Trình bày suy nghĩ của em về ước nguyện được dâng hiến cho cuộc đời

Trình bày suy nghĩ của em về ước nguyện được dâng hiến cho cuộc đời được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 9. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Trình bày suy nghĩ của em về ước nguyện được dâng hiến cho cuộc đời - Bài mẫu 1

Đất nước ta đang trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển, vì vậy mà sự cống hiến của các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng. Cống hiến là sự hy sinh của bản thân, không màng đến lợi ích cá nhân mà làm việc hết mình vì người khác, vì một tập thể, một cộng đồng.

Ta có thể bắt gặp sự cống hiến của thế hệ trẻ ở mọi nơi. Trong thời kỳ kháng chiến, những thế hệ trẻ ấy đã xung phong đi đầu, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, bỏ lại cả tuổi thanh xuân, những ước mơ hoài bão cống hiến một phần sức lực nhỏ bé để làm nên chiến thắng cho dân tộc. Không chỉ trong kháng chiến mà khi đã trở về với cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc, họ cũng luôn âm thầm cống hiến cho đất nước. Có thể thấy sự cống hiến của thế hệ trẻ là vô cùng đa dạng. Những học sinh đang ngày đêm miệt mài, say mê học tập để mang lại cho đất nước những tấm huy chương quý giá cũng là một sự cống hiến lớn lao đối với đất nước. Những thanh, thiếu niên ngày ngày tìm tòi, học hỏi, khám phá, sáng tạo những thành tựu mới cũng là một sự cống hiến sâu sắc,… Tất cả những sự cống hiến ấy thật cao đẹp và có ý nghĩa thật sâu sắc.

Việc làm ấy không chỉ giúp thế hệ trẻ có những hiểu biết sâu rộng, làm nền tảng để bước vào tương lai, thể hiện một phong cách sống cao đẹp mà còn giúp đất nước ngày càng phát triển, hòa nhập với thế giới một cách bình đẳng, khẳng định mình trước toàn thế giới. Chính vì những lợi ích to lớn như vậy mà thế hệ trẻ phải biết cách gìn giữ và phát huy hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa để giúp đất nước ngày càng phát triển. Song, bên cạnh việc thế hệ trẻ biết cống hiến cho đất nước thì một số bạn trẻ khác lại chỉ biết mưu cầu lợi ích riêng, không biết cống hiến, ta phải lên án những hành động ích kỷ đó và bài trừ nó để xã hội được phát triển tốt hơn.

Việc cống hiến của thế hệ trẻ đối với đất nước là vô cùng quan trọng và là một hành động cao đẹp. Là học sinh, những thế hệ trẻ của đất nước, tôi cũng như các bạn hãy góp một phần nhỏ bé của mình để cống hiến cho quê hương Việt Nam ngày càng giàu đẹp, sánh vai với các cường quốc năm Châu như Bác Hồ luôn mong ước.

Trình bày suy nghĩ của em về ước nguyện được dâng hiến cho cuộc đời - Bài mẫu 2

Một câu chuyện ngắn, một bài ca dao, một câu tục ngữ và thậm chí ngay trong cả một ý thơ như đoạn thơ trên của Tangore càng mang ý nghĩa sâu sắc, mượn hình tượng về cái chết tức là tử thần, Tango đã viết “ngày tử thần gõ cửa nhà anh. Anh sẽ có một món chi làm tặng vật”. Đó chính là câu hỏi về cuộc sống, ý nghĩa của anh. Anh đã làm được gì, cống hiến được gì cho cuộc đời này trước khi chết và theo Tangore câu trả lời hay nhất trọn vẹn nhất, ý nghĩa và sâu sắc nhất chính là cái ly tràn đầy cuộc sống của tôi dâng – đó là ẩn dụ cho cuộc sống cống hiến vẹn toàn hết cho cuộc đời. Như vậy bằng cách đặt ra một tình huống về cuộc gặp với tử thần Tangore đã trình bày một quan niệm sống cao đẹp, sống cống hiến, sống hết mình với cuộc đời này để không có gì phải hối hận, có thể bình thản đón thần chết như chào đón một vị khách đến thăm.

