Suy nghĩ của em về hiện tượng học qua loa đối phó

Suy nghĩ của em về hiện tượng học qua loa đối phó được VnDoc sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 9. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Suy nghĩ của em về hiện tượng học qua loa đối phó - Mẫu 1

Không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đều coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, cho nên ở Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai khóa VIII (tháng 12 năm 1996), Đảng ta đã khẳng định: “Thực sự coi giáo dục - đào tạo, là quốc sách hàng đầu”. Cho nên, giáo dục luôn là một vấn đề được cả xã hội Việt Nam chú ý, quan tâm đến nhiều trong những năm đầu của thế kỉ XXI. Mặc dù, giáo dục là một trong những ngành quan trọng bậc nhất của đất nước và được sự quan tâm rất lớn từ phía chính phủ, nhưng nó cũng không thể tránh khỏi những khuất mắc, tiêu cực trong ngành và nó vẫn cứ tồn tại và lan rộng ra mỗi ngày. Một trong những vấn đề lớn nhất, nổi bật nhất chính là hiện tượng gian lận trong thi cử, kiểm tra, hay nói một cách khác là tình trạng học đối phó, quay cóp bài của học sinh trong kiểm tra, thi cử.

Vậy, thế nào là học đối phó? Học đối phó chính là hiện tượng: các em học sinh học bài không trên tinh thần tự nguyện và ý thức tự giác để tiếp thu kiến thức, mà ngược lại, các em học chỉ mang tính chất tạm bợ, qua loa. Một ví dụ điển hình nhất là: học chỉ để vượt qua bài kiểm tra, vượt qua kỳ thi, rồi sau đó lượng kiến thức không hề đọng lại bất cứ thứ gì trong tâm trí của các em.

Hiện tượng này vẫn đang xảy ra và đã trở thành một căn “bệnh” khá phổ biến ở học sinh và có tốc độ “lây lan” khá nhanh hiện nay. Bài làm qua loa, nhanh chóng, thậm chí đi chép bài để có đủ số lượng mà không hề quan tâm đến việc hiểu bản chất vấn đề, môn học. Ở trường học, học đối phó thường diễn ra với những môn xã hội: Lịch sử, Địa Lý, Ngữ Văn, ở những học sinh ham chơi, không có ý thức phấn đấu trong môn học. Và dần dần nó đã trở thành một vấn đề khó có thể kiểm soát và thậm chí không thể kiểm soát được. Và nếu cứ kéo dài tình trạng học thế này, sẽ gây nên một hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến những thế hệ tương lai của đất nước khi mà các em ra trường, sẽ không có kiến thức thực sự để phục vụ cho công việc, cuộc sống.

Hiện trạng học qua loa, đối phó đang phổ biến có nhiều nguyên do. Thứ nhất chính là sự khác nhau giữa các nước đều xuất phát từ nền giáo dục. Nền giáo dục của Việt Nam vẫn còn chú trọng vào thành tích, điểm số mà chưa có giải pháp cho việc phát triển toàn diện năng lực học sinh, không tìm được động lực cho học sinh tự mình cố gắng. Những áp lực điểm số với bạn bè, áp lực bằng cấp của bố mẹ khiến cho học sinh không có thời gian làm một cách nghiêm túc. Quá nhiều bài phải làm, quá nhiều môn phải học, nhưng thời gian vẫn chỉ 24 tiếng như thế! Thứ hai, chính là do môn học quá nhiều kiến thức, chỉ chú trọng vào lí thuyết mà không đề cập tới thực hành dễ khiến học sinh chán ngán và sinh ra sự đối phó. Chính vì môi trường học như thế khiến học qua loa, đối phó lây lan nhanh như “virus”. Đặc biệt, đó cũng là do bản thân học sinh, không nhận thức được vai trò của việc học cũng như thái độ với công việc mình làm. Với học sinh, học vẫn là cho cha mẹ, thầy cô, không ảnh hưởng đến tương lai và việc của mình. Tự học sinh đã nghĩ như thế thì không chỉ có việc học qua loa, đối phó mà còn dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực khác.

Từ những vấn đề nói trên, có thể thấy, việc học đối phó có hậu quả rất lớn, rất nghiêm trọng đối với mỗi chúng ta nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Do đó, ngay bây giờ, hãy đứng lên và hành động có trách nhiệm. Bằng cách học tập và cống hiến hết mình cho tổ quốc thân yêu để khẳng định và tỏa sáng chính mình, vì điều làm nên sự khác biệt giữa con người với con người chính là tri thức

Suy nghĩ của em về hiện tượng học qua loa đối phó - Mẫu 2

Bể học vô bờ, nhưng thiết nghĩ nếu bạn học tập với một tinh thần hăng say, nhiệt tình, nghiêm túc thì bạn cũng sẽ gặt hái được thành công mà thôi. Chính vì thế, việc ta học đối phó sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Bạn có suy nghĩ sao về vấn đề này, hãy cùng tôi tìm hiểu nhé.

Học đối phó được hiểu là một cách học của học sinh nhằm mục đích qua một kì thi hoặc một môn học nào đó. Tuy nhiên những kiến thức học sinh đó tiếp thu được là rất ít, hoặc gần như là không có.

Khi học đối phó sẽ gây ra cảm giác chán nản, mệt mỏi và căng thẳng cho người học. Người học đối phó bị mất đi niềm say mê và hứng thú học tập sẽ khiến cho thái độ học vô trách nghiệm, bất cần dẫn đến kết quả học tập sa sút. Nhưng đâu chỉ riêng người học bị ảnh hưởng mà thay vào đó, những yếu tố kéo theo cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy chỉ là học đối phó những bạn cũng phải đầu tư tiền bạc, mồ hôi công sức của bố mẹ cho việc đóng học phí. Vậy thì chẳng phải bạn đã tự làm hủy hoại công sức của bố mẹ mình hay sao. Hơn nữa khi học đối phó, kiến thức được tiếp thu một cách thụ động, nông cạn và không giá trị, người học dẫn dần vì thế mà cảm thấy chán nản, buông xuôi, dẫn đến hành động tiêu cực. Học đối phó là sự ảnh hưởng đến không chỉ cá nhân mà còn tập thể. Chúng ta, những mầm non tương lai của đất nước, là nguyên khí quốc gia, nếu ngay cả chúng ta là lực lượng nòng cốt của dân tộc còn có thái độ vô trách nhiệm với chính mình, gia đình mình thì tương lai đất nước sẽ trông chờ vào đâu. Chúng ta chỉ biết nghĩ về bản thân nhưng quên mất rằng mỗi chúng ta là một mắt xích quan trọng trong sự tiến bộ và phát triển chung của dân tộc và nhân loại.

Để có thể giải quyết một cách triệt để được những hiện tượng trên, thì những vị lãnh đạo của chúng ta cần phải có những chiến lược, mục đích thật sự đúng đắn và sáng tạo cho ngành giáo dục, cùng với đó những người giáo viên phải truyền được cho học sinh tinh thần học tập, phải cho họ thấy mục đích của học tập không phải là để trở thành “ông này bà nọ”, để được “ăn sung mặc sướng”, để có cái bằng cấp vô nghĩa, mà là tích lũy tri thức để có thể tồn tại, chung sống, phát triển và tự khẳng định mình. Và trên hết, bản thân mỗi học sinh cần phải tự nỗ lực học tập, tự xác định được mục đích học tập và phương pháp học tập hiệu quả, và nhất là phải để cho lòng tự trọng của mình lên tiếng trước những cám dỗ của tiêu cực.

Hãy hành động ngay bây giờ, và đừng chờ đợi nữa. Nếu không, đến một lúc nào đó, khi những sản phẩm thất bại này của ngành giáo dục bước ra xã hội và làm chủ đất nước thì dân tộc ta, đất nước ta sẽ phải đứng bên bờ suy thoái, diệt vong.

Suy nghĩ của em về hiện tượng học qua loa đối phó - Mẫu 3

Giáo dục luôn là vấn đề được chú trọng và quan tâm nhất đối với con người. Cuộc sống ngày càng phát triển, khoa học công nghệ hiện đại xong cũng có nhiều phương pháp học tập mới. Bên cạnh đó trong xã hội vẫn tồn tại lối học đối phó. Đây là lối học sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới học sinh.

Trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là lối học đối phó? Học đối phó là gì? Là tình trạng học sinh học bài, nghe giảng bài không trên tinh thần tự nguyện mà như bị ép buộc học chỉ để đối phó qua kì thi, chỉ để qua một kì kiểm tra, và cuối cùng chả được chữ gì vào đầu gây ra những hậu quả khôn lường. Đây là một hiện tượng xảy ra rất nhiều ở học đường, rất khó kiểm soát. Việc học này chủ yếu do ý thức của mỗi con người.

Đây là hiện tượng diễn ra khá phổ biến trong lứa tuổi học đường hiện nay, lâu dần tình trạng đối phó sẽ trở thành một thói xấu khó bỏ, một căn bệnh nguy hiểm khó chữa trị. Có vô vàn những cách học đối phó khác nhau của học sinh, sinh viên hiện nay. Chẳng hạn, khi thầy cô giao bài tập về nhà, thay vì suy nghĩ, động não và tìm tòi ra cách giải, chỉ cần sử dụng sách giải chép đáp án cho đủ số lượng bài tập để thầy cô kiểm tra là được còn bài tập đó có nội dung là gì, cách làm ra sao không cần quan tâm. Hay đơn giản và nhanh chóng hơn, chỉ cần một cú click chuột hay tìm kiếm trên google thông qua smartphone, ipad, máy tính... là có thể tìm kiếm rất nhiều đáp án, bài giải có sẵn, vừa ngắn gọn lại tiết kiệm thời gian nhưng cái đọng lại trong đầu chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Học đối phó còn ở chỗ khi đến lớp không chú ý nghe giảng, đến gần ngày kiểm tra, thi cử mới bắt đầu thức đêm để ôn tập hoặc tìm mọi cách để đạt điểm cao, dễ dẫn đến học vẹt và những hành vi gian lận, quay cóp.

Phao, copy, chép sách giải, hỏi bài bạn, đến "lò" luyện mong vớ lấy vài con chữ,... Học mà không biết mình học vì cái gì, vì một mục đích cao đẹp nào, để đạt được thành công ra sao trên đường đời. Học như học vẹt, miệng đọc qua loa, bài tập không chuyên sâu, mồm miệng cố la cho lớn để ra vẻ ta đây với thiên hạ. Không những học sinh yếu kém mà các bạn có năng lực tốt cũng "đối phó". Thầy dạy cho có và trò học đối phó, một khung cảnh dễ nhận thấy ở các lò luyện thi, trường chuyên, lớp giỏi. Việc đối phó như một tấm khiên chống đỡ sự thất vọng của thầy cô, cha mẹ và những lời bàn tán của bạn bè. Chúng ta dần đánh mất những truyền thống học tập của người học sinh, để đổi lấy những con điểm cao chót vót, những nguyện vọng để bằng bạn bè.

Học đối phó là vấn nạn lớn, nó ăn mòn và hủy diệt sự tự chủ trong mỗi con người, gặm nhấm những đức tính tốt đẹp trong mỗi học sinh chúng ta. Cần có biện pháp, không thể nói suông ngày một ngày hai. Mỗi khi học tập, hãy tìm tòi những câu hỏi, đi sâu vào những kiến thức, dành nhiều thời gian cho những mục tiêu mình cần vươn đến. Và hãy nhớ rằng: Chúng ta là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ học sinh mới, không thể đi lên mà không có kiến thức, trí tuệ và lòng hăng say yêu thích

Suy nghĩ của em về hiện tượng học qua loa đối phó - Mẫu 4

Người xưa có nói: sự học thì vô cùng mà cuộc đời con người chỉ là hữu hạn. Sống này chỉ có thể kéo dài khi chúng ta học tập, tiếp thu được càng nhiều tri thức và hiểu biết. Thế nhưng, những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, đang ở tuổi học hành thì lại không nhận thức được điều đó. Học qua loa, đối phó đang là một vấn đề đáng buồn ở học sinh ngày nay.

Cách học qua loa, đối phó có thể hiểu là cách học, làm bài không tập chung, không chuyên tâm và cố gắng cho môn học. Việc học qua loa, đối phó là hành động thuộc về thái độ với việc học, là ý thức của từng người học sinh.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, hiện tượng học đối phó đã trở thành một căn “bệnh” khá phổ biến ở học sinh và có tốc độ “lây lan” khá nhanh. Bài làm qua loa, nhanh chóng, thậm chí đi chép bài để có đủ số lượng mà không hề quan tâm đến việc hiểu bản chất vấn đề, môn học. Ở trường học, học đối phó thường diễn ra với những môn xã hội: Lịch sử, Địa Lý, Ngữ Văn,… ở những học sinh ham chơi, không có ý thức phấn đấu trong môn học.

Khi có những hành động học qua loa, đối phó, học sinh thấy điều đó rất tốt. Học qua loa họ vẫn có đầy đủ bài mà không cần tốn quá nhiều công sức, lại có thời gian làm những bài khác. Nhưng học sinh lại không nhìn được những tác hại đằng sau cái lợi nhất thời đó. Người ta thường nói rằng cái gì đến quá dễ dàng và nhanh chóng thường sẽ không bên lâu. Kiểu học như thế chỉ giúp cho học sinh hoàn thành bài tập giao lúc đó, đạt yêu cầu khi ấy. Thực tế, trong đầu họ không có thêm một chút kiến thức. Sau mỗi lần làm bài đối phó, lượng kiến thức cứ tăng lên trong khi trong khi lượng tri thức không hề tăng, chưa nói đến rằng nó sẽ giảm khi chúng ta càng ngày càng lười suy nghĩ và ghi nhớ. Kết quả học tập của những người học hành đối phó, không quyết tâm chắc chắn sẽ không thể bằng những người cố gắng, quyết tâm và cả sự chăm chỉ nữa. Về lâu dài, học đối phó là một con dao, chặt đứt con đường học của bạn. Học qua loa, đối phó còn là liên quan đến ý thức và thái độ của con người. Mọi thứ đều có thể với sự quyết tâm, lòng nhiệt huyết và thái độ nghiêm túc với việc mình làm, như Steve Jobs đã khẳng định: “Điều duy nhất để tạo nên thành công là yêu điều mình làm”. Việc nhỏ cũng không làm được nói chi đến việc lớn. Với thái độ như thế, có dễ dàng sống trong xã hội ngày càng tiến bộ và cạnh tranh như ngày nay? Một xã hội chỉ có những con người lúc nào cũng lo đối phó, qua loa, luôn nghĩ cho mình như thế, liệu có thể phát triển? Thái độ với công việc, với cuộc sống chính là cách quyết định trình độ phát triển giữa con người với con người, giữa quốc gia với quốc gia. Đó chính là sự khác biệt giữa con người Nhật Bản và con người Việt Nam, giữa Hoa Kì và Việt Nam.

Hiện trạng học qua loa, đối phó đang phổ biến có nhiều nguyên do. Có thể thấy, sự khác nhau giữa các nước đều xuất phát từ nền giáo dục. Nền giáo dục Việt Nam vẫn còn chú trọng vào thành tích, điểm số mà chưa có giải pháp cho việc phát triển toàn diện năng lực học sinh, không tìm được động lực cho học sinh tự mình cố gắng. Những áp lực điểm số với bạn bè, áp lực bằng cấp của bố mẹ khiến cho học sinh không có thời gian làm một cách nghiêm túc. Quá nhiều bài phải làm, quá nhiều môn phải học, nhưng thời gian vẫn chỉ 24 tiếng như thế. Một phần đó cũng là do môn học quá nhiều kiến thức, chỉ chú trọng vào lí thuyết mà không đề cập tới thực hành dễ khiến học sinh chán ngán và sinh ra sự đối phó. Chính môi trường học như thế khiến học qua loa, đối phó lây lan nhanh như “virus”. Đặc biệt, đó cũng là do bản thân học sinh, không nhận thức được vai trò của việc học cũng như thái độ với công việc mình làm. Với học sinh, học vẫn là cho cha mẹ, thầy cô, không ảnh hưởng đến tương lai và việc của mình. Tự học sinh đã nghĩ như thế thì không chỉ có việc học qua loa, đối phó mà còn dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực khác.

Rất nhiều học sinh biết hành động của mình là không đúng, cũng biết tác hại của việc học đối phó nhưng vẫn không biết cách tự cứu lấy mình. Muốn thay đổi học sinh, phải thay đổi môi trường học tập của chúng. Điểm số sau này chẳng nói rằng bạn giỏi hay không, chẳng quyết định cuộc đời bạn sau này thế nào. Vì thế, hãy đặt vấn đề điểm số và bằng cấp sang một bên, khuyến khích học sinh tìm hiểu và phát huy năng lực của mình, tham gia nhiều hơn vào những hoạt động ngoại khóa, những thí nghiệm thực hành,… Khi đó, hứng thú với môn học sẽ tự đến. Học sinh cũng cần thay đổi suy nghĩ của mình, rằng học cho mình, không phải một ai khác. Không ai có thể sống thay ta và không ai có thể hủy hoại cuộc sống chúng ta ngoài chính chúng ta cả. Tự mình thay đổi, tự mình học hỏi để tự mình tỏa sáng!

Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống nhưng những kiến thức thì mênh mông và thành công vẫn đang đợi bạn. Học hay không, đối phó hay nhiệt huyết, chỉ có bạn mới có thế quyết định.

---------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Suy nghĩ của em về hiện tượng học qua loa đối phó. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 9, Soạn bài lớp 9, Văn mẫu lớp 9, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 9, Soạn văn 9 siêu ngắn.

Đánh giá bài viết
1 58
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Đường tăng
    Đường tăng

    😜😜😜😜😜😜😜😜

    Thích Phản hồi 08/06/22
    • Laura Hypatia
      Laura Hypatia

      tuyệt vời

      Thích Phản hồi 08/06/22
      • Cu Lì
        Cu Lì

        🤙🤙🤙🤙🤙🤙🤙

        Thích Phản hồi 08/06/22

        Soạn Văn 9 - Văn 9

        Xem thêm