Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Lập dàn ý tả cảnh đẹp ở địa phương em ở Hà Nội

Lập dàn ý tả cảnh đẹp ở địa phương em ở Hà Nội được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Tiếng Việt 5. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Lập dàn ý tả cảnh đẹp ở địa phương em ở Hà Nội - Dàn ý mẫu 1

Mở bài

- Giới thiệu cảnh đẹp ở quê mà em định tả (Cảnh gì? - sông nước, biển, hồ, núi non, vịnh hay phố xá...).

Thân bài

Tả bao quát:

- Nêu đặc điểm nổi bật của cảnh (có thể là màu sắc của núi, mây, nước, đất, đường....).

Tả chi tiết:

- Cảnh bao gồm địa hình gì? Trông xa như thế nào? Đến gần ra sao? (Sáng sớm mờ sương, mây trắng bao quanh núi, không gian tĩnh lặng).

- Nắng lên: Mặt trời làm hồng bầu trời, rót nắng chan hòa mặt đất. Chim hót líu lo. Màu mây, màu núi sậm hơn: núi xanh thẫm, mây ửng nắng hồng, vòm trời cao, xanh, rộng mênh mông. Sương tan, giọt sương đọng lại trên cỏ, sáng lấp lánh.

- Trưa: Bóng cây tròn nắng, nước biếc hơn, lá thẫm màu hơn, mây trắng bồng bềnh trôi.

Chiều tà: Ông mặt trời gác núi để lại chút ánh sáng trên ngọn cây như những cây nến khổng lồ.

- Hoàng hôn đến với vài ánh đom đóm lập lòe.

Kết bài

Cảm xúc của em trước cảnh đẹp đã tả.

Lập dàn ý tả cảnh đẹp ở địa phương em ở Hà Nội - Dàn ý mẫu 2

Mở bài:

Giới thiệu về Hồ Gươm: Hồ Gươm (hay còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm) không chỉ là biểu tượng văn hóa, lịch sử của thủ đô mà còn là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước mỗi khi có dịp ghé thăm xứ sở Việt Nam xinh đẹp. Lần đầu tiên khi đặt chân đến nơi đây em thấy rất bất ngờ trước phong cảnh tuyệt đẹp của Hồ Gươm.

Thân bài

Tả bao quát cảnh Hồ Gươm:

Vị trí địa lí: Hồ Gươm nằm giữa trung tâm của thủ đô Hà Nội, thuộc tại quận Hoàn Kiếm

Ý nghĩa lịch sử: Hồ Gươm gắn với nhiều di tích lịch sử và chiến tích của dân tộc

Nhìn bao quát: Khung cảnh toàn hồ rất êm đềm và sâu lắng, yên bình. Từ trên cao nhìn xuống hồ như một lẵng hoa xinh xắn nằm giữa lòng Hà Nội.

Tả chi tiết cảnh Hồ Gươm:

Tả mặt nước Hồ Gươm:

Mặt nước hồ trong xanh như một tấm gương tráng màu xanh ngọc bích khổng lồ, thỉnh thoảng có làn gió nhẹ lướt qua làm gợn lên những đợt sóng lăn tăn trên mặt hồ.

Mặt nước in bóng những đám mây trắng lơ lửng trên bầu trời, khi mặt trời lên những tia nắng chiếu xuống mặt hồ lóng lánh như dát vàng.

Tả cảnh vật xung quanh Hồ Gươm:

Xung quanh hồ là những hàng cây liễu như những nàng thiếu nữ biết làm duyên đang soi mình xuống mặt hồ, nối tiếp với những hàng cây lộc vừng đương trổ hoa.

Mỗi cây lộc vừng lại có hàng trăm, hàng nghìn những bông hoa li ti màu đỏ thi nhau khoe sắc. Được ban cho vẻ đẹp từ tạo hóa với những nét mong manh, yểu điệu nên hình như các nàng chỉ đợi một làn gió nhẹ lướt qua là phô hết ra những nét đẹp kiều diễm của mình.

Gió đến mang theo cả cái nồng nàn mà thanh khiết của những bông hoa sữa đến sớm giữa tiết trời cuối hạ đầu thu này.

Trên cành cây những chú chim như lặng yên ngắm nhìn cái yên bình của đất kinh đô sớm mai, hòa vào dòng chảy cổ kính nơi đây.

Những người đi tham quan đi rất nhiều: những đứa trẻ, những người lớn, những cụ già, những người nước ngoài,… Đường xá trở nên đông đúc, tấp nập.

Những khu kiến trúc quanh Hồ Gươm:

Giữa hồ là Tháp Rùa nổi lên uy nghi gợi nhắc đến truyền thuyết vua Lê trả kiếm cho Rùa Vàng, xa xa là Cầu Thê Húc màu đỏ son cong cong như đuôi tôm dẫn vào Đền Ngọc Sơn linh thiêng. Đền được xây trên một hòn đảo nằm yên bình giữa cây lá xum xuê.

Nhìn về phía đường Đinh Tiên Hoàng là Tháp Bút dựng lên sừng sững giữa nền trời xanh, gắn liền với hình ảnh Tháp Bút là Đài Nghiên là những di tích lịch sử lưu giữ theo thời gian.

Kết bài

Nêu cảm nghĩ của em về Hồ Gươm: Hồ Gươm là một di tích lịch sử của dân tộc Việt Nam, và cũng là niềm tự hào của người dân Hà Nội mang trong mình những nét cổ kính của thời đại. Trước khi ra về lòng em thấy rất xao xuyến, bồi hồi , em sẽ luôn ghi nhớ hình ảnh Hồ Gươm. Em hi vọng sẽ có dịp ghé thăm lại Hồ Gươm một lần nữa để có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp này.

Lập dàn ý tả cảnh đẹp ở địa phương em ở Hà Nội - Dàn ý mẫu 3

Mở bài: giới thiệu Hồ Tây

Thân bài: tả Hồ Tây

Tả bao quát cảnh Hồ Tây:

Tả chi tiết cảnh hồ Tây:

Tả mặt nước Hồ Tây:

- Mặt nước hồ Tây đẹp như tranh

- Nước hồ trong xanh

- Trên mặt nước

Tả cảnh vật xung quanh Hồ Tây:

- Cây cối hai bên hồ

- Những chú chim

- Tiếng gió

- Những ngọn cây

- Những người di tham quan

Những kiến trúc xung quanh Hồ Tây:

Kết bài: nêu cảm nghĩ của em về hồ Tây

Tả Hồ Gươm

Hầu như ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam chúng ta đều có những danh lam vô cùng tuyệt đẹp. Chẳng hạn như Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long, Hội An có chùa Thiên Mụ,… Và thủ đô Hà Nội của chúng ta có Hồ Gươm, một di tích lịch sử đã làm say đắm biết bao lòng người.

Khi đến với Hồ Gươm, em cảm thấy không khí nơi đây khác hẳn với những nơi khác. Ở trên cao là bầu trời xanh, bên dưới là nước hồ xanh, xung quanh là những hàng cây xanh. Cả không gian ngập ngàn trong một màu xanh của hòa bình. Hồ Gươm cứ như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp mà không một ngòi bút nào có thể diễn tả được hết vẻ đẹp ấy. Hàng ngày người dân thủ đô và các du khách thường tới đây để tập thể dục, dạo bộ, hóng mát,… Bên hồ, những cành liễu, cành lộc vừng, cành hoa phượng rủ bóng xuống dưới mặt hồ.

Ban trưa khi mặt trời lên cao, ánh nắng chiếu xuống mặt hồ khiến cho chúng trở nên lấp lánh hơn. Thế nhưng không gian xung quanh hồ lại được cây xanh che phủ bóng mát khiến cho không khí ở đây lúc nào cũng mát mẻ.

Nổi lên giữa Hồ Gươm là Tháp Rùa 3 tầng nhỏ nhắn rêu phong phủ kín tạo nên nét cổ kính. Ngoài ra còn có đền Ngọc Sơn với Tháp Bút và Đài Nghiên nằm ngay phía trước cửa đền. Các bạn học sinh trước mỗi kì thi thường tới đây, chạm tay vào Tháp Bút, Đài Nghiên như để lấy may cho một kì thi được thuận lợi. Đặc biệt, cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn được sơn màu đỏ rực rỡ. Vẻ đẹp của Hồ Gươm đã đi vào trong rất nhiều các tác phẩm tranh, ảnh nghệ thuật vì những nét đẹp rất bình dị như vậy.

Mặc dù em mới chỉ được đến Hồ Gươm có 1 lần nhưng chừng đó là đủ để em có ấn tượng mãi về danh lam thắng cảnh này. Em mong rằng mình sẽ có thêm nhiều cơ hội nữa để được tới Hồ Gươm.

Tả Hồ Tây

Hồ Tây nằm ở phía Tây Bắc nội thành Hà Nội với diện tích khoảng 500ha, đường vòng quanh hồ dài gần 20km. Ngành địa dư lịch sử đã chứng minh rằng, hồ là một đoạn sông Hồng rớt lại, sau khi đổi dòng, có thể tới cả hàng nghìn năm.

Hồ Tây hay còn gọi là hồ Mù Sương (Dâm Ðàm), hồ Trâu Vàng (Kim Ngưu hồ), đầm Xác Cáo. Mỗi tên lưu giữa một sự tích về nguồn cội của Hồ Tây huyền thoại.

Một du khách người Pháp có tên Michel kể rằng đây là lần thứ tư anh tới Hà Nội, nhưng đã bao nhiêu lần có mặt ở Hồ Tây rồi, chính anh cũng không thể nhớ nổi bởi Hồ Tây với anh đẹp và duyên dáng đến nao lòng.

Hồ Tây là góc lãng mạn nhất trong bức tranh Hà Nội đa màu; là thế giới của những làn gió trong trẻo, sự phóng khoáng và giàu chất thơ. Chẳng thế mà bấy lâu nó vẫn là nguồn cảm hứng bất tận của các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ… với nhiều bài hát, bài thơ viết về Hồ Tây, viết ở hồ Tây làm nao lòng người.

Hồ Tây đẹp không chỉ bởi mặt nước xanh mênh mông, không chỉ có sắc tím bằng lăng, cánh hoa phượng hồng đỏ mỗi độ hè về, cái buồn man mác của không gian, của rặng liễu rủ những chiều đông, cái lung linh của ban mai tinh khiết… mà Hồ Tây còn đẹp bởi nó như một trái tim ôm trọn trong mình những trạng thái buồn vui của biết bao con người.

Mỗi sáng tinh mơ, hàng trăm người, cả già lẫn trẻ tìm ra chốn này để hít hà không khí trong lành và tập thể dục. Ðầu dốc đường Thanh Niên là cửa ngõ của những chiếc xe đạp chở đầy hoa, những gánh hàng ăn dân dã "chảy" vào lòng Hà Nội.

Hồ Tây trở thành điểm hẹn, để người ta tìm đến như một quán tính. Ðường Thanh Niên hay còn có cái tên đường Cổ Ngư rất đẹp trước đây là ranh giới giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, từ sau buổi vãn chiều rất đông người qua lại.

Có người tìm cho mình một góc nào đó ở bên hồ để hóng gió, nhâm nhi ly cà phê trong một quán ven đường, thưởng thức món bánh tôm nổi tiếng, ăn một ly kem; vào những nhà hàng sang trọng nằm ở mép hồ hay giữa hồ, hoặc trên du thuyền…

Cũng có người chỉ thích dạo quanh hồ để hít hà không khí trong trẻo rồi lại đi đâu đó hoặc trở về nhà. Ðông nhất là những ngày cuối tuần. Dòng người đổ về Hồ Tây nhiều khi ùn tắc cả một đoạn dài đường Thanh Niên.

Trên boong tàu lớn nơi mặt hồ, có một đôi uyên ương đang tươi cười hạnh phúc trong ngày cưới giữa bao lời chúc phúc của người thân, bè bạn. Bên bờ, ở một ghế đá nào đó có cụ già râu tóc bạc phơ, tay cầm ba toong ngước về phía bờ Tây ngắm hoàng hôn xuống…

Hồ Tây không chỉ là địa chỉ du lịch lý tưởng mà nó còn chứa đựng những giá trị văn hóa dân tộc. Quanh hồ hiện có hơn 20 ngôi đình, đền, chùa đã được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng với nhiều văn vật giá trị như hơn 100 bia đá, 165 câu đối, 140 hoành phi, gần 20 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá.

Nhiều ngôi chùa, đền là thế, nhưng có lẽ người Hà Nội, khách du lịch vẫn tìm đến đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc và phủ Tây Hồ. Người người đến đây chẳng những được thưởng thức nét đẹp kiến trúc của đền chùa cổ xưa mà còn cầu may, cầu phúc… đông nhất là vào những ngày rằm, mồng một âm lịch hàng tháng và ngày lễ, Tết.

Phía Tây Hồ Tây vẫn còn rất nhiều làng. Mỗi ngôi làng ở đây đều ít nhiều gắn với một địa danh, một trầm tích lịch sử. Làng Nghi Tàm, quê hương nhà thơ "Bà huyện Thanh Quan" với chùa Kim Liên có kiến trúc độc đáo. Làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng. Làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh. Làng Thụy Khuê có chùa Bà Ðanh. Làng Nhật Tân với sắc thắm của hoa đào nổi tiếng. Rồi làng giấy, phường đúc đồng v.v…

Mặc dù, nét làng thuở nào đã khoác lên mình một diện mạo mới trong quá trình đô thị hóa với những khu nhà cao tầng, khách sạn, biệt thự mọc lên nhưng nhiều làng vẫn còn giữ được nét làng với những cổng làng, đình làng, những ngôi nhà cổ trăm năm tuổi có lẻ…

Hồ Tây là nơi đến thư giãn của người Hà Nội và cũng là nơi ở lý tưởng của những người nước ngoài đang sống và làm việc ở chốn Hà Thành, với hàng trăm ngôi biệt thự phía Tây. Ðộ hơn mươi năm về trước, người ta chỉ lên phía Tây Hồ Tây để vào các làng hoa, làng đào, để đi chùa, đi phủ Tây Hồ…, những năm gần đây, nhà nhà đua nhau mở quán ăn, nhiều dần rồi thành từng khu ẩm thực với phong cảnh trữ tình cho những người muốn "đổi gió" sau những giờ làm việc mệt mỏi.

Có người gọi Hồ Tây là mặt gương của Hà Nội. Tôi thích gọi Hồ Tây là lá phổi xanh của chốn Kinh Thành.

---------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Lập dàn ý tả cảnh đẹp ở địa phương em ở Hà Nội. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết Tiếng Việt 5, Tập làm văn lớp 5, Kể chuyện lớp 5, Luyện từ và câu lớp 5, Cùng em học Tiếng Việt lớp 5.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • hổ báo cáo chồn
    hổ báo cáo chồn

    💯💯💯💯💯💯💯

    Thích Phản hồi 18/06/22
    • Bé Cún
      Bé Cún

      hay quá

      Thích Phản hồi 18/06/22
      • Hai lúa
        Hai lúa

        🤙🤙🤙🤙🤙🤙🤙

        Thích Phản hồi 18/06/22
        🖼️

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm
        🖼️

        Tiếng Việt lớp 5 Sách mới

        Xem thêm