Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giải SBT Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo bài 40

Giải sách bài tập Ngữ văn 9 bài 40: Viết trang 91 sách Chân trời sáng tạo chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Ngữ văn 9.

Bài: Viết trang 91

Câu 1. Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi bên dưới:

HIỂN LÂM CÁC

Theo Lê Đình Phúc

Có nhà nghiên cứu mĩ thuật Việt Nam cho rằng "Trong Đại nội, nổi bật nhất là Hiển Lâm Các, một công trình kiến trúc đẹp, gồm ba tầng, mười hai mái". Đó là công trình kiến trúc thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, nằm trong khu vực các miếu thờ.

Hiển Lâm Các được xây dựng cùng một lần với Thế Miếu (1821 – 1822)- thời vua Minh Mạng.

Hiến Lâm Các được xây dựng ngay phía trước Thế Miếu, trên khối nên cao hình chữ nhật, lát gạch Bát Tràng, xây bó bằng gạch vồ, vôi vữa và đắp nổi mảnh sành để trang trí. Từ dưới bước lên mặt nền bằng hai hệ thống bậc đá thanh ở trước và sau, mỗi hệ thống có chín bậc. Hai bên thành bậc được đắp hình rồng, lối đi ở giữa chỉ dành riêng cho vua.

Hiến Lâm Các được kiến trúc bằng gỗ cao tầng. Mặt bằng tầng một chia làm ba gian hai chái. Quanh ba mặt ngoài của hai chái được xây tường gạch để gia cố sức chịu lực của các hàng cột quân và bao che bớt phần nội thất. Ở hàng cột thứ ba tính từ mặt trước, dụng ở một dây đốt bản, giữa mỗi gian trổ một cửa vòm. Các hệ thống kèo, liên ba, đố bản ở tầng này đều được chạm nổi các mô típ hình rồng cách điệu hoá thành dây leo lá cuốn. Trên cửa giữa treo tấm hoành phi lớn để ba chữ "Hiển Lâm Các" trên nền sơn màu lục, khung chạm chín con rồng vờn mây sơn son thếp vàng.

Gian bên phải bắc chiếc cầu thang lên tầng trên. Cầu thang được trang trí rất đẹp. Hai tay vịn được chia thành các ô hộc trang trí hình chữ “thọ", chữ “vạn” và đường nét kỉ hà. Đầu và cuối tay vịn đều được chạm nổi hình đầu và đuôi rồng uốn lượn mềm mại.

Tầng hai có ba gian. Trước đây đặt án thư và sập ngự sơn son thếp vàng. Hai mặt trước và sau đều có cửa lá sách, hai mặt bên nong ván, chung quanh là một hệ thống lan can bằng gỗ với những hàng con tiện trau chuốt tỉ mỉ. Đỡ giàn mái tầng này có bốn cột chính, bốn cột phụ với một hệ thống con sơn được chạm trổ đẹp mắt.

Tầng ba chỉ có một gian với lối đi lên là một cầu thang gỗ chín bậc. Mặt trước và mặt sau lầu dựng của lá sách. Có một hệ thống con sơn được đặt từ bốn cột chính ở bốn góc vươn ra như những cánh tay để đỡ cho toàn bộ phần dưới của bộ mái trên cùng. Hệ thống con sơn này đã đưa các mái ra khá rộng, nó vừa có giá trị kết cấu vừa có giá trị trang trí, tạo ra nhiều mảng tối, sáng cho mặt ngoài của công trình kiến trúc, làm tăng thêm vẻ thâm nghiêm của chốn cung đình. Trên nóc tầng ba, ở giữa trang trí bầu rượu bằng pháp lam màu vàng nhạt đặt trên một áng mây pháp lam ngũ sắc tươi thắm,...

Hiển Lâm Các là công trình kiến trúc có giá trị cả về kĩ thuật lẫn thẩm mĩ. Toà nhà cao tầng nhưng có tỉ lệ cân xứng, hài hoà giữa các tầng với nhau. Sự đứng vững của toà nhà gần hai thế kỉ đã thể hiện tài năng, sự khéo léo tuyệt vời của những người thợ mộc ở cả phương diện tạo nên độ bền chắc lẫn khả năng trang trí mĩ thuật.

Chức năng chính của Hiển Lâm Các được xem như là đài kỉ niệm để ghi nhớ công tích các vua Triều Nguyễn được thờ ở Thế Miếu và các đại thần có công được thờ ở hai nhà Tả Tùng tự và Hữu Bằng tự gần trước mặt.

Hiển Lâm Các là một trong số ít công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ đạt trình độ rất cao ở Huế. Cùng với Thế Miếu và Cửu Đỉnh, Hiển Lâm Các đã trở thành điểm nhấn trong toàn bộ quần thể di tích Cố đô Huế và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến tham quan Di sản văn hoá thế giới này ở Việt Nam.

(In trong Huế - di tích lịch sử - văn hoá - danh thắng, NXB Chính trị quốc gia, 1997)

a. Xác định bố cục của bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử được thể hiện trong bài viết trên và nội dung chính của từng phần.

b. Bài viết chủ yếu chọn trình bày thông tin theo cách nào? Tác dụng c của cách trình bày thông tin ấy là gì?

Chỉ ra tác dụng của việc sử dụng kết hợp các yếu tố miêu tả, biểu cảm, tự sự (nếu có) trong bài viết trên.

d. Nhận xét về vai trò của phương tiện phi ngôn ngữ trong bài viết.

Hãy rút ra ít nhất một kinh nghiệm về việc sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ từ bài viết trên.

đ. Trong bài viết trên, người viết đã chọn thuyết minh chi tiết về yếu tố nào của di tích Hiển Lâm Các? Ý nghĩa của việc lựa chọn ấy là gì?

e. Dùng Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử ở Bài 3 (Những di tích lịch sử và danh thắng – Ngữ văn 9, tập một, bộ sách Chân trời sáng tạo) để đánh giá và xác định (những) tiêu chí mà bài viết chưa đạt được (nếu có).

Lời giải chi tiết:

a)

Bố cục của bài văn

Nội dung chính của từng phần

Mở đầu: từ đầu đến “nằm trong khu vực các miếu thờ”

Giới thiệu khái quát về di tích lịch sử Hiển Lâm Các

Nội dung: từ “Hiển Lâm Các được xây dựng cùng một lần với Thế Miếu” đến “các địa thần có công thờ ở hai nhà Tả Tùng và Hữu Tùng tự gần trước mặt”

Trình bày các thông tin chi tiết về di tích lịch sử như: lịch sử hình thành, đặc điểm kiến trúc, chức năng,...

Kết thúc: phần còn lại

Đánh giá khái quát và bày tỏ suy nghĩ về di tích lịch sử

b) Bài viết chủ yếu chọn trình bày thông tin theo trật tự không gian của di tích Hiển Lâm Các. Cách trình bày thông tin ấy giúp người đọc hình dung rõ hơn về bố cục không gian và đặc điểm kiến trúc của từng khu vực ở Hiển Lâm Các.

c) Trong bài viết trên, người viết đã thuyết minh kết hợp với yếu tố miêu tả, chẳng hạn như: Hệ thống con sơn này đã đưa các mái ra khá rộng, nó vừa có giá trị kết cấu vừa có giá trị trang tri, tạo ra nhiều mảng tối, sáng cho mặt ngoài của công trình kiến trúc, làm tăng thêm vẻ thâm nghiêm của chốn cung đình. Trên nóc tầng ba, ở giữa trang trí bầu rượu bằng pháp lam màu vàng nhạt đặt trên một áng mây pháp lam ngũ sắc tươi thắm,...

Tác dụng: Cung cấp thêm thông tin chi tiết để người đọc hình dung rõ hơn về đối tượng thuyết minh.

d) Loại phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng trong bài viết: hình ảnh.

Vai trò của phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng trong bài viết: minh hoạ trực quan cho nội dung thông tin được trình bày trong văn bản, từ đó giúp văn bản trở nên dễ hiểu, dễ hình dung hơn với người đọc.

Học sinh có thể rút ra một số kinh nghiệm về việc sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ từ bài viết như: Tìm được loại phương tiện phi ngôn ngữ phù hợp để hỗ trợ biểu đạt thông tin; xác định vị trí đặt phương tiện phi ngôn ngữ để thu hút sự quan tâm, chú ý của người đọc; trình bày phương tiện phi ngôn ngữ, đặt tên cho phương tiện và cung cấp thông tin đầy đủ về nguồn trích dẫn;...

đ) Trong bài viết trên, người viết đã chọn thuyết minh chi tiết về kiến trúc của Hiển Lâm Các, bao gồm các tầng, trang trí và chức năng chính. Ý nghĩa của việc lựa chọn này là nhằm khắc họa giá trị nghệ thuật và kiến trúc của Hiển Lâm Các, từ đó thể hiện sự vĩ đại và độc đáo của di tích trong bối cảnh văn hóa lịch sử của Huế.

e) HS dựa vào Bảng kiểm dưới đây để đánh giá

Tiêu chíĐạt Chưa đạt
Mở bàiNêu tên của danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử
Giới thiệu khái quát về danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử
Thân bàiTrình bày có hệ thống những thông tin liên quan đến các phương diện khác nhau của danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử
Kết hợp thuyết minh với miêu tả, tự sự, biểu cảm,...
Kết bàiĐánh giá khái quát về danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử
Bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của người viết về danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử
Đưa ra lời mời gọi tham quan (nếu cần)
Hình thức và diễn đạtNhan đề và các đề mục nêu được thông tin chính của bài viết
Sử dụng hiệu quả phương tiện phi ngôn ngữ để làm rõ thông tin quan trọng
Sử dụng hiệu quả cách trình bày thông tin
Chú thích tên cho các phương tiện phi ngôn ngữ và trích dẫn nguồn (nếu có)
Diễn đạt mạch lạc
Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu

Câu 2. So với Bài 3, em rút ra được thêm (những) kinh nghiệm / lưu ý gì về kĩ năng viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử trong bài học này?

Phương pháp giải:

Dựa vào Tri thức SGK/ 81 - 82, 134 - 135; những hiểu biết của em để trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Những kinh nghiệm/ lưu ý về kĩ năng viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử trong bài học này:

- Nắm rõ lịch sử, văn hóa, kiến trúc và những đặc điểm nổi bật của địa điểm.

- Tham khảo sách, tài liệu, bài viết từ các trang web uy tín.

- Sử dụng từ ngữ gợi cảm, có sức cuốn hút, tạo cảm xúc cho người đọc.

Câu 3. Thực hiện đề bài sau:

Đề bài: Trong vai trò phóng viên chuyên mục Du lịch của một tờ báo địa phương, em hãy chọn viết bài văn thuyết minh giới thiệu với bạn đọc trong và ngoài nước về một di tích lịch sử tiêu biểu của địa phương ấy.

Phương pháp giải:

Dựa vào hướng dẫn quy trình viết SGK/ 81 - 82; 134 - 135

Lời giải chi tiết:

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

- Yêu cầu của đề bài: Viết bài văn thuyết minh giới thiệu với bạn đọc trong và ngoài nước về một di tích lịch sử tiêu biểu của địa phương.

- Mục đích: Giới thiệu di tích lịch sử tiêu biểu của địa phương tới bạn đọc trong và ngoài nước.

- Thu thập tư liệu: Tìm đọc trên Internet, tạp chí/ sách báo chuyên ngành, chương trình truyền hình về lịch sử, văn hóa địa phương…

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

Tìm ý dựa trên phiếu thu thập thông tin sau

Phiếu thu thập thông tin danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử

- Tên danh lam thắng cảnh/ di tích lịch sử: Văn Miếu Quốc Tử Giám

- Vị trí tọa lạc: 58 phố Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội.

- Lịch sử hình thành: Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070, đời Lý Thánh Tông; Năm 1076 vua Lý Nhân Tông cho xây trường Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu; Đến đời nhà Trần đổi tên thành Quốc họa viện, thu nhận cả những học sinh con nhà dân thường có sức học tốt; Từ năm 1448, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia những người đỗ tiến sĩ qua các khoa thi tại đây. Bia đá được đặt trên lưng rùa, cho tới nay vẫn được trưng bày bên trong Quốc Tử Giám.

- Đặc điểm cảnh quan: hiện khu di tích bao gồm 3 khu vực chính là hồ Văn, vườn Giám và khu nội tự Văn Miếu – Quốc Tử Giám

- Giá trị văn hóa, lịch sử: thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc…

- Cách thức tham quan:

+ Mở cửa: Từ 8h00 đến 17h00 hàng ngày

+ Phí vào cửa là khoảng 30.000 VNĐ/người lớn, miễn phí cho trẻ em dưới 15 tuổi.

