xin lỗi không chỉ là cách thể hiện thái độ biết lỗi, tự nhận thấy sai lầm mà còn là phép lịch sự trong giao tiếp, ứng xử giữa người với người. Vậy tại sao ta phải nói lời xin lỗi?

Trước hết, xin lỗi là một phép lịch sự trong giao tiếp mà ta có thể gọi đó là văn hóa xin lỗi. Nó thể hiện sự văn minh, tôn trọng đồng loại mà đặc biệt xin lỗi để thấy một xã hội công bằng dân chủ và văn minh khi tất cả mọi người không phân biệt địa vị, cấp bậc, giàu nghèo đều cần nói lời xin lỗi không chỉ những lúc sai lầm mà còn cả những lúc tỏ thái độ tôn trọng người khác.

Xin lỗi là khi ta biết lỗi và nhận lỗi. Bên cạnh đó, nó còn thể hiện trách nhiệm của người đó với lỗi lầm, với người khác, với cuộc sống. Điều đó có nghĩa là bạn thừa nhận sai lầm và không đổ lỗi cho bất cứ lý do gì. Lời xin lỗi được nói ra không chỉ đơn thuần là một lời nói, nó còn là sự khẳng định chuộc lỗi và không tái phạm lần sau. Nếu một lời xin lỗi không khẳng định được điều trên thì đó là một lời nói gió bay, không hề có ý nghĩa gì. Vì vậy ta phải nói lời xin lỗi để tỏ thái độ rằng ta sẽ sửa đổi lỗi lầm vừa qua. Ví dụ, khi bạn đánh mượn đồ người khác và lỡ đánh mất, lời xin lỗi sẽ truyền tải cho người khác rằng bạn biết lỗi và bạn sẽ cố gắng tìm lại món đồ ấy hoặc trao trả bằng thứ khác…hay bằng cách khác để chuộc lỗi.

Một điều cũng hết sức quan trọng ấy là xin lỗi là cách để con người chung sống cùng nhau, hòa hợp lẫn nhau. Có người cho rằng: “Lời xin lỗi không có nghĩa là bạn sai và người khác đúng, lời xin lỗi có nghĩa là bạn coi trọng mối quan hệ đó hơn những điều đã xảy ra”. Sự thể hiện trong câu nói trên là ở những mâu thuẫn, xung đột giữa những con người. Sống là va chạm, là đụng độ với nhiều khó khăn, kể cả những bất đồng quan điểm. Tại sao có những cuộc cãi vã xuất hiện, những trận đánh nhau oái ăm không ngừng bớt nóng chỉ vì bất đồng quan điểm, vì một vấn đề không biết lỗi từ phía ai? Những tiêu cực trên sẽ được giải quyết ổn thỏa bởi một lời xin lỗi từ một trong hai phía. Chỉ cần một chút nhẫn nhịn, một chút từ bỏ cái tôi, vượt lên thói sĩ diện hão thì tư cách của một kẻ mạnh sẽ xuất hiện, làm dịu cái khó trước mắt. Như vậy, lời xin lỗi chẳng phải là liều thuốc hữu hiệu để giải quyết nhiều vấn đề rối rắm không đáng có sao?

