Trọng nghĩa khinh tài là gì?

Trọng nghĩa khinh tài là gì? được VnDoc sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Tiếng Việt 5. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Câu hỏi: Trọng nghĩa khinh tài là gì?

Trả lời:

Trọng nghĩa khinh tài là coi trọng đạo nghĩa và không chú ý gì đến tiền tài

Ý nghĩa của trọng nghĩa khinh tài

“Trọng” có nhiều nghĩa, trong đó 2 nghĩa chính là nặng, coi là nặng; tôn kính, tôn quý. Về nghĩa thứ nhất, ta thường nói trọng lượng, tức là vật gì đó nặng bao nhiêu. Trọng bệnh là bệnh nặng (trái nghĩa với bệnh nhẹ, dễ chữa), trọng thương là bị thương nặng, trọng trách là trách nhiệm nặng nề, trọng phạm là kẻ phạm tội nặng… Trọng cũng có nghĩa là tôn trọng, tôn kính, nể vì, chẳng hạn “Cha mẹ tôi rất trọng bác ấy bởi bác luôn quên mình, chỉ nghĩ đến mọi người”. Trong thành ngữ nói trên, trọng nghiêng về nghĩa “nặng”.

Đối ngược với trọng là “khinh” . Khinh nghĩa là nhẹ, xem nhẹ, coi nhẹ. Khinh khí tức là khí nhẹ (chẳng hạn khí hydro), khinh kỵ là lực lượng kỵ binh (lính cưỡi ngựa) tác chiến nhanh nhẹn, khinh thân là xem cái thân của mình là nhẹ, không đáng kể… Xưa truyện tiếu lâm kể về anh chàng hay nói chữ một cách máy móc. Bị đánh mấy roi vào một bên mông, anh ta vừa xoa chỗ đau vừa than thở “nhất bên trọng, nhất bên khinh” (một bên nặng, một bên nhẹ; một bên có, một bên không), quan nghe vậy bèn sai lính nọc ra đánh thêm vào bên mông kia vài roi nữa cho cân, khỏi thắc mắc trọng khinh, nặng nhẹ. Ngoài ra, mở rộng từ nghĩa “xem nhẹ” nói trên, khinh còn có nghĩa là sự bày tỏ thái độ không hài lòng với ai hoặc điều gì đó, chẳng hạn khinh thường, khinh bỉ, khinh miệt, khinh mạn. Trong câu thành ngữ mà chúng ta đang nhắc tới, nghĩa chính của khinh là nhẹ, xem nhẹ.

“Nghĩa” là từ Hán Việt có nội dung rất rộng. Nghĩa của từ này là: Một việc phải làm, việc đúng, việc nên làm bởi hợp đạo lý; một chủ trương đúng; sự hào hiệp. Chúng ta thường nói việc nghĩa, sống có nghĩa. Đối với người theo học thuyết Nho giáo ngày xưa, con người phải có nhân có nghĩa. Làm điều lớn hoặc điều nhỏ đều cần nghĩa. Nguyễn Trãi viết “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga khỏi bọn cướp không phải bởi cô ấy đẹp mà là “kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” (thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải người có dũng-sức mạnh). Cứu nước cứu dân là việc lớn phải làm, nên người ta dựng cờ đại nghĩa. Những chàng trai ăn cơm nhà tự nguyện săn bắt cướp được coi là những người nghĩa hiệp (hiệp sĩ làm việc nghĩa)…

Từ cuối cùng là “tài”. Đây là từ trong câu thành ngữ mà một số người hiểu sai nghĩa của nó. Nghĩa Hán Việt của “tài” là: Tài năng, năng lực vượt trội của ai đó so với người khác; của cải, vật chất; sự trồng trọt… Nguyễn Du viết “Có tài mà cậy chi tài/Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Cụ Hồ dạy “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, tài trong những câu ấy có nghĩa là tài năng, khả năng tốt để làm việc. Nhưng chúng ta thường nghiêng về nghĩa tài năng của từ “tài” mà quên đi nghĩa chỉ vật chất, của cải. Ta vẫn thường đọc: tài nguyên (nguyên là nguồn) tức nguồn của cải, tài trợ (trợ là giúp) tức giúp của cải cho ai đó, gia tài là của cải của gia đình, tài phiệt (phiệt là nổi tiếng) để chỉ ông trùm về của cải, về sự giàu có vật chất. Trong câu thành ngữ “trọng nghĩa khinh tài” thì tài nhấn vào nghĩa vật chất của cải.

