Ngọc Hoàng xử tội ruồi xanh

Chúng tôi xin giới thiệu bài Ngọc Hoàng xử tội ruồi xanh được VnDoc sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 9. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

NGỌC HOÀNG XỬ TỘI RUỒI XANH

Do loài người phát đơn kiện, Ngọc Hoàng Thượng đế mở phiên tòa công khai xử tội loài ruồi. Ngọc Hoàng truyền cho vệ sĩ Nhện điệu Ruồi xanh lên điện, đập bàn thị uy:

– Ruồi kia, loài người kiện mi làm hại chúng sinh, mau mau khai ra tên họ, chủng loại và nơi ở!

Ruồi sợ hãi quỳ thưa trước vành móng ngựa :

– Con là Ruồi xanh, thuộc họ côn trùng hai cánh mắt lưới. Họ hàng con rất đông, gồm Ruồi trâu, Ruồi mắt đỏ, Ruồi nhà… Nơi ở là nhà xí, chuồng lợn, chuồng trâu, nhà ăn, quán vỉa hè.. bất kì chỗ nào có thức ăn mà không đậy điệm con đều lấy làm nơi sinh sống.

Ngọc Hoàng yêu cầu Thiên Tào tra sổ xác nhận rồi cho đọc cáo trạng : “Bị cáo Ruồi bị cáo buộc hai tội. Một là sống nơi dơ bẩn, mang nhiều vi trùng gieo rắc bệnh tật. Các nhà khoa học cho biết bề ngoài con ruồi mang 6 triệu vi khuẩn, trong ruột chứa đến 28 triệu vi khuẩn. Chúng gieo rắc bệnh tả, kiết lị, thương hàn, viêm gan B. Tội thứ hai là sinh đẻ nhanh quá mức, vô kế hoạch. Mỗi đôi ruồi, trong một mùa từ tháng 4 đến tháng 8, nếu đều mẹ tròn con vuông sẽ đẻ ra 19 triệu tỉ con ruồi, ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái”.

Một luật sư biện hộ nói: “Ruồi tuy tội nhiều nhưng nó cũng có nét đặc biệt ví như mắt lưới, một mắt chứa hàng triệu mắt nhỏ; chân ruồi có thể tiết ra chất dính làm cho nó đậu được trên mặt kính mà không trượt chân. Nếu con người biết bắt chước mắt ruồi mà làm máy chụp ảnh, mô phỏng chân ruồi mà làm giày leo núi thì cũng hay. Đó đều là tình tiết giảm nhẹ tội cho ruồi”.

Ngọc Hoàng cân nhắc, tuyên phạt Ruồi khổ sai chung thân ; truyền cho chim chóc, cóc, nhái, thằn lằn, kiến, nhện ra sức giết bớt ruồi, không cho đẻ nhiều. Ngọc Hoàng lại nói với Người: “Ruồi có tội mà con người cũng có lỗi. Con người phải thường xuyên làm vệ sinh, đậy điệm thức ăn, nhà xí, chuồng trại phải xây dựng theo lối mới thì mới ngăn chặn ruồi sinh sôi và hạn chế tác hại của ruồi được”.

Lời tuyên án của Ngọc Hoàng làm cho các loài vật phấn khởi, còn con người thì trầm ngâm nghĩ ngợi.

(Tường Lan)

Đọc văn bản Ngọc Hoàng xử tội ruồi xanh và trả lời các câu hỏi:

  1. Văn bản có tính chất thuyết minh không? Tính chất ấy thể hiện ở những điểm nào? Những phương pháp thuyết minh nào đã được sử dụng?
  2. Văn bản thuyết minh này có nét gì đặc biệt? Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?
  3. Các biện pháp nghệ thuật ở đây có tác dụng gây hứng thú và làm nổi bật nội dung cần thuyết minh hay không?

Lời giải:

a. Văn bản trên thực chất là một bài thuyết minh, cung cấp tri thức về loài ruồi.

- Lời của Ruồi thuyết minh về

- Tính chất chung về họ, giống, loài

- Tập tính sinh sống: sinh đẻ, đặc điểm cơ thể...

- Lời của Thiên Tào thuyết minh về tác hại, nguyên nhân gây ra tác hại của loài ruồi xanh.

- Lời của luật sư thuyết minh về cấu tạo bộ phận cơ thể của ruồi xanh.

b. Các phương pháp thuyết minh bằng:

- Định nghĩa: ruồi thuộc họ côn trùng.

- Phương pháp phân loại: các loại ruồi.

- Dùng số liệu: số vi khuẩn, số lượng sinh sản.

- Liệt kê: mắt, chân.

c. Nét đặc biệt của văn bản thuyết minh đó là:

- Hình thức: giống như văn bản tường thuật một phiên toà.

- Nội dung: giống như câu chuyện kể về loài ruồi.

Những biện pháp nghệ thuật: Bên cạnh các phương pháp thuyết minh, văn bản thuyết minh được trình bày như một văn bản tường thuật một phiên tòa và có sử dụng biện pháp nghệ thuật kể chuyện, miêu tả, ẩn dụ, nhân hóa… Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng để thuyết minh khiến cho văn bản trở nên sinh động và hấp dẫn hơn, vừa là truyện vui vừa học thêm tri thức.

1. Văn bản thuyết minh là gì?

Văn bản thuyết minh là một thể loại văn bản thông dụng được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày, văn bản thuyết minh cung cấp cho người đọc tri thức khách quan về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân, hậu quả của sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội bằng việc kết hợp nhiều phương thức trình bày, giải thích.

2. Yêu cầu

- Tri thức trong văn bản thuyết minh phải khách quan, xác thực, hữu ích cho mọi người.

