Lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau (9 mẫu)

Giải thích câu tục ngữ "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo chuẩn bị tốt kiến thức để học tốt môn Ngữ văn lớp 7 một cách dễ dàng nhất. Mời các bạn tham khảo tài liệu dưới đây

Dàn ý Giải thích Lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

1. Mở bài

  • Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề cần bàn luận:
  • Nội dung câu nói: lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

2. Thân bài

- Giải thích:

  • Lời nói là hình thức phổ biến con người gián tiếp với nhau, dùng để biểu đạt tâm tư tình cảm
  • Lời nói không thể mua được bằng vật chất bởi nó không phải thứ hữu hình

- Ý nghĩa: câu tục ngữ khẳng định giá trị và ý nghĩa của lời nói trong giao tiếp, cuộc sống hàng ngày

- Vì sao:

  • Vì lời nói là công cụ, phương tiện mà con người cần để giao tiếp đối ngoại
  • Lời nói tốt đẹp, khéo léo giúp con người được lòng tất cả mọi người, đôi lúc có lợi cho bản thân
  • Lời nói khéo léo thể hiện bản thân là một con người có học, tế nhị
  • Vì khi ta biết cách giao tiếp, ngôn ngữ trở nên hữu dụng và đẹp đẽ

- Làm gì:

  • Lễ phép với bề trên
  • Con người phải học cách giao tiếp, cách ăn nói với người xung quanh
  • Không nên quá bồng bột nổi cáu trước một vấn đề nào đó chưa giải quyết được

- Phê phán:

  • Những kẻ giao tiếp cộc lốc, kém đối ngoại luôn né tránh giao tiếp

3. Kết bài

  • Khẳng định lại ý nghĩa câu nói

Lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Giải thích Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau ngắn gọn

Giải thích Lời nói chẳng mất tiền mua ngắn gọn mẫu 1

Để nhắn nhủ các con phải biết kiểm soát lời nói khi giao tiếp của mình, ông cha ta thường bảo “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Đầu tiên, câu tục ngữ đưa ra một chân lí hiển nhiên mà ai cũng thừa nhận: lời nói không cần dùng tiền để mua. Chỉ cần muốn thì nói gì cũng được, nói bao nhiêu cũng được. Từ đó, tác giả dân gian đưa ra lời khuyên thấm thía: hãy lựa chọn lời nói cho phù hợp để không khiến ai phải mất lòng.

Tại sao lại như vậy? Bởi vì lời nói chính là phương tiện chính để chúng ta giao tiếp với người khác. Nó chính là thứ truyền tải suy nghĩ, nội tâm của chúng ta, và phần nào thể hiện được một con người. Những người xung quanh sẽ dựa vào đó để đánh giá chúng ta trong những cuộc trò chuyện. Vì vậy, nếu ta nói chuyện khéo léo, tế nhị thì sẽ được lòng người khác, và ngược lại.

Nghe thì có vẻ rất to tát, nhưng thực sự việc lựa lời trong cuộc sống lại không hề phức tạp. Đó chính là chủ động chào hỏi lễ phép với người khác. Không nói về những chuyện buồn, khó xử mà người khác muốn bỏ qua. Không nói chuyện bồng bột, nóng nảy, xúc phạm đến người khác. Như vậy, nghĩa là ta đã biết kiểm soát lời nói của mình rồi.

Từ đó, câu tục ngữ phê phán những người ăn nói vô duyên, thường khiến người khác khó xử, không vui khi trò chuyện. Cùng với đó là những người nói chuyện cộc lốc, bất lịch sự, gây mất hình tượng trong mắt người đối diện. Đó là biểu hiện của sự thiếu hụt kĩ năng giao tiếp rõ ràng, cần bổ sung ngay.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, giao tiếp càng ngày càng trở nên quan trọng. Trong nhiều trường hợp, nó đóng vai trò như một chìa khóa mở cửa thành công. Vì thế, chúng ta cần trau dồi và rèn luyện kĩ năng giao tiếp của mình cho tốt hơn.

Giải thích câu tục ngữ Lời nói chẳng mất tiền mua ngắn gọn mẫu 2

Khi dạy con cháu về những bài học giao tiếp, ông cha ta thường nhấn mạnh rằng “Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Câu tục ngữ đã đề cập đến một chiếc chìa khóa vô cùng quan trọng để mở cánh cửa giao tiếp với người khác, đó là những lời nói. Tuy “không mất tiền mua” - nghĩa là không có giá trị vật chất. Thậm chí, để tạo ra nó, ta cũng chẳng mất quá nhiều công sức hay thời gian, muốn bao nhiêu là có bấy nhiêu, không có điều kiện gì ràng buộc. Tuy nhiên, chớ vì vậy mà chúng ta xem thường lời nói. Vì nó có giá trị tinh thần vô cùng to lớn, đặc biệt là trong giao tiếp. Lời nói không chỉ truyền đạt thông tin, ý chí, mà còn truyền đạt cảm xúc, tình cảm của người nói đến mọi người. Đồng thời tác động trực tiếp đến thế giới tình cảm người nghe, ảnh hưởng đến mối quan hệ của hai người. Chính vì quan trọng như vậy, nên ông cha ta mới căn dặn rằng phải biết lựa lời, chọn lời để nói sao cho vừa lòng người nghe.

Nếu ta biết cái gì nên nói, cái gì không nên nói. Và biết nên nói những gì ở đâu, nghĩa là đã biết chọn lựa thì người đối diện sẽ thoải mái và vui vẻ trong cuộc hội thoại. Bản thân chúng ta cũng nhờ vậy mà trở nên thư giãn hơn, các mối quan hệ cũng trở nên tốt đẹp hơn. Ngược lại, nếu ta cứ lầm lì chẳng nói chẳng rằng. Hay cứ mở miệng ra là nói về những điều người ta ghét, muốn giấu đi, không muốn nghe thì sẽ khiến đối phương khó chịu, không muốn nói chuyện tiếp. Thế thì tình cảm của hai bên sẽ trở nên xấu hơn. Đó cũng chính là kiểu người mà ta cần phải phê phán trong các cuộc giao tiếp.

Như vậy, câu tục ngữ “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” thực sự chính là một lời khuyên ý nghĩa dành cho chúng ta khi giao tiếp, trò chuyện với những người xung quanh.

Giải thích Lời nói chẳng mất tiền mua chi tiết

Giải thích Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau mẫu 1

Trong cuộc sống, con người phải biết chọn lựa lời nói sao cho đạt hiệu quả cao nhất trong giao tiếp và ứng xử. Chính vì vậy, mọi người thường khuyên bảo nhau:

Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Lời nói là một công cụ dùng để giao tiếp và ứng xử trong mối quan hệ giữa con người với con người. Do đó, khi nói ta cần phải biết “lựa lời mà nói” sao cho hay, cho đẹp.

Trước hết, “lựa lời mà nói” có tác dụng lôi cuốn, cảm hóa được người nghe, làm cho người nghe biết rung động và kính nể người nói. Bác Hồ là người luôn đạt được những thành công lớn trong vấn đề này. Ngày 02-9-1945, lúc đang đọc Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình, Bác có nói một câu thế hiện sự quan tâm sâu sắc: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” đã làm cho hàng triệu trái tim xúc động mãnh liệt. Rõ ràng tình cảm của Người trong lời nói ấy quá da diết; không gì có thể so sánh được. Còn khi nhắc đến miền Nam ruột thịt, Bác nói trong nỗi xúc động nghẹn ngào: “Miền Nam trong trái tim tôi”. Những câu nói của người cho đến tận bây giờ, nhân dân Việt Nam không thể nào quên. Đối với thanh niên, học sinh, Bác nói nhiều câu như lời dạy của một nhà giáo dục yêu trẻ, yêu nghề:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bển.

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên.

hay: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.”

Đối với giới tri thức nghiên cứu khoa học, nhiều người phải xa quê hương sinh sống và làm việc tại nước ngoài, bằng lời nói của mình, Bác đã cảm hóa được tâm hồn họ, khiến họ nghe theo Bác về quê hương Việt Nam thân yêu để phục vụ. Tiến sĩ Nông học Lương Định Của hay Giáo sư – Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là những điển hình. Nói chung, dù ở bất kì thời điểm nào, lời nói của Bác Hồ cũng luôn làm “vừa lòng” người nghe.

Ngược lại, trong xã hội, có không ít con người không biết liệu lời mà nói dẫn đến nhiều tác hại cho bản thân và mọi người. Đó là những lời nói thô tục, thiếu văn hóa, thiếu thiện chí nhằm thỏa mãn ý thích cá nhân hoặc nói mà thiếu suy nghĩ.

Ngoài ra còn có những lời phát ngôn không phù hợp với đôi tượng tiếp nhận như: ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, trẻ em và những đối tượng khác. Chẳng hạn như đối với ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, người nói cần phải tỏ thái độ kính trọng, nể nang, lễ phép, khiêm tốn.

Những lời nói không đẹp bao giờ cũng mang lại những hậu quả nặng nề. Chỉ vì một lời nói mà người đang giữ chức vụ quan trọng có thể cho bị thôi việc sớm. Chỉ vì một lời nói mà dẫn đến tan nhà, nát cửa, con xa cha, vợ xa chồng. Chỉ vì một lời nói mà người này trở thành kẻ thù của người kia.

Lời nói phản ánh trình độ văn hóa cũng như thước đc nhân phẩm, danh dự con người. Người càng có tài và đức, có uy tín lớn thì lời nói của người ấy càng có giá trị, càng được mọi người học hỏi, phát huy. Tuy nhiên, “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hoàn toàn khác biệt với thái độ a dua, nịnh hót, nể nang một cách vô lí trong quan hệ bạn bè, đồng chí. Vì vậy trong quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ bạn bè, chúng ta cần thẳng thắn góp ý những khuyết điểm của bạn, để họ tích cực sửa chữa. Ngược lại, chúng ta vui vẻ và sẵn sàng nghe lời phê bình của bạn bè. Nếu được như thế thì chẳng những tình bạn được duy trì bền bỉ, thâm sâu, mà còn làm cho cuộc đời tươi đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.

Câu ca dao trên đây đã đặt một nền tảng vững chắc cho việc thực hiện mục đích giao tiếp và ứng xử trong một xã hội văn minh. Do đó, chúng ta phải học tập thật giỏi, tăng cường rèn luyện đạo đức thật tốt đế trở thành một con người vừa có trình độ văn hóa cao, vừa có một phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự.

Lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau mẫu 2

Từ xưa, để giáo dục con cháu những điều hay, lẽ phải, những đạo lí, chuẩn mực, ông cha ta đã đúc kết ra rất nhiều những câu ca dao, tục ngữ. Một phần là để dễ nhớ, dễ dạy, một phần là để tăng tính biểu đạt và làm cho nội dung trở nên ý nhị hơn. Trong đó, em tâm đắc nhất là câu tục ngữ:

Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Đối tượng chính mà câu tục ngữ muốn bàn đến ở đây là lời nói, hay rộng hơn chính là cách nói năng, giao tiếp ở trong đời sống. Lời nói là một thứ tưởng chừng như ai cũng có, chẳng ai cần phải bỏ ra thứ gì để được “nói” cả. Thế nhưng, nó lại đem đến những giá trị, ý nghĩa to lớn. Vì vậy, ông cha vẫn thường răn dạy phải chọn lựa, phải suy nghĩ kĩ càng trước khi nói ra, để tránh làm mất lòng người khác.

Đối với bản thân mỗi người và cộng đồng, những lời nói luôn mang những vai trò và tầm ảnh hưởng to lớn. Lời nói trước hết giúp trao đổi thông tin, bộc lộ cảm xúc, sau nó còn có thể dẫn dắt tư duy, suy nghĩ, phán đoán của người khác. Một lời nói có thể dẫn con người đến niềm vui, nhưng cũng có thể đem đến sự đau khổ. Nó có thể cứu giúp một cuộc đời, nhưng cũng có thể kết thúc một sự sống. Thật kì lạ phải không, một thứ như là miễn phí, chẳng phải bỏ tiền ra mua, được sử dụng thoải mái lại có sức mạnh to lớn đến thế. Thực ra, sức mạnh của lời nói, không đến từ lớp vỏ bọc âm thanh, mà đến từ nội dung, cảm xúc được truyền đạt bên trong nó.

Nội dung của mỗi lời nói đều chịu sự điều khiển của người nói. Mỗi câu nói phát ra, sẽ tác động trực tiếp đến người nghe, mối quan hệ của hai bên. Nếu đó là những lời nói xấu, mang sự tổn thương và những cảm xúc tiêu cực, thì rất dễ làm rạn nứt tình cảm đôi bên. Chẳng hạn như những lời nói dối, bịa đặt, những câu đùa quá trớn… Chúng sẽ khiến người đối diện khó chịu, phật ý ngay lúc ấy, hoặc về sau này. Khiến cho mối quan hệ trở nên tệ đi.

Chính vì thế, để không làm phật lòng người khác, mất đi những người bạn thân thiết, chúng ta cần có sự chọn lọc trước khi nói. Chúng ta cần phải hiểu được điều gì nên nói, điều gì không nên nói, đặc biệt là cả về cách xưng hô và diễn đạt nội dung. Tránh trường hợp lợi dụng sự “miễn phí” của lời nói, để nói năng thiếu cẩn trọng, thích gì nói nấy, chẳng quan tâm đến cảm nhận của người khác. Đơn cử như, những trường hợp là bạn bè thân thiết, thích trêu đùa nhau, nhưng lại hay đem những nhược điểm của đối phương ra để nói, khiến người khác khó chịu. Hay như trong những cuộc trao đổi, nhẫn xét, việc chỉ ra quá trực diện, vồ vập sai làm của người khác với những từ ngữ nhiếc móc, nặng nề rồi cho rằng mình là người thẳng tính. Đó là những suy nghĩ hết sức sai lầm. Trong những lời nói, chúng ta nên cân nhắc kĩ, tránh những nội dung có thể khiến người khác khó chịu, khổ sở. Để làm điều này, ông cha ta thường vận dụng vào lời nói những câu từ “nói giảm nói tránh”. Đây là một biện pháp hết sức ý nhị và phù hợp.

Tuy nhiên, để thực sự giúp cho việc giao tiếp đạt hiệu quả cao, cũng như phát huy hết giá trị của lời nói, chúng ta còn cần kết hợp thêm những yếu tố như cảm xúc, nét mặt, cử chỉ phù hợp. Vì dù nội dung lời nói có hay, có chân thực, có chứa chan tình cảm đến đâu, mà người nói đứng yên, vẻ mặt vô cảm hay thiếu nghiêm túc thì sức mạnh lời nói cũng phải giảm đi nhiều phần.

Từ bé, em đã được răn dạy rất nhiều về cách nói năng. Bản thân em, hiểu được ý nghĩa của lời nói, nên vẫn luôn cẩn trọng trong từng câu chữ của mình. Khi giao tiếp với người lớn, bạn bè, em nhỏ… em chú ý cách xưng hô, những từ lóng để đảm bảo sự thân thiết nhưng cũng không mất lịch sự. Tuy vẫn chưa thể hoàn toàn đảm bảo phát huy hết sức mạnh của lời nói, nhưng em vẫn đang cố gắng hoàn thiện từng ngày.

Như vậy, câu tục ngữ Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau đã đem đến một bài học nhỏ về ý nghĩa và cách sử dụng lời nói. Em sẽ luôn ghi nhớ và vận dụng bài học này vào cuộc sống thực tiễn của mình.

Giải thích câu tục ngữ Lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau mẫu 3

Ngôn ngữ hay nói cách khác là lời nói là một trong nhiều tiêu chí để đánh giá con người và qua lời nói ta có thể thể hiện thái độ tình cảm với mọi người. Vì vậy cần có những lời nói đúng chừng mực và phải suy nghĩ thật kĩ trước khi nói. Đó chính là nội dung của câu tục ngữ: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Chắc hẳn chúng ta đã từng nghe câu: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Đúng như vậy, qua lời nói ta có thể đánh giá được phần nào tính cách, hay trình độ văn hóa của người nói. Câu tục ngữ: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” đã nêu lên một bài học kinh nghiệm cho con người ta, cần nói ra những lời hay ý đẹp, và phải suy nghĩ thật kĩ trước khi nói. Có như vậy thì người nghe mới cảm thấy hài lòng.

Lời nói ra của bản thân mình, do mình phát ra chứ ta không phải dùng tiền bạc để mua bất cứ của ai, vì vậy mới nói “lời nói chẳng mất tiền mua”, dẫu rằng như vậy nhưng mỗi khi lời nói được phát ra thì lại là vô giá, như câu ví “lời nói gói vàng” là như vậy. Ông cha ta đã có câu: “phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” cũng là để làm rõ hơn về giá trị của lời nói. Cho dù một ai có mắc lỗi đi chăng nữa nhưng thay vì chửi bới, dùng những lời lẽ thô tục để nói họ thì hay giữ thái độ bình tĩnh và ôn tồn nhẹ nhàng nói với họ, như vậy vấn đề sẽ dễ dàng giải quyết hơn. Nhưng “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” ở đây cũng không có nghĩa là phải nói dối, che giấu sự thật để người nghe được vừa lòng, đó không phải là “lựa lời” mà là “nói dối”, điều này không được mọi người ủng hộ. Thay vì nói dối thì hãy nói đúng sự thật nhưng với một thái độ chân thành nhất, đây cũng là một cách “lựa lời”.

Câu tục ngữ đưa ra một bài học, một cách sống nghe có vẻ dễ dàng, tuy vậy nhưng vẫn còn rất nhiều người không thực hiện được. Những người này vẫn có những lời lẽ thiếu suy nghĩ, thậm chí xúc phạm đến người khác. Ta luôn nhớ mãi hai câu thơ của Tố Hữu: “Còn gì đẹp hơn đời như thế/ Người với người sống để yêu nhau”. Vậy thì có lý do gì mà chúng ta không dành những lời nói tốt đẹp cho nhau để xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, và cuộc sống thêm ý nghĩa.

Câu tục ngữ nào cũng truyền đạt cho ta một bài học quý giá và câu tục ngữ này cũng vậy, bài học về cách sử dụng lời nói trong đời sống hàng ngày là một bài học rất thiết thực và ý nghĩa.

Giải thích câu tục ngữ Lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau mẫu 4

Người xưa đã dạy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, trong đó học nói là một trong những việc quan trọng nhất của mỗi con người vì lời nói là thứ vô hình mà chúng ta dùng để giao tiếp, để trao đổi tâm tư tình cảm và giúp con người gần gũi với nhau hơn. Lời nói là miễn phí nên một khi nói ra là không thể rút lại được, lời nói không có giới hạn nên hãy nói những lời hay ý đẹp để mang lại thiện cảm cho mọi người như lời ông cha ta từng dặn: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”

Lời nói là một trong những tiêu chí để đánh giá về tính cách cũng như nhân phẩm của mỗi người. Đúng như câu nói: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Nếu như một con chim được rèn rũa, uốn nắn từng chút một thì giọng chú chim sẽ thật to, thật dũng mãnh, và luyến láy; cũng như mỗi người chúng ta vậy, nếu như chúng ta được dạy dỗ, được sống và học tập trong mọi trường nề nếp thì bản thân mỗi chúng ta khi ăn nói sẽ cân nhắc thật kỹ lưỡng những câu nào có thể nói hoặc không thể nói, còn nếu như bản thân không được dạy dỗ đến nơi đến chốn thì nghĩ gì sẽ nói vậy, thực ra đó không phải là người thẳng tính mà là người chưa biết suy nghĩ, chưa biết suy nghĩ xem bản thân khi nói ra có lợi hay có hại gì cho bản thân hay người khác không. Có những lời nói chỉ đơn giản là lời buột miệng nói ra nhưng có thể khiến người khác hiểu sai về bản thân mình thậm chí mất đi cả một mối quan hệ mà ta đã mất công xây dựng và bảo vệ nó bao lâu nay.

Bên cạnh việc thể hiện về tính cách thì lời nói cũng thể hiện tài năng chinh phục lòng người. Bản thân bạn nếu như là người học giỏi nhưng bạn không có kĩ năng trình bày cũng như thể hiện được điều mà bản thân mình suy nghĩ thì cũng không thể khiến người khác nể phục mình. Trong chương trình “Thương vụ bạc tỷ” là chương trình truyền hình dành cho các thương nhân khởi nghiệp, hai chàng trai sinh viên đại học năm thứ 3: Đức Mười và Văn Trung, ngoài việc có một dự án tốt thì nhờ có việc diễn thuyết tốt đã thu về được 3 tỷ nhờ các nhà đầu tư chỉ trong vòng năm phút, cũng nhờ tài ăn nói và sự dí dỏm của bản thân mà từ một người phụ nữ hái chè ở Thanh Hóa đã trở thành danh hài được nhiều người biết đến, chinh phục được trái tim nhiều vị giám khảo, để lại nhiều ấn tượng cho người xem truyền hình.

Mặc dù, lời ăn tiếng nói của mình phải lựa lời nhưng cũng không vì vậy mà rất nhiều người bản thân không có tài cán dựa vào đó để kiếm lợi cho bản thân, “mồm mép đỡ chân tay” hoặc có những người lại nói lời hoa mỹ, không thật lòng giả tạo, “nịnh hót” thể hiện một con người dối trá, sống dựa vào lòng tin của người khác.

Lời nói là của mình. Mỗi lời mình nói ra thể hiện bản thân mình là ai, là người như thế nào chính vì thế mà bản thân chúng ta cần phải có cách ứng xử thật khéo léo và đúng mực. Sự khéo léo bắt đầu từ việc bản thân chúng ta biết ăn nói lễ phép, không chêm lời hay cướp lời của người khác. Biết nói đúng lúc đúng chỗ, đúng thời thời điểm, ngắn gọn, súc tích để không bị nói dài ra nói dại đặc biệt là khi nói Tiếng Việt là ngôn ngữ đa nghĩa cùng một hoàn cảnh, cùng một nghĩa nhưng nó lại thể hiện tình cảm cũng như thái độ khác nhau vì thế mà chúng ta cần phải lựa chọn từ sao cho đúng đắn nhất và để làm được điều đó chúng ta luôn luôn phải trau dồi vốn từ vựng và vốn kiến thức sâu rộng cho bản thân mình.

Giải thích câu tục ngữ Lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau mẫu 5

Trong cuộc sống, lời nói là phương tiện để con người trao đổi tư tưởng, tình cảm, kinh nghiệm sống với nhau. Vì thế nó có giá trị đặc biệt đối với mỗi người. Để khuyên mọi người có cách nói năng sao cho có hiệu quả giao tiếp cao nhất, ông cha ta đã từng căn dặn:

“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Thật vậy, lời nói phản ánh trình độ hiểu biết, tư cách đạo đức, tính tình của mỗi con người. Trong cuộc sống, con người thường xuyên phải dùng ngôn ngữ làm phương tiện giao tiếp. Nếu biết lựa chọn những lời nói thích hợp, con người sẽ hiểu nhau hơn, công việc sẽ thuận lợi hơn, kết quả tốt hơn. Mỗi con người bình thường đều có khả năng nói lên mọi điều mà cũng có lời hay, lời đẹp, cũng có lời thô, lời tục. Người khôn phải biết lựa chọn để nói lời hay, lời đẹp. Lời nói là một thứ công cụ, nhưng có thể lựa chọn được tùy theo ý định và trình độ văn hoá của người nói. Ví thế, ông cha ta hình dung lời nói như một thứ sản phẩm, một thứ công cụ dễ kiếm, dễ tìm trong tầm tay của mỗi người. Nếu chọn đúng lời nói sẽ gây hiệu quả lớn, còn lựa sai thì lời nói sẽ làm mất lòng nhau.

Vậy muốn lời nói làm vừa lòng nhau thì chúng ta cần phải chọn lời nói thích hợp với đối tượng, hoàn cảnh, với sắc thái tình cảm. Mỗi lời nói hợp với người, hợp với cảnh sẽ làm cho quan hệ tốt đẹp và việc làm thêm hiệu quả. Một lời nói thô vụng sẽ làm hỏng hết mọi dự định. Chọn được những lời nói thích hợp chính là ta đã làm tốt việc “lựa lời”. Muốn có khả năng dùng lời nói đẹp cần phải có quá trình học tập và rèn luyện liên tục, lâu dài. Chúng ta phải biết nói những lời nói chân thật và sau đó là lựa chọn những lời nói đẹp, nói hay để hiệu quả giao tiếp được tốt hơn. Nhưng không phải lúc nào cũng lựa lời để nói, để xuề xòa mọi chuyện mà có lúc chúng ta cần nói thật.

Lời nói là công cụ giao tiếp, lời nói thể hiện phẩm chất, trình độ của mỗi con người. Vì vậy chúng ta cần tự rèn luyện cách nói năng văn minh lịch sự để đạt được mục đích như mong muốn.

Giải thích câu tục ngữ "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"

Giải thích câu tục ngữ Lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau mẫu 6

Trong cuộc sống hằng ngày, con người thường xuyên phải dùng ngôn ngữ làm phương tiện giao tiếp. Nếu biết lựa chọn lời nói thích hợp thì mọi người sẽ hiểu nhau hơn, công việc sẽ thuận lợi hơn, kết quả sẽ cao hơn. Mỗi người bình thường đều có khả năng nói lên mọi điều nhưng có lời hay, lời đẹp mà cũng có những lời thô, lời vụng. Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe. Ta có thể chọn lựa lời nói tùy theo ý định và trình độ văn hoá của mình. Ông cha thấy lời nói như một thứ công cụ dễ kiếm, dễ chọn trong tầm tay của mọi người. Nếu chọn đúng, lời nói sẽ tạo hiệu quả cao hơn, còn lựa sai thì lời nói sẽ làm mất lòng nhau.

Ở câu nói "Lời nói chẳng mất tiền mua”, lời nói được ví như vàng, một vật có giá trị về vật chất, được nâng niu, gìn giữ, nghĩa là lời nói cũng quý giá như thế, cũng cần có sự cẩn thận trong khi sử dụng nó. Như vậy, hai câu nói trên muốn khẳng định nếu biết chỉnh chu lời nói thì ta sẽ được mọi người tôn trọng, yêu mến, xây dựng được các mối quan hệ xã hội lành mạnh, tốt đẹp và đạt được tình cảm, mục đích giao tiếp khi nói, không làm tổn thương người khác, gắn kết tâm hồn con người lại với nhau, viết nên những cảm xúc, ấn tượng đẹp trong giao tiếp.

Hiệu quả của lời nói đẹp là làm vừa lòng nhau. Lời nói đẹp tạo ra sự cảm thông, sự ăn ý và hiểu biết lẫn nhau. Đó là cơ sở để con người đạt được mục đích trong giao tiếp. Để cho vừa lòng nhau, cần phải biết lựa chọn lời nói phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh, Sắc thái tình cảm.

Cùng nói về một hiện tượng là cái chết nhưng có rất nhiều cách diễn đạt: Sư già đã viên tịch, Người chiến sĩ đã hi sinh vì tổ quốc, ông cụ mới khuất núi,…Người có văn hoá khi giao tiếp thường biết lựa chọn cách nói phù hợp. Một lời nói hợp cảnh, hợp tình sẽ làm cho quan hệ thêm tốt đẹp và việc làm thêm hiệu quả. Một lời nói hớ hênh, vô ý sẽ làm hỏng hết mọi dự định. Chọn được những lời nói thích hợp chính là ta đã làm tốt việc lựa lời

Nhưng để có khả năng lựa lời, chúng ta phải học tập, rèn luyện liên tục, lâu dài. Ông cha ta đã từng để lại rất nhiều lời khuyên về sự cẩn trọng trong cách nói năng của con người: Ăn phải nhai, nói phải nghĩ; học ăn, học nói, học gói, học mở,…

Tuy chú ý đến việc lựa lời để đạt được hiệu quả giao tiếp nhưng người xưa không bao giờ cho rằng mục đích giao tiếp chỉ là sự vừa lòng nhau.

Cần phải chọn lời nói thích hợp, nhưng đúng đắn chứ không phải chỉ quan tâm đến sự đồng tình của người nghe, bởi vì có những khi nói thật mất lòng. Một lời nói êm tai, nhẹ nhàng nhưng giả dối không thể coi là một hành vi giao tiếp đúng đắn. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, lời nói thích hợp trước hết phải là lời nói chân thực, sau đó với là lời nói đẹp.

Lời nói là công cụ giao tiếp, lời nói thể hiện phẩm chất, trình độ của mỗi con người. Biết dùng lời nói thích hợp sẽ tạo được hiệu quả tốt trong giao tiếp. Vì vậy, chúng ta phải tự rèn luyện cách nói năng văn minh, lịch sự để đạt được mục đích như mong muốn

Giải thích câu tục ngữ Lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau mẫu 7

Lời nói là phương tiện quan trọng để con người trao đổi tư tưởng, tình cảm và kinh nghiệm với nhau (bao gồm kinh nghiệm xử thế, lao động sản xuất, học tập…). Vì thế nó có giá trị đặc biệt trong đời sống. Để khuyên bảo con cháu cách nói năng sao cho đạt hiệu quả cao nhất, ông cha ta đã từng căn dặn:

Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Trong cuộc sống hằng ngày, con người thường xuyên phải dùng ngôn ngữ làm phương tiện giao tiếp. Nếu biết lựa chọn những lời nói thích hợp thì sẽ hiểu nhau hơn, công việc sẽ thuận lợi hơn, kết quả sẽ cao hơn. Lời nói là một loại công cụ lợi hại trong đời sống xã hội. Ai cũng biết rằng, mỗi con người bình thường đều có khả năng nói lên mọi điều nhưng có lời hay, lời đẹp mà cũng có lời thô, lời vụng. Người khôn ngoan phải biết lựa lời:

Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

Lời nói có thể chọn lựa được tùy theo ý định và trình độ văn hóa của người nói. Vì thế, cha ông ta hình dung lời nói như một thứ sản phẩm, một thứ công cụ dễ kiếm, dễ tìm, dễ chọn trong tầm tay của mọi người. Nếu chọn đúng, lời nói sẽ đem đến kết quả tốt đẹp, còn lựa sai, thì lời nói sẽ làm mất lòng nhau. Hiệu quả của lời nói đẹp là làm vừa lòng nhau. Lời nói đẹp tạo ra sự cảm thông, ăn ý và hiểu biết lẫn nhau. Đó là cơ sở để con người đạt được mục đích giao tiếp. Để cho vừa lòng nhau, người nói cần phải biết lựa chọn ngôn ngữ thích hợp với đối tượng và hoàn cảnh.

Ví dụ cùng nói về một hiện tượng là cái chết, có rất nhiều cách diễn đạt khác nhau như: sư già đã viên tịch, người chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc… Là người có văn hóa, khi đến chia buồn với tang chủ, khách phải biết lựa chọn cách nói thích hợp. Một lời nói hợp cảnh, hợp tình sẽ làm cho quan hệ thêm tốt đẹp và việc làm thêm hiệu quả.

Một lời nói hớ hênh, thô vụng sẽ làm hỏng hết mọi dự định ban đầu. Chọn được những lời nói thích hợp chính là ta đã làm tốt việc lựa lời.

Nhưng để có khả năng lựa lời, chúng ta phải học tập, rèn luyện liên tục, lâu dài. Ông cha ta cũng đã từng để lại rất nhiều lời khuyên về việc nói năng của con người: Ăn phải nhai, nói phải nghĩ; hoặc: Học ăn, học nói, học gói, học mở…

Tuy coi trọng việc lựa lời để đạt được hiệu quả giao tiếp nhưng ông cha ta cũng không bao giờ cho rằng mục đích giao tiếp chỉ là làm vừa lòng nhau. Cần phải chọn lời nói thích hợp, lời nói đúng chứ không phải chỉ quan tâm đến sự đồng tình của người nghe, bởi vì, có nhiều khi sự thật mất lòng. Một lời nói êm tai nhẹ nhàng nhưng giả dối thì không thể coi là một hành vi giao tiếp đúng đắn. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Lời nói thích hợp trước hết phải là lời nói chân thành, sau đó mới là lời nói đẹp.

Lời nói là công cụ giao tiếp, lời nói thể hiện đạo đức, trình độ của mỗi con người. Biết lựa lời sẽ tạo được hiệu quả tốt trong giao tiếp. Vì vậy, chúng ta cần phải tự rèn luyện cách nói năng văn minh, lịch sự để đạt được mục đích như mong muốn.

----------------------------------------------------------------

Ngoài Giải thích câu tục ngữ "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", các bạn học sinh còn có thể tham khảo các tài liệ Văn 7 khác trên VnDoc để học tốt Ngữ văn 7 hơn.

Đánh giá bài viết
355 204.843
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

Xem thêm