Câu chuyện cổ tích về thành ngữ Trọng nghĩa khinh tài

Ngày xưa ở Thanh-hóa có một người tên là Nguyễn Đình Phương. Nhà ông vườn cau ao cá, lại có chừng ba chục mẫu ruộng: trong nhà, vợ con, kẻ làm người lụng khá đông. Nhưng ông vốn là người hào hiệp. Khi có ai túng thiếu đến nhờ vả, ông sẵn lòng chu cấp, hay cho vay mượn, ít khi để họ phải về không.

Nguyễn Đình Phương có một người bạn cố tri tên là Trần Bính Cung làm nghề buôn gỗ. Bính Cung trước kia có của ăn của để. Trong nhà năm miệng ăn đều do một mình Bính Cung lo liệu. Nhưng từ dạo ông đi mấy chuyến bè thất bại, có bao nhiêu ruộng vườn đều cầm bán sạch. Tiếp đó Bính Cung bị một trận ốm nặng, trở nên nợ đìa. Quá hạn không trả được, chủ nợ cho bọn nặc nô đến đòi rất ráo riết. May mà có Nguyễn Đình Phương chạy tiền trả hộ, nếu không thì gia đình Bính Cung chẳng có cái mà ở. Sau đó, Bính Cung còn cho vợ con đến nhờ vả khi năm quan khi ba quan làm tiền thuốc men, Đình Phương vẫn vui lòng chu cấp. Thấy bạn quá tốt bụng vợ mình, vợ chồng Bính Cung vô cùng cảm kích.

Không ngờ bệnh của Trân Bính Cung mỗi ngày một nặng. Trước còn đi lại được, nhưng sau ốm liệt giường. Biết mình sắp chết, một hôm Bính Cung cho mời bạn tới. Khi thấy mặt Đình Phương, ông nói:

- Tôi mắc nợ của anh một số tiền đã đã lâu rồi mà chưa nói đến chuyện trả, thật là phụ tấm lòng tử tế của anh.

Đình Phương liền gạt đi:

- Anh đừng nói thế! "Tiền là gạch, ngãi là vàng". Tình nghĩa mới là cái đáng quý, còn tiền bạc nào có nghĩa lý gì. Anh đừng nhắc đến nữa.

- Không - Trần Bính Cung tiếp - Tôi sở dĩ mời anh đến đây là vì món nợ làm tôi không lúc nào nguôi. Bây giờ tôi tính thế này. Ngôi nhà này của tôi coi như gán vào món nợ, có văn khế viết sẵn ở đây. Nhưng trước mắt tôi: con thơ vợ dại, em yếu, mẹ già, tình cảnh đáng quan ngại. Một mai tôi mất đi, nếu gia đạo tôi có việc gì, dám xin anh tìm cách cứu vớt. Về sau, con tôi ăn lên, gia đình tôi cất đầu lên được, nó sẽ không bao giờ quên ơn.

- Sao anh lại nói thế. Mẹ của anh cũng như mẹ của tôi, con của anh cũng như con của tôi. Còn nhà của tôi cũng như nhà của anh. Dù có thế nào: tôi cũng xin gắng sức. Anh cứ thuốc men cho lành, còn món nợ hãy gác lại, đừng bận tâm gì vì nó cả.

Bính Cung không nghe lời, cứ ấn văn khế vào tay Đình Phương, lại gọi con mình ra bảo lạy sống Đình Phương, rồi nói:

- Bây giờ tôi chết mới nhắm mắt. Đa tạ bạn. Tôi sẽ xin kết cỏ ngậm vành kiếp sau.