+ Điểm tham quan: khuôn viên, đền thờ, bia tiến sĩ

- Câu hỏi phỏng vấn:

+ Văn Miếu đã đóng vai trò gì trong nền giáo dục của Việt Nam trong quá khứ?

+ Văn Miếu có những di sản văn hóa nào nổi bật mà du khách không nên bỏ qua?

+ Điều gì làm cho Văn Miếu trở thành một điểm đến quan trọng đối với người dân và du khách?

Lập dàn ý

* Mở bài

Giới thiệu khái quát về Văn Miếu - Quốc Tử Giám: vị trí, vai trò và tầm quan trọng trong văn hóa Việt Nam.

Thân bài

- Vị trí, địa điểm di tích:

+ Địa chỉ: hiện nay cổng chính của Văn Miếu nằm tại số 58 phố Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội.

+ Cách di chuyển: có thể đi bằng xe du lịch, xe bus; nếu ở gần thì đi xe đạp.

- Giới thiệu về những nét đặc biệt của di tích:

+ Có lịch sử lâu đời: Văn Miếu được xây dựng năm 1070, đời vua Lí Thánh Tông, thờ các bậc tiên thánh, tiên sư của đạo Nho. Đồng thời, đây cũng là một trường học hoàng gia.

-> Qua nhiều năm, Văn Miếu – Quốc Tử Giám bị bom đạn tàn phá nhiều, cho tới nay được phục dựng lại, trở thành nơi lưu giữ truyền thống hiếu học của dân tộc, trở thành một địa điểm tham quan văn hóa lớn.

+ Cảnh quan: hiện khu di tích bao gồm 3 khu vực chính là hồ Văn, vườn Giám và khu nội tự Văn Miếu – Quốc Tử Giám

- Vai trò của khu di tích:

+ Lưu giữ, thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc

+ Trở thành nơi tổ chức những hoạt động văn học, nghệ thuật: xin chữ đầu năm, hội chữ xuân, hội thơ...

+ Nơi đến tham quan của học sinh, sinh viên, du khách trong và ngoài nước.

* Kết bài

Khẳng định tầm quan trọng Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong việc gìn giữ văn hóa và giáo dục của dân tộc.

Kêu gọi du khách đến tham quan, tìm hiểu và cảm nhận vẻ đẹp văn hóa của di tích này.

Bước 3: Viết bài

Hằng năm, cứ đến mùa thi, nhiều sĩ tử miền Bắc luôn hướng về Văn Miếu Quốc Tử Giám để cầu mong may mắn, rồi cũng có rất nhiều những cử nhân lựa chọn địa điểm này để lưu lại những bức ảnh kỉ yếu của một thời sinh viên đẹp đẽ. Tại sao nơi này lại thường gắn với những hoạt động học tập như thế? Đó là bởi vì đây là một nơi giàu truyền thống văn hóa, khoa cử.

Văn Miếu Quốc Tử Giám được biết đến là một địa danh tọa lạc tại thủ đô Hà Nội, được coi như biểu tượng của sự trường tồn tinh hoa văn hóa, giáo dục dân tộc, của truyền thống tôn sư trọng đạo. Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070, đời Lý Thánh Tông; Năm 1076 vua Lý Nhân Tông cho xây trường Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu; Đến đời nhà Trần đổi tên thành Quốc họa viện, thu nhận cả những học sinh con nhà dân thường có sức học tốt; Từ năm 1448, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia những người đỗ tiến sĩ qua các khoa thi tại đây. Bia đá được đặt trên lưng rùa, cho tới nay vẫn được trưng bày bên trong Quốc Tử Giám. Qua nhiều năm, Văn Miếu – Quốc Tử Giám bị bom đạn tàn phá nhiều, cho tới nay được phục dựng lại, trở thành nơi lưu giữ truyền thống hiếu học của dân tộc, trở thành một địa điểm tham quan văn hóa lớn.

