Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bộ đề thi học kì 2 lớp 5 môn Tiếng Việt năm học 2018 - 2019

Bộ đề thi học kì 2 lớp 5 môn Tiếng Việt năm học 2018 - 2019 bao gồm 4 đề thi có đáp án và bảng ma trận đề thi chi tiết chuẩn theo Thông tư 22 cho các em học sinh tham khảo, chuẩn bị cho bài thi cuối học kì 2 đạt kết quả cao. Mời các em học sinh tham khảo chi tiết và tải về chi tiết.

Đề bài: Đề thi học kì 2 lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 1

A/ KIỂM TRA ĐỌC: (10đ)

I. Đọc thành tiếng (3đ)

- Nội dung kiểm tra: GV cho HS đọc một đoạn văn khoảng 150 chữ thuộc chủ đề: Nam và nữ, Những chủ nhân tương lai (Từ tuần 29 đến tuần 33). Kết hợp trả lời câu hỏi về nội dung bài đọc.

- Hình thức kiểm tra: Cho HS đọc đoạn văn, thơ trong các bài tập đọc thuộc chủ đề nói trên bằng hình thức bốc thăm .

II. Đọc thầm (7đ) (35 phút)

Đọc thầm bài: “Chim họa mi hót” (TV lớp 5 tập 2 trang 123)

CHIM HỌA MI HÓT

Chiều nào cũng vậy, con chim họa mi ấy không biết tự phương nào bay đến đậu trong bụi tầm xuân ở vườn nhà tôi mà hót.

Hình như nó vui mừng vì suốt ngày đã được tha hồ rong ruổi bay chơi trong khắp trời mây gió, uống bao nhiêu nước suối mát lành trong khe núi. Cho nên những buổi chiều tiếng hót có khi êm đềm, có khi rộn rã, như một điệu đàn trong bóng xế mà âm thanh vang mãi giữa tĩnh mịch, tưởng như làm rung động lớp sương lạnh mờ mờ rủ xuống cỏ cây.

Hót một lúc lâu, nhạc sĩ giang hồ không tên không tuổi ấy từ từ nhắm hai mắt lại, thu đầu vào lông cổ, im lặng ngủ, ngủ say sưa sau một cuộc viễn du trong bóng đêm dày.

Rồi hôm sau, khi phương đông vừa vẩn bụi hồng, con họa mi ấy lại hót vang lừng chào nắng sớm. Nó kéo dài cổ ra mà hót, tựa hồ nó muốn các bạn xa gần đâu đó lắng nghe. Hót xong, nó xù lông rũ hết những giọt sương rồi nhanh nhẹn chuyền từ bụi nọ sang bụi kia, tìm vài con sâu ăn lót dạ, đoạn vỗ cánh bay vút đi.

(Theo Ngọc Giao)

Dựa vào nội dung bài đọc, em hãy khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất và hoàn thành các bài tập sau:

Câu 1/ (1đ) Tác giả cảm nhận tiếng hót của chim họa mi rất hay qua chi tiết nào?

a) Hót vang lừng chào nắng sớm.

b) Khi êm đềm, khi rộn rã, như một điệu đàn.

c) Làm rung động lớp sương lạnh mờ mờ.

d) Nó kéo cổ ra mà hót, tựa hồ nó muốn các bạn gần xa đâu đó lắng nghe.

Câu 2/ (1đ) Khi phương đông vừa vẩn bụi hồng, chim họa mi làm gì?

a) Tìm vài con sâu ăn lót dạ.

b) Xù lông rũ hết những giọt sương.

c) Hót vang lừng chào nắng sớm.

d) Chuyền từ bụi nọ sang bụi kia.

Câu 3/ (1đ) Xác định chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ của câu văn sau :

Rồi hôm sau, khi phương đông vừa vẩn bụi hồng, con hoạ mi ấy lại hót vang lừng.

…………………………………………………………………………………………

Câu 4/ (0,5đ) Hai từ đồng nghĩa với từ “êm đềm” là:

………………………………………………………………………………………………………………

Câu 5/ (1đ) Dòng nào sau đây chỉ gồm các từ láy ?

a) êm đềm, rộn rã, mờ mờ, cỏ cây, say sưa.

b) êm đềm, rộn rã, mờ mờ, say sưa, vừa vẩn.

c) êm đềm, rộn rã, mờ mờ, say sưa, từ từ.

d) êm đềm, rộn rã, mờ mờ, xa gần, nhanh nhẹn.

Câu 6/ (0,5đ) Hai từ trái nghĩa với từ “tĩnh mịch” là:

………………………………………………………………………………………………………………

Câu 7/ (0,5đ) Dấu phẩy trong câu: “Chiều nào cũng vậy, con chim họa mi ấy không biết tự phương nào bay đến bụi tầm xuân ở vườn nhà tôi mà hót.” có tác dụng :

a) Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ.

b) Ngăn cách các vế câu ghép.

c) Ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ.

d) Ngăn cách các chủ ngữ trong câu.

Câu 8/ (0,5đ) Trong các cụm từ: nhắm hai mắt, kéo dài cổ, thu đầu, những từ mang nghĩa gốc là:

a/ Chỉ có từ mắt mang nghĩa gốc.

b/ Chỉ có từ cổ mang nghĩa gốc.

c/ Chỉ có từ đầu mang nghĩa gốc.

d/ Cả ba từ: mắt, cổ, đầu mang nghĩa gốc.

Câu 9/ (1đ) Đặt 1 câu ghép có cặp quan hệ từ: Tuy… nhưng …

………………………………………………………………………………………………………………

B. KIỂM TRA VIẾT: (10đ)

I. Viết chính tả: ( 2đ) Bài viết : Thuần phục sư tử (20 phút)

(SGKTV5 T2/tr117&118) - (Viết đoạn: Một tối, …… đến con sư tử hung dữ.)

II - Tập làm văn : (8đ) Chọn một trong hai đề sau: (35 phút)

* Đề 1: Em hãy tả một người bạn mà em quý mến nhất.

* Đề 2: Em hãy tả ngôi nhà em đang ở.

>> Tham khảo: Đề cương ôn tập học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5

Đáp án Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5

A/ KIỂM TRA ĐỌC: (10đ)

I. Đọc thành tiếng (3đ) * Cách đánh giá, cho điểm:

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đọc đạt yêu cầu, giọng đọc có biểu cảm: 1 điểm

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa; đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm

II. Đọc thầm (7đ) (35 phút)

Dựa vào nội dung bài đọc, em hãy khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất và hoàn thành các bài tập sau:

1/ (1đ) Tác giả cảm nhận tiếng hót của chim họa mi rất hay qua chi tiết nào?

b) Khi êm đềm, khi rộn rã, như một điệu đàn.

2/ (1đ) Khi phương đông vừa vẩn bụi hồng, chim họa mi làm gì?

c) Hót vang lừng chào nắng sớm.

3/ (1đ) Xác định chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ của câu văn sau :

Rồi hôm sau,/ khi phương đông vừa vẩn bụi hồng,/ con hoạ mi ấy /lại hót vang lừng.

TN TN CN VN

4/ (0,5đ) Hai từ đồng nghĩa với từ “êm đềm” là: êm ả, yên ả, …

5/ (1đ) Dòng nào sau đây chỉ gồm các từ láy ?

c) êm đềm, rộn rã, mờ mờ, say sưa, từ từ.

6/ (0,5đ) Hai từ trái nghĩa với từ “tĩnh mịch” là: ồn ào, náo nhiệt, náo động, ...

7/ (0,5đ) Dấu phẩy trong câu : “Chiều nào cũng vậy, con chim họa mi ấy không biết tự phương nào bay đến bụi tầm xuân ở vườn nhà tôi mà hót.” có tác dụng :

a) Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ.

8/ (0,5đ) Trong các cụm từ: nhắm hai mắt, kéo dài cổ, thu đầu, những từ mang nghĩa gốc là: d/ Cả ba từ: mắt, cổ, đầu mang nghĩa gốc.

9/ (1đ) Đặt 1 câu ghép có cặp quan hệ từ: Tuy… nhưng …

Tuy Dương bị khuyết tật đôi tay nhưng bạn ấy viết chữ rất đẹp.

B. KIỂM TRA VIẾT: (10đ)

I. Viết chính tả: ( 2đ) Bài viết: Thuần phục sư tử (20 phút)

(SGKTV5 T2/tr117&118) - (Viết đoạn: Một tối, …… đến con sư tử hung dữ.)

- Tốc độ đạt yêu cầu, chữ viết rõ ràng, viết đúng kiểu chữ, cỡ chữ; trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm.

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm.

* Lưu ý: Nếu viết chữ hoa không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ, trình bày không sạch đẹp,... trừ 0,25 điểm toàn bài.

II - Tập làm văn: (8đ) Chọn một trong hai đề sau: (35 phút)

* Đề 1: Em hãy tả một người bạn mà em quý mến nhất.

* Đề 2: Em hãy tả ngôi nhà em đang ở.

- Viết được một bài văn tả một bạn hoặc tả ngôi nhà có đủ 3 phần, đúng yêu cầu thể loại văn tả người hoặc tả cảnh đã học, độ dài bài viết từ 15 câu trở lên.

- Điểm thành phần được chia như sau:

+ Mở bài: 1 điểm.

+ Thân bài : 4 điểm (Nội dung: 1.5đ; kĩ năng: 1.5 đ; Cảm xúc: 1đ).

+ Kết bài: 1 điểm.

+ Chữ viết, chính tả: 0,5 điểm.

+ Dùng từ, đặt câu: 0,5 điểm.

+ Sáng tạo: 1 điểm.

* Gợi ý đáp án đề 1 như sau:

a/ Mở bài: 1 điểm.

Giới thiệu được bạn sẽ tả: Tên gì? Em quen biết với bạn từ khi nào? ….

(GT trực tiếp hoặc gián tiếp).

b/ Thân bài: 4 điểm.

* Tả hình dáng: (2đ)

- Tả bao quát: tầm thước, tuổi tác, cách ăn mặc, …..

- Tả chi tiết: gương mặt, đầu tóc, da dẻ, mắt, mũi, răng, tai, …...

* Tả tính tình: (2đ)

Thông qua lời nói, cử chỉ, việc làm, …..

Điểm thành phần được chia như sau: Nội dung: 1.5đ; kĩ năng: 1.5 đ; Cảm xúc: 1đ

c/ Kết bài: 1 điểm.

Nói lên được tình cảm, mong ước của mình về bạn vừa tả.

- Chữ viết đẹp, đúng chính tả: 0,5 điểm.

- Dùng từ đặt câu đúng và hay: 0,5 điểm.

Bài làm sáng tạo, biết dùng từ ngữ gợi tả, biểu cảm; biết sử dụng biện pháp so sánh, nhân hóa phù hợp trong miêu tả: 1 điểm.

Đề bài: Đề thi học kì 2 lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 2

A. Phần đọc hiểu

I. Kiểm tra đọc thành tiếng:

- HS bốc thăm đọc các bài sau:

* Nội dung kiểm tra: học sinh bốc thăm và đọc thành tiếng. Mỗi học sinh đọc một đoạn văn, khoảng 120 tiếng / phút (trong bài bốc thăm được) sau đó trả lời một câu hỏi về nội dung đoạn đọc do giáo viên nêu.

- Phong cảnh đền Hùng (Tuần 25) SGK TV5/ 68

- Con gái (Tuần 29) SGK TV5/ 112

- Công việc đầu tiên (Tuần 31) SGK TV5/ 126

- Út Vịnh (Tuần 32) SGK TV5/ 136

II. Kiểm tra đọc thầm:

Đọc thầm bài “Một vụ đắm tàu” và hoàn thành các câu hỏi.

Một vụ đắm tàu

Trên chiếc tàu thuỷ rời cảng Li-vơ-pun hôm ấy có một cậu bé tên là Ma-ri-ô, khoảng 12 tuổi. Tàu nhổ neo được một lúc thì Ma-ri-ô quen một bạn đồng hành. Cô bé là Giu-li-ét-ta, cao hơn Ma-ri-ô. Cô đang trên đường về nhà và rất vui vì sắp được gặp lại bố mẹ. Ma-ri-ô không kể gì về mình. Bố cậu mới mất nên cậu về quê sống với họ hàng.

Đêm xuống, lúc chia tay, Ma-ri-ô định chúc bạn ngủ ngon thì một ngọn sống lớn ập tới, xô cậu ngã dúi. Giu-li-ét-ta hoảng hốt chạy lại. Cô quỳ xuống bên Ma-ri-ô, lau máu trên trán bạn, rồi dịu dàng gỡ chiếc khăn đỏ trên mái tóc băng cho bạn.

Cơn bão dữ dội bất ngờ nổi lên. Những đợt sóng khủng khiếp phá thủng thân tàu, nước phun vào khoang như vòi rồng. Hai tiếng đồng hồ trôi qua…Con tàu chìm dần, nước ngập các bao lơn. Quang cảnh thật hỗn loạn.

Ma-ri-ô và Giu-li-ét-ta, hai tay ôm chặt cột buồm, khiếp sợ nhìn mặt biển. Mặt biển đã yên hơn. Nhưng con tàu vẫn tiếp tục chìm.

Chiếc xuồng cuối cùng được thả xuống. Ai đó kêu lên: “Còn chỗ cho một đứa bé.” Hai đứa trẻ sực tỉnh, lao ra.

- Đứa nhỏ thôi! Nặng lắm rồi. - Một người nói.

Nghe thế, Giu-li-ét-ta sững sờ, buông thõng hai tay, đôi mắt thẩn thờ tuyệt vọng.

Một ý nghĩ vụt đến, Ma-ri-ô hét to: “Giu-li-ét-ta, xuống đi! Bạn còn bố mẹ…”

Nói rồi, cậu ôm ngang lưng Giu-li-ét-ta thả xuống nước. Người ta nắm tay cô lôi lên xuồng.

Chiếc xuồng bơi ra xa. Giu-li-ét-ta bàng hoàng nhìn Ma-ri-ô đang đứng trên mạn tàu, đầu ngửng cao, tóc bay trước gió. Cô bật khóc nức nở, giơ tay về phía cậu : “Vĩnh biệt Ma-ri-ô!”

Theo A-MI-XI

Câu 1: Điền chi tiết thích hợp vào từng chỗ trống

a) Hoàn cảnh của Ma-ri-ô khi lên tàu và mục đích chuyến đi của cậu:

b) Hoàn cảnh của Giu-li-ét-ta khi lên tàu và mục đích chuyến đi của cô:

Khoanh vào trước câu trả lời đúng

Câu 2: Khi Ma-ri-ô bị thương, Giu-li-ét-ta đã làm những gì để chăm sóc bạn?

a) Giu-li-ét-ta hoảng hốt chạy lại. Cô quỳ xuống bên Ma-ri-ô.

b) Cô quỳ xuống bên Ma-ri-ô, lau máu trên trán bạn, gỡ chiếc khăn buộc tóc của mình để băng vết thương cho bạn.

c) Giu-li-ét-ta hoảng hốt chạy lại. Cô quỳ xuống bên Ma-ri-ô, lau máu trên trán bạn, rồi dịu dàng gỡ chiếc khăn đỏ trên mái tóc băng cho bạn.

Câu 3: Ma-ri-ô phản ứng thế nào khi người trên xuồng muốn nhận đứa bé nhỏ hơn là cậu?

a) Một ý nghĩ vụt đến, Ma-ri-ô hét to: “Giu-li-ét-ta, xuống đi! Bạn còn bố mẹ…” Ma-ri-ô đang đứng trên mạn tàu, đầu ngửng cao, tóc bay trước gió.

b) Một ý nghĩ vụt đến, Ma-ri-ô hét to: “Giu-li-ét-ta, xuống đi! Bạn còn bố mẹ…” Nói rồi, cậu ôm ngang lưng Giu-li-ét-ta thả xuống nước.

c) Một ý nghĩ vụt đến, Ma-ri-ô hét to: “Giu-li-ét-ta, xuống đi! Bạn còn bố mẹ…” Ma-ri-ô hai tay ôm chặt cột buồm, khiếp sợ nhìn mặt biển .

Câu 4: Quyết định nhường Giu-li-ét-ta xuống xuồng cứu nạn của Ma-ri-ô nói lên điều gì về cậu bé?.

a) Ma-ri-ô muốn đền đáp lại tấm lòng Giu-li-ét-ta đã giành cho cậu khi chăm sóc cậu bị thương.

b) Ma-ri-ô nghĩ hoàn cảnh của Giu-li-ét-ta vui hơn nên cô đáng được sống hơn cậu.

c) Ma-ri-ô có tâm hồn cao thượng, nhường sự sống cho bạn, hi sinh bản thân vì bạn.

Câu 5: Điền vào chỗ trống các từ ngữ phù hợp với tính cách của từng nhân vật trong câu chuyện.

a) Tính cách của Ma-ri-ô:......................................................................................

b) Tính cách của Giu-li-ét-ta:................................................................................

Câu 6: Hai câu: "Giu-li-ét-ta hoảng hốt chạy lại. Cô quỳ xuống bên Ma-ri-ô, lau máu trên trán bạn, rồi dịu dàng gỡ chiếc khăn đỏ trên mái tóc băng cho bạn." Được liên kết với nhau bằng cách nào?

a, Dùng từ ngữ nối

b, Thay thế từ ngữ

c. Lặp từ ngữ

Câu 7: Câu nào dưới đây là câu ghép?

a) Cô đang trên đường về nhà và rất vui vì sắp được gặp lại bố mẹ.

b) Con tàu chìm dần, nước ngập các bao lơn.

c) Ma-ri-ô và Giu-li-ét-ta, hai tay ôm chặt cột buồm, khiếp sợ nhìn mặt biển.

Câu 8: Câu “Giu-li-ét-ta, xuống đi ! thuộc loại câu nào?

a, Câu khiến

b, Câu cảm

c, Câu kể

Câu 9: “Đêm xuống, lúc chia tay, Ma-ri-ô định chúc bạn ngủ ngon thì một ngọn sóng lớn ập tới và xô cậu ngã dúi.” Dấu phẩy trong câu trên có tác dụng gì?

Câu 10: Viết vào chỗ trống hai thành ngữ hoặc tục ngữ ca ngợi cả nam và nữ

B. Phần viết

I. Chính tả: Nghe - viết: Tà áo dài Việt Nam

* Giáo viên đọc cho học sinh viết.

- Bài viết: Tà áo dài Việt Nam

- Thời gian viết: khoảng 15 phút

Tà áo dài Việt Nam

Áo dài phụ nữ có hai loại: áo tứ thân và áo năm thân. Phổ biến hơn là áo tứ thân, được may từ bốn mảnh vải, hai mành sau ghép liền giữa sống lưng. Đằng trước là hai vạt áo, không có khuy, khi mặc bỏ buông hoặc buộc thắt vào nhau. Áo năm thân cũng may như áo tứ thân, chỉ có điều vạt trước phía trái may ghép từ hai thân vải, thành ra rộng gấp đôi vạt phải.

Từ những năm 30 của thế kỉ XX, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến thành chiếc áo dài tân thời.

II. Tập làm văn:

Đề bài: Hãy tả một người mà em yêu quý.

Thời gian làm bài: khoảng 25 phút

Đáp án Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 2

I. Phần Kiểm tra đọc thầm

CÂU

2(0,5đ)

3(0,5đ)

4(0,5đ)

6(0,75đ)

7(0,75đ)

8(1đ)

ĐÁP ÁN

C

B

C

B

B

A

Câu 1(0,5đ): a) Hoàn cảnh của Ma-ri-ô khi lên tàu và mục đích chuyến đi của cậu

Bố vừa mất, về quê sống với họ hàng.

b) Hoàn cảnh của Giu-li-ét-ta khi lên tàu và mục đích chuyến đi của cô :

Đang trên đường về nhà, gặp lại bố mẹ.

Câu 5:(0,5đ) a) Tính cách của Ma-ri-ô : quả quyết, dũng cảm, cao thượng, chịu đựng, kín đáo.

b) Tính cách của Giu-li-ét-ta : tận tuỵ, dễ xúc động, dịu dàng, tốt bụng.

Câu 9:(1đ)

Dấu phẩy (1) ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ, dấu phẩy (2) ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ.

Câu 10: (1đ)Trai tài, gái sắc; Trai thanh gái lịch...

II/.ĐÁNH GIÁ, CHO ĐIỂM Môn: Tiếng Việt (Phần đọc thành tiếng)

* (Phần đọc thành tiếng): (3 điểm)

* Giáo viên đánh giá, cho điểm dựa vào những yêu cầu sau:

1. Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đọc đạt yêu cầu ( không quá 1 phút): 0,5 điểm

(Đọc từ trên 1 phút – 2 phút: 0,25 điểm; đọc quá 2 phút: 0 điểm)

( Lưu ý : thời gian đọc cuối học kỳ I : khoảng 110 tiếng/phút)

2. Đọc đúng tiếng, đúng từ, trôi chảy, lưu loát: 1 điểm

(Đọc sai từ 2 đến 4 tiếng: 0,5 điểm; đọc sai 5 tiếng trở lên: 0 điểm )

3. Ngắt nghỉ hơi ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 0,5 điểm

(Ngắt nghỉ hơi không đúng từ 2 – 3 chỗ: 0,25 điểm; ngắt nghỉ hơi không đúng từ 4 chỗ trở lên: 0 điểm)

4. Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc : 1điểm

(Trả lời chưa đầy đủ hoặc diễn đạt chưa rõ ràng: 0,5 điểm ; trả lời sai hoặc không trả lời được : 0 điểm

III/ Chính tả (nghe-viết) ; 2 điểm

* Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng , trình bày sạch đẹp: 2 điểm

1/Tốc độ đạt yêu cầu; chữ viết rõ ràng, viết đúng kiểu chữ, cỡ chữ ; trình bày đúng quy định, viết sạch đẹp: (1 điểm)

- Tùy mức độ sai sót về chữ viết, kiểu chữ, cỡ chữ, trình bày của học sinh ; GV chấm phù hợp.

2/ Viết đúng chính tả ( không mắc quá 5 lỗi ): 1 điểm

- Viết đúng chính tả ( không mắc quá 6- 7 lỗi ): 0,5 điểm

- Viết đúng chính tả ( không mắc quá 8-9 lỗi trở lên): 0,25 điểm

- Viết đúng chính tả ( mắc từ 10 lỗi trở lên ): 0 điểm

IV/.Tập làm văn: 8 điểm

+ Học sinh viết được một bài văn thể loại tả người (có mở bài, thân bài, kết bài) một cách mạch lạc, có nội dung phù hợp theo yêu cầu của đề bài.

+ Viết câu đúng ngữ pháp, dung từ đúng, không mắc lỗi chính tả.

+ Chữ viết rõ ràng, trình bày bài viết sạch đẹp.

* cụ thể

1/ Mở bài : (1điểm)

- Giới thiệu được người mình định tả.

2/ Thân bài : 4 (điểm)

* Nội dung: (1,5điểm)

+ Tả bao quát về hình dáng, các bộ phận cơ thể phù hợp với người mình tả, có sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa, so sánh … (0,75đ)

+ Tả những việc làm của người mình tả qua đó thể hiện được tính cách và các phẩm chất của người được tả. (0,75đ)

* Kỹ năng: (1,5điểm)

Có khả năng tạo lập ý, sắp xếp ý; khả năng dùng từ, đặt câu, liên kết câu: 1,5 điểm

* Cảm xúc: (1điểm)

Có khả năng thể hiện suy nghĩ, cảm xúc, thái độ với ngôi nhà của mình …

3/Kết bài : (1điểm)

Cảm nghĩ của em với người mình tả.

4/ Chữ viết rõ ràng, sạch đẹp, không sai chính tả: 0,5 điểm

5/ Dùng từ, đặt câu đúng : 0,5 điểm

6/ Sáng tạo: 1điểm

Đề bài: Đề thi học kì 2 lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 3

A. Phần đọc

I. Đọc thành tiếng

1/ Bài: Một vụ đắm tàu. Đọc đoạn “Trên chiếc tàu thủy….băng cho bạn”

Trả lời câu hỏi: Giu-li-ét-ta chăm sóc Ma-ri-ô như thế nào khi bạn bị thương? (trang108)

……………………………………………………………………………………………

2/ Bài: Con gái. Đọc đoạn “Mẹ phải nghỉ ở nhà….Thật hú vía”. (trang112).

Trả lời câu hỏi: Những chi tiết nào chứng tỏ Mơ không thua gì các bạn trai?

……………………………………………………………………………………………..

3/ Bài: Tà áo dài Việt Nam. Đọc đoạn “ Áo dài phụ nữ….hiện đại trẻ trung” (trang 122)

Trả lời câu hỏi: Chiếc áo dài tân thời có gì khác so với chiếc áo dài cổ truyền?

…………………………………………………………………………………………….

4/ Bài: Công việc đầu tiên. Đọc đoạn “ Tôi rảo bước…hẳn nghe anh” (trang 127)

Trả lời câu hỏi:Vì sao chị Út muốn được thoát li?

…………………………………………………………………………………………….

5/ Bài: Bầm ơi. Đọc cả bài” (trang 130)

Trả lời câu hỏi: Tìm những hình ảnh so sánh thể hiện tình cảm mẹ con thắm thiết sâu nặng?

……………………………………………………………………………………………..

6/ Bài: Út vịnh. Đọc đoạn “ Nhà Út Vịnh… chơi dại như vậy nữa” (trang 136)

Trả lời câu hỏi: Đoạn đường sắt gần nhà Út Vịnh mấy năm nay thường có sự cố gì?

……………………………………………………………………………………………..

7/ Bài: Những cánh buồm. Đọc đoạn “ Hai cha con….để con đi” (Trang 140)

Trả lời câu hỏi: Những câu hỏi ngây thơ cho thấy con có ước mơ gì?

……………………………………………………………………………………………..

8/ Bài: Sang năm con lên bảy. Đọc cả bài” (trang149)

Trả lời câu hỏi: Thế giới tuổi thơ thay đổi như thế nào khi ta lớn lên?

……………………………………………………………………………………………

9/ Bài: Lớp học trên đường. Đọc đoạn “Cụ Vi-ta-li…..thầy tôi đọc lên” (Trang 153)

Trả lời câu hỏi: Lớp học của Rê-mi có gì ngộ nghĩnh?

………………………………………………………………………………………………

10/ Bài: Nếu trái đất thiếu trẻ con. Đọc đoạn “Tôi và anh …những đứa trẻ lớn hơn”(trang 68)

Trả lời câu hỏi: Nhân vật tôi và nhân vật anh trong bài là ai?

Chuyện nhỏ trên hè phố

Trưa ấy, tôi gửi xe đạp bên cạnh Nhà hát Lớn thành phố Hải Phòng. Khu vực gửi xe được quy định sẵn, nhưng một người coi xe muốn chiếm chỗ rộng hơn bèn đóng một cái cọc sắt xuống mặt vỉa hè phẳng phiu để chăng thêm dây. Giá như không có tiếng nói của một cậu bé, có lẽ tôi cũng bỏ qua cái chuyện vặt ấy. Nhưng tôi đã phải chú ý. Một cậu bé khuôn mặt sáng sủa, vai đeo cặp, dừng lại nói với người coi xe:

- Sao anh lại đóng cọc trên hè phố, làm hỏng vỉa hè?

Người coi xe phớt lờ câu nói của cậu bé, tiếp tục nện búa chan chát. Mặt hè đang nhẵn nhụi, bỗng bị một lỗ thủng to bằng miệng bát ăn cơm. Từ lỗ thủng đó, ai mà biết được rồi sau sẽ phá to đến đâu.

Cậu bé tiếp tục, giọng ôn tồn:

- Anh không nên đóng cọc trên vỉa hè!

Người coi xe trừng mắt nhìn cậu bé:

- Việc gì đến chú mầy ?

Một bà trong nhóm coi xe tiến lại, trịnh trọng:

- Chúng tôi coi xe ở đây, chúng tôi được phép làm thế.

- Không ai được phép làm như vậy! - Cậu bé dõng dạc, quả quyết.

- Nhóc con, đi đi! - Gã thanh niên quát.

Mấy người lớn đi qua, vào lấy xe hoặc gửi xe, có người biết chuyện nhưng không ai nói gì. Tuy vậy, cậu bé vẫn không chịu đi. Mắt cậu cứ nhìn dán vào cái lỗ thủng trên vỉa hè như để nghĩ ra cách gì đó. Đến lúc ấy, tôi không thể không lên tiếng:

- Cậu bé nói phải đấy. Anh không nên làm như thế.

Người coi xe vẻ cáu kỉnh, nhìn xung quanh một lượt, rồi anh ta cũng nhổ cái cọc, vứt “xoảng” một cái lên vỉa hè.

Thái độ kiên quyết của cậu bé đã ngăn được một hành vi có hại.

Theo Đào Ngọc Đệ

Hãy khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng nhất và làm các bài tập sau:

Câu 1. Vì sao người coi xe đóng cọc sắt xuống vỉa hè? (0,5 điểm)

A.Vì anh ta muốn chăng dây, chiếm chỗ giữ xe rộng hơn.

B.Vì anh ta muốn chăng dây.

C.Vì anh ta muốn sửa cho mặt vỉa hẻ phẳng phiu.

D.Vì anh ta ngăn người vào nhà hát.

Câu 2. Hậu quả của việc đóng cọc là gì? (0,5 điểm)

A. Mặt vỉa hè vỡ tan.

B. Mặt vỉa hè bị phá, rộng hẳn ra.

C. Mặt vỉa hè bị thủng một lỗ.

D. Mặt vỉa hè bị thủng một lỗ to bằng miệng bát ăn cơm.

Câu 3. Thấy anh coi xe đóng cọc làm hỏng vỉa hè, cậu bé nói gì? (0,5 điểm)

A. Anh chuyển bãi giữ xe ra khỏi chỗ khác đi.

B. Sao anh lại đóng cọc trên hè phố, làm hỏng vỉa hè?

C. Ai cho phép anh đóng cọc trên vỉa hè.

D. Anh đóng cọc đẹp thật.

Câu 4. Khi anh coi xe vẫn nện búa, phớt lờ lời cậu bé, cậu đã làm gì? (0,5 điểm)

A. Tiếp tục khuyên, ôn tồn: Anh không nên đóng cọc trên vỉa hè!

B. Cậu bé bỏ đi.

C. Kiên quyết: Anh không được phá hoại vỉa hè!

D. Nhẹ nhàng: Anh làm vỡ vỉa hè sẽ bị phạt đấy.

Câu 5. Khi bị dọa và một bà coi xe nói họ được phép đóng cọc trên hè phố, thái độ của cậu bé thế nào? (0,5 điểm)

A. Cậu sợ chạy đi mất.

B. Cậu không sợ nhưng đứng im không đáp lại.

C. Cậu dõng dạc, quả quyết: Không ai được phép làm như vậy!

D. Cậu không sợ cứ đứng nhìn mọi người.

Câu 6. Ai lên tiếng ủng hộ cậu bé ngăn chặn hành vi của người coi xe? (0,5 điểm)

A. Chỉ có một bà coi xe ủng hộ cậu bé.

B. Chỉ có một người đàn ông gửi xe ủng hộ cậu bé.

C. Tất cả mọi người ở đó ủng hộ cậu bé.

D. không có ai ủng hộ cậu bé.

Câu 7. Nhờ hành động của cậu bé, câu chuyện kết thúc thế nào? (1 điểm)

………………………………………………………………….

Câu 8. Em hãy viết tác dụng của dấu phẩy trong câu “Chúng tôi coi xe ở đây, chúng tôi được phép làm thế.” (1 điểm)

……………………………………………………………………….

Câu 9. Tìm từ cùng nghĩa hoặc từ đồng nghĩa trong bài với từ: “phẳng phiu” (1 điểm)

…………………………………………………………………………..

Câu 10. Dấu hai chấm trong câu “Người coi xe trừng mắt nhìn cậu bé : -Việc gì đến chú mầy?” có tác dụng gì? (1 điểm)

......................................................................................

B/ Chính tả ( nghe- viết) 15 phút

Công việc đầu tiên

Độ tám giờ, nhân dân xì xào ầm lên: “Cộng sản rải giấy nhiều quá!”

Mấy tên lính mã tà hớt hải xách súng chạy rầm rầm.

Về đến nhà, tôi khoe ngay kết quả với anh Ba. Anh tôi khen:

- Út khá lắm, cứ làm như vậy rồi quen, em ạ!

Lần sau, anh tôi lại giao rải truyền đơn tại chợ Mỹ Lồng. Tôi cũng hoàn thành. Làm được một vài việc, tôi bắt đầu ham hoạt động. Tôi tâm sự với anh Ba:

- Em chỉ muốn làm thật nhiều việc cho Cách mạng. Anh cho em thoát li hẳn nghe anh!

Theo hồi kí của bà Nguyễn Thị Định

C/Tập làm văn (40 phút)

Đề bài: Tả người bạn thân học cùng lớp với em.

Đáp án Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 3

Câu số

1

2

3

4

5

6

Đáp án đúng

A

D

B

A

C

B

Điểm

0,5

0,5

0,5

0,5

0,5

0,5

Câu 7: (1điểm) Người coi xe vẻ cáu kỉnh, nhìn xung quanh một lượt, rồi anh ta cũng nhổ cái cọc, vứt “xoảng” một cái lên vỉa hè.

Hay: Anh ta cũng nhổ cái cọc, vứt “xoảng” một cái lên vỉa hè.

Câu 8: Ngăn cách các vế câu trong câu ghép (1điểm)

Câu 9: nhẵn nhụi (1điểm)

Câu 10: dẫn lời nói trực tiếp của nhân vật. (1điểm)

B. Kiểm tra viết (10 điểm)

1 – Chính tả

- Tốc độ đạt yêu cầu; chữ viết rõ ràng, viết đúng kiểm chữ, cỡ chữ;
trình bày đúng quy định,viết sạch, đẹp : 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi) : 1điểm

2. Tập làm văn (8 điểm) (35 phút)

a/ Mở bài (1 điểm) .Giới thiệu người bạn học trong lớp em .

b/ Thân bài (4 điểm)

- Nội dung (1,5 điểm). Tả hình dáng: tuổi, màu da, mắt, tai, tay, khuông mặt, tóc, thân hình, dáng đi. Tả hoạt động: học bài, đọc bài, vui chơi …..Tính tình: vui vẻ, giúp bạn…..

- Kĩ năng (1,5 điểm). Thể loại, câu văn, dùng từ ngữ so sánh,từ chỉ màu sắc, từ láy…

- Bài viết thể hiện được cảm xúc (1 điểm).

c/ Kết bài (1 điểm).Nêu cảm nghĩ của em về người bạn.

d/ Chữ viết, chính tả ( 0,5 điểm)

đ/ Dùng từ, đặt câu (0,5 điểm)

e/ Sáng tạo (1 điểm)

Đề ôn thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5

Đề ôn thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 1

Đề ôn thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 2

Đề ôn thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 3

Đề ôn thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 4

Đề ôn thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 5

Ngoài Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 năm học 2018 - 2019 các bạn có thể luyện giải bài tập SGK Tiếng Việt 5 hay SGK môn Toán lớp 5 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 5, đề thi học kì 2 lớp 5 theo Thông tư 22 mới nhất được cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo đề thi, bài tập mới nhất.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
87
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi học kì 2 lớp 5 môn Tiếng Việt

    Xem thêm