Ngay sau khi Bính Cung tắt nghỉ. Nguyễn Đình Phương tỏ ra là người biết giữ lời hứa của mình. Ông bỏ tiền làm ma cho bạn chu tất. Ông sốt sắng giúp đỡ gia đình hạn: khi quan tiền, khi thúng thóc không biết sẻn. Cả nhà Bính Cung coi ông như cây cột trụ. Làng mạc xóm giềng đều khen ngợi không tiếc lời.

Nhưng dần dà người ta thấy lòng hào hiệp của Nguyễn Đình Phương không phải là vô hạn. Sự giúp đỡ theo thời gian cứ thưa dần. Càng về sau, việc vay mượn của gia đình Bính Cung trở nên khó khăn. Nhiều lúc người con Bính Cung phải đợi suốt buổi, mà cuối cùng vẫn phải vác rá về không. Đình Phương tuy có mặt ở nhà, nhưng người nhà vẫn đáp là "đi vắng". Thái độ chuyển từ sốt sắng ra lạt lẽo của Đình Phương làm cho mẹ con Bính Cung thất vọng, coi như một sự lừa gạt. Một hôm, sau những ngày thiếu ăn, mấy lần đến vay không được, người vợ Bính Cung đón đường cố tìm gặp Đình Phương để hỏi cho ra lẽ. Khi gặp mặt, người đàn bà vật nài:

- Mẹ con bà cháu chúng em đói no là nhà ở một tay bác. Mong bác rón tay giúp đỡ cho qua hội này.

Đình Phương vội vàng từ chối:

- Gia đình chúng tôi dạo này cũng túng bấn tợn. Chị có thể chạy hỏi các nơi khác xem thử.

- Mẹ con chúng em chịu ơn bác rất nhiều, không bao giờ quên được. Biết đi lại mãi cũng làm phiền bác, nhưng tin vào lời hứa của bác với nhà em lúc sắp mất nên một hai cậy dựa vào bác. Chẳng lẽ tình nghĩa ngắn ngủi có thế thôi ư?

Vợ Bính Cung không ngờ tới câu trả lời chát chúa của Đình Phương.

- Chị dạy thế là lầm. Tôi cũng có vợ có con của tôi chứ. Có đâu cứ phải tư cấp cho gia đình chị mãi được. Không khéo tôi phải bán ngôi nhà bên nhà chị để trang trải vài món nợ đây!

Nghe lời nói như một gáo nước lã giội vào lưng, người vợ Bính Cung đành gạt nước mắt ra về, không quên kể lại sự tình cho mọi người trong nhà nghe. Cả nhà ngồi lại khóc rấm rứt. Bỗng có một ông lão lối xóm chạy đến hỏi vì sao mà khóc. Người vợ Bính Cung kể lại đâu đuôi từ lúc tình bạn đậm đà, cho đến những câu trả lời tuyệt tình vừa rồi của Đình Phương, rồi nói:

- Cụ tính, bác ấy là ân nhân của chúng tôi mà thay lòng đổi dạ chóng thế, thì cả nhà còn biết làm sao mà sống bây giờ!

Nói xong lại khóc nức nở. Ông lão đáp:

- Thắm lắm thì phai nhiều, âu đó là thường tình của người đời. Thôi bây giờ mẹ con bà cháu nhà mợ hãy cố gắng tìm lấy một nghề mà nuôi nhau.

- Cụ tính, trong nhà một đồng một chữ cũng không có. Ngôi nhà này là của họ, họ còn dọa bán, nay mai biết trú ngụ vào đâu. Thế thì cụ bảo làm nghề gì?

- Mợ cả và cô có biết dệt sồi chăng?

- Nuôi tằm dệt lụa cũng có thể học mà làm được cả, nhưng vốn liếng ở đâu lấy gì mua khung cửi, lấy gì làm lương ăn cho cả nhà cho đến lúc có rồi đem đi chợ?

- Tôi thì chả phải giàu có gì, nhà mợ cũng biết. Nhưng thấy tình cảnh nhà mợ cũng đáng thương. Bây giờ tôi bàn thế này. Cứ phải luôn luôn nhờ vả người ta mãi quả là không tiện. Trong tay cần phải nắm chắc lấy một nghề, có biết chèo lái thì mới hòng đưa con thuyền qua được sóng cả. Nhà tôi vốn làm nghề dệt đã ba đời nay. Nếu mợ quyết chí thì tôi sẽ xin truyền cái nghề của chúng tôi cho mợ. Còn vốn liếng khởi sự, tôi sẽ xin cố giúp, sau này đợi lúc khá giả sẽ hoàn lại cũng được.

Ông lão nói rồi bắt tay vào làm ngay. Người vợ Bính Cung không ngờ một ông lão dệt sồi ở xóm lại tỏ ra hào hiệp có phần vượt xa Nguyễn Đình Phương. Ông xuất tiền một lúc mua ngay khung cửi và một đồ lề khác để cho hai người đàn bà học dệt. Lại bỏ vốn cân tơ. Ông lão còn mất khá nhiều thì giờ để bày vẽ cho họ mọi bí mật của nghề nghiệp. Chẳng mấy chốc họ đã có rồi đem ra chợ bán. Càng ngày nghề của họ càng tinh. Mẹ con bà cháu tằn tiện cũng đủ bát ăn và bắt đầu cho đứa bé đi học. Không bao lâu, gia đình đã dành dụm được tiền đem đi chuộc nhà và số ruộng vườn về. Từ khi chuộc được nhà, họ lơ hẳn Nguyễn Đình Phương coi như người xa lạ, trái lại ân cần coi ông lão là một vị ân nhân.

Thấm thoắt bảy tám năm trôi qua, người con gái Bính Cung đã có người dạm hỏi. Hôm cưới, trong nhà rộn rịp giết lợn bày cỗ rất linh đình mà theo ý người vợ Bính Cung là để cho bõ những ngày gian truân vừa qua.

Nhưng giữa tiệc cưới vui vẻ, khách khứa tấp nập, người vợ Bính Cung nhác thấy Nguyễn Đình Phương - người mà bà đã có chủ định không mời - cũng khăn áo đến dự. Vợ Bính Cung tiến ra đón ở cửa, chua chát:

- Bác hôm nay cũng đến đây ư? Chao ôi! Tôi cứ tưởng bác phải quên chúng tôi lâu rồi. Chắc bác nghĩ rằng gia đình chúng tôi phải chết giấm chết giúi từ đời thuở nào, còn đâu được bác chiếu cố đến thăm nhà hôm nay nữa...

Vợ Bính Cung còn định tìm những câu đau hơn nữa để nói cho Đình Phương biết mặt, nhưng lúc bấy giờ ông lão ân nhân đã bước ra, rỉ vào tai:

- Mợ cả, mợ đừng vội nóng, để tôi nói mợ nghe. Tất cả vốn liếng mà tôi giúp mợ, cả công lao bày vẽ của tôi nữa đều là tiền bạc của ông Phương đây cả. Tôi chỉ là người trao hộ, làm hộ mà không nói ra cho mợ biết đó thôi!

---------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Trọng nghĩa khinh tài là gì? Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số chuyên mục Lý thuyết Tiếng Việt 5, Tập làm văn lớp 5, Kể chuyện lớp 5, Luyện từ và câu lớp 5, Cùng em học Tiếng Việt lớp 5.

Đánh giá bài viết
1 123
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Milky Nugget
    Milky Nugget

    😄😄😄😄😄😄😄😄😄

    Thích Phản hồi 21/06/22
    • Khang Anh
      Khang Anh

      😺😺😺😺😺😺😺

      Thích Phản hồi 21/06/22
      • Hai lúa
        Hai lúa

        🖐🖐🖐🖐🖐🖐🖐

        Thích Phản hồi 21/06/22

        Tiếng Việt lớp 5

        Xem thêm