Phân tích nhân vật ông Hai (19 mẫu)
Bài Phân tích nhân vật ông Hai được VnDoc đăng tải nhằm giúp các bạn học sinh nắm được cách phân tích một nhân vật trong tác phẩm truyện. Mời các bạn tải về tham khảo 19 mẫu Phân tích nhân vật ông Hai trong file tải.
Phân tích nhân vật ông Hai
Dàn ý Phân tích nhân vật ông Hai
I. MỞ BÀI
Dẫn dắt và giới thiệu về nhân vật ông Hai.
II.THÂN BÀI
1. Khái quát chung về tác giả, tác phẩm:
- Kim Lân (1920 -2007) là một cây bút chuyên viết truyện ngắn, thường viết về phong tục, tập quán và cuộc sống của những người dân quê.
- "Làng": viết vào năm 1948 - giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhân vật chính là ông Hai - một người nông dân yêu làng, yêu nước nhưng bất ngờ nghe được tin làng theo giặc.
2. Phân tích nhân vật ông Hai:
a.Yêu làng quê tha thiết, hay khoe về làng Chợ Dầu của mình:
- Trước Cách mạng: tự hào về làng giàu có, cái sinh phần to lớn của viên tổng đốc người làng. => Tình yêu làng hồn nhiên, chất phác, mang đậm nét tâm lí nông dân.
- Sau Cách mạng: tự hào về phong trào cách mạng sôi nổi, tinh thần kháng chiến.
=> Tình yêu làng được mở rộng thành tình cảm với đất nước, cách mạng.
- Khi đi tản cư: day dứt nỗi nhớ làng.
b. Diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc:
- Đây là một tình huống đặc biệt.
- Trước khi nghe tin về làng:
+ Nghe được bao nhiêu tin tức hay về kháng chiến: một em nhỏ đã dũng cảm bơi ra hồ Hoàn Kiếm cắm quốc kì lên Tháp Rùa, một anh chiến sĩ đã dũng cảm giết được bảy tên giặc sau đó tự sát bằng quả lựu đạn cuối cùng,…
+ Tự hào, vui sướng: ruột gan ông lão cứ múa cả lên.
- Khi nghe tin làng theo giặc.
+ Bàng hoàng, sửng sốt: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”. N
+ Cố trấn tĩnh để xác minh lại sự thật, hi vọng đó là tin đồn: “Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại…”.
+ Thất vọng, bẽ bàng, xấu hổ: người đàn bà khẳng định bà ta vừa ở dưới đó lên. Ông Hai đánh trống lảng ra về: “Hà, nắng gớm, về nào…”, “cúi gằm mặt mà đi”
+ Về đến nhà, ông Hai vô cùng đau đớn, tủi nhục: nằm vật xuống giường, nhìn mà nước mắt cứ giàn ra. Ông Hai căm tức mà chửi bọn người làng Chợ Dầu bán nước. + Cuộc đấu tranh, xung đột nội tâm gay gắt: một mặt, cố thuyết phục mình không tin vào cái tin dữ kia,một mặt lại hoang mang: Không có lửa làm sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì”.
+ Suốt ba bốn ngày sau: không dám ra khỏi nhà, nghe ngóng xem bên ngoài ra sao, nơm nớp tưởng như người ta đang bàn tán đến “cái chuyện ấy”.
+ Khi mụ chủ nhà muốn đuổi ông đi: bế tắc, đấu tranh nội tâm gay gắt. Ông buộc phải lựa chọn giữa quay về làng hoặc thuê nhà ở nơi khác. Cuối cùng, ông đã lựa chọn dứt khoát: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây rồi thì phải thù”.
+ Tâm sự với đứa con nhỏ: “Nhà ta ở làng Chợ Dầu” cho thấy ông vẫn nhớ làng, muốn con nhớ về quê nhà.
=> Tình yêu nước bao trùm lên tình yêu làng. Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu cho người nông dân VN trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
- Khi nghe tin làng được cải chính:
+ Cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên.
+ Mồm bỏm bẻm nhai trầu.
+ Cặp mắt hung hung đỏ hấp háy.
+ Mua quà cho các con: “bánh rán đường đây, chia cho em mỗi đứa một cái”.
+ Đem khoe tin làng với tất cả mọi người: "Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi vừa lên cải chính.... Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả".
=> Tình yêu làng hòa quyện với tình yêu nước.
3. Đánh giá, tổng kết:
a. Nội dung:
Nhân vật ông Hai mang những phẩm chất đáng quý: giản dị, chất phác, có tình yêu làng quê và đất nước sâu nặng, một lòng son sắt thủy chung với cách mạng, có tinh thần kháng chiến mãnh liệt, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Qua đó, nhà văn bày tỏ thái độ trân trọng, ngợi ca đối với người nông dân Việt Nam.
b.Nghệ thuật:
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật chân thực.
- Miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật sâu sắc,
- ây dựng tình huống truyện đặc sắc, nhiều chi tiết đặc sắc.