- Văn thuyết minh cần trình bày chính xác, rõ ràng, chặt chẽ, hấp dẫn để truyền tải được hết ý của người viết đến với người đọc.

-Văn bản thuyết minh có phạm vi sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày;

- Khi bắt đầu viết văn bản thuyết minh về một vấn đề, hiện tượng nào đó trong đời sống, người viết trước hết phải quan sát sự vật, hiện tượng đó để tìm hiểu về tính chất, đặc điểm của chúng;

3. Sự khác nhau giữa văn miêu tả và văn thuyết minh

Văn miêu tả

Văn thuyết minh

+ Có hư cấu tưởng tượng, không nhất thiết phải trung thành với sự vật, đối tượng….

+ Trung thành với đặc điểm của sự vật, đối tượng.

+ Dùng nhiều so sánh, liên tưởng.

+ Ít dùng so sánh, liên tưởng.

+ Mang nhiều cảm xúc chủ quan của người viết.

+ Đảm bảo tính khách quan, khoa học.

+ ít dùng số liệu cụ thể.

+ Dùng số liệu cụ thể.

VD: “Những đám mây trắng như bông đang tô vẽ cho nền trời bằng những hình thù lạ mắt. Nắng trong vắt như pha lê. Nắng xiên qua cây gỗ tếch ở vườn hoa phố Nguyễn Cao, rọi xuống và chạy lung tung quanh cái bàn ăn trưa của bốn cụ già…”

VD: “Hoa chuông cao từ 15- 20 cm. Hoa nhỏ có hình chuông, hương thơm, thân uốn cong, màu trắng hay hồng lợt. Hoa có thể sống trong bình từ 5- 7 ngày…”

4. Phương pháp thuyết minh

Trong một bài văn thuyết minh, người viết có thể sử dụng kết hợp các phương pháp để làm văn bản thuyết minh trở nên sinh động và gây ấn tượng hơn với người đọc:

- Phương pháp thuyết minh nêu định nghĩa, giải thích: Người viết có thể nếu định nghĩa bằng cách định nghĩa, giải thích sự vật, sự việc đó. Ví dụ như định nghĩa hình tròn là gì, Chứng minh một hình có hai cạnh bằng nhau…

- Phương pháp liệt kê: Là liệt kê những thông tin mà đối tượng có như một chiếc xe đạp thì có các bộ phận như bánh xe, yên xe, sườn xe, cổ xe…

- Phương pháp nêu ví dụ: Người viết cũng có thể ví dụ cụ thể về một việc nào đó để chứng minh những lập luận của mình là đúng.

Ví dụ: Người ta cấm hút thuốc ở tất cả những nơi công cộng, phạt nặng những người vi phạm (ở Bỉ, từ năm 1987, vi phạm lần thứ nhất phạt 40 đô la, tái phạm phạt 500 đô la)

- Phương pháp so sánh: So sánh theo tính chất tương đồng để làm nổi bật đối tượng cần thuyết minh.

- Phương pháp Phân loại, phân tích: Đây được coi là phương pháp quan trọng và được sử dụng nhiều nhất trong văn bản thuyết minh. Vì mục đích của văn bản thuyết minh là nhằm giúp cho người đọc hiểu được bản chất, đặc điểm, công dụng của sự vật, hiện tượng nên để làm nổi bật được mục đích đó, bắt buộc người viết phải sử dụng đến phương pháp phân loại và phân tích.

- Phương pháp dùng số liệu: Làm vấn đề được rõ hơn bằng cách sử dụng số liệu, nhiều nhất là con số để tạo ra sức thuyết phục cho đặc điểm và vai trò của đối tượng.

5. Các bước làm một bài văn thuyết minh

- Bước 1:

+ Xác định đối tượng thuyết minh.

+ Sưu tầm, ghi chép và lựa chọn các tư liệu cho bài viết.

+ Lựa chọn phương pháp thuyết minh phù hợp.

+ Sử dụng ngôn từ chính xác, dễ hiểu để thuyết minh làm nổi bật các đặc điểm cơ bản của đối tượng.

- Bước 2: Lập dàn ý chi tiết

- Bước 3: Viết bài văn thuyết minh

+ Viết phần mở bài:

Mở bài có nhiều phương pháp, nhưng có thể quy vào hai phương pháp chủ yếu là mở bài trực tiếp và mở bài gián tiếp.

+ Viết phần thân bài:

Phần này thường gồm một số đoạn văn được liên kết với nhau thành một hệ thống nhằm giải đáp một số yêu cầu của đề bài.

Trình bày cấu tạo, đặc điểm, lợi ích, cách sử dụng… của đối tượng cụ thể.

Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh nên tuân thủ theo thứ tự cấu tạo của sự vật, theo thứ tự nhận thức (từ tổng thể đến bộ phận, từ ngoài vào trong, từ xa đến gần), theo thứ tự diễn biến sự việc trong một thời gian trước – sau; hay theo thứ tự chính phụ: cái chính nói trước, cái phụ nói sau.

+ Kết bài: Trình bày thái độ với đối tượng, nhấn mạnh một lần nữa đặc sắc của đối tượng.

---------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Ngọc Hoàng xử tội ruồi xanh. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 9, Soạn bài lớp 9, Văn mẫu lớp 9, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 9, Soạn văn 9 siêu ngắn.

Đánh giá bài viết
1 430
2 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Giáo sư X
    Giáo sư X

    🤩🤩🤩🤩🤩🤩🤩

    Thích Phản hồi 07/06/22
    • Điện hạ
      Điện hạ

      😎😎😎😎😎

      Thích Phản hồi 07/06/22

      Soạn Văn 9 - Văn 9

      Xem thêm