Biện pháp tu từ trong bài Đoàn thuyền đánh cá
Biện pháp tu từ trong bài Đoàn thuyền đánh cá
Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá sử dụng những biện pháp tu từ nào? Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra những biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ như Nghệ thuật so sánh, nhân hóa, liên tưởng biện pháp ẩn dụ, liệt kê..., mời các bạn tham khảo.
Câu hỏi: Biện pháp tu từ trong bài Đoàn thuyền đánh cá
Trả lời:
Nghệ thuật so sánh, nhân hóa, liên tưởng:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa”
Tác dụng: đưa hình ảnh thiên nhiên gần gũi với con người và thiên nhiên rộng lớn cũng không còn đối lập, tất cả như mang lại một cái gì đó gần gũi, thân thiết, vũ trụ bao la là ngôi nhà lớn của con người
"Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm với gió khơi”
- Biện pháp tu từ ẩn dụ: "câu hát căng buồm"
-Tác dụng: nhấn mạnh đoàn thuyền đánh thức biển đêm, và đây không phải là lần đầu tiên mà là những hoạt động thường xuyên của người đánh cá trên biển, hình ảnh thơ mộng, khỏe khoắn và đầy lãng mạn của người dân lao động làm chủ thiên nhiên, đất nước, sự giàu có của biển cả và cả sự hi vọng về một chuyến ra khơi nhiều hải sản.
- Biện pháp liệt kê:
“Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”
Liệt kê các loài cá=> Sự phong phú và giàu có của biển của mẹ thiên nhiên.
1. Hoàn cảnh sáng tác
- Giữa năm 1958, Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh.
- Từ chuyến đi thực tế này, hồn thơ Huy Cận mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống.
- Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá được sáng tác trong thời gian ấy và in trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958)
2. Ý nghĩa nhan đề
Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc thuộc phong trào Thơ mới. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” tiêu biểu cho phong cách thơ Huy Cận. Tác phẩm được sáng tác giữa năm 1958, trong một chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Nhờ có chuyến đi thực tế này, hồn thơ Huy Cận mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống. Bài thơ được in trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958). Nhan đề bài thơ gợi ra nhiều ý nghĩa. Trước hết, ta có thể xác định được hình ảnh trung tâm trong bài thơ là đoàn thuyền đánh cá. Đầu tiên “đoàn thuyền” - không chỉ một con thuyền mà là rất nhiều con thuyền cùng nhau ra khơi, để làm công việc lao động quen thuộc với cuộc sống của họ “đánh cá”. Qua hình ảnh này, nhà thơ muốn ca ngợi sự đoàn kết của nhân dân trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời ca ngợi vẻ đẹp trù phú của thiên nhiên Việt Nam, cũng như bộc lộ tình yêu sâu đậm với quê hương, đất nước.
3. Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá
Huy Cận là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới giai đoạn 1930 và của nền văn học Việt Nam thế kỷ 20. Đoàn thuyền đánh cá được Huy Cận sáng tác trong một chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Bài thơ tái hiện cảnh sắc thiên nhiên và không khí lao động của một vùng biển giàu đẹp ở miền Bắc trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Không khí lao động vui tươi, sôi nổi, khẩn trương của những người ngư dân được thể hiện rõ qua khổ thơ đầu và khổ thơ cuối của bài thơ.
Khổ đầu và khổ cuối của bài thơ là hai bức tranh thiên nhiên lúc hoàng hôn và bình minh, cảnh đoàn tàu ra khơi và trở về, tuy cảnh khác nhau nhưng đều góp phần làm nổi bật hình ảnh con người mới: yêu lao động, có tinh thần trách nhiệm, yêu cuộc sống…
Hình ảnh đoàn thuyền hừng hực khí thế ra khơi đánh cá qua khổ thơ đầu:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.
Cảnh hoàng hôn từ trên biển được miêu tả thật ấn tượng, rực rỡ ánh sáng. Hình ảnh so sánh “như hòn lửa ” gây sự chú ý mạnh mẽ. Cách so sánh độc đáo, sáng tạo bất ngờ gợi cho ta cảnh mặt trời từ từ lặn xuống biển, để lại những tia nắng cuối ngày trong khoảng không gian bao la của vũ trụ. Mặt trời như một quả cầu lửa khổng lồ, thật rực rỡ, huy hoàng đang chìm dần xuống biển. Phép so sánh độc đáo càng nâng cao hơn nữa sự kì vĩ, huy hoàng rực rỡ của mặt trời.