Một nhà khoa học phương Tây đã chứng minh rằng xác suất để mỗi người có thể sinh ra trên cuộc đời là một trên 7 tỷ nó rất nhỏ bé. Dường như gần bằng không hơn nửa đời người khi sinh ra chỉ sống có một lần phải sống làm sao cho không phải ân hận khi giã từ cuộc sống. Cuộc sống như là con đường, trải dài trên con đường đó những người chạy phải thật nỗ lực thì mới mong về tới đích nhanh nhất. Mỗi sự nỗ lực đó chính là mỗi lần ta cống hiến cho cuộc đời và sau mỗi lần cống hiến dường như chúng ta cảm thấy đã để lại cho đời bao dấu ấn ý nghĩa, nếu trên con đường chạy ấy ta cứ bình thản tự nhiên xem nó là nghĩa vụ chứ không phải tự nguyện thì dù ta có cán đích thì điều đó cũng không có ý nghĩa.

Cuộc sống là vậy sống thì phải cho ra sống, sống phải hết mình, phải cống hiến thì đó mới chính là cuộc sống đúng sống ý nghĩa.Sự cống hiến không phải là việc làm vô bổ và sự cống hiến chính là hành động trả ơn với cuộc đời. Khi bạn sinh ra bạn đã nhận được rất nhiều từ cuộc đời, phải biết cho, biết cống hiến để xứng đáng với những gì được nhận. Cuộc sống luôn là hành động với mọi nỗ lực của chính chúng ta, sống không phấn đấu, không biết cho đi thì đó là lối sống ích kỷ, tầm thường. Hơn nữa, cuộc sống luôn chất chứa những điều thú vị, mới lạ. Nếu mỗi người biết cống hiến thì sẽ dần dần mở ra được những cánh cửa thú vị, thước đo của cuộc sống chính là cống hiến, sống cống hiến, sống hết mình tức là chúng ta đang vì xã hội và vì chính bản thân của chúng ta. Điều đó giúp mỗi người chúng ta sống đẹp hơn, sống tốt hơn và thậm chí họ còn trở nên yêu đời hơn, trân trọng cuộc sống này hơn.

Mặt khác sống trọn vẹn sống cống hiến là cách để mỗi chúng ta đánh thức những tiềm năng, năng lực bên trong bản thân mình khi chúng ta cố gắng để hoàn thành một công việc gì đó, mỗi người sẽ thấy được năng lực tiềm ẩn bên trong được đánh thức đó có thể là về tri thức, về sự sáng tạo phát minh hay có thể nói là bồi đắp thêm cho tâm hồn chúng ta trở nên cần cù chăm chỉ hơn. Điều đó không những giúp mỗi người chúng ta sống đẹp hơn sống hết mình tận tâm hơn mà còn giúp cộng đồng xã hội phát triển. Mỗi người là một tế bào của xã hội, nếu ai ai cũng có được sự cống hiến tận tâm sống hết mình thì đó là một xã hội năng động và còn ngược lại thì xã hội đó sẽ dần tan biến. Sự cống hiến hết mình luôn là tiêu chuẩn vĩnh cửu để đánh giá một con người xã hội và toàn thể cộng đồng. Trong thực tế, cuộc sống chúng ta đã bắt gặp biết bao cống hiến thầm lặng, cao cả, biết bao tấm gương vươn lên sống hết mình làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Tiêu biểu trong số đó chính là nhà khoa học nữ gốc Ba Lan lừng danh Marie Currie từng đạt giải Nobel về vật lý và hóa học. Bà tận tụy cống hiến, sống hết mình, dám nghĩ, dám làm để đưa đến cho loài người những phát minh vĩ đại phục vụ đắc lực cho cuộc sống, chính vì vậy tên tuổi của cũng như tài năng của bà sẽ mãi được lưu truyền và ca tụng về sau. Hay bác Hồ người đã hi sinh cả cuộc đời của mình để cống hiến cho cách mạng, cho tổ quốc với khát khao mãnh liệt muốn giải phóng dân tộc khỏi xiềng xích nô lệ. Người đã ra đi tìm đường cứu nước, cống hiến hết mình, tích cực chỉ đạo cách mạng trọn vẹn với con đường giải phóng. Cuộc đời của người chính là “cái ly tràn đầy cuộc sống” một cái ly có giá và bất tử, người có mất đi nhưng hình ảnh “cụ già mái tóc bạc vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí con cháu Đất Việt và bạn bè thế giới. Chỉ với 4 dòng thơ ngắn, nhưng qua đó Tangore đã gửi gắm đến mọi người một bài học sâu sắc, đó là sống phải cống hiến là phải hết mình cho dù có trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa.

