Giải SBT Ngữ văn 9 Kết nối tri thức bài 42
Giải SBT Ngữ văn 9 bài 42: Đọc mở rộng trang 19 có đáp án chi tiết cho từng câu hỏi chương trình sách mới. Thông qua đây các em học sinh đối chiếu với lời giải của mình, hoàn thành bài tập hiệu quả.
Bài: Đọc mở rộng trang 19
Bài tập 1 trang 19 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Tìm đọc một số truyện trinh thám. Ghi vào nhật kí đọc sách chủ đề, những đặc trưng của truyện trinh thám thể hiện qua không gian, thời gian, chi tiết, cốt truyện, nhân vật, lời người kể chuyện và những thay đổi trong suy nghĩ, tình cảm, cách đánh giá con người, sự việc của em sau khi đọc truyện.
Trả lời:
Em có thể chọn đọc truyện trinh thám của nước ngoài hoặc của Việt Nam. Với truyện trinh thám Việt Nam, ngoài Thế Lữ, Phạm Cao Củng là các nhà văn viết truyện trinh thám đầu thế kỉ XX, em có thể tìm đọc truyện trinh thám của một số nhà văn đương đại như Giản Tư Hải, Di Li, Đức Anh,... Với truyện trinh thám nước ngoài, em có thể tìm đọc tác phẩm của một số tác giả nổi tiếng thế giới như Ét-ga A-len Pâu, A-thơ Cô-nan Đoi-lơ, A-ga-thơ Crít-xti, Crít-ti-na Âu-sừn,... Khi đọc một tác phẩm truyện trinh thám, em cần nắm bắt chủ đề, không gian, thời gian, chi tiết tiêu biểu, các sự kiện chính, hệ thống nhân vật và lời người kể chuyện. Em có thể đặt ra và trả lời những câu hỏi sau để tìm hiểu các yếu tố của truyện: Chủ đề của truyện là gì? Câu chuyện được kể diễn ra ở đâu, bao giờ? Không gian, thời gian diễn ra câu chuyện có gì đáng chú ý? Truyện có những chi tiết nào nổi bật? Truyện có những sự kiện chính nào? Nhân vật trong truyện gồm những ai? Nhân vật chính có những đặc điểm nổi bật nào? Tính cách của nhân vật đó thể hiện như thế nào qua suy nghĩ, hành động, lời thoại? Em có thay đổi gì trong suy nghĩ, tình cảm, cách đánh giá con người, sự việc sau khi đọc tác phẩm?
Truyện trinh thám luôn khơi gợi ở người đọc sự hiếu kì, yêu thích khám phá những điều bí ẩn của cuộc sống. Thể loại truyện này cũng đòi hỏi người đọc có óc phán đoán, suy luận khi theo dõi hành trình khám phá vụ án của người điều tra. Em sẽ cảm thấy việc đọc truyện trinh thám thú vị hơn nếu theo dõi diễn biến của câu chuyện với những phán đoán, suy luận của chính em.
Nhớ ghi đầy đủ kết quả đọc vào nhật kí đọc sách do em tự thiết kế.
Bài tập 2 trang 19 SBT Ngữ Văn 9 Tập 2: Tìm đọc một số bài thơ sáu chữ, bảy chữ, tám chữ. Ghi vào nhật kí đọc sách chủ đề và căn cứ để xác định chủ đề, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của tác giả; những nét độc đáo của bài thơ sáu chữ, bảy chữ, tám chữ em đã đọc thể hiện qua bố cục, kết cấu, ngôn ngữ, biện pháp tu từ.
Trả lời:
Nhật kí đọc sách |
Ngày: 25/1/2025 |
Nhan đề bài thơ: Đây thôn Vĩ Dạ Tác giả: Hàn Mặc Tử |
Chủ đề: Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp thôn Vĩ Dạ, đồng thời bộc lộ niềm khao khát được sống, được hạnh phúc và nỗi đau tuyệt vọng của người thi nhân trước hiện thực nghiệt ngã. |
Cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết: Bắt đầu từ nỗi niềm thương nhớ một người con gái, một miền quê cụ thể, tác giả đã khát quát tình yêu tha thiết và sâu nặng của nhà thơ với con người, quê hương, với cuộc sống và cuộc đời. |
Bố cục: - Đoạn 1: vườn Vĩ Dạ lúc ban mai trong tâm tưởng thi sĩ - Đoạn 2: cảnh sông nước xứ Huế đêm trăng và tâm trạng thi sĩ - Đoạn 3: hình bóng khách đường xa và nỗi niềm mơ tưởng, hoài nghi |
Ngôn ngữ: ngôn ngữ nhiều sức gợi tả, từ phiếm chỉ, những kết hợp từ độc đáo, mới lạ, gợi cảm, từ Hán Việt “nhân ảnh”. |
Một số hình ảnh, biện pháp tu từ nổi bật: Hình ảnh “vườn ai”, “tình ai” mơ hồ như cõi mộng; hình ảnh nắng hàng cau, bến sông trăng,...; hình ảnh cô gái áo trắng mờ nhân ảnh”; BPTT câu hỏi tu từ, hình ảnh tượng trưng,... |
Cảm nghĩ của em về bài thơ: Bài thơ vẽ nên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp của xứ Huế, đồng thời cho thấy nỗi khát khao hạnh phúc và khát khao yêu đời, yêu người của thi sĩ Hàn Mặc Tử. |
Các bài thơ sáu chữ, bảy chữ, tám chữ em cần tìm đọc có thể được sáng tác vào giai đoạn Thơ mới (1932 – 1945) hoặc các giai đoạn về sau, bao gồm cả những sáng tác đương đại. Khi đọc, em cần nắm được chủ đề của bài thơ, căn cứ để xác định chủ đề; cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của nhà thơ; những điểm nổi bật của bài thơ như bố cục, kết cấu, ngôn ngữ, biện pháp tu từ,... Em có thể tự đặt ra và trả lời những câu hỏi như: Chủ đề của bài thơ là gì? Dựa vào đâu để xác định được chủ đề đó? Đặc điểm của thể thơ (sáu chữ, bảy chữ, tám chữ) thể hiện như thế nào 1 bài thơ? Bài thơ có bố cục như thế nào? Kết cấu của bài thơ có gì đáng chú ý? Mạch cảm xúc trong bài thơ phát triển như thế nào? Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là gì? Từ ngữ, hình ảnh nào trong bài thơ khiến em có ấn tượng đặc biệt? Những biện pháp tu từ nào được sử dụng trong bài thơ? Những biện pháp tu từ đó có tác dụng gì? Em có cảm nghĩ như thế nào về bài thơ đã đọc?
>>> Bài tiếp theo: Giải SBT Ngữ văn 9 Kết nối tri thức bài 43