Khu Văn Miếu tọa trên khu đất hình chữ nhật với tổng diện tích là 54000 m2, bao quanh bởi khu tường gạch vồ cỡ lớn tạo không gian cổ kính trang nghiêm. Bước vào bên trong, những mái kiến trúc cổ ẩn hiện trong cành lá sum suê tạo sự thu hút đặc biệt với du khách. Trong Văn Miếu có một hồ Văn, đây là nơi diễn ra các cuộc bình thơ. Khu nội tự được chia thành 5 khu vực. Khu vực một từ Văn Miếu môn đến Đại trung môn. Để vào Văn Miếu môn phải đi qua bốn thần trụ, bước qua ba cửa cuốn vòng là vào Văn Miếu môn. Theo con đường thẳng tắp từ Văn Miếu môn đi vào chính là Đại trung môn gồm ba gian dựng bằng gạch. Con đường lát gạch sẽ tiếp tục đưa du khách đến Khuê Văn Các, là lầu vuông gồm hai tầng tám mái. Đây là biểu tượng của văn hóa văn học Việt Nam. Qua Khuê Văn Các đến giếng Thiên Quang, hình vuông, quanh năm mặt nước bằng phẳng, con đường lát gạch quanh giếng Thiên Quang dẫn du khách đến nhà bia tiến sĩ, gồm 82 tấm bia đá khắc các bài thi văn, bia đặt trên lưng rùa biểu hiện tinh hoa dân tộc. Qua nhà bia Tiến sĩ sẽ đến khoảng sân rộng được lát gạch Bát Tràng. Khu vực cuối cùng là nhà Thái học, xưa là nơi đào tạo nhân tài. Văn Miếu là nơi tôn vinh nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An và các vị vua có công gây dựng.

Với giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, Văn Miếu Quốc Tử giám còn là nơi được lựa chọn để tổ chức các buổi hội thảo, chuyên đề, là nơi vinh danh các thủ khoa xuất sắc. Tháng 5 – 2012, Văn Miếu được công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia. Đây cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách du lịch muốn tìm hiểu văn hóa lịch sử Việt Nam, là nơi các sĩ tử đến xin chữ cầu may mắn, là nơi được chọn để chụp các bức ảnh kỉ yếu của học sinh, sinh viên,…

Dù bước thăng trầm của thời gian có thế nào đi nữa, Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn sẽ là một di tích mang dấu ấn của một quốc gia giàu truyền thống khoa cử và trở thành biểu tượng đẹp của thủ đô Hà Nội. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc độc đáo mà còn cảm nhận được hơi thở của lịch sử và giá trị tri thức. Nếu có dịp đến với thủ đô, bạn nên dành chút thời gian để tìm hiểu di tích mang giá trị văn hóa, giáo dục của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Bước 4: Xem lại, chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

Đọc lại bài văn, dựa vào Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay một di tích lịch sử SGK/ 83 để đánh giá.

Tiêu chíĐạtChưa đạt
Mở bàiNêu tên của danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử
Giới thiệu khái quát về danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử
Thân bàiTrình bày có hệ thống những thông tin liên quan đến các phương diện khác nhau của danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử
Kết hợp thuyết minh với miêu tả, tự sự, biểu cảm,...
Kết bàiĐánh giá khái quát về danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử
Bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của người viết về danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử
Đưa ra lời mời gọi tham quan (nếu cần)
Hình thức và diễn đạtNhan đề và các đề mục nêu được thông tin chính của bài viết
Sử dụng hiệu quả phương tiện phi ngôn ngữ để làm rõ thông tin quan trọng
Sử dụng hiệu quả cách trình bày thông tin
Chú thích tên cho các phương tiện phi ngôn ngữ và trích dẫn nguồn (nếu có)
Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu
Diễn đạt mạch lạc

>>> Bài tiếp theo: Giải SBT Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo bài 41

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Ma Kết
    Ma Kết

    😘😘😘😘😘😘😘😘

    Thích Phản hồi 4 ngày trước
    • Haraku Mio
      Haraku Mio

      😃😃😃😃😃😃😃😃

      Thích Phản hồi 4 ngày trước
      • Thần Rừng
        Thần Rừng

        🥰🥰🥰🥰🥰🥰🥰

        Thích Phản hồi 4 ngày trước
        🖼️

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm
        🖼️

        Giải SBT Ngữ văn 9 Sách Mới

        Xem thêm