Bình giảng đoạn trích Những đứa trẻ trong tác phẩm Thời thơ ấu của M. Go-rơ-ki
Văn mẫu lớp 9: Bình giảng đoạn trích Những đứa trẻ trong tác phẩm Thời thơ ấu của M. Go-rơ-ki dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 9 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 9 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Bình giảng tác phẩm Những đứa trẻ
Mác-xim Go-rơ-ki (1868 – 1936) là bút danh của A-lếch-xây Pê-scốp, một trong những nhà văn lớn của Nga và thế giới trong thế kỉ XX. Ông là tác giả của bộ ba tiểu thuyết tự thuật: Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi và một số tác phẩm quan trọng khác. Những đứa trẻ trích ở chương IX tác phẩm Thời thơ ấu gợi cho người đọc cảm nhận một cách sâu sắc những tâm hồn tuổi thơ trong trắng, sống thiếu tình thương bằng nghệ thuật kể chuyện của tác giả.
Thời thơ ấu là loại tiểu thuyết nhà văn dùng ngôi thứ nhất xưng “tôi”, kể chuyện đời mình. Pê-scốp ở nhà thường được gọi thân mật là A-li-ô-sa. A-li-ô-sa đã sớm nếm trải nhiều cay đắng, bất hạnh. Lên ba tuổi thì bố mất, A-li-ô-sa về sống với gia đình bà ngoại. Mẹ đi lấy chồng khác. A-li-ô-sa sớm phải chứng kiến cảnh nhức nhối của gia đình bên ngoại. Hai cậu của A-li-ô-sa thường xuyên xung đột vì tranh chấp gia tài. Ông ngoại khó tính, thiếu tình thương, ngược đãi, đe dọa và đối xử với cháu bằng roi vọt tàn nhẫn. Nhưng cậu bé cũng có được nguồn an ủi lớn lao từ lòng nhân hậu, tình yêu thương của bà ngoại – bà thường kể chuyện cổ tích cho cháu nghe, rót vào tâm hồn tuổi thơ cháu những tình cảm tốt đẹp. Lúc lên mười tuổi, cậu bé còn phải tiếp tục chứng kiến cái chết của người mẹ. Và ngay sau đó, A-li-ô-sa bị ông ngoại ngược đãi đẩy ra ngoài đường. Thế là cậu bé thơ ngây này đã phải “bước vào đời”. Thời thơ ấu của bé A-li- ô-sa là những năm tháng không thể nào quên, chính vì vậy mà ba mươi năm về sau, Go-rơ-ki còn nhớ rõ như in khi kể lại cuộc chuyện về tuổi thơ của mình.
Đoạn trích Những đứa trẻ là một trong mười ba chương của tiểu thuyết tự thuật Thời thơ ấu đã để lại cho người đọc những rung động trước vẻ đẹp tâm hồn thơ bé về tình cảm bạn bè, tình bà cháu. Trong hoàn cảnh riêng của mình, ngoài niềm vui đối xử của bà ngoại, A-li-ô-sa chỉ còn biết tìm đến thế giới loài chim, bẫy chim, nuôi chim và được nghe chim hót. Vì khát khao tình cảm bạn bè, cậu bé đã có nhiều lần leo lên cành cây nhìn sang một cái sân, nơi ba đứa trẻ con nhà đại tá thường hay chơi. Chúng có khuôn mặt tròn, mắt xám với quần dài màu xám và rất giống nhau. Bọn chúng rất vui vẻ và thương yêu, đùm bọc lẫn nhau đã làm cho A-li-ô-sa thích thú và thèm khát. Nhưng điều đã làm cho A-li-ô-sa và những đứa trẻ không gần gũi, được chơi với nhau, không phải vì một bờ rào ngăn cách mà do những định kiến về giai cấp: một bên là dân thường, một bên là quan chức giàu sang. Điều đó đã làm cho cậu bé A-li-ô-sa tủi thân và cảm thấy mình cô đơn.
Có một lần thằng nhỏ còn chơi nghịch nhảy vào gàu rơi xuống giếng, cậu bé A-li-ô-sa từ trên cành cây thấy được, nhanh chóng nhảy xuống cùng hai đứa lớn cứu được thằng em út. Sự nhanh nhẹn và tấm lòng của cậu bé A-li-ô-sa trong việc kịp thời cứu giúp thằng em nhỏ đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với ba đứa trẻ con ông đại tá. Sự kiện này đã phá vờ bờ rào ngăn cách giữa những đứa trẻ. Và sau đó gần một tuần, khi mà thằng anh lớn nhìn thấy A-li-ô-sa trên cành cây đã thân mật gọi: “Xuống đây chơi với chúng tớ”. Đó là tiếng gọi của những phút giây giao cảm tuyệt đẹp của thế giới tâm hồn tuổi thơ, phút giây hạnh phúc mà A-li-ô-sa đã khao khát, chờ đợi bấy lâu. Với tâm hồn trong trắng và sự nhạy cảm của tuổi ấu thơ, chúng quấn quýt với chơi với nhau và còn quan tâm hỏi chuyện về nhiều điều của nhau: “Các cậu có bị đánh không” hoặc nói về việc bẫy chim, về chim bạch yến, thích nghe chim hót, về chuyện nuôi chim. A-li-ô-sa còn hỏi: “Các cậu có mẹ không”. Những đứa trẻ trả lời “có, nhưng là mẹ khác” rồi lặng đi.
