Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Anh chị có đồng tình với quan điểm khách hàng là thượng đế không? Vì sao?

Anh chị có đồng tình với quan điểm khách hàng là thượng đế không? Vì sao? được VnDoc sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 9. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Câu hỏi: Anh/Chị có đồng tình với quan điểm khách hàng là thượng đế không? Vì sao?

Trả lời:

Qua quá trình hợp tác phát triển kinh tế và ảnh hưởng văn hóa giữa các quốc gia với nhau, quan niệm “Khách hàng là Thượng đế” của người Nhật dần được nhiều nước châu Á khác áp dụng, trong đó có Việt Nam, như 1 kim chỉ nam cho hoạt động kinh doanh, luôn đề cao và xem trọng tiếng nói khách hàng.

Dù cửa miệng hay nói “Khách hàng là Thượng đế” tuy nhiên thực tế không ít nhân sự ngành dịch vụ không thực sự đối xử với khách hàng như vậy. Lý do là bởi phần lớn không coi trọng giữa lời nói và việc làm. Hễ thấy có khách nào đó đòi hỏi cao một chút, đưa ra một yêu cầu khó nào về sản phẩm - dịch vụ là phớt lờ không đáp ứng hay “túm 5 tụm 7” phán xét Thượng đế này nọ. Mà không chịu suy nghĩ tìm giải pháp giải quyết và xem đó là dữ liệu phản hồi quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu thiết kế chiến lược trải nghiệm khách hàng ngày càng tốt hơn.

Một trong những mấu chốt sống còn của ngành khách sạn - nhà hàng chính là chất lượng dịch vụ. Cho nên nếu muốn xây dựng thương hiệu và phát triển sự nghiệp kinh doanh lâu dài, nhà cung cấp cần quan tâm khách hàng mục tiêu muốn gì - phải làm gì để đáp ứng yêu cầu đó và chú trọng tính cá nhân hóa dịch vụ càng chi tiết càng tốt. Không chỉ nhà quản lý, mà từng cấp nhân viên làm việc trong khách sạn phải hiểu được tầm quan trọng của dịch vụ khách hàng và biết cách áp dụng vào công việc để ghi điểm ấn tượng nơi khách hàng. Do đó, công tác đào tạo nhân sự trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú - ẩm thực là vô cùng quan trọng.

Ở chiều ngược lại, nói như thế không có nghĩa là tất cả điều “Thượng đế” muốn và làm đều luôn luôn đúng - đặc biệt khi khách hàng đưa ra những yêu cầu phi lý hay cư xử thô lỗ với nhân viên. Bởi tôn trọng khách hàng không đồng nghĩa phải khụy lụy, khúm núm trước những hành vi thiếu văn hóa. Khi đó, nhân sự ngành dịch vụ cần được trao quyền từ chối khách hàng để không dung túng, nuôi dưỡng hành vi xấu trong xã hội. Và góp phần xây dựng cung cách hành xử chừng mực từ khách hàng.

Nếu xem “Khách hàng là Thượng đế” thì những hành vi, yêu cầu của khách hàng chính là “món quà từ Thượng đế”. Mà đã là món quà - bạn có quyền nhận hoặc từ chối.

Bình luận về câu nói Khách hàng là thượng đế – Bài làm 1

Câu nói "Khách hàng là thượng đế" thể hiện được tinh thần của giới kinh doanh nước Nhật Bản họ luôn coi trọng người mua hàng, khách hàng của mình, chăm sóc chu đáo tận tình, phục phụ hết mình để mang lại sự hài lòng cho khách hàng, để khách hàng khi đã tới mua hàng cho họ một lần lần sau sẽ đến nữa.

Đa số những người làm kinh doanh đều hiểu được tầm quan trọng của người mua hàng, khách hàng của mình. Bởi nếu chúng ta muốn tồn tại muốn kinh doanh và thu được lợi nhuận cao nhưng lại không quan tâm tới khách hàng thượng đế của mình thì chúng ta sẽ mãi mãi thất bại.

Bình luận về câu nói:"Khách hàng là thượng đế"

Khách hàng chính là sự ưu tiên số một hàng đầu của con người kinh doanh. Dù muốn hay không muốn mua hàng thì chúng ta cần cũng cần phải phục vụ chăm sóc chu đáo, để họ có thể đạt được sự hài lòng trong việc mua hàng.

Vì sao gọi khách hàng là thượng đế? Khách hàng chính là người bỏ tiền, bỏ những đồng tiền mồ hôi công sức của họ ra mua sản phẩm của người doanh nhân, giúp người doanh nhân kiếm được lợi nhuận có tiền để chi trả nhiều nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống như nhà cửa, xe ô tô, nhu cầu ăn mặc, học hành…

Nhờ có những người khách hàng mà mọi nhu cầu của người kinh doanh được giải quyết. Việc so sánh khách hàng là thượng đế, vì thượng đế là người có quyền lực tối cao mang lại cho con người những ước mơ biến thành hiện thực. Thì khách hàng cũng vậy, nếu người kinh doanh có nhiều khách hàng thì họ có thể đạt được những ước mơ của mình.

Thượng đế là một nhân vật do sức tưởng tượng của con người tạo ra, những khách hàng thì không, họ chính là những con người bằng xương bằng thịt hoàn toàn có thật. Họ có chính là người có khả năng biến ước mơ của nhà kinh doanh thành sự thật, không cần trông chờ vào thượng đế một người không có thật.

Vì vậy, mỗi người nhân viên kinh doanh cần phải chăm sóc khách hàng của mình như một vị chúa, vị chúa của muôn loài, có quyền lực đáp ứng nhu cầu mong mỏi của mọi người, một vị thượng đế có quyền lực vô cùng tối cao. Bởi túi tiền của mỗi vị khách hàng chính là nguồn sống, nguồn chi tiêu nuôi sống nhu cầu thiết yếu của rất nhiều con người trong gia đình nhà kinh doanh và nhân viên bán hàng.

Chứng minh cho điều này chính là công ty xe máy sản xuất Honda họ đã sử dụng nhiều dự án truyền thông dạy người khách hàng của mình cách sử dụng xe, lái xe hiệu quả những tình huống khi tham gia giao thông an toàn. Để thực hiện chiến dịch truyền thông này công ty kinh doanh đã tốn nhiều chi phí nhưng bù lại thương hiệu xe máy này không bao giờ bị ghét ở Việt Nam nó là sự lựa chọn số một tại nước ta.

Bên cạnh đó, muốn kinh doanh tốt chúng ta cần phải biết tiếp thu lắng nghe ý kiến góp ý của khách hàng, việc gì đã được và việc gì chưa làm khách hàng hài lòng thì cần phải sửa sai, tránh để cho các khách hàng của mình phật ý, sẽ làm mất khách, như vậy chúng ta tự dân túi tiền của mình cho đối thủ cạnh tranh.

Khi người kinh doanh biết lắng nghe ý kiến của thượng đế sẽ mang lại sự hài lòng cho thượng đế có như vậy các thượng đế, con trời mới nhớ tới người kinh doanh mà quay lại mua hàng lần hai, lần ba, rồi giới thiệu cho bạn bè người thân của họ tới mua hàng bạn sẽ có nhiều cơ hội được chăm sóc tiếp cận với nhiều thượng đế mới.

Câu nói "Khách hàng là thượng đế" là câu nói hoàn toàn đúng đắn, nhằm khuyên những người bán hàng những nhà kinh doanh phải biết lắng nghe những ý kiến của khách hàng, chăm sóc khách hàng chu đáo mang lại cho họ sự hài lòng tận tình, có như vậy bạn mới có chỗ đứng trong giới kinh doanh và có thể tồn tại được.

Câu nói "Khách hàng là thượng đế" muốn khẳng định một chân lý vô cùng đúng đắn mỗi con người kinh doanh muốn tồn tại được, muốn trở thành doanh nhân thành đạt thực hiện được ước mơ, mục tiêu kinh doanh của mình, thì không tuyệt đối không được coi thường những vị khách hàng chính là thượng đế của mình.

Bình luận về câu nói Khách hàng là thượng đế – Bài làm 2

Đối với ai khi khởi nghiệp bất cứ một lĩnh vực nào đó, từ tập đoàn lớn đến cửa hàng nhỏ và vừa đều phải “nằm lòng” câu nói này. Bởi nó chính là kim chỉ nam, là định hướng, là chiến lược quyết định sự thành bại của bạn.“Khách hàng là thượng đế” trở thành một trong những câu nói thể hiện hoàn mỹ nhất ở giới doanh nhân những người làm nghề “thiên hạ” này.