Phép nhân hóa “sóng cài then, đêm sập cửa” diễn đạt bước di của thời gian: vũ trụ đi vào trạng thái nghỉ ngơi, không gian yên tĩnh chuyển từ trạng thái động sang tĩnh. Màn đêm buông xuống thật nhanh. Cách cửa vũ trụ đã khép lại mở ra một không gian mới: không gian của cuộc sống lao động của con người.
Trên nền cảnh cảnh thiên nhiên hùng vĩ là hình ảnh người lao động trên biển. Hình ảnh đoàn thuyền hừng hực khí thế ra khơi biểu hiện sức mạnh của người ngư dân, của tập thể lao động đoàn kết, với sức mạnh làm chủ hoàn cảnh. Khi ánh sáng ban ngày dần tắt, màn đêm chiếm ngự không gian, vũ trụ đi vào yên nghỉ thì cũng là lúc họ bắt đầu công việc, bắt đầu một ngày lao động mới
Bút pháp lãng mạn, hình ảnh tưởng tượng độc đáo, bay bổng: “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”. Tiếng hát là biểu tượng của niềm vui, niềm lạc quan yêu đời, niềm hân hoan trong cuộc sống. Chi tiết tưởng tượng đó thể hiện niềm hân hoan bất tận trong tâm hồn con người. Niềm vui đó lan tỏa vào không gian, tạo hứng khởi cho con người bắt tay vào công việc lao động.
Đoàn thuyền ra đi trong một không khí vô cùng hào hứng, một hình ảnh đẹp và nên thơ. Ta thấy hình ảnh chiếc buồm căng không chỉ vì “gió” mà còn do ngập cả không gian bao la, tiếng hát vang lên trong tâm tư người đánh cá, trong niềm mê say sự giàu đẹp của biển cả mênh mông. Từ “lại” diễn tả sự lặp lại nhiều lần, tính chất đều đặn, thường xuyên của một công việc…
Khổ thơ đầu ngợi ca sự khỏe khoắn của con người trong lao động, với cảnh ra khơi đầy khí thế, hăng say, phấn khởi và thiên nhiên biển cả đẹp đẽ, bao la.
Sau một đêm làm việc miệt mài, hăng say giữa biển khơi, con người đã thu hoạch được những thành quả mỹ mãn. Niềm hy vọng, ước mơ lúc ra khơi giờ đây đã trở thành hiện thực. Cảnh bình minh trên biển mở ra một không gian mới. Chi tiết tưởng tượng lãng mạn “câu hát căng buồm” được lặp lại thể hiện niềm vui bất tận, sảng khoái của người ngư dân sau một đêm lao động vất vả. Tầm vóc con người trở nên lớn lao phi thường. Họ hoàn toàn chủ động, làm chủ tình huống, làm chủ cuộc sống và thiên nhiên.
Biện pháp tu từ nhân hóa “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời” khiến cho hình ảnh hào hùng, vừa chân thực vừa lãng mạn. Nếu ở khổ thơ đầu, thiên nhiên đối lập với hoạt động của con người thì ở đây thiên nhiên đồng hành cùng con người, hỗ trợ con người hoàn thành công việc lao động và nâng đỡ con người về với đất liền.
Hình ảnh bình minh hoành tráng, rực rỡ và gợi cảm hơn nhờ phép nhân hóa “mặt trời đội biển nhô màu mới”. Dưới ánh bình minh báo hiệu một ngày mới tinh khôi, con người đã trở về. Thiên nhiên hòa quyện vào công việc lao động của con người, chứng kiến thành quả lao động tốt đẹp của con người.
Bài thơ có giọng điệu tươi tắn, khí thế khẩn trương cũng góp phần bộc lộ sâu sắc cảm xúc chủ đạo xuyên suốt các khổ thơ: niềm vui trước cuộc sống mới, niềm tự hào của con người được làm chủ cuộc đời của chính mình.
Hai khổ thơ là sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn đặc sắc. Bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, cuộc sống lao động sinh động phản ánh hiện thực cuộc sống lao động khẩn trương, sôi nổi tràn ngập niềm vui của những năm đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc nước ta. Trung tâm của bức tranh là hình ảnh con người mới với tinh thần lạc quan, yêu đời, không khí hăng say lao động, với tư thế của người làm chủ thiên nhiên, đất nước, làm chủ cuộc sống, làm chủ bản thân. Hai khổ thơ còn là một bài ca lao động, một khúc ca ca ngợi cuộc sống mới và phẩm chất con người mới trong lao động.