Từ những truyện cổ tích mà người bà đã kể, A-li-ô-sa hiểu thế nào là “dì ghẻ”, nên cậu bé thông cảm với sự im lặng, nghĩ ngợi của bọn nó. Go-rơ-ki đã kể: “Chúng ngồi sát vào nhau, giống như những chú gà con”. Cách so sánh chính xác của Go-rơ-ki đã gợi cho người đọc liên tưởng đến cảnh lũ gà con sợ hãi co cụm vào nhau khi nhìn thấy diều hâu, một thế lực tàn bạo luôn là mối đe dọa đối với chúng. Và qua đó, thể hiện sự thông cảm, sẻ chia của A-li-ô-sa với những nỗi bất hạnh của các bạn nhỏ của mình.
A-li-ô-sa kể về những câu chuyện mụ dì ghẻ phù thủy bọn chúng im lặng lắng nghe mà đặc biệt là hai đứa em, thằng bé nhất thì “mím chặt môi và phồng má lên”, còn đứa khác thì “chống khuỷu tay lên đầu gối, cúi về phía tôi, tay kia quàng lên vai em nó…”. Trong khoảnh khắc giao cảm thần tiên giữa những tâm hồn trẻ thơ và thế giới cổ tích, thì có sự xuất hiện đột ngột của lão đại tá già với “bộ ria trắng, mình vận chiếc áo dài lùng thùng màu nâu nhạt… đầu đội chiếc mũ xù lông” lên tiếng quát: “Đứa nào gọi nó sang” và kèm ngay sau đó là một hành động thô bạo: “nắm chặt” và đẩy A-li-ô-sa ra khỏi cổng cùng với lời đe dọa: “Cấm không được đến nhà tao”. Và ngay trước đó, A-li-ô- sa cũng đã chứng kiến cái cảnh thật đáng thương của ba đứa trẻ khi gã đại tá đột ngột xuất hiện: “Tức thì cả mấy đứa lặng lẽ bước ra khỏi chiếc xe và đi vào nhà, khiến tôi lại nghĩ đến những con ngỗng ngoan ngoãn”. Qua lời kể và cách so sánh của Go-rơ-ki vừa thể hiện được dáng dấp thật đáng thương của những đứa trẻ vừa thể hiện thế giới nội tâm của chúng. Mọi sự sinh hoạt của chúng đều do sự áp đặt, cấm đoán của ông bố.
Từ việc làm quen, trò chuyện với những đứa trẻ A-li-ô-sa đã phát hiện và cảm nhận một điều là bọn trẻ con nhà đại tá được sống trong cảnh giàu sang, nhưng cũng chẳng sung sướng gì, mẹ chết sống với dì ghẻ, lại bị bố cấm đoán… Chính từ hoàn cảnh thiêu tình thương như nhau, khiến A-li-ô-sa thân thiết với mấy đứa trẻ kia và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Go-rơ-ki. Vì lẽ đó mà đã mấy chục năm rồi, khi kể lại sự việc còn nhớ rõ như in.
Nhưng rồi mọi việc cũng không dừng lại ở đó. Mặc dù bị những trận đòn của ông ngoại, sự đặt điều mách lẻo, sự đặt điều mách lẻo, sự để ý “theo dõi” của bác Pi-ốt và ngay cả sự nghiêm cấm của ông ngoại (không cho A-li-ô-sa chơi với mấy đứa con nhà ông đại tá). Cậu bé đã vượt qua tất cả, “vẫn tiếp tục chơi với mấy đứa trẻ ấy và cảm thấy rất vui thích”. Có lẽ vì tình yêu thương, sự thông cảm và niềm khao khát được chia sẻ và được cùng chơi với nhau đã khiến chúng ngày càng xích lại gần hơn mà không có một trở lực nào ngăn cản được. Thế là trong một ngách hẹp giữa bức tường nhà A-li-ô-sa và hàng rào gã đại tá có một dây đu, một cây bồ đề, và một bụi hương mộc nậm rạp, một “lỗ hổng hình bán nguyệt” đã được A-li-ô-sa bí mật khoét ra. Ở đó “mấy thằng bé, lần lượt từng đứa hay hai đứa một, lại gần, và chúng tôi ngồi xổm hoặc quỳ xuống nói chuyện khe khẽ với nhau”. Và một đứa khác trong số ba anh em chúng phải luôn đứng canh để đề phòng ông đại tá bất chợt bắt gặp. Sự gặp gỡ của những đứa bé thật đáng yêu! Với tâm hồn ngây thơ, trong trắng, bọn chúng đã xé vỡ những định kiến giai cấp, những quan hệ xã hội mà chỉ có những “ông lớn”, những bọn quan chức, quý tộc giàu có đặt ra đã dẫm nát lên những giá trị tinh thần mà lẽ ra tất cả những con người sinh ra trên trái đất này phải được bình đẳng về mọi mặt.