Hầu hết doanh nhân của mọi quốc gia trên thế giới đều nhận thức một cách đầy đủ và nhất quán về tầm quan trọng của khách hàng. Lấy khách hàng làm mục tiêu chiến đấu. Nếu như các doanh nhân Châu Âu gọi khách hàng là “vua”, doanh nhân Trung Quốc gọi khách hàng là ông Thần Tài, thì doanh nhân Nhật gọi khách hàng là “Thượng Đế”. Nhưng nghiên cứu một cách khách quan nhất về khách hàng, thực sự coi trọng tầm quan trọng của khách hàng, phục vụ khách hàng chu đáo nhất có lẽ phải kể đến doanh nhân Nhật. Một trong những yếu tố làm nên thương hiệu của họ trên thị trường thế giới.

Bạn phải nắm vững những nguyên tắc này để có thể kinh doanh thắng lợi nhất. Đầu tiên phải xem khách hàng là ưu tiên số 1 đối với người tiêu dùng, chỉ cần họ muốn mua hàng là có thể mua được ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Nếu không đủ tiền họ có thể mua trả góp; nếu không có thời gian, sẽ có người đưa đến tận nơi; nếu không biết sử dụng, chỉ cần họ gọi một cú điện thoại là chủ cửa hàng sẽ cử người đến tận nơi lắp đặt, chạy thử và hướng dẫn cách sử dụng.

Nếu người bán biết đứng trên lập trường của khách hàng, xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, luôn suy nghĩ cho khách hàng thì họ nhất định sẽ được khách hàng tin cậy, sự nghiệp của họ nhất định sẽ có nền tảng vững chắc. Một doanh nhân thành đạt của Nhật Bản nói rằng: “Không suy nghĩ cho lợi ích của khách hàng thì doanh nghiệp không thể làm ăn phát đạt. muốn có lợi thì trước hết ta phải gieo mầm thiện cho người cái thiện, sau đó cái thiện sẽ báo đáp ta”.

Thứ 2, toàn tâm toàn ý nghĩ cho khách hàng. Đây là phương châm kinh doanh của rất nhiều công ty lớn trên thế giới. Nhiều công ty lớn còn viết nó vào nội quy của mình.

Có thể kể đến là Nhật Bản, nhắc tới Nhật Bản có lẽ Công ty Honda chính là thương hiệu chiếm được cảm tình nhất của khách hàng, không chỉ vì chất lượng sản phẩm mà còn là thái độ phục vụ. Năm 1967, trong “làn sóng khiếm khuyết xe hơi” xảy ra ở Mỹ, thái độ của hãng Honda Nhật Bản đã khiến người Mỹ khâm phục. Vì sự an toàn tính mạng của người tiêu dùng, Honda đã chủ động khai báo khiếm khuyết. Honda đã dứt khoát kiên trì nguyên tắc kinh doanh “tất cả suy nghĩ cho khách hàng” của mình. Vì sự an toàn tính mệnh của khách hàng, hãng đã chấp nhận mạo hiểm với nguy cơ bị đóng cửa. Trong số tất cả các nhà sản xuất xe hơi, Honda là hãng đầu tiên khai báo với chính phủ Mỹ về các khiếm khuyết tồn tại ở dòng xe CT2000 của mình.

Thứ 3, hàng tốt giá rẻ là phương châm kinh doanh kinh hàng đầu. Thị trường luôn biến đổi khôn lường, sở thích của người tiêu dùng cũng thay đổi nhanh chóng. Nhưng có một chân lý bất biến: “hàng tốt giá rẻ” là yêu cầu chung của đa số người tiêu dùng. Doanh nhân hay thậm chí là những cửa hàng nhỏ phải kiên trì lấy thị trường làm trung tâm, tìm mọi cách tìm hiểu nhu cầu của khách hàng và cung cấp hàng hóa chất lượng cao với giá rẻ cho người tiêu dùng.

Thị trường xe hơi và đồ điện gia dụng của Nhật phát triển muộn hơn so với nhiều nước Châu Âu nhưng lại có chất lượng tốt, giá rẻ, có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế, thậm chí còn áp đảo sản phẩm cùng loại của nhiều nước tiên phong. Bí quyết của người Nhật là hệ thống quản lý chất lượng hoàn thiện và kỹ năng quản lý giá thành độc đáo.

Thứ 4, lắng nghe ý kiến khách hàng. Tuy đã thực hiện việc quản lý chất lượng toàn diện nghiêm ngặt nhưng họ hiểu rất rõ rằng quản lý chất lượng chặt chẽ đến mấy cũng không thể đảm bảo sản phẩm hoàn toàn không có vấn đề. Vì vậy họ coi dịch vụ hậu mãi là sự kéo dài tự nhiên của quản lý chất lượng toàn diện.

Trong mắt doanh nhân, khái niệm “dịch vụ” không chỉ có nghĩa là tạo sự tiện lợi cho khách hàng mà còn có nghĩa là có thái độ ứng xử đúng mực khi xử lý sự không hài lòng và khiếu nại của khách hàng một cách công bằng, nhanh chóng và không hề miễn cưỡng

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nhà kinh doanh chỉ vì đồng tiền mà bỏ qua trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với khách hàng. Họ sản xuất các mặt hàng kém chất lượng, thậm chí sử dụng nhiều hóa chất độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nghiêm trọng hơn là tính mạng của chính khách hàng của mình.

Bên cạnh đó, nhiều chủ quán, chủ nhà hàng hay doanh nghiệp vì xem mình là “bá chủ thế giới” nên khi họ sử dụng sản phẩm của mình đã nhận lại thái độ phục vụ mà đáng nhẽ ra, họ bỏ đồng tiền của mình ra thì phải nhận lại những điều xứng đáng hơn.

Điển hình cho trường hợp này, quán "bún chửi" của bà Hán Kim Thảo (61 tuổi) tại số 41 Ngô Sĩ Liên, Hà Nội đã trở thành địa chỉ ăn ngon của giới Hà thành nhưng thái độ phục vụ ở đó theo nhiều người nhận xét là quá chán. Những chính cái tên "bún chửi" dường như đã trở thành thương hiệu và chúng tôi nghĩ đây cũng là một phần nguyên nhân khiến người ta kéo đến đây nườm nượp mỗi ngày. Suy cho cùng, chính khách hàng tiếp tay cho các loại hình dịch vụ phi lý này tồn tại. Đây chỉ là một trong số nhiều ví dụ điển hình về việc thờ ơ, dễ dàng chấp nhận bỏ qua cho được việc của một số người, khiến văn hóa phục vụ của Việt Nam bị méo mó.

Từ đó, chúng ta thấy rằng: Xem khách hàng chính là thượng đế là phương châm kinh doanh chưa hề sai đối với mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng xem họ là đúng, có những khách hàng “ có vấn đề” đã tìm mọi cách chống phá làm hủy hoại tới thương hiệu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, họ sẵn sàng loại bỏ những đối tượng khách hàng chuyên gây nhiễu này.

Bình luận về câu nói Khách hàng là thượng đế – Bài làm 3

Có lẽ câu nói: “khách hàng là thượng đế” đã không còn xa lạ với mỗi người chúng ta dù bạn ở cương vị là người bán hay người mua. Hầu hết mọi doanh nhân của các quốc gia trên thế giới đều nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của khách hàng bởi xét cho cùng “ tiêu dùng là đích đến cuối cùng và mục tiêu của mọi ngành sản xuất.”

Nói đến Thượng đế, chúng ta đều nghĩ ngay đến một vị thần quyền năng nắm trong tay quyền lực vĩ đại. Vậy khách hàng thực sự có quyền năng như một vị thần tối cao ? Đối với kinh doanh thì đúng là như vậy. Trong lĩnh vực kinh doanh, các nhà kinh doanh dù lớn hay nhỏ đều đi đến cái đích cuối cùng là mang các sản phẩm, dịch vụ của mình đến được tay người tiêu dùng-khách hàng. Số lượng khách hàng của một doanh nghiệp hay cửa hàng quyết định thành bại trong sự phát triển của nó. Bạn đã bao giờ nhìn thấy một cửa hàng có rất ít khách hàng, thậm chí là không có khách, có thể tồn tại được lâu ? Mục đích của kinh doanh chính là lợi nhuận. Lợi nhuận của thể giúp các doanh nghiệp, thương buôn,… phát triển, đi cùng với đó là cơ hội kiếm thêm thu nhập của rất nhiều con người. Lợi nhuận được sinh ra từ đâu? Không khó để chúng ta hiểu rằng nguồn khách hàng tỷ lệ thuận với lợi nhuận. Chính vì thế, chúng ta không thể phủ nhận được tầm quan trọng của khách hàng.

Không chỉ có vậy, khách hàng là thước đo chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Số lượng khách hàng và sự phản hồi, bình luận được đóng góp từ phía khách hàng vừa là lời động viên, vừa là sự phê bình, vừa là những giải pháp giúp các nhà kinh doanh tự hoàn thiện một cách tốt nhất. Hiểu sâu sắc được điều này, đa phần các doanh nghiệp cho rằng : khách hàng là ưu tiên số một. Là một người bán hàng, chúng ta nên nhìn từ góc nhìn của khách hàng, quan tâm đến mong muốn của khách hàng, luôn suy nghĩ cho khách hàng .Nếu có thể làm tốt điều này, họ nhất định sẽ được khách hàng tin tưởng, sự nghiệp của họ nhất định sẽ có nền tảng vững chắc.

Một minh chứng rõ ràng cho việc coi khách hàng như thượng đế phải kể đến, đó là các doanh nghiệp Nhật Bản. Ở Nhật Bản, đối với người tiêu dùng, chỉ cần họ muốn mua hàng là có thể mua được ở bất kì đâu, và bất kì lúc nào. Chương trình mua trả góp được áp dụng với những khách hàng không đủ tiền mua sản phẩm, nếu khách hàng quá bận rộn sẽ có người đưa đến tận nơi, nếu không biết sử dụng, chỉ cần một cú điện thoại là chủ cửa hàng sẽ cử người đến tận nơi lắp đặt, chạy thử và hướng dẫn cách sử dụng. Ông Yoshida Tadao, người sáng lập công ty khóa kéo YKK đã từng nói: “ Không suy nghĩ cho lợi ích của khách hàng thì không thể làm ăn phát đạt.” Trên thế giới hiện nay, các phương thức chăm sóc khách hàng chu đáo như của người Nhật vẫn đang được phát triển và mở rộng. Nhà kinh doanh ở châu Âu gọi khách hàng là vua, “ Thần Tài”là cách người Trung Quốc gọi khách hàng, các doanh nghiệp vẫn luôn thể hiện với khách hàng sự toàn tâm toàn ý và luôn lắng nghe ý kiến của khách hàng.

Khách hàng luôn được ưu ái và coi trọng là thế, vậy nên khi ở cương vị là một khách hàng được hưởng rất nhiều quyền ưu đãi từ doanh nghiệp và sự nhún nhường từ các nhân viên bán hàng, hãy là một nhà tiêu dùng thông minh và lịch sự. Thực tế chứng minh rằng, các “thượng đế” biết mình được đối xử như thượng đế mà có những thái độ và hành vi không mấy tích cực. “Khách hàng là Thượng đế” không có nghĩa là khách hàng luôn đúng. Việc bạn sử dụng tiền để mua sản phẩm và sử dụng dịch vụ không đồng nghĩa với việc bạn được quyền cư xử thô lỗ và quá đáng với những người cung cấp sản phẩm hay dịch vụ đó. Hành động của chính khách hàng đối với nhà cung cấp đôi khi còn thể hiện họ có thực sự là một “thượng đế” hay không?

Khi khách hàng và doanh nghiệp xảy ra mâu thuẫn, người tiêu dùng luôn chiếm lợi thế hơn về mình và được bảo vệ bởi nhiều hiệp hội, trong khi doanh nghiệp lại ít được bảo vệ bởi các cơ quan chức năng. Chúng ta không thể đổ lỗi cho các nhà kinh doanh khi không làm theo mọi yêu cầu của khách hàng. Doanh nghiệp, các nhà bán hàng hay nhân viên có thực sự có lỗi chỉ vì khách hàng không biết tắt một chiếc máy tính bị nhiễm vi rút ? Việc máy tính bị nhiễm vi rút là do chất lượng của sản phẩm hay do bản thân người tiêu dùng bất cẩn. Đó là chưa kể đến việc họ sử dụng ngôn từ không mấy thiện cảm, thái độ gay gắt để chỉ trích người bán hàng dù cho rất nhiều sai sót bắt nguồn từ phía họ.

“Khách hàng là thượng đế” là câu nói từ lâu đã in sâu vào văn hóa thương mại. Doanh nghiệp lấy khách hàng làm trọng, luôn đặt những lợi ích và sự hài lòng của khách hàng lên trên hết. Quan niệm này đúng nhưng vẫn chưa thật hoàn thiện. Khách hàng còn là bạn đồng hành cùng doanh nghiệp. Chỉ như vậy, đôi bên mới cùng có lợi và kinh doanh mới có thể thành công.

---------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Anh chị có đồng tình với quan điểm khách hàng là thượng đế không? Vì sao? Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 9, Soạn bài lớp 9, Văn mẫu lớp 9, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 9, Soạn văn 9 siêu ngắn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
2 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Bọ Cạp
    Bọ Cạp

    😜😜😜😜😜

    Thích Phản hồi 04/06/22
    • Bông cải nhỏ
      Bông cải nhỏ

      💯💯💯💯💯💯💯💯

      Thích Phản hồi 04/06/22
      🖼️

      Gợi ý cho bạn

      Xem thêm
      🖼️

      Soạn Văn 9 Sách mới

      Xem thêm