Đề cương ôn tập các môn Khoa - Sử - Địa lớp 5 cuối học kì 2
Đề cương ôn tập các môn Khoa - Sử - Địa lớp 5 cuối học kì 2 là đề cương ôn tập 3 môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý lớp 5 cuối học kì 2. Các đề thi học kì 2 lớp 5 này được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các bạn học sinh và quý thầy cô tài liệu ôn tập rất tốt dành cho học sinh lớp 5 tham khảo, học tập trước kì thi cuối học kì 2.
1. Đề cương ôn thi học kì 2 lớp 5 môn Khoa học
SỰ CHUYỂN THỂ CỦA CHẤT
Câu 1: Các chất có thể tồn tại ở những thể nào? Nêu tính chất của các thể đó?
Các chất có thể tồn tại ở 3 thể là thể rắn, thể lỏng, thể khí. Khi nhiệt độ thay đổi, một số chất có thể chuyển từ thể này sang thể khác.
Tính chất:
- Thể rắn: có hình dạng nhất định.
- Thể lỏng: không có hình dạng nhất định, có hình dạng của vật chứa nó, nhìn thấy được.
- Thể khí: Không có hình dạng nhất định, chiếm toàn bộ vật chưa nó, không nhìn thấy được.
Câu 2: Nêu một số ví dụ về sự chuyển thể của chất trong đời sống hàng ngày?
Ví dụ: Sáp, thủy tinh, kim loại ở nhiệt độ cao thích hợp thì chuyển từ thể rắn sang thể lỏng. Khí nitơ được làm lạnh thì trở thành khí nitơ lỏng.
Sự chuyển thể của chất là một dạng lí học.
HỖN HỢP
Câu 1: Hỗn hợp là gì? Nêu cách tạo ra một hỗn hợp? Kể ra một số hỗn hợp mà em biết?
Hỗn hợp là hai hay nhiều chất trộn lẫn với nhau. Trong hỗn hợp, mỗi chất vẫn giữ nguyên tính chất của nó
Muốn tạo ra một hỗn hợp, phải có ít nhất hai chất trở lên và các chất đó phải được trộn lẫn với nhau.
Một số hỗn hợp: gạo lẫn trấu, cám lẫn gạo, đường lẫn cát, gạo lẫn cát,....
Câu 2: Nêu một số cách tách các chất ra khỏi một số hỗn hợp? Cho ví dụ.
Để tách một số chất ra khỏi hỗn hợp ta có thể sử dụng một trong các cách như: sàng, sảy, lọc, làm lắng....
Ví dụ: Tách cát trắng (hoặc chất rắn bất kì) ra khỏi hỗn hợp cùng với nước ta dùng cách lọc.
Tách dầu ăn ra khỏi hỗn hợp dầu ăn và nước ta có thể sử dụng cách làm lắng.
Tách gạo ra khỏi hỗn hợp gạo lẫn sạn, ta có thể dùng cách đãi sạn.
DUNG DỊCH
Câu 1: Dung dịch là gì? Để tạo ra một dung dịch cần có điều kiện gì? Kể tên một số dung dịch mà em biết?
Dung dịch là hỗn hợp chất lỏng với chất rắn bị hòa tan và phân bố đều hoặc hỗn hợp chất lỏng với chất lỏng hòa tan vào nhau.
Để tạo ra một dung dịch ít nhất phải có hai chất trở lên, trong đó phải có một chất lỏng và một chất kia phải hòa tan được vào trong chất lỏng đó.
Ví dụ: dung dịch nước và xà phòng; giấm và đường; giấm và muối; nước và đường; nước và muối.
Câu 2: Nêu cách tách các chất trong dung dịch. Cho ví dụ minh họa
- Ta có thể tách các chất trong dung dịch bằng cách chưng cất.
- Trong thực tế, người ta sử dụng phương pháp chưng cất để tạo ra nước cất dùng cho ngành y tế và một số ngành khác cần nước thật tinh khiết.
Ví dụ: Đun nóng dung dịch muối, nước sẽ bốc hơi. Hơi nước được dẫn qua ống làm lạnh. Gặp lạnh, hơi nước đọng lại thành nước. Còn muối thì ở lại nồi đun.
Để sản xuất muối từ nước biển, người ta dẫn nước biển vào các ruộng làm muối. Dưới ánh mặt trời, nước sẽ bay hơi và còn lại muối.
SỰ BIẾN ĐỔI HÓA HỌC
Câu 1: Nêu định nghĩa về sự biến đổi hóa học? Phân biệt sự biến đổi hóa học và sự biến đổi lí học? Cho ví dụ?
Sự biến đổi hóa học là sự biến đổi từ chất này thành chất khác.
Sự biến đổi lí học là sự biến đổi mà trong đó tính chất của các chất không thay đổi.
Ví dụ:
Sự biến đổi hóa học:
- Cho vôi sống vào nước:Vôi sống khi thả vào nước đã không còn giữ được tính chất của nó nữa, nó bị biến đổi thành vôi tôi dẻo quánh, kèm theo sự tỏa nhiệt.
- Xi măng trộn cát và nước: Xi măng trộn cát và nước sẽ tạo thành một hợp chất mới gọi là vữa xi măng. Tính chất của vữa xi măng hoàn toàn khác với tính chất của 3 chất tạo thành nó là xi măng, cát và nước.
- Đinh mới để lâu ngày thành đinh gỉ: Dưới tác dụng của hơi nước trong không khí, chiếc đinh bị gỉ. Tính chất của đinh gỉ khác hẳn với tính chất của đinh mới.
Sự biến đổi lí học:
- Xé giấy thành những mảnh vụn: Giấy bị xé vụn nhưng vẫn giữ nguyên tính chất của nó, không bị biến đổi thành chất khác.
- Xi măng trộn cát: Xi măng trộn cát tạo thành hỗn hợp xi măng cát, tính chất của cát và xi măng vẫn giữ nguyên không thay đổi.
- Thủy tinh ở thể lỏng sau khi thổi thành các chai, lọ thành thủy tinh ở thể rắn vẫn giữ nguyên các tính chất của thủy tinh....
Năng lượng
Câu 1: Nêu ví dụ về: các vật có biến đổi vị trí, hình dạng, nhiệt độ, nhờ được cung cấp năng lượng.
- Muốn đưa cặp sách lên cao, ta có thể dùng tay nhấc cặp. Năng lượng do tay ta cung cấp đã làm cặp sách dịch chuyển.
- Khi thắp ngọn nến, nến toả nhiệt và phát ra ánh sáng. Nến bị đốt cháy đã cung cấp năng lượng cho việc phát sáng và toả nhiệt.
- Khi lắp pin và bật công tắc của ôtô đồ chơi, động cơ quay, đèn sáng, còi kêu. Điện do pin sinh ra đã cung cấp năng lượng làm động cơ quay, đèn sáng, còi kêu.
Như vậy, muốn làm cho các vật xung quanh biến đổi cần có năng lượng.
Câu 2: Nêu ví dụ về hoạt động của con người, động vật, phương tiện, máy móc và chỉ ra nguồn năng lượng cho các hoạt động đó?
- Người nông dân cày, cấy: nguồn năng lượng là thức ăn.
- Các bạn học sinh đá bóng, học bài: thức ăn.
- Chim bay: thức ăn.
- Máy cày: xăng. -……
Trong mọi hoạt động của con người, động vật, máy móc, … đều có sự biến đổi. Vì vậy, bất kì hoạt động nào cũng cần dùng năng lượng.
Muốn có năng lượng để thực hiện các hoạt động như cày, cấy, trồng trọt, học tập, … con người phải ăn, uống và hít thở. Thức ăn là nguồn cung cấp năng lượng cho các hoạt động của con người.
Năng lượng mặt trời
Câu 1: Trình bày tác dụng của năng lượng mặt trời trong tự nhiên.
- Mặt trời cung cấp năng lượng cho trái đất ở dạng ánh sáng và nhiệt.
- Năng lượng mặt trời có vai trò quan trong đối với sự sống, thời tiết và khí hậu. Cụ thể là:
+ Năng lượng mặt trời được dùng để chiếu sáng, sưởi ấm, đun nấu, làm khô, phát điện, …
+ Mặt trời chiếu sáng và sưởi ấm cho muôn loài, giúp cho cây xanh tốt, người và động vật khoẻ mạnh. Cây xanh hấp thụ năng lượng mặt trời để sinh trưởng và phát triển. Cây là thức ăn trực tiếp hoặc gián tiếp của động vật. Cây còn cung cấp củi đun. Than đá, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên cũng được hình thành do năng lượng mặt trời.
+ Năng lượng mặt trời còn gây ra nắng, mưa, gió, bão, … trên trái đất.
Câu 2: Kể tên một số phương tiện, máy móc, hoạt động, của con người sử dụng năng lượng mặt trời.
- Phơi khô các đồ vật, lương thực, thực phẩm như: lúa, ngô, cà phê, sắn,…
- Máy tính bỏ túi, bình nước nóng, … hoạt động bằng năng lượng mặt trời. - ....
Sử dụng năng lượng chất đốt
Câu 1: Kể tên của một số loại chất đốt.
Có một số chất đốt ở thể rắn, thể lỏng, thể khí. Cụ thể là:
- Thể rắn: củi, rơm, rạ, tre, …
- Thể lỏng: dầu mỏ,…
- Thể khí: khí đốt tự nhiên, khí đốt sinh học.
Câu 2: Kể tên, nêu công dụng, việc khai thác của từng loại chất đốt.
* Chất đốt rắn: - Kể tên: củi, tre, rơm, rạ, than đá, …
- Công dụng: dùng làm chất đốt. Ngoài ra: Than đá được sử dụng để chạy máy của nhà máy nhiệt điện và một số loại động cơ; dùng trong sinh hoạt: đun nấu, sưởi.
- Việc khai thác:
+ Than đá: ở nước ta, than đá được khai thác chủ yếu ở các mỏ than thuộc tỉnh Quảng Ninh.
+ Các chất đốt khác: khai thác chủ yếu ở vùng nông thôn, miền núi, …
* Chất đốt lỏng: - Kể tên: dầu mỏ.
- Công dụng: Ngoài việc dùng làm chất đốt, từ dầu mỏ người ta có thể tách ra xăng, dầu hoả, dầu đi-ê-zen, dầu nhờn. Có thể chế ra nước hoa, tơ sợi nhân tạo, nhiều loại chất dẻo, … từ dầu mỏ.
- Việc khai thác: Dầu mỏ nằm sâu trong lòng đất. Trên lớp dầu mỏ còn có lớp khí gọi là khí dầu mỏ. Muốn khai thác dầu mỏ cần dựng các tháp khoan để khoan các giếng sâu tới tận nơi có chứa dầu. Dầu mỏ được lấy lên theo các lỗ khoan của giếng dầu.
* Chất đốt khí: - Kể tên: khí sinh học, khí tự nhiên.
- Công dụng: dùng làm chất đốt.
- Việc khai thác:
+ Khí tự nhiên: Các loại khí đốt tự nhiên đều được khai thác từ mỏ. Để dùng được khí tự nhiên, khí được nén vào các bình chứa bằng thép để dùng cho các bếp ga.
+ Khí sinh học (bi-o-ga): được tạo ra trong các bể chứa có ủ chất thải, rác, mùn, phân gia súc,… khí thoát ra ngoài theo đường ống dẫn đến bếp.
Câu 3: Nêu tác hại của việc sử dụng các loại chất đốt đối với môi trường không khí và những biện pháp để làm giảm những tác hại đó? Vì sao các chất đốt khi cháy có thể ảnh hưởng đến môi trường?
- Các chất đốt khi cháy đều sinh ra nhiều loại khí độc, thải vào môi trường sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường không khí, …; Để giảm những tác hại đó, các chất thải, chất đốt cần được xử lí trước khi thải ra môi trường, làm ống khói dẫn khí bay lên cao, …
- Tại vì: Tất cả các chất đốt khi cháy đều sinh ra khí các-bô-níc cùng nhiều loại khí và các chất độc khác làm ô nhiễm không khí, có hại cho người, động vật, thực vật; làm han gỉ các đồ dùng, máy móc bằng kim loại, … Vì vậy, cần có những ống khói để dẫn chúng lên cao, hoặc có các biện pháp để làm sạch, khử độc các chất thải trong khói nhà máy.
Câu 4: Tại sao không nên chặt cây bừa bãi để lấy củi đun, đốt than? Than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên có phải là nguồn năng lượng vô tận không? Kể tên một số nguồn năng lượng có thể thay thế chúng?