Thật xúc động trước những tâm hồn của những đứa trẻ thiếu tình thương. Gặp nhau, chúng kể cho nhau nghe về cuộc sống buồn, về những con chim và nhiều chuyện trẻ con khác. Nhưng A- li-ô-sa chưa bao giờ được nghe chúng nói một lời nào về bố và dì ghẻ mà chỉ đề nghị A-li-ô-sa kê truyện cổ tích. Hiểu được tâm trạng của bọn trẻ, A-li-ô-sa nhiệt tình chăm chú kể lại những truyện mà bà ngoại đã kể. Có một điều rất thú vị là trong khi kể nêu có chỗ nào quên thì cậu bé chạy về hỏi lại bà rồi kể tiếp. Điều này làm cho bà ngoại “rất hài lòng” với A-li-ô-sa, bà ngoại là dòng cổ tích ngọt ngào, là niềm hạnh phúc, là chỗ dựa tinh thần mà cậu bé rất đỗi tự hào. Cậu bé còn kể bọn trẻ con nhà lão đại tá nghe nhiều điều tốt đẹp về bà ngoại mình. Điều đó cũng làm động lòng đến mấy đứa trẻ để rồi liên tưởng đến người bà của mình mà hiện tại chúng không có được hạnh phúc đó như A- li-ô-sa. Thằng lớn con nhà đại tá thở dài nói: “có lẽ tất cả các bà đều tốt, bà tớ ngày trước cũng rất tốt”. Câu nói hàm chứa một nỗi buồn của những đứa trẻ bất hạnh – bọn chúng không chí không còn bà mà còn không có mẹ, phải sống trong cảnh “mẹ ghẻ con chồng” và ngay cả những ràng buộc, cấm đoán một cách nghiệt ngã của ông bố. Và đặc biệt là được nghe từ những trang cổ tích, những câu chuyện mà A-li-ô-sa kể về bà của mình khiến chúng phái suy nghĩ và “thường nói một cách buồn bã: ngày trước, ngày kia, đã có thời…. Dường như nó đã sống trên trái đất này một trăm năm, chứ không phải mười một năm”. Chính từ sự đồng cảm cần được chia sẻ giữa những đứa trẻ thiếu tình thương, lại khao khát tình cảm bạn bè đã đi vào kí ức tuổi thơ, dù đã mấy chục năm rồi, nhưng khi kể lại một thời như thế, Go-rơ-ki gần như không quên một chi tiết nào mà còn nhớ rất rõ: “Tôi còn nhớ nó có đôi bàn tay nhỏ nhắn, những ngón tay thon thon và người mảnh dẻ, yếu ớt, cặp mắt sáng, nhưng dịu dàng như ánh sáng của những ngọn đèn trong nhà thờ. Hai xem nó cùng rất dễ thương, lôi yêu lắm, tôi luôn muốn làm cho chúng vui thích, nhưng tôi ưa thằng lớn hơn cả…”
Đọc lại những trang viết về cuộc đời của Go-rơ-ki mấy ai không dễ xúc động mà đặc biệt là những chuỗi ngày dài u ám của thời thơ ấu. Trong hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống ngay từ buổi thiếu thời, cậu bé A-li-ô-sa đã vượt lên trên tất cả để sống với bạn bè và cho chính mình. Với sự nhạy cảm của tâm hồn trẻ thơ, cậu bé A-li-ô-sa đã trang trải lòng mình với bọn trẻ để cùng được thông cảm, sẻ chia thì thật là ý nghĩa và đáng trân trọng. Và cũng vô cùng cảm động, khi A-li-ô-sa mới lên mười tuổi là lúc người mẹ qua đời – nỗi đau chưa nguôi thì lại bị ông ngoại độc ác đã đẩy cậu “đi vào đời” mà kiếm sống.
Bằng cách kể chuyện giàu tình cảm, đan xen chuyện đời thường với truyện cổ tích, Mác-xim Go-rơ-ki đã thuật lại một cách chân thực, sinh động và tuyệt đẹp về tình bà cháu, về tình bạn bè thân thiết của ông còn nhỏ với mấy đứa trẻ sống thiếu tình thương bên hàng xóm. Sức mạnh của tình cảm bạn bè đã vượt qua những cản trở trong quan hệ xã hội của nước Nga thời bấy giờ. Cuộc sống thực sự có ý nghĩa khi ta có tình yêu thương chân thành, tha thiết và được sẻ chia, thiếu nó con người sẽ trở nên cô đơn, buồn tủi.
Truyện không phải là lời tự thuật đơn thuần mà thông qua đó, tác giả vốn là người gặp nhiều cay đắng nên điều này muốn gợi tình yêu thương gia đình, quê hương đất nước và tình cảm bạn bè chân thật… có được những điều đó sẽ đem đến cho ta sự thanh thản, yêu đời và tạo được niềm tin trong cuộc sống.
Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Bình giảng đoạn trích Những đứa trẻ trong tác phẩm Thời thơ ấu của M. Go-rơ-ki cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.
Các bài liên quan đến tác phẩm: