Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đặc điểm nhân vật Trương Sinh

Đặc điểm nhân vật Trương Sinh được VnDoc sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 9. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Câu hỏi: Đặc điểm nhân vật Trương Sinh

Lời giải:

- Gia thế: Là con trai duy nhất trong một gia đình hào phú, cưới được người con gái vừa đẹp người đẹp nết Vũ Nương.

- Là người ít học.

- Tính tình: gia trưởng, độc đoán, đa nghi, ghen tuông vô cớ. Nghe câu nói ngây thơ của con trẻ, lòng ghen tuông của chàng trỗi dậy lấn át cả tình thương khiến chàng hành động mù quáng. Có những lời thô bỉ, tệ hại với người vợ hết mực thủy chung. Không nghe lời vợ cùng họ hàng, hàng xóm giải thích

- Hành động bộc phát, thiếu suy nghĩ, không chịu phân tích sự việc một cách cẩn thận,... Đặc biệt là vô tình bạc nghĩa với chính người vợ bên gối của mình.

=> Trương Sinh là đại diện cho thế lực tàn ác và sự bất công của chế độ phong kiến đương thời.

1. Phân tích nhân vật Trương Sinh

“Chuyện người con gái Nam Xương” là truyện thứ 16 trong tập truyện Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Truyện có nguồn gốc từ các truyện cổ tích Việt Nam có tên là “Vợ chàng Trương”. So với truyện cổ tích “Vợ chàng Trương”, tác phẩm này phức tạp hơn về tình tiết và sâu sắc hơn về cảm hứng nhân văn.

Nhân vật Trương Sinh được nhắc đến trong truyện như một nhân vật phụ, có vai trò làm nổi bậc các tình huống truyện xảy ra, càng khắc sâu hơn tấn bi kịch cuộc đời của nhân vật Vũ Nương. Mở đầu câu chuyện, Trương Sinh được giới thiệu là con nhà khá giả (hào phú) nhưng thất học, lại có tính hay đa nghi. Trương Sinh chỉ còn có mẹ già. Điều kiện vốn sung túc nhưng Trương lại là người lười biếng học tập, không có khát vọng công danh.

Vì yêu mến dung hạnh của Vũ Nương, Trương Sinh đã xin mẹ đem trăm lượng vàng cưới nàng về làm vợ. Nhưng đối với vợ, Trương Sinh lại hay phòng ngừa quá mức. Dù Vũ Nương đã hết sức giữ gìn khuôn phép, vợ chồng chưa bao giờ thất hòa nhưng chàng ta vẫn luôn đa nghi, thiếu lòng tin tưởng. Có ngờ đâu, chính sự đã nghi này của Trương Sinh đã gây ra mối tai họa lớn.

Cuộc sum gia đình mới cưới chẳng được bao lâu, triều định bắt lính đi đánh giặc Chiêm. Trương Sinh tuy con nhà hào phú nhưng không có học nên phải đầu quân ra trận. Tuy lúc này Vũ Nương đã có thay, và có thể thay mình chăm sóc mẹ nhưng do bản tính của mình mà chàng ta vẫn canh cánh trong lòng một nỗi hoài nghi lớn

Chính vì thiếu lòng tin tưởng vợ cho nên khi giặc giữ bị phá, chàng trở về, nghe câu nói ngây thơ của con trẻ, lòng ghen tuông của chàng trỗi dậy lấn át cả tình thương khiến chàng hành động mù quáng. Trương Sinh đã đem lời mắng nhiếc, đánh đập Vũ Nương thậm tệ khiến nàng vô cùng đau đớn. Những lời thô bỉ, tệ hại trên đời chàng đều trút lên đầu vợ cho thỏa nỗi hoài nghi và cơn giận dữ bấy lâu, không cần quan tâm đến lời giãi bày, biện minh của vợ.

Trương Sinh còn là một con người hết sức cố chấp, bảo thủ. Nếu đã tin tưởng điều gì thì chàng ta khó lòng mà thay đổi. Khi Vũ Nương van nài muốn hiểu rõ nguồn cơn sự việc, chàng đã không nói. Bởi Trương Sinh tin tưởng rằng trẻ con thì không biết nói rồi, và mình đã biết được sự thật và Vũ Nương chỉ đang cố gắng tìm lời mà thoái thác, phủ lấp sự việc. Chính hành động ích kỉ ấy của chàng đã đẩy Vũ Nương đến sự tuyệt vọng, khiến nàng phải lấy cái chết để chấm dứt nỗi ô nhục và dày vò ghê gớm này.