- Tại vì chặt cây bừa bãi để lấy củi đun và làm chất đốt sẽ gây ảnh hưởng tới tài nguyên rừng, tới môi trường.
- Than đá, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên được hình thành từ xác sinh vật qua hàng triệu năm. Đây không phải là nguồn tài nguyên vô tận. Hiện nay, các nguồn năng lượng này đang có nguy cơ bị cạn kiệt do việc sử dụng của con người.
- Để thay thế nguồn năng lượng này, con người đã và đang tìm cách khai thác và sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng nước chảy, … Phát triển khí sinh học, sản xuất khí đốt là con đường thiết thực giải quyết sự thiếu hụt chất đốt và cải thiện môi trường ở nông thôn.
Câu 5: Nêu những nguy hiểm có thể xảy ra khi sử dụng chất đốt? Cần làm gì để phòng tránh tai nạn khi sử dụng chất đốt?
- Nếu sử dụng chất đốt không cẩn thận có thể gây ra cháy dụng cụ nấu, cháy nổ nghiêm trọng.
- Khi đun nấu phải tập chung chú ý; đun nấu với thời gian hợp lý, khi không đun nấu nữa, tránh để lửa gần chất đốt, …
2. Đề cương ôn tập học kì 2 lớp 5 môn Lịch sử
NƯỚC NHÀ BỊ CHIA CẮT
1. Quy định đối với Pháp trong Hiệp định Giơ-ne-vơ?
- Quân Pháp sẽ rút khỏi miền Bắc, chuyển vào miền Nam.
- Trong 2 năm, quân Pháp phải rút khỏi miền Nam Việt Nam
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
2. Ngày nào Trung ương Đảng quyết định mở đường Trường Sơn?
- Ngày 19-5-1959 Trung ương Đảng quyết định mở đường Trường Sơn.
CHIẾN THẮNG “ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG”
3. Mĩ ném bom vào Hà Nội vào những ngày nào?
- 12 ngày đêm: từ 18 /12 /1972 đến 29/12/1972.
LỄ KÝ HIỆP ĐỊNH PA-RI
4. Hiệp định Pa-ri có ý nghĩa như thế nào đối với lịch sử dân tộc ta?
- Hiệp định Pa-ri đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Đế quốc Mĩ buộc phải rút quân khỏi nước ta, lực lượng cách mạng miền Nam chắc chắn mạnh hơn kẻ thù. Đó là thuận lợi rất lớn để nhân dân ta tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
TIẾN VÀO DINH ĐỘC LẬP
5. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu. vào ngày nào?
Ngày 26-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu.
HOÀN THÀNH THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
6. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tổ chức trong cả nước vào ngày nào?
- Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tổ chức trong cả nước.
XÂY DỰNG NHÀ MÁY THUỶ ĐIỆN HOÀ BÌNH
7. Nêu vai trò của nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình đối với công cuộc xây dựng đất nước?
- Nhà máy thủy điện Hòa Bình có vai trò quan trọng đối với công cuộc xây dựng đất nước: cung cấp điện cho cả nước, ngăn lũ cho đồng bằng Bắc Bộ.
3. Đề cương ôn tập học kì 2 lớp 5 môn Địa lý
1. Đặc điểm địa hình của Châu Phi
- Địa hình châu Phi tương đối cao, toàn bộ châu lục được coi như một cao nguyên khổng lồ, trên có các bồn địa lớn.
2. Vị trí cao nguyên Bra-xin
- Nằm ở Nam Mĩ
3. Địa hình của các nước láng giềng của Việt Nam:
- Việt Nam:có hình chữ S, với 3/4 diện tích là đồi núi, 1/4 diện tích là đồng bằng)
- Lào: Không giáp biển, phần lớn là núi và cao nguyên
- Cam-pu-chia: Chủ yếu là đồng bằng dạng lòng chảo
- Trung Quốc:miền Đông là đồng bằng, miền Tây là núi và cao nguyên
4. Nêu đặc điểm khí hậu Châu Âu
- Châu Âu nằm chủ yếu trong đới khí hậu ôn hòa
5. Nêu đặc điểm nền kinh tế Nước Pháp
- Nền kinh tế của Pháp là nước phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ (du lịch)
6. Nền kinh tế của Ai Cập: Nền kinh tế của Ai Cập nổi tiếng về các công trình kiến trúc cổ như: kim tự tháp, tượng nhân sư, … rất thu hút khách du lịch và sản xuất bông).
7. Nêu đặc diểm về dân cư của Châu Mỹ
- Phần lớn cư dân châu Mĩ hiện nay là người nhập cư từ các châu lục khác đến.
8. Nêu đặc diểm về dân cư và hoạt động sản xuất Châu Đại Dương
- Châu Đại Dương có số dân ít nhất trong các châu lục có dân cư sinh sống.
- Ôt-xtrây-li-a là nước có nền kinh tế phát triển, nổi tiếng thế giới về xuất khẩu lông cừu, len, thịt bò và sữa. Các ngành công nghiệp năng lượng, khai khoáng, luyện kim, chế tạo máy, chế biến thực phẩm phát triển mạnh.
9. Hãy cho biết vị trí giới hạn châu Á? Châu Á có những đới khí hậu nào?
Châu Á trải dài từ gần cực Bắc tới quá xích đạo. Châu Á có những đới khí hậu: Nhiệt đới, ôn đới, hàn đới .
10. Địa hình châu Mĩ từ Tây sang Đông lần lượt là?
Núi cao, đồng bằng lớn, núi thấp và cao nguyên.
11. Nêu giới hạn, vị trí địa lí, đặc điểm khí hậu của châu Mĩ?
Châu Mĩ nằm ở bán cầu Tây, có diện tích đứng thứ hai trong các châu lục trên thế giới. Châu Mĩ trải dài trên nhiều đới khí hậu. Chiếm diện tích lớn nhất là khí hậu ôn đới ở Bắc Mĩ và khí hậu nhiệt đới ở Nam Mĩ.
12. Kể tên các châu lục và đại dương trên thế giới?
Các châu lục: Châu Á, châu Âu, châu Mĩ, Châu Phi, Châu Đại Dương, Châu Nam cực.
Các đại dương: Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương. Trong đó Thái Bình Dương có diện tích lớn và sâu nhất.
13. Vì sao khu vực Đông Nam Á lại sản xuất được nhiều lúa gạo?
Vì khu vực này có đồng bằng màu mỡ nằm dọc các con sông lớn., có khí hậu nóng ẩm thích hợp trồng lúa, người dân có nhiều kinh nghiệm trồng trọt.
14. Nêu đặc điểm của Châu Nam cực
Châu Nam Cực: Là châu lục lạnh nhất thế giới; không có người ở, chỉ có các nhà khoa học đến nghiên cứu. Động vật tiêu biểu là chim cánh cụt, tuy không biết bay nhưng bơi lội rất giỏi.
15. Nêu tên dãy núi và đỉnh núi cao nhất thế giới?
Dãy: Hi-ma-lay-a; Đỉnh: Ê-vơ-rét, cao 8848 m.
16. Tây Ninh có khí hậu gì?có đường biên giới giáp quốc gia nào?
Tây Ninh có khí hậu nóng ẩm, có đường biên giới giáp với Cam-pu-chia.
TRẮC NGHIỆM ĐỊA LÝ LỚP 5
Câu 1: Khoanh vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng (1 điểm)
a. Châu Á có đủ các đới khí hậu từ nhiệt đới, ôn đới đến hàn đới vì:
A. Châu Á nằm ở bán cầu Bắc.
B. Châu Á có diện tích lớn nhất trong các châu lục.
C. Châu Á trải từ tây sang đông.
D. Châu Á trải dài từ gần cực Bắc đến quá xích đạo.
b. Châu lục nào trên thế giới có diện tích lớn nhất?
A. Châu Á
B. Châu Âu
C. Châu Mĩ
Câu 2: Nối thông tin ở 2 cột cho phù hợp: (2 điểm)
Châu Phi | Là châu lục lạnh nhất thế giới và không có người ở. | |
Châu Nam Cực | Có đường xích đạo đi ngang qua giữa châu lục. Khí hậu nóng và khô. Dân cư chủ yếu là người da đen. | |
Châu Mĩ | Có khí hậu khô hạn, phần lớn diện tích là hoang mạc và xa van, động vật có nhiều loài có túi. | |
Châu Đại Dương | Thuộc Tây bán cầu, thiên nhiên đa dạng, phong phú. Có rừng rậm A-ma-zon nổi tiếng thế giới. |
Câu 3: Hãy điền vào ô chữ Đ trước ý đúng, chữ S trước ý sai.
a) Núi và cao nguyên chiếm 3/4 diện tích châu Á
b) Châu Âu là châu lục có số dân đông nhất thế giới.
c) Kim tự tháp, tượng nhân sư là những công trình kiến trúc cổ nổi tiếng của châu Á.
d) Những mặt hàng công nghiệp của châu Âu nỏi tiếng thế giời là máy bay, ô tô, hàng điện tử,.....
Câu 4: Điền từ, ngữ vào chỗ chấm (...) sao cho đúng.
Châu Á có số dân ........ thế giới. Người dân sống tạp trung đông đúc tại các ........... châu thổ và sản xuất ................. là chính. Môt số nước phát triển công nghiệp khai thác ........... như Trung Quốc, Ấn Độ.
Câu 5: Nêu sự khác nhau về địa hình của hai nước Lào và Cam -pu - chia.
Trả lời: - Địa hình của Lào phần lớn là núi và cao nguyên.
- Địa hình của Cam - pu - chia chủ yếu là đồng bằng.
Câu 6: Ghi chữ L vào những ô trước ý chỉ đặc điểm tự nhiên của Lào và chữ C vào những ô trước ý chỉ đặc điểm tự nhiên của Cam- pu - chia.
a) Lãnh thổ không giáp biển.
b) Địa hình chủ yếu là đồng bằng.
c) Địa hình phần lớn là núi và cao nguyên
d) Lãnh thổ có dạng lòng chảo, nơi thấp nhất là biển Hồ.
Câu 7: Vì sao khu vực Đông Nam Á lại sản xuất được nhiều lúa gạo?
Trả lời: - Có nhiều đồng bằng châu thổ màu mỡ.
- Có khí hậu gió mùa nóng ẩm.
Câu 8: Điền vào ô c chữ Đ trước ý đúng, chữ S trước ý sai.
a) Châu Âu là châu lục có số dân đông nhất thế giới
b) Hầu hết các nước châu Phi chỉ mới tập trung vào khai thác khoáng sản và trồng cây công nghiệp nhiệt đới để xuất khẩu.
c) Địa hình châu Mĩ từ phía tây sang phía đông lần lượt là: núi cao, đồng bằng lớn, hoang mạc.
d) Ô - xtrây -li - a nổi tiếng thế giới về xuất khẩu lông cừu, len, thịt bò và sữa.
Câu 9: Hãy nối tên châu lục ở cột A với các thông tin ở cột B sao cho phù hợp.
A | B | |
1. Châu Phi | a) Có đường Xích đạo đi ngang qua giữa châu lục; dân cư chủ yếu là người da đen. | |
2. Châu Mĩ | b) Thuộc Tây bán cầu; có rừng rậm A - ma - dôn nổi tiếng thế giới. | |
3. Châu Âu | c) Châu lục có nhiều cảnh quan nổi tiếng: Vịnh Hạ Long, Vạn lí trường thành, đền Ăng - co Vát | |
4. Châu Á | d) Châu lục nằm phía tây châu Á: có khí hậu ôn hòa; đa số cư dân là người da trắng. |
Câu 10: Sản phẩm nào dưới đây không phải là sản phẩm công nghiệp nổi tiếng thế giới của châu Âu?
A. Len dạ
B. Hàng điện tử
C. Mĩ phẩm
D. Dược phẩm
E. Đồi chơi trẻ em
G. Thiết bị.
Câu 11: Trong các ý sau, ý nào nói không đúng đặc điểm của châu Nam Cực ?
A. Động vật tiêu biểu ở châu Nam Cực là chim cánh cụt
B. Châu Nam Cực là châu nằm ở vùng địa cực
C. Châu Nam Cực có dân cư đông đúc.
D. Quanh năm nhiệt độ dưới 00 C là đặc điểm của châu Nam Cực.
Câu 12: Địa hình châu Mĩ từ tây sang đông lần lượt là:
A. Đồng bằng lớn, núi, hoang mạc.
B. Núi cao, đồng bằng lớn, núi thấp và cao nguyên.
C. Đồng bằng , núi cao, núi thấp và cao nguyên.
D. Núi cao, hoang mạc, núi thấp và cao nguyên.