- Nghệ thuật kể chuyện sinh động, hấp dẫn.
- Ngôn ngữ nhân vật vừa mang những nét chung vừa mang đặc điểm riêng.
III.KẾT BÀI:
- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm, nhân vật, vị trí của nhà văn
- Rút ra bài học ý nghĩa.
Văn mẫu phân tích nhân vật ông Hai
Phân tích nhân vật ông Hai mẫu 1
"Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước"
Đó là những câu thơ trong thi phẩm "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Quả thực, soi chiếu vào chặng đường phát triển của văn học Việt Nam, có biết bao tác phẩm đã viết về những người anh hùng lịch sử đã ghi danh với núi sông, được nhân dân nhớ ơn và ngưỡng mộ. Thế nhưng, đất nước thiêng liêng và yêu quý vô ngần của ta còn được xây dựng bởi bàn tay của biết bao con người "Không ai nhớ mặt đặt tên". Nhà văn Kim Lân - "nhà văn của những kiếp người bé mọn" đã đưa những con người "Giản dị và bình tâm" ấy vào trong trang sách, khiến hình ảnh người nông dân ở làng quê Việt trở thành tượng đài rực rỡ về lòng yêu nước. Điều này được thể hiện rất rõ qua nhân vật ông Hai trong truyện ngắn "Làng".
Nhà văn Kim Lân là một cây bút chuyên viết truyện ngắn. Có sở trường ở thể loại mà qua một lát cắt, có thể nhìn thấy "vòng đời thảo mộc cả trăm năm", Kim Lân cũng chủ trương viết bằng những trải nghiệm thực tế, chỉ viết những gì mình biết và mình thuộc. Chính vì vậy, nhà văn thường viết về đời sống của những người dân quê mà ông gắn bó. Tác phẩm "Làng" được viết vào giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đăng lần đầu năm 1948. Tác phẩm kể về ông Hai - một người nông dân yêu làng, yêu nước nhưng bất ngờ nghe tin làng theo giặc. Tác giả đã đặt nhân vật vào tình huống gay cấn để khai thác nội tâm. Vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất của nhân vật này được thể hiện chân thực, đặc sắc qua từng chặng của quá trình đấu tranh, xung đột nội tâm gay gắt.
Ngay ở phần đầu tác phẩm, ta tìm thấy ở nhân vật ông Hai tình yêu làng tha thiết, sâu nặng. Ấy là ông hay khoe, hay kể về làng Chợ Dầu. Trước Cách mạng, ông hãnh diện về "những nhà ngói san sát, những đường làng toàn lát đá xanh, trời mưa, trời gió bùn không dính đến gót chân" của làng. Ông còn vui vẻ khoe cái cái sinh phần to lớn của viên tổng đốc dù để xây dựng cái sinh phần hoành tráng đó, rất nhiều người phải phục dịch. Thậm chí, bản thân ông Hai cũng từng bị gạch đổ vào chân nên phải đi tập tễnh. Đó là bằng chứng cho thấy sự bóc lột, áp bức nặng nề của bè lũ thống trị và cuộc sống tắm tối của nhân dân. Tuy vậy, nhìn chung thì cách ông yêu làng vẫn thật giản dị, hồn hậu, đáng trọng biết bao nhiêu. Nó mang đậm nét tâm lí nông dân, rất mộc mạc, tử tế. Khi đã có Cách mạng, ông chuyển sang tự hào về phong trào cách mạng sôi nổi, những buổi tập quân sự, những buổi đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá hay những buổi hát hỏng, bông phèng cùng anh em. Cái "phòng thông tin tuyên truyền rộng rãi", "chòi phát thanh cao" cũng khiến ông Hai lấy làm hãnh diện lắm! Quả thực, trong mắt ông, điều gì thuộc về làng Chợ Dầu cũng đáng yêu, đáng quý cả! Ở đây, ta có thể thấy tình yêu làng của ông đã có một quá trình phát triển, từ tình yêu thuần nhất với ngôi làng trở thành tình cảm với đất nước, cách mạng.
Khi phải đi tản cư theo lệnh kháng chiến, ông Hai mang trong mình sự day dứt, trăn trở vì nhớ làng. Nỗi nhớ ấy chỉ nguôi ngoai khi đi làm, chứ lúc về nhà, hễ nằm xuống giường, vắt tay lên trán, hình ảnh ngôi làng lại khiến ông thương nhớ. Dù xa cách nhưng ông vẫn chăm chỉ nghe ngóng tin tức kháng chiến, hỏi thăm về làng. Câu văn "Chao ôi ! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá" là tiếng lòng bộc bạch của ông. Lời cảm thán kết hợp với nhịp văn được ngắt thành nhiều vế cùng điệp từ "nhớ", "làng" được lặp lại trong cùng một câu văn đã thể hiện sâu sắc nỗi nhớ nhung trong tâm hồn nhân vật. Ngôi làng nