Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 năm 2024 - Đề 1

Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 1 bao gồm đáp án chi tiết cho các em học sinh tham khảo nắm được cấu trúc bài kiểm tra học kì 2 lớp 5, củng cố kiến thức, chuẩn bị cho bài thi học kì 2 lớp 5 đạt kết quả cao. Mời các em học sinh tham khảo chi tiết.

Đề thi Tiếng Việt lớp 5 cuối học kì 2

I. ĐỌC HIỂU

RAU KHÚC

Sau Tết Nguyên đán, dù trời còn lạnh, sương xuống nhiều nhưng cũng bắt đầu của những trận mưa xuân, thế nào cũng phải rủ nhau đi hái rau khúc. Khúc mọc nhiều nhất ở những chân ruộng mạ bỏ ròm, dọc theo bờ sông…Khúc có hai loại: khúc tẻ và khúc nếp. Chúng chỉ khác nhau ở chỗ, khúc nếp mập hơn, lá to bản hơn, nhiều lông hơn. Mùa rau khúc kéo dài nhưng thời gian có rau ngon lại ngắn. Khi đó mặt ruộng lấp ló màu trắng bạc.

Rau khúc vừa dai lại vừa dẻo. Khúc nếp đưa lên miệng nhai chẳng khác gì kẹo cao su bây giờ. Rau khúc hái từ ruộng về phải chế biến ngay. Món trứ danh nhất, quái lạ nhất từ rau khúc là bánh khúc. Như bất cứ món bánh dân dã nào, nguyên liệu làm bánh khúc chỉ gồm: bột gạo, đỗ xanh, thịt lợn cùng với gia vị. Nó khác với tất cả các loại bánh khác chính là có thêm rau khúc. Rau khúc giã nhuyễn với bột gạo làm vỏ bánh, màu xanh nhạt, dẻo, dai...

Vào mùa bánh khúc nhà nào cũng như có cỗ đám. Người đốt lò, người xay bột, người giã khúc... Tiếng thậm thình to nhỏ, thanh trầm, trong đục... rộn rã khắp làng. Người ta mời đổi nhau để thưởng thức tài nghệ của nhau.

Cho đến bây giờ tôi vẫn giữ y nguyên trong kí ức cái háo hức, cái sống động của những đêm làng giã khúc. Hồi hộp và mong mỏi nhất là lúc mẻ bánh đầu toả hương thơm như khía vào con tì, con vị. Chõ bánh hơi nóng bốc ngùn ngụt. Ấy thế mà những bàn tay lành nghề vẫn thoăn thoắt đưa từng lượt bánh ra ngoài. Mỗi chiếc bánh được đính bởi những hạt xôi nếp căng mọng. Thôi thì xuýt xoa, thổi nóng phù phù, xoa tay lên tai... nhưng nhất định phải đưa được bánh ra khi còn nóng hôi hổi. Phải vừa ăn vừa thổi mới tận hưởng hết hương vị và cảm giác lạ lùng từ cây rau khúc.

Bạn có thể lấy làm khó hiểu trước sự gắn bó bền chặt của người nông dân với cuộc sống quá đơn sơ của họ. Còn tôi thì không. Bởi vì ngay giờ đây tôi vẫn có thể sống lại cái cảm giác hạnh phúc tuyệt vời khi buổi sáng nào đó tỉnh dậy đã thấy mẹ đặt sẵn phần một đĩa bánh khúc - thứ bánh mà giờ đây đối với tôi thực sự chỉ còn lại trong nỗi hoài niệm.

(Tạ Duy Anh)

Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng:

Câu 1. Rau khúc thường có vào thời gian nào?

a. Tết Nguyên đán.

b. Sau Tết Nguyên đán.

c. Vào mùa đông.

Câu 2. Nguyên liệu làm bánh khúc gồm những gì?

a. Bột gạo, đỗ xanh, thịt lợn cùng với gia vị, gạo nếp.

b. Bột gạo, lá chuối, đỗ xanh cùng gia vị, gạo nếp.

c. Bột gạo, đỗ xanh, thịt lợn cùng gia vị, rau khúc, gạo nếp.

Câu 3. Dấu hiệu nào cho biết mùa bánh khúc đã bắt đầu?

a. Tiếng chày giã khúc thậm thình to nhỏ, thanh trầm, trong đục... rộn rã khắp làng.

b. Mặt ruộng lấp ló màu trắng bạc của rau khúc.

c. Mẻ bánh đầu toả hương thơm như khía vào con tì, con vị.

Câu 4. Trong bài văn này, tác giả tập trung viết về điều gì?

a. Tả cây rau khúc.

b. Tả chiếc bánh khúc gắn với những kỉ niệm thân thương của một thời làm bánh khúc ở làng quê mình.

c. Hướng dẫn cách làm bánh khúc.

Câu 5. Vì sao tác giả lại yêu cây rau khúc?

a. Vì rau khúc là một loại cây có vẻ đẹp đặc biệt.

b. Vì rau khúc làm nên bánh khúc - một loại bánh ngon gắn với những kỉ niệm thân thương của quê hương, của những người thân yêu của tác giả.

c. Vì rau khúc có rất nhiều công dụng.

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

Câu 1. Trong các câu sau, câu nào là câu ghép?

a. Rau khúc vừa dai, vừa dẻo.

b. Mùa rau khúc kéo dài nhưng thời gian có rau ngon lại ngắn.

c. Rau khúc hái từ ruộng về phải chế biến ngay.

Câu 2. Dấu gạch ngang trong câu: “Bởi vì ngay giờ đây tôi vẫn có thể sống lại cái cảm giác hạnh phúc tuyệt vời khi buổi sáng nào đó tỉnh dậy đã thấy mẹ đặt sẵn phần một đĩa bánh khúc - thứ bánh mà giờ đây đối với tôi thực sự chỉ còn lại trong nỗi hoài niệm.” có tác dụng gì?

a. Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại.

b. Đánh dấu phần chú thích trong câu.

c. Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê.

Câu 3. Hai câu: "Mùa rau khúc kéo dài nhưng thời gian có rau ngon lại ngắn. Vào những ngày đó mặt ruộng lấp ló màu trắng bạc." liên kết với nhau bằng cách nào?

a. Lặp từ ngữ.

b. Thay thế từ ngữ.

c. Dùng từ nối.

Câu 4. Sau Tết Nguyên đán, dù trời còn lạnh, sương xuống nhiều nhưng cũng bắt đầu của những trận mưa xuân, thế nào cũng phải rủ nhau đi hái rau khúc. Khúc mọc nhiều nhất ở những chân ruộng mạ bỏ rờm, dọc theo bờ sông...

Nếu thay từ khúc ở câu thứ hai bằng từ cỏ thì hai câu văn trên không còn liên kết với nhau, vì sao?

Câu 5. Hai câu "Chõ bánh hơi nóng bốc ngùn ngụt. Nhưng những bàn tay lành nghề vẫn thoăn thoắt đưa từng lượt bánh ra ngoài." liên kết với nhau bằng cách nào?

a. Thay thế từ ngữ, lặp từ ngữ.

b. Dùng từ nối, lặp từ ngữ.

c. Thay thế từ ngữ, dùng từ nối.

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

Hãy viết một đoạn văn nói về sự gắn bó của tác giả với chiếc bánh khúc quê hương.

IV. TẬP LÀM VĂN

Câu 1. Viết một đoạn văn nói về lợi ích của một loài cây.

Câu 2. Bánh khúc là một đặc sản của quê hương tác giả Tạ Duy Anh. Dựa vào cách miêu tả, giới thiệu bánh khúc, em hãy viết đoạn văn từ 4-5 câu giới thiệu một đặc sản quê em.

Đáp án Đề ôn tập học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5

I. ĐỌC HIỂU

Gợi ý:

Câu 1: Con đọc đoạn văn thứ 1.

Câu 2: Con đọc đoạn văn thứ 2.

Câu 3: Con đọc đoạn văn thứ 3.

Câu 4: Con đọc kĩ bài văn và trả lời.

Câu 5: Cây rau khúc ở quê hương tác giả có gì khác so với những cây rau khúc khác?

Trả lời:

Câu 1 - b

Câu 2 - c

Câu 3 - a

Câu 4 - b

Câu 5 - b

II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU

Gợi ý:

Câu 1: Câu ghép là câu có từ hai cụm chủ vị trở lên.

Câu 2:Tác dụng của dấu gạch ngang:

- Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đoạn đối thoại.

- Đánh dấu phần chú thích.

- Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê.

Trả lời:

Câu 1 - b

Câu 2 - b

Câu 3 - b

Câu 4.

Gợi ý:

Con thử thay vào xem câu có thay đổi gì không?

Trả lời:

Vì từ khúc ở câu sau lặp lại từ khúc ở câu trước để liên kết, thay nó bằng từ cỏ sẽ mất sự liên kết này.

Câu 5.

Gợi ý:

Một số phép liên kết thường gặp: thay thế từ ngữ, lặp từ ngữ, dùng từ nối.

Trả lời:

Hai câu được liên kết với nhau bằng cách dùng từ nối "Nhưng" và lặp từ ngữ "bánh"

Chọn đáp án: b

III. CẢM THỤ VĂN HỌC

Gợi ý:

Con đọc kĩ bài văn rồi viết bài, chú ý các chi tiết miêu tả rau khúc và những ký ức về bánh khúc trong tác giả.

Trả lời:

Bánh khúc là đặc sản của quê hương tác giả. Hương vị của nó thơm ngậy. Bánh được làm từ gạo nếp trộn lẫn với lá cây rau khúc, nhân bánh là một viên đậu xanh giã nhỏ vàng ươm, xen một thỏi mỡ nhỏ pha hạt tiêu. Người ta đưa bánh vào chõ, hấp lên... rồi đưa bánh ra, hơi nóng bốc nghi ngút. Để tận hưởng hết hương vị từ cây rau khúc bạn phải vừa ăn vừa thổi. Quả là hấp dẫn. Nhưng chõ bánh khúc gắn bó với tác giả không chỉ có thế. Giờ đây tác giả cảm thấy như vẫn còn mới nguyên cái cảm giác hạnh phúc, sung sướng tột cùng khi được mẹ phần cho đĩa bánh khúc khi ngủ dậy. Một thứ bánh ngon như thế gắn bó với những kỉ niệm quê hương và những người thân của tác giả, giờ đây chỉ còn lại như một nỗi hoài niệm.

(Theo Trần Thị Thu Thuỷ)

IV. TẬP LÀM VĂN

Đề 1

Gợi ý:

Mở đoạn: Giới thiệu về loài cây đó

Thân đoạn:

- Miêu tả loài cây đó

- Lợi ích về loài cây đó

Kết đoạn: Cảm nghĩ của em về loài cây đó.

Trả lời:

Mẫu 1:

Tre được sử dụng rộng rãi trong đời sống của người Việt Nam. Khi chưa có gạch ngói, bê tông, tre được dùng làm nhà. Toàn bộ khung của ngôi nhà xưa đều được làm bằng tre, chỉ có mái là lợp tranh, rạ. Tường, vách, liếp tre đã bao đời từng che nắng, che mưa cho con người Việt Nam. Trong sinh hoạt, giường, chõng bằng tre, đũa ăn, đũa nấu bằng tre, rổ rá, nong nia,…bằng tre. Gánh hàng đi chợ, đòn gánh tre trĩu nặng trên vai. Làm vườn, làm ruộng có tre làm cán cuốc, cán thuổng. Phơi thóc trên sân có tre làm cán trang, cán cào phụ giúp. Kể làm sao hết những dụng cụ trong đời sống được làm bằng tre. Tre làm nhà, làm công cụ sản xuất, tre còn làm vũ khí chống giặc. Gậy tre, chông tre đã từng bao đời góp công chống giặc, giữ làng. Luỹ tre làng che chở, bảo vệ cho cuộc sống của cư dân. Theo y học cổ truyền, lá tre chữa cảm dưới dạng xông hoặc thuốc sắc. Sách cổ còn ghi các tác dụng tiêu đờm, chữa ho suyễn, nôn mửa,… Luỹ tre xanh vẫn luôn gắn bó, gần gũi và giúp ích nhiều cho người dân Việt.

Mẫu 2:

Hẳn mọi người dân Việt Nam đều biết đến ích lợi đa dụng của cây chuối. Không chỉ cho quả ăn thơm, ngon ngọt và giàu dinh dưỡng, cây chuối còn cho con người lá dung để gói bánh, gói xôi. Vào ngày Tết, bánh tét, bánh dày, bánh gai đều gói bằng lá chuối. Lá chuối tươi xanh mát một góc vườn còn làm thơm chõ xôi, làm tươi xanh dĩa bánh ít trong ngày giỗ kị. Lá chuối khô dùng gói bánh gai, bánh mật, giữ ẩm cho bánh đa, bánh tráng không bị vỡ giòn. Lá chuối trong kĩ thuật ẩm thực đã là nét đặc sắc, có vị ngon riêng của món ăn Việt. Màu xanh của lá chuối trên bàn ăn còn là niềm tự hào về một đất nước trong lành, mộc mạc hiếu khách và đậm nét trữ tình. Chặt buồng để ăn qua rồi, người nông dân còn dùng thân chuối để chăn nuôi gia súc. Tiến xa hơn nữa, ngành mĩ nghệ xuất khẩu đã bện dây chuối phơi từ bẹ chuối, sản xuất những mặt hàng đẹp và đắt giá không ngờ: ghế bành, sô-pha, giỏ xách... Trong tất cả bộ phận của cây chuối, không có một phần nào bị vứt bỏ. Chuối là loại cây dễ trồng và có giá trị cao, dễ sử dụng là thế.

Mẫu 3:

Mía là loại cây công nghiệp đem lại lợi nhuận đáng kể cho ngân quỹ quốc gia. Vào mùa mía thu hoạch, các loại xe vận tải nặng chở hàng nghìn tấn mía về nhà máy. Nhà máy hoạt động ngày đêm để cho ra hàng trăm tấn đường các loại: đường kết tinh, đường phôi, đường phèn, đường mật... Bã mía sau khi đã được ép lấy nước, chất cao thành đống, chờ xe chở về nhà máy giấy. Với các kĩ thuật khác nhau, bã mía biến thành giấy bìa, giấy báo, giấy vở học sinh các loại... Một mùa thu hoạch mía đường, người nông dân hể hả thu về một món tiền lớn, nâng cao đời sống kinh tế gia đình và mua sắm nhiều vật dụng mà cả nhà ước ao. Mùa mía đem lại tiếng cười cho người dân quê em, cho bố mẹ em và ca nhà lại bắt tay chăm sóc một vụ mía mới.

Đề 2:

Gợi ý:

A. Mở đoạn: giới thiệu về đặc sản quê em

B. Thân đoạn

- Nguyên liệu làm

- Cách thức làm

- Sự gắn bó của em với đặc sản này

C. Kết đoạn: Cảm nghĩ của em về đặc sản này.

Nếu có đến Hải Dương quê em, không ai không thể không mua những hộp bánh đậu xanh về làm quà. Bánh đậu xanh là đặc sản nổi tiếng nhất trong các đặc sản của quê hương em. Có nhiều loại bánh đậu nhưng bánh đậu xanh Nguyên Hương vẫn được mọi người ưa chuộng nhất. Bánh đậu xanh Nguyên Hương là thứ bánh giản dị nhưng làm ra nó cũng rất công phu. Nguyên liệu làm bánh gồm: bột đậu xanh, đường, mỡ và chút hương liệu. Hạt đậu xanh dùng làm bánh không thể lấy ở vùng nào trồng cũng được. Ruột hạt đậu phải có màu vàng sáng. Đường phải ở dạng hạt to nhưng khi tái kết tinh phải ở dạng cực nhỏ. Mỡ lợn phải là loại mỡ thăn mới thơm ngon. Bánh làm từ một đến bảy ngày chỉ mới thơm dịu, màu vàng sáng, cầm nặng tay, dễ vỡ, độ tan kém, ăn chưa được ngon. Sau tám đến hai mươi ngày, bánh mới thơm mùi đặc trưng, màu vàng sẫm, cầm vừa tay, không vỡ, độ tơi cao, ăn ngon nhất. Bánh thơm ngon tinh khiết, đậm đà tình nghĩa quê hương, tôn vinh thêm đặc sản Hải Dương. Đấy là mới nói về chất lượng của bánh. Còn bao bì đóng gói cũng được các nghệ nhân chú trọng, giúp bánh giữ nguyên hương vị, có thể cùng khách đường xa vượt qua những dặm đường dài. Nhãn hiệu Nguyên Hương đẹp, nổi bật, hấp dẫn và vô cùng ấn tượng với mọi khách hàng. Nguyên Hương không chỉ là tên gọi thân thương, gần gũi với người Hải Dương mà đã, đang và sẽ là của cả Việt Nam và thế giới.

Ngoài Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 - Đề 1 trên, các bạn có thể luyện giải bài tập Tiếng Việt 5 hay Vở bài tập Tiếng Việt 5 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc cùng với các bài Trắc nghiệm Tiếng Việt lớp 5 mới nhất.

Đề thi cuối học kì 2 lớp 5 Tải nhiều

Chia sẻ, đánh giá bài viết
97
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
2 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Nguyễn Huynôngthôn
    Nguyễn Huynôngthôn

    Đặt một câu ghép có sử dụng dấu hai chấm để liên kết các vế câu


    Thích Phản hồi 12/03/23
    • Bình AN
      Bình AN

      OK

      Thích Phản hồi 22/04/23
      🖼️

      Gợi ý cho bạn

      Xem thêm
      🖼️

      Đề thi học kì 2 lớp 5 môn Tiếng Việt

      Xem thêm