Trương Sinh còn là một người vô tình bạc nghĩa. Khi Vũ Nương chết, Trương Sinh tuy giận cũng động lòng thương, tìm vớt thây nàng nhưng không thấy. Sau đó cũng không cất công tìm thêm nữa mặc thân xác nàng liệu có trôi nổi ở phương trời nào. Dẫu Vũ Nương có bội tình thì đó cũng là vợ chàng, người có công phụng dưỡng mẹ già lúc chàng đi lính. Thế nhưng, Trương Sinh đã không mảy may tưởng đến. Chàng ân đoạn nghĩa tuyệt với nàng, xem nàng là một nỗi ô nhục lớn, một thất bại trong cuộc đời mình.

Cho đến một hôm khi ôm con trong nỗi cô đơn quạnh quẽ, cũng từ câu nói ngây thơ của con trẻ, Trương Sinh mới hiểu ra mối oan tình của vợ, nhưng việc đã rồi, Trương Sinh cũng lẳng lặng quên đi. Tuy có chút lòng cảm thương, ân hận nhưng sĩ diện quá lớn khiến chàng mặc nhiên để sự việc đó đi qua. Dường như đối với Trương Sinh, chàng có quyền làm điều đó, bắt vợ phải theo ý nghĩ của mình. Chàng cho mình có quyền sỉ nhục, lăng mạ hay định đoạt sinh mệnh của người khác. Kể cả khi chàng lập đàn giải oan trên bến Hoàng Giang, Vũ Nương hiện về nhưng nàng không trở lại với trần thế nữa bởi vì Trương Sinh nào có thể bỏ được tính hồ nghi, lòng hẹp hòi, ích kỉ.

Nguyễn Dữ đã rất thành công khi xây dựng nhân vật Trương Sinh. Chỉ bằng vài dòng khắc học ngắn gọn nhưng nhân vật đã trở nên nổi bậc, làm nền tảng vững chắc để xây dựng cuộc đời và số phận Vũ Nương. Bản chất của Trương Sinh hay cũng chính là bản chất bất công thối nát của xã hội phong kiến đương thời đã chà đạp lên số phận con người. Tính cách cố chấp, bảo thủ của Trương Sinh phản ánh chế độ nam quyền, trọng nam khinh nữ đã gây nên biết bao tấn bi kịch thương tâm trong lịch sử phong kiến nước ta.

2. Cảm nghĩ của em về nhân vật Trương Sinh

Trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ, nhân vật Trương Sinh là người đàn ông gia trưởng, vốn tính đa nghi và hoàn toàn có cái thế của người chồng trong xã hội phong kiến. Cuộc hôn nhân của Trương Sinh và Vũ Nương là cuộc hôn nhân không có tình yêu, Trương Sinh "mến vì dung hạnh" nên đem trăm lạng vàng cưới về. Và khi Trương Sinh đi lính về, tâm trạng lại nặng nề vì tin mẹ mất. Sự nặng nề đó, kết hợp với thói đa nghi và lời nói của đứa con nhỏ đã kích động thói ghen tuông của Trương. Anh ta đinh ninh là vợ hư: "mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được". Trương Sinh đã xử sự hồ đồ, độc đoán, la mắng, đánh đuổi vợ, không bình tĩnh phán đoán, phân tích sự việc, cũng không tin hàng xóm bênh vực Vũ Nương và những lời phân trần của nàng. Đó là thái độ độc đoán, vũ phu, hồ đồ, đẩy người vợ đến cái chết.

3. Đóng vai Trương Sinh để kể lại truyện Chuyện người con gái Nam Xương

Thời gian qua nhanh như cơn gió thoảng, chỉ mới thoáng chốc đã hơn hai mươi năm trôi qua, thế nhưng, sự việc ấy vẫn cứ như mới xảy ra ngày hôm qua vậy. Đến tận bây giờ, nỗi hối hận vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng Trương Sinh tôi. Sự ghen tuông mù quáng, sự nghi kị với vợ của mình đã khiến tôi mất đi một người vợ hiền dịu, nết na, khiến cho hạnh phúc gia đình tan vỡ.

Gia đình họ Trương tôi vốn chỉ có tôi là con trai độc nhất nên ngay từ nhỏ, tôi đã được cha mẹ vô cùng nuông chiều. Tình cách của tôi đặc biệt không tin tưởng người khác tuyệt đối bao giờ, ngay cả với những người thân trong nhà. Đến tuổi dựng vợ gả chồng, trong làng có nàng Vũ Nương, tính tình hiền dịu hết mức, lại xinh đẹp, nết na, tôi mến dung hạnh của nàng mà nhờ mẹ đem trầu cau cùng trăm lạng vàng sang rước nàng về làm vợ. Tuy là vợ chồng chung chăn chung gối, nhưng tôi cũng không thực tin tưởng Vũ Nương, bởi vậy nên luôn phòng ngừa nàng trong mọi chuyện. Nhưng Vũ Nương quả chẳng phụ lòng tôi và Trương gia luôn xử sự vô cùng khéo léo mọi chuyện, nên lấy nhau mà hai vợ chồng tôi chưa từng bao giờ bất hòa.

Thế nhưng, có những sự việc đến thật bất ngờ quá sức với tôi! Từ nhỏ, tôi vốn dựa mình là con nhà hào phú, nên chưa từng ngó qua sách vở, cho rằng chỉ cần có tiền thì có thể làm được mọi điều. Đến lúc triều đình có chiến sự biên ải, tuyển lính sung quân, tôi cũng vẫn nghĩ, mình con nhà hào môn, sẽ không bị bắt đi lính biên ải xa kia. Thế nhưng, tuy tôi con nhà hào phú thật, nhưng vì không có học thức nên trong danh sách bắt đi lính đánh Chiêm Thành, tên tôi ở ngay đầu tiên. Biết không thể tránh khỏi, tôi đành lòng chuẩn bị ra đi. Đến ngày tôi đi, mẹ tôi nuốt nước mắt mà dặn rằng:

- Nay con phải ra đi vì việc quân việc nước, mẹ biết rằng đây là thời cơ để con tạo dựng nên sự nghiệp, công danh cho mình. Thế nhưng, ngoài chiến trường, binh đao khó biết, con hãy biết giữ mình cẩn thận. Đừng vì tham công danh, lợi ích mà mắc lừa quân địch. Mẹ chẳng mong con về mang được tiếng thơm, chỉ mong sao con trai mẹ trở về trong bình an là được. Con hãy nghe lời mẹ dặn thì mẹ ở nhà mới yên lòng được.

Tôi nghe lời mẹ dặn hết sức kính cẩn, quỳ xuống đất, dập đầu mà vâng lời mẹ. Còn Vũ Nương – vợ tôi, nàng buồn rầu rót chén rượu đầy tràn rồi dặn tôi rằng:

- Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn hầu, mặc áo gấm, vang danh trở về quê cũ, chỉ xin ngày về, chàng mang theo được hai chữ bình yên trở lại, thế là đủ rồi. Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường, rợ man chạy tội, vương sư uổng công; lời tâu công lớn phá giặc đã chầy, kỳ hẹn thay quân hóa muộn, khiến thiếp ôm nỗi quan hoài, mẹ già triền miên lo lắng. Trong mảnh trăng Trường An, nhanh tay đập áo rét, ngắm liễu tàn rủ bóng động nỗi niềm biên ải xa xôi. Giả sử có muôn vàn thư tín, chỉ e không một tin về. Chàng ở nơi xa xôi, còn mình thiếp ôm nỗi quan hoài, thương nhớ!

Vũ Nương nói xong mà nước mắt đã chảy tràn, khiến tôi và mọi người không khỏi xúc động. Vợ tôi vẫn luôn hiền dịu như thế, chu đáo như thế, lúc ấy, tôi chỉ mong rằng mấy năm ròng xa cách, nàng hãy giữ trọn một đạo với chồng là được. Lạy mẹ già thêm một lạy, ta vội xách tư trang quay gót, tới chỗ tập hợp binh lính sung quân.

Miền biên ải xa xôi, đêm ngày hành quân vất vả. Ba năm ròng rã đánh giặc Chiêm Thành, vào sinh ra tử đã không ít lần, cuối cùng quân giặc ngoan cố cũng đã chịu đầu hàng. Ba năm ròng, cuối cùng tôi cũng được trở về nhà.

Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Về tới nhà, tôi nhận được tin rằng, mẹ tôi vì mong ngóng tin con trai nơi biên ải, đã lâm bệnh mà qua đời, còn tôi thì có thêm một đứa con trai tên là Đản. Mẹ mất, trong lòng tôi buồn vô hạn, cũng may còn có đứa con trai này khiến tôi có chút niềm vui trong lòng. Còn vợ tôi, Vũ Nương, nàng vẫn vậy, vẫn luôn ân cần, nhẹ nhàng và chu đáo như thế, mọi việc trong nhà từ khi tôi đi, mẹ mất, nàng một mình quán xuyến tất thảy. Ngày tôi trở về, nàng vui mừng vô cùng, vợ chồng con cái lại được quây quần sum họp hưởng hạnh phúc.

Hôm sau, tôi dẫn con trai ra ngoài thăm mộ người mẹ già, thế nhưng, thằng bé nhất định không chịu theo tôi còn gào khóc om sòm. Tôi mới dỗ dành nó rằng:

- Con nín đi, đừng khóc nữa mà cha buồn lòng! Cha rời xa bà ba năm, nay trở về mà bà đã mất, thật trớ trêu thay!

Đứa con tôi mới ngây ngô nhìn tôi rồi hỏi:

- Ô hay, ông cũng là cha của tôi sao? Ông biết nói thật lạ quá chứ cha tôi trước kia chẳng nói gì cả bao giờ!

Ô, sao có chuyện lạ đời, tôi đi lính đã ba năm nay, năm nay mới trở về, mới được gặp con trai, sao nó lại nói đã từng có cha trước kia, việc này là như thế nào? Tôi mới gặng hỏi đứa con:

- Cha trước kia là ai? Sao lại đến mà không nói gì?

Câu trả lời của đứa con làm tôi lặng người đi:

- Trước đây, ông chưa về, đêm nào cha tôi cũng đến ngồi cùng mẹ tôi, mẹ làm gì cũng làm theo, mẹ ngồi cũng ngồi, đi cũng đi, nhưng chẳng bao giờ bế tôi cả!

Một người đàn ông đêm nào cũng đến ư? Trời ơi, một người phụ nữ có chồng ở nhà chồng một mình vậy mà còn dẫn đàn ông đến ở qua đêm ư? Phải chăng Vũ Nương kia đã làm gì có lỗi với Trương Sinh tôi, phải chăng nàng ta đã phản bội tôi mà thất tiết với ai rồi? Ba năm chờ chồng mà lại qua lại với người đàn ông khác, sao còn xứng với tôi đây?

Về tới nhà, tôi mắng vợ một trận thật lớn để hả giận. Tôi mắng nàng ta là người phụ nữ hư thân mất nết, không biết xấu hổ, chồng đi chinh chiến ba năm lại chẳng biết giữ tròn đạo làm vợ. Vũ Nương lúc đầu ngạc nhiên, nàng trân mắt nhìn tôi đăm đăm, rồi nàng khóc mà rằng:

- Thiếp vốn con nhà nghèo, may mắn được gả cho chàng, vào Trương gia cùng chàng lập nên ơn nghĩa vợ chồng. Chia xa khi vừa lập gia thất được nửa năm, xa chàng, thật lòng thiếp vô cùng buồn tủi! Ba năm chàng rời xa, tưởng lòng đã lạnh, chưa một lần thiếp dám nghĩ tới người nào khác, ngõ liễu tường hoa chưa bao giờ ngó ngàng. Thiếp đã giữ trọn đạo vợ chồng với chàng, mong rằng chàng hãy soi tỏ, đừng vội tin lời người ngoài mà nghi oan cho thiếp!

Thế nhưng, những lời nói ấy của nàng khi ấy, tôi chẳng tin lấy nửa lời. Trong lòng tôi chỉ còn sự giận dữ vì bị phản bội, chỉ một mực nghi kị nàng đã làm việc có lỗi với tôi. Tôi chưa từng kể với nàng, tôi nghe con trai nói, mặc dù nàng gặng hỏi, tôi cũng chưa từng để tâm những lời nói thanh mình của nàng. Nếu khi ấy, tôi không ghen tuông mù quáng mà biết lắng nghe Vũ Nương, lắng nghe những lời giải thích của nàng, chịu nghe những lời khuyên ngăn của hàng xóm thì tôi đã chẳng phải chịu cảnh chăn lìa gối chiếc với nàng bao năm qua.

Lúc ấy, tôi chỉ một mực cho rằng nàng thất tiết, mỗi ngày đều dùng lời tệ bạc mà mắng nhiếc, đánh đuổi nàng đi. Vào ngày thứ bảy sau chuyện đó, Vũ Nương vừa khóc vừa nói với tôi rằng:

- Thiếp nương tựa vào chàng vì niềm vui gia đình, vì con trai của chúng ta, chưa bao giờ có ý nghĩ rời xa gia đình này. Đâu thể ngờ, chàng rời đi ba năm, trở về lại vì một lời của kẻ khác mà nghi oan cho rằng thiếp ở nhà không giữ trọn đạo vợ chồng. Nay sự đã đến nước này, thiếp cũng không thể trần tình, thanh minh với chàng được nữa. Thiếp đâu có thể còn dám ngước nhìn lên núi Vọng Phu cao vời vợi kia nữa!

Thế nhưng, những lời ấy đâu lọt vào tai tôi nửa chữ, tôi chỉ một mực chì chiết, nghi kị nàng. Nói xong, nàng đứng dậy, tắm rửa thay quần áo rồi ra đi. Lúc đó, tôi cứ tưởng, nàng thẹn với chồng con, với làng xóm nên ra đi, ai ngờ đâu, nàng lại ra sông mà gieo mình xuống, chỉ để chứng tỏ lòng trung trinh của mình.

Nghĩ lại đến đây, tôi thật vô cùng ân hận, chỉ vì sự nghi ngờ vô cớ của mình mà đã đẩy người con gái dịu dàng, xinh đẹp như vợ tôi vào chốn đường cùng. Lúc nghe tin nàng gieo mình xuống sông, tôi tuy còn giận ở trong lòng nhưng nghĩ lại ơn nghĩa vợ chồng, tìm người vớt thây nàng, thế nhưng chẳng thấy đâu cả. Lòng ôm sầu hận, tôi chẳng thể nào ngủ được. Một buổi tối, khi đang ngồi cùng con trai bên chiếc đèn khuya hiu hắt thì bất chợt con trai tôi reo lên rằng:

- Cha Đản lại đến rồi!

Tôi bất ngờ ngẩng đầu nhìn tứ phía, nhưng chẳng thấy tăm hơi một người nào, tưởng con chơi trò nói đùa, mới gặng hỏi con ở đâu. Nó mới nhanh chân chạy lại bức vách rồi trỏ vào cái bóng của tôi in trên vách mà bảo:

- Đây này!

Tôi như chết lặng đi, giờ thì tôi đã hiểu mọi cơ sự rồi. Chắc hẳn vợ của tôi đã nói với con rằng cái bóng trên vách là cha của nó. Tôi đã thật ngu ngốc khi không nói rõ ràng với vợ của mình, để giờ đây, dù ân hận, tôi cũng chẳng thể làm gì được nữa. Vũ Nương của tôi đã chẳng thể trở về bên cạnh tôi được nữa rồi!

Ngày tháng cứ trôi qua chậm rãi, nỗi ân hận vì đánh mất người vợ hiền cứ day dứt trong lòng tôi. Cho tới một hôm, có người tự xưng là Phan Lang, tới tìm gặp tôi. Tôi lạ lùng bởi tôi không hề biết người này. Thế nhưng, người tên Phan Lang ấy đem đến cho tôi một tin còn đáng giật mình hơn nữa: vợ tôi còn sống.

Ban đầu, tôi không tin, chỉ coi đó là trò đùa của anh ta. Thế nhưng khi anh ta đưa chiếc thoa vàng rồi kể câu chuyện lưu lạc dưới thủy cung của vua Nam Hải, gặp lại vợ tôi, cùng nàng hàn huyên rồi được nhờ là đưa cho tôi chiếc thoa này, bấy giờ tôi mới tin là sự thật. Phan Lang còn dặn rằng, Vũ Nương muốn nhờ tôi lập một đàn tràng giải oan ở bến Hoàng Giang – nơi vợ tôi gieo mình xuống thì nàng sẽ trở về. Tôi vô cùng kinh sợ, bán tính bán nghi, thế nhưng, nếu Vũ Nương – vợ tôi được trở về thì thế nào, tôi cũng bằng lòng.