Có câu chuyện về hai nhà họ Trương họ Lý. Một hôm, người bên nhà họ Lý qua nhà họ Trương hỏi: “Sao mọi người nhà anh sống với nhau vui vẻ, hài hòa rất là hay; còn nhà tôi năm ba bữa là cãi nhau, nhà anh có thuật sống gì hay vậy?”. Anh họ Trương nói: “Đâu có gì lạ! Mọi người trong nhà tôi luôn thấy mình là người xấu, còn nhà anh ai cũng thấy mình tốt nên mới như vậy”. Anh họ Lý ngạc nhiên: “Là người tốt tại sao lại cãi vã”. Họ Trương mới nói: “Ví như có một chén trà để trên bàn, một người đi qua vô ý đụng cái bàn, bàn chao làm rơi vỡ chén trà. Người nhà của anh không nhận lỗi, mà còn lớn tiếng trách: “Ai để chén trà không ý tứ, phải để vào trong thì đâu có bể ?”. Người để chén trà cũng không chịu thua, cãi lại: “Tôi để đó đâu có sao, tại anh vô ý làm bể, còn trách”.Vì ai cũng thấy mình tốt, mình phải nên mới xảy ra cãi nhau. Còn nếu là người nhà của tôi khi gặp sự việc như vậy sẽ nhỏ nhẹ xin lỗi: “Tôi lỡ vụng làm đổ chén trà, thành thật xin lỗi”. Người để chén trà nghe vậy, cũng sẽ nói: “Cũng không thể trách anh, do tôi sơ ý để chén trà ở gần mép bàn nên mới bị đụng đổ. Đây là lỗi của tôi”. Hai người cùng nhận lỗi hết nên không cãi vã, trong nhà luôn an vui và tốt đẹp. Còn nhà anh ai cũng tốt thì lỗi về phần ai ? Đây là câu chuyện có thực được kể lại nhưng ắt hẳn trong cuộc sống chúng ta những câu chuyện hiện hữu như trên không hề hiếm có. Lời xin lỗi đã làm tình người trở nên khăng khít hơn và mối quan hệ của họ thực sự được tôn trọng, tôn trọng hơn cả những việc không ai muốn đã xảy ra. Xin lỗi là tốt nhưng nếu ta lạm dụng nó quá cũng là điều không tốt. Xin lỗi đi kèm với việc sửa lỗi và hoàn thiện bản thân hơn. Việc xin lỗi quá nhiều sẽ khiến người khác nghĩ bạn là một người luôn mắc sai lầm và chỉ biết xin lỗi. Vì vậy, bạn hãy làm cuộc sống trở nên màu sắc hơn với những lời xin lỗi hợp lý.

Để tạo nên lời xin lỗi thật hữu dụng cách tốt nhất là hãy để lời xin lỗi xuất phát từ đáy lòng. “Một lời xin lỗi vụng về vẫn tốt hơn sự im lặng” nhưng đó là lời nói hết sức chân thành với thái độ thành tâm nhất có thể. Hãy đưa lời xin lỗi đến người cần nhận nó một cách sớm nhất, nhanh nhất nhưng vẫn thật cẩn trọng nhất. Và một lưu ý hết sức cần thiết đó là phải biết sửa sai sau lời nói chân thật ấy các bạn nhé.

Một lời xin lỗi tưởng chừng sẽ vác đến cho bạn gánh nặng nhưng thực sự đó chính là cách để bạn tháo gỡ những vướng mắc, áy náy và giúp bạn trở nên nhẹ nhõm lòng mình hơn, yêu cuộc đời hơn!

Tóm lại, nếu có ai cho rằng phải nói lời xin lỗi, tôi sẽ giơ tay và ủng hộ hết mình với ý kiến đó. Đồng thời, lời xin lỗi không giới hạn cho bất cứ ai, độ tuổi nào nên việc học cách xin lỗi là điều thiết yếu không chỉ riêng tôi mà còn cả nhân loại. Vì lời xin lỗi ấy không chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân mà còn có ý nghĩa cho cả cộng đồng loài người chúng ta.

---------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Trình bày suy nghĩ về lời xin lỗi. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 9, Soạn bài lớp 9, Văn mẫu lớp 9, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 9, Soạn văn 9 siêu ngắn.

Đánh giá bài viết
10 5.113
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Khang Anh
    Khang Anh

    😅😅😅😅😅😅😅

    Thích Phản hồi 11/06/22
    • Hằng Nguyễn
      Hằng Nguyễn

      😋😋😋😋😋😋

      Thích Phản hồi 11/06/22
      • Minh Thong Nguyen ...
        Minh Thong Nguyen ...

        tuyệt vời

        Thích Phản hồi 11/06/22

        Soạn Văn 9 - Văn 9

        Xem thêm