Viết đoạn văn sử dụng thao tác lập luận bình luận
Viết đoạn văn sử dụng thao tác lập luận bình luận được VnDoc sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 9. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Đoạn văn sử dụng thao tác lập luận bình luận
Viết đoạn văn sử dụng thao tác lập luận bình luận - Mẫu 1
Lòng dũng cảm là một trong những đức tính vô cùng cần thiết và đáng quý ở mỗi con người. Dù ở nơi đâu khi làm bất cứ việc gì con người cũng đều cần đến lòng dũng cảm. Dũng cảm là không sợ nguy hiểm, khó khăn. Người có lòng dũng cảm là người không run sợ, không hèn nhát, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, các thế lực tàn bạo để bảo vệ công lí, chính nghĩa. Dũng cảm là sẵn sàng hy sinh bản thân mình để cứu giúp những người khó khăn hoạn nạn. Trong chiến tranh, nhờ những tấm gương dũng cảm như Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, La Văn Cầu… và bao tấm gương thương binh, liệt sĩ mà đất nước mới có được nền độc lập. Trong hoà bình những người lính, những chiến sĩ công an dũng cảm đấu tranh với tội phạm để bảo vệ bình yên cho nhân dân. Người dũng cảm là người bản lĩnh, dám đương đầu và không lùi bước. Và cũng như bản lĩnh, dũng cảm sẽ giúp con người vươn đến thành công. Người dũng cảm luôn được mọi người yêu mến và quý trọng. Qua đây ta cũng cần phê phán những người nhầm tưởng lòng dũng cảm với hành động liều lĩnh, mù quáng, bất chấp công lí. Phê phán những kẻ hèn nhát, bạc nhược không dám đấu tranh, không dám đương đầu với khó khăn thử thách để vươn lên trong cuộc sống. Dũng cảm là cần thiết, vì vậy cần rèn luyện tinh thần dũng cảm từ việc làm nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày.
Luôn đấu tranh loại bỏ sự hèn nhát, rèn cho mình ý chí, nghị lực, bản lĩnh. Hãy nhớ rằng, hèn nhát là bóng tối đẩy lùi bước tiến của xã hội và chỉ có dũng cảm mới có thể dẫn lối soi đường cho ta thoát khỏi con đường hầm tăm tối đó.
Viết đoạn văn sử dụng thao tác lập luận bình luận - Mẫu 2
Ngày nay môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề, mà nguyên nhân chính là do con người. Vì vậy việc bảo vệ môi trường là vô cùng cần thiết, trong đó có việc vệ sinh môi trường (Lập luận bình luận). Vệ sinh môi trường là cách giúp môi trường lành mạnh nhờ những việc làm nhỏ mà ý nghĩa. từ việc nhặt một miếng rác bỏ vào thùng rác đến việc làm lớn hơn như xử lí tốt các chất thải, từ việc vặn khóa tiết kiệm nước đến cả một vấn đề lớn hơn là tiết kiệm nguồn tài nguyên...Vệ sinh môi trường có vai trò vô cùng lớn trong việc cân bằng sinh thái, điều hòa khí hậu, ngăn ngừa thiên tai, giúp môi trường đất, nước, không khí thêm trong lành...Bảo vệ môi trường giống như việc bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta (Lập luận so sánh).Ngay từ bây giờ, chúng ta cũng có thể vệ sinh môi trường bằng nhiều cách đơn giản: vứt rác đúng nơi quy định, vệ sinh tập thể nơi mình đang sinh sống, tiết kiệm nguồn nước...
Viết đoạn văn sử dụng thao tác lập luận bình luận - Mẫu 3
Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Vậy, bản chất của ô nhiễm môi trường là gì? Đó là sự thay đổi tính chất của môi trường, khiến một hoặc nhiều chỉ số vật lí, hóa học vượt ngưỡng cho phép. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng này là do các hoạt động thiếu ý thức của con người: không xử lí rác thải đúng cách, sử dụng quá nhiều hóa chất bảo vệ thực vật hay đơn giản hơn là vứt rác bừa bãi… Ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn nạn toàn cầu, để lại những hậu quả khôn lường cả trước mắt và lâu dài. Sự can thiệp thô bạo của con người vào tự nhiên đã hủy hoại cân bằng sinh thái, cướp đi môi trường sống và đẩy nhiều loài động, thực vật tới nguy cơ tuyệt chủng. Đồng thời, hiệu ứng nhà kính đang xảy ra với cường độ ngày càng mạnh, khiến nhiệt độ Trái Đất tăng ở mức kỉ lục, kéo theo một loạt hệ lụy: biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đất đai bị nhấn chìm… Nhưng có lẽ, đối tượng chịu tác động lớn nhất từ hiện tượng này chính là sức khỏe con người với sự gia tăng chóng mặt của các căn bệnh liên quan trực tiếp tới yếu tố môi trường: ung thư, lao phổi, và dị tật ở trẻ sơ sinh. Đã đến lúc, chúng ta cần chung tay chống lại ô nhiễm môi trường bằng các hành động cụ thể: sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường, tích cực tham gia vào hoạt động của các tổ chức quốc tế, lên án gay gắt những hành vi hủy hoại môi trường… Bảo vệ môi trường không chỉ là công việc của chính phủ hay các nhà khoa học. Đó là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của tất cả chúng ta.
Viết đoạn văn sử dụng thao tác lập luận bình luận - Mẫu 4
Ngày 24 – 3 – 1926, cách đây đúng 80 năm, một tin chấn động lan khắp nước: chí sĩ Phan Châu Trinh đã qua đời. Ngày 4-4 tiếp liền đó, tại Sài Gòn, đã diễn ra đám tang của ông, mà Nguyễn Ái Quốc lúc ấy đã báo cáo với Quốc tế Cộng sản là “ trong lịch sử người An Nam chưa từng được chứng kiến một sự kiện to lớn như vậy bao giờ’. Hầu hết các tỉnh trong nước đều cử người về Sài Gòn dự tang lễ, rồi trở về địa phương mình tổ chức lễ truy điệu: thật sự đã diễn ra một quốc tang, trong toàn quốc, trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của chủ nghĩa thực dân.
Vì sao cái chết của con người ấy đã có thể gây ra trận “động đất” dữ dội đến vậy? Huỳnh Thúc Kháng dường như đã trả lời câu hỏi đó bằng đánh giá sau đây, thoạt nghe có thể rất lạ, ông viết. “Phan Châu Trinh là nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam”. Nên chú ý ông không nói “nhà yêu nước”, cũng không nói “người chiến sĩ giải phóng dân tộc”, những danh hiệu cũng hết sức cao quý.
Nhà cách mạng – khác với người yêu nước, người chiến sĩ giải phóng dân tộc – là người chủ trương không chỉ chống ngoại xâm, giành độc lập cho đất nước; nhà cách mạng là người chủ trương và thực hiện một cuộc thay đổi tận gốc xã hội, chuyển từ một xã hội này sang một xã hội khác, khác tận gốc, về cơ bản.
Phan Châu Trinh là một người như vậy. Ông là người Việt Nam đầu tiên nhận ra một cách sáng rõ, toàn diện, có hệ thống và triệt để nhất cuộc toàn cầu hóa đang diễn ra thời bấy giờ trên thế giới, cuộc toàn cầu hóa lần thứ nhất; thế giới đã thay đổi một cách căn bản, đã bước sang một thời đại khác; và Việt Nam đã thua, nước mất, dân tộc lâm vào cảnh nô lệ tàn khốc, mọi cuộc vùng dậy cứu nước đều thất bại bi thảm… chính là vì đã u mê mịt mù không hề nhìn thấy được thực tế mới to lớn đó.
Vậy nên, bài học đầu tiên của Phan Châu Trinh là bài học về một tầm nhìn chiến lược, chiến lược thời đại. Chính từ đó ông chủ trương một cuộc cách mạng xã hội chứ không chỉ là một cuộc chiến đấu chống ngoại xâm riêng rẽ, cụ thể.
Cũng từ đó, bài học thứ hai: vì vô cùng yêu nước, vô cùng đau đáu với số phận của dân tộc nên không hề mị dân, không tự hào hão một cách mù quáng, tự đánh lừa mình và đánh lừa quần chúng, Phan Châu Trinh là người dân nhìn thẳng vào những yếu kém chết người của dân tộc, hết sức quyết liệt, triệt để.
Một đỉnh núi cao thì càng đi ra xa càng thấy rõ hơn chiều cao của nó, và những dòng sông bắt nguồn từ đỉnh núi như vậy sẽ chảy đi rất xa. Những tư tưởng cơ bản của Phan Châu Trinh còn nóng hổi với hôm nay, thậm chí càng sống dậy sinh động hơn trong những ngày này, khị chúng ta lại một lần nữa đứng trước những thách thức mới của phát triển.
---------------------------------------
Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Viết đoạn văn sử dụng thao tác lập luận bình luận. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 9, Soạn bài lớp 9, Văn mẫu lớp 9, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 9, Soạn văn 9 siêu ngắn.