Vậy là tôi bèn theo lời nàng, lập một đàn tràng ở bến Hoàng Giang ba ngày ba đêm ròng rã, vậy nhưng vẫn chưa thấy Vũ Nương xuất hiện. Đến ngày thứ tư, lúc tôi tưởng chừng hi vọng đã dần cạn kiệt thì quả nhiên thấy một chiếc kiệu hoa rực rỡ xuất hiện giữa dòng nước mênh mông. Theo sau kiệu lớn là hơn năm mươi chiếc xưa, với cờ tàn tán lọng, cả một khúc sông bỗng rực rỡ, chói lóa, huyền ảo. Rồi từ trong kiệu hoa, Vũ Nương bước ra, mặc trên mình bộ y phục lấp lánh, tôi hoa mắt chờ đợi, khi xưa nàng đã vô cùng xinh đẹp, khoác lên bộ y phục này thì càng xinh đẹp hơn gấp bội phần. Thế nhưng, khi tôi vội vàng cất tiếng gọi thì nàng không từ từ tiến lại bờ mà chỉ đứng giữa dòng mà nói vọng vào với tôi:

- Đa tạ chàng đã giúp thiếp thực hiện nguyện ước của mình. Nhưng nay mây tan gió tạnh, thiếp đã thề nguyện ở lại cùng sống chết để cảm tạ ơn nghĩa của Đức Linh Phi. Thiếp chẳng thể trở về nhân gian sum họp cùng chàng được nữa! Mong chàng hãy nuôi nấng, chăm sóc bé Đản nên người, vậy là thiếp mãn nguyện rồi. Thiếp đa tạ chàng!

Nói xong, nàng vén kiệu mà bước vào, cả kiệu hoa và đoàn xe cứ thoắt ẩn thoắt hiện rồi loang loáng mờ dần, biến mất vào trong hư không. Tôi vội vã gọi tên nàng, thế nhưng, chẳng có ai đáp lại lời tôi nữa, Vũ Nương đã thực sự biến mất rồi. Tôi thất thểu bước về nhà, trong lòng ôm đầy nỗi ân hận. Chính tôi là người đã đẩy nàng vào bước đường cùng, giờ đây, chẳng có gì có thể cứu vãn được sự việc nữa. Mọi việc thực sự đã kết thúc rồi.

Giờ đây, hơn hai mươi năm sau khi sự việc đã xảy ra, tôi vẫn ôm trong mình nỗi ân hận vô vàn. Dù sau này, tôi đã dần sửa đổi tâm tình mong có thể vơi bớt nỗi lòng, thế nhưng, hình bóng của Vũ Nương vẫn luôn luôn hiện ra trong tâm trí tôi. Có lúc tôi mong được trở lại là Trương Sinh của hai mươi năm trước để có thể nói một lời xin lỗi với người vợ thân yêu của mình. Thế nhưng, mọi chuyện đã lỡ, chẳng có gì có thể thay đổi được nữa. Con trai tôi đã lớn khôn, thành người, chuẩn bị thành gia lập thất, tôi đã nuôi dạy nó bằng cả tình yêu với Vũ Nương. Hi vọng nàng ở dưới chốn thủy cung cũng luôn dõi theo cha con tôi mỗi ngày và vui mừng vì điều đó.

---------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Đặc điểm nhân vật Trương Sinh. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 9, Soạn bài lớp 9, Văn mẫu lớp 9, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 9, Soạn văn 9 siêu ngắn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
2 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Gấu Đi Bộ
    Gấu Đi Bộ

    cho xin thêm bài liên quan với cảm ơn

    Thích Phản hồi 29/05/22
    • Thỏ Bông
      Thỏ Bông

      💯

      Thích Phản hồi 29/05/22
      🖼️

      Gợi ý cho bạn

      Xem thêm
      🖼️

      Soạn Văn 9 Sách mới

      Xem thêm