Sáng kiến kinh nghiệm - Biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non
Sáng kiến kinh nghiệm mầm non tuyển chọn
Bài Sáng kiến kinh nghiệm - Biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non nhằm giúp các cô giáo có thêm kiến thức cũng như được tiếp xúc với các biện pháp chăm sóc, nuôi dạy con trẻ tốt và đặc biệt là giáo dục cho trẻ mầm non các kỹ năng sống cơ bản ở ngưỡng tuổi đầu đời. Bài sáng kiến kinh nghiệm mầm non này được chia sẻ bởi nhiều cô giáo dạy giỏi điển hình trên toàn quốc trong Sáng kiến kinh nghiệm - Biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non.
MỘT VÀI BIỆN PHÁP GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ MẦM NON
I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Trẻ em là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của dân tộc. Việc bảo vệ và chăm sóc giáo dục trẻ em là trách nhiệm của nhà nước, của xã hội và của mỗi gia đình: "Trẻ em hôm nay, Thế giới ngày mai". Việc giáo dục trẻ ngay từ khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, nhằm hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ sau này.Bác Hồ nói: "Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế văn hóa". Sản phẩm của giáo dục là con người mà con người là mục tiêu, động lực của sự phát triển đất nước trong tương lai đó chính là thế hệ trẻ.
Như chúng ta đã biết, đất nước ta hiện nay nền kinh tế phát triển đang trên đường hội nhập Quốc tế, chúng ta phải giao lưu với nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
Trẻ thiếu kinh nghiệm sống, dễ bị lôi kéo, kích động... Hiện nay, thế hệ trẻ thường xuyên chịu tác động đan xen của những yếu tố tích cực và tiêu cực, luôn được đặt vào hoàn cảnh phải lựa chọn những giá trị, phải đương đầu với những khó khăn, thách thức, những áp lực tiêu cực. Nếu thiếu kỹ năng sống, các em dễ bị lôi kéo vào các hành vi tiêu cực, bạo lực, và lối sống ích kĩ lai căng, thực dụng, dễ bị phát triển lệch lạc về nhân cách.
Vậy làm thế nào để thế hệ trẻ chúng ta nhận thức và giữ vững được nền văn hóa của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đến nay và trong thời đại mới là nhiệm vụ cần thiết nhất trong các mục tiêu xây dựng phát triển con người toàn diện trong thời đại hiện nay để sớm đào tạo cho xã hội những con người tài đức vẹn toàn.
Là một giáo viên mầm non, sau nhiều năm thực tế trãi nghiệm tôi quyết định trình bày sáng kiến Kinh Nghiệm: "Một vài biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ Mầm non" một vấn đề đang được quan tâm trong giáo dục Mầm non hiện nay.
* Vấn đề được nghiên cứu:
Trong quá trình phát triển nhân cách nếu trẻ được sớm hình thành và tôn vinh các giá trị đích thực của mình thì các em sẽ có một nhân cách phát triển toàn diện, bền vững, có khả năng thích ứng và chống chọi với mọi biến động xã hội, biết tự khẳng định mình trong cuộc sống.
Trẻ em là giai đoạn học, tiếp thu, lĩnh hội những giá trị cuộc sống để phát triến nhân cách, do đó cần giáo dục kỹ năng sống cho trẻ để trẻ nhận thức đúng và có hành vi ứng xử phù hợp ngay từ khi còn nhỏ.
* Thực trạng vấn đề:
Lâu nay, chúng ta thường quan niệm: Rèn dạy kỹ năng sống chủ yếu chỉ dành cho người lớn. Nhưng đối với trẻ ở lứa tuổi tập nói, dạy lễ giáo đạo đức ban đầu cho các cháu ở trường mầm non là rất quan trọng trong việc hình thành thói quen và nhân cách của bé sau này.
Thực tế từ các trường cho thấy, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ thường được thực hiện bằng cách cho trẻ xem tranh truyện, tổ chức hội thi: "Bé khỏe, bé ngoan" có giáo viên, cha mẹ và trẻ cùng tham gia thi hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống để khơi dậy lòng nhân ái trong trẻ, giúp trẻ có được những kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ứng xử. Tuy nhiên do tác động ngoại cảnh hay trẻ được nuông chiều và đáp ứng mọi thứ theo yêu cầu nên có những biểu hiện không đúng trong lễ giáo với mọi người trong gia đình và bạn bè, trẻ không có được kỹ năng tự phục vụ bản thân, kỹ năng lãnh đạo...
Theo nhận định của nhiều giáo viên, do lớp có số lượng trẻ quá đông, số giáo viên trong một lớp cũng chưa đủ theo qui định nên việc uốn nắn hành vi, cử chỉ cho từng trẻ cũng là vấn đề khó khăn. Điều kiện cơ sở vật chất để dạy trẻ thực hành hành vi lễ giáo, liên hệ thực tế cũng còn nhiều khuyết điểm nên việc giáo dục chỉ dừng lại ở cung cấp kiến thức.