Thế nhưng một cuộc sống trọn vẹn, có ý nghĩa không có nghĩa là phải làm những việc lớn lao to tát. Đã có ý kiến cho rằng ai cũng có những mong ước lớn lao nhưng ít ai nghĩ rằng nó lại được tạo thành từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống, mỗi con người dù nhỏ bé dù làm bất cứ công việc gì cũng có thể dâng cho đời cái ly tràn đầy.

Cuộc sống việc làm tuy nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn lao cách làm nhìn tuy đơn giản nhưng chất chứa sau đó là một quá trình. Cuộc sống cũng vậy, nếu không biết cống hiến, sống hết mình thì đó chỉ là những ngày tháng bằng phẳng trôi qua trong vô nghĩa.

Trình bày suy nghĩ của em về ước nguyện được dâng hiến cho cuộc đời - Bài mẫu 3

Lẽ sống cao đẹp ấy đã trở thành lí tưởng trong bài ca cuộc đời của biết bao thế hệ những con người Việt Nam anh hùng. Và khi bước vào ngưỡng cửa của thi ca thì “Sống là cho và chết cũng là cho” cũng chính là niềm khao khát cháy bỏng trong tâm hồn mỗi thi nhân. Trong số đó, ta không khi nào quên nhắc đến tiếng hát nhẹ nhàng ,sâu lắng, tha thiết của khát vọng với cuộc đời, với đất nước trong thi phẩm "Mùa xuân nho nhỏ" được thơ Thanh Hải viết tháng mười 11 năm 1980. Và ta cũng bắt gặp ước nguyện tha thiết chân thành được hoá thân, hòa nhập vào những cảnh vật ở bên lăng Bác, ước nguyện sống đẹp, trung thành với lí tưởng của Bác, của dân tộc trong khổ cuối bài thơ "Viếng lăng Bác" của Viễn Phương. Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" được Thanh Hải sáng tác trước khi nhà thơ qua đời một tháng. Trong tâm lí nặng nề, sức khỏe và bệnh tật mà hồn thơ Thanh Hải vẫn cất cánh bay cao để rồi mang đến cho cuộc sống một tình yêu, một nỗi niềm thiết tha với quê hương đất nước và cùng theo đó là ước nguyện chân thành được cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Tổ Quốc thân yêu.Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Thanh Hải lựa chọn mùa xuân để khởi nguồn cảm hứng. Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước thường gợi lên ở mỗi con người niềm khát khao và hi vọng. Với Thanh Hải cũng thế, đây chính là thời điểm mà ông nhìn lại cuộc đời và bộc bạch tâm niệm thiết tha của một nhà cách mạng, một nhà thơ đã gắn bó trọn đời với đất nước, quê hương với một khát vọng chân thành và tha thiết:

"Ta làm con chim hót,

Ta làm một cành hoa.

Ta nhập vào hoà ca,

Một nốt trầm xao xuyến"

Nhịp thơ dồn dập và điệp từ "ta làm" diễn tả rõ nét khát vọng cống hiến của nhà thơ. Đó là khát vọng sống hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp, dù nhỏ bé, của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước. Điều tâm niệm ấy được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên giàu sức gợi tả, gây xúc động sâu xa trong lòng người đọc. Ước nguyện được làm một tiếng chim, một cành hoa để góp vào vườn hoa muôn hương muôn sắc, rộn rã tiếng chim, để đem lại hương sắc, tô điểm cho mùa xuân thêm tươi đẹp. Nhà thơ nguyện cầu được làm một “nốt trầm xao xuyến” không ồn ào, không cao điệu mà chỉ âm thầm, lặng lẽ để “nhập”vào khúc ca, tiếng hát của nhân dân vui mừng đón xuân về. Được tô điểm cho mùa xuân, được góp phần tạo dựng mùa xuân là tác giả đã nguyện hi sinh, nguyện cống hiến cho sự phồn vinh của đất nước. Một ước mơ nho nhỏ, chân tình, không cao siêu vĩ đại mà gần gũi quá, khiêm tốn và đáng yêu quá! Hình ảnh nhuần nhị, tự nhiên, chân thành, giọng thơ nhè nhẹ, êm ái, ngọt ngào của những thanh bằng liên tiếp kết hợp với cách cấu tứ lặp lại như vậy đã mang một ý nghĩa mới nhấn mạnh thêm mong ước được sống có ích cho đời, cống hiến cho đất nước như một lẽ tự nhiên. Điệp từ “ta” như một lời khẳng định, vừa như một tiếng lòng, như một lời tâm sự nhỏ nhẹ, chân tình. Ước nguyện đó đã được đẩy lên cao thành một lẽ sống cao đẹp, không chỉ cho riêng nhà thơ mà cho tất cả mọi người, cho thời đại của chúng ta. Đó là lẽ sống cống hiến cho đời lặng lẽ, khiêm tốn, không kể gì đến tuổi tác:

"Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc."

Thái độ ‘lặng lẽ dâng cho đời” nói lên ý nguyện thật khiêm nhường nhưng hết sức bền bỉ và vô cùng đáng quý vì đó là những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Thật cảm động làm sao trước ao ước của nhà thơ dẫu đã qua tuổi xuân của cuộc đời, vẫn được làm một mùa xuân nhỏ trong cái mùa xuân lớn lao ấy. Điệp ngữ “dù là” ở đây như một lời tự khẳng định để nhủ với lương tâm sẽ phải kiên trì, thử thách với thời gian tuổi già, bệnh tật để mãi mãi làm một mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân rộng lớn của quê hương đất nước. Giọng thơ vẫn nhỏ nhẹ, chân tình nhưng mang sức khái quát lớn. Chính vì vậy, hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” như ánh lên, toả sức xuân tâm hồn trong toàn bài thơ. Thật cảm động và kính phục biết bao khi đọc những vần thơ như lời tổng kết của cuộc đời. "Dù là tuổi hai mươi" khi mới tham gia kháng chiến cho đến khi tóc bạc là thời điểm hiện thời vẫn lặng lẽ dâng hiến cho đời và những câu thơ này là một trong những câu thơ cuối cùng. "Một mùa xuân nho nhỏ" cuối cùng của Thanh Hải dâng tặng cho đời trước lúc ông bước vào thế giới cực lạc, chuẩn bị ra đi mãi mãi. Và “Viếng lăng Bác”, bài thơ gây một xúc cảm đặc biệt. Viễn Phương bằng một ngôn ngữ tinh tế, giàu cảm xúc sâu lắng đã diễn tả niềm kính yêu, sự xót thương và lòng biết ơn vô hạn của nhà thơ đối với lãnh tụ. Từ tình cảm thành kính, ngưỡng mộ mà toàn dân tộc Việt Nam dành cho Bác nhà thơ đã truyền cảm xúc của mình đến với người đọc khi nguyện làm tiếng chim hót, làm bông hoa đẹp, làm cây tre trung hiếu và sẵn sàng làm muôn ngàn công việc tốt để kính dâng Người:

Mai về miền Nam, thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng

Muốn làm bông hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

Mặc dù hiện tại nhà thơ đang đứng bên lăng Người, trong lăng Người nhưng khi nghĩ đến những ngày phải rời miền Bắc, ngày xa Bác Viễn Phương thấy bịn rịn không muốn rời. Tình cảm trong những ngày được sống bên Bác luôn luôn sâu lắng từng giây từng phút. Tác giả không thể nào ngăn được nữa những dòng nước mắt trào dâng và tha thiết.

"Mai về miền Nam thương trào nước mắt"

Câu thơ thật bình dị nhưng chứa chan tình thương ấp ủ sâu lắng tận đáy lòng làm cho mỗi chúng ta khi đọc lên cảm thấy vô cùng xúc động. Đây là một cách nói không hoa mỹ mà là một cách nói rất chân thành của người dân Nam Bộ nhưng lại lắng đọng trong lòng người không gì có thể nói và tả được. Cũng xuất phát từ tình cảm đó cho nên nhà thơ có ước nguyện thành kính và đây có thể là ước vọng chung của tất cả mọi người đã một lần hoặc chưa một lần gặp Bác.

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

Điệp ngữ “Muốn làm” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong đoạn thơ thể hiện ước nguyện muốn tự nguyện tự giác của Viễn Phương nhà thơ muốn làm con chim hót dâng tiếng hót vui. Muốn làm bông hoa dâng hương thơm và sắc đẹp. muốn làm cây tre trung hiếu canh giữ cho lăng Bác ngày đêm. Hình ảnh cây tre lại xuất hiện ở đoạn cuối bài thơ làm nhiệm vụ khép lại bài thơ một cách khéo léo, tạo cho người đọc một ấn tượng mạnh mẽ khó phai mờ. Hình tượng tre được chuyển hóa: “Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”. Khổ thơ đầu là hàng tre, khổ thơ cuối là cây tre. Nghĩa là muốn hóa thân thành một cây tre trong hàng tre kia để luôn được ở bên Bác, bộc lộ một tình cảm quyến luyến. Đó là tấm lòng yêu mến và sự tôn kính đối với Bác Hồ. Và thật cao đẹp biết bao khi nhà thơ muốn hóa thân làm cây tre trung hiếu, trong muôn ngàn cây tre quanh lăng Bác, để được ở mãi bên Bác. Hình ảnh cây tre ở khổ thơ thứ nhất được lặp lại trong khổ thơ cuối tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng, giúp hoàn thiện biểu tượng cây tre Việt Nam. Nếu ở khổ thơ thứ nhất, tre là hình ảnh tượng trưng cho phẩm chất kiên cường, bất khuất; thì ở khổ thơ cuối, hình ảnh cây tre được lặp lại nhưng là để tượng trưng cho phẩm chất trung hiếu. Cây tre đã trở thành biểu tượng toàn vẹn cho phẩm chất của con người và dân tộc Việt Nam.Bài thơ "Viếng lăng Bác" đã để lại trong lòng bạn đọc những cảm xúc sâu lắng và tha thiết. Bài thơ sẽ tiếp tục sống trong lòng người đọc, gợi nhắc cho những thế hệ kế tục thành quả rực rỡ của cách mạng cách sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh của một con người vĩ đại mà giản dị- Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã sống trọn một đời:

"Chỉ biết quên mình cho hết thảy

Như dòng sông chảy nặng phù sa"

Những lời tâm sự cuối cùng của người sắp mất luôn là những lời thực, luôn chứa chan tình cảm, ước nguyện sâu lắng nhất. Lời nguyện ước khi phải rời xa người mình kính yêu nhất luôn là những lời nguyện ước đáng tin nhất... Thanh Hải và Viễn Phương đã giãi bày, tâm tình những điều sâu kín nhất trong lòng, và chính lúc đó hai ông đã thả hồn vào thơ, cùng chung một nhịp đập với thơ để ông và thơ luôn được cùng nhau, hiểu nhau và giải bày cho nhau, để thơ mãi trường tồn. Và có tình yêu nào rộng lớn hơn tình yêu quê hương đất nước? Thấm nhuần tâm tư, ước nguyện của hai nhà thơ, chúng ta càng thêm tin yêu vào mùa xuân của đất nước và “mùa xuân nho nhỏ” trong lòng mình. Chúng ta muốn cùng con chim chiền chiện hót lên khúc ca ngọt ngào gọi xuân về, học thành tài để trở thành cây tre trung hiếu của đất nước, góp phần công sức nhỏ bé để tô điểm cho mùa xuân cuộc đời thêm đẹp.

---------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Trình bày suy nghĩ của em về ước nguyện được dâng hiến cho cuộc đời. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 9, Soạn bài lớp 9, Văn mẫu lớp 9, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 9, Soạn văn 9 siêu ngắn.

Đánh giá bài viết
1 177
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Bi
    Bi

    🧐🧐🧐🧐🧐🧐

    Thích Phản hồi 11/06/22
    • Laura Hypatia
      Laura Hypatia

      💯💯💯💯💯💯

      Thích Phản hồi 11/06/22
      • Thư Anh Lê
        Thư Anh Lê

        🤟🤟🤟🤟🤟🤟🤟

        Thích Phản hồi 11/06/22

        Soạn Văn 9 - Văn 9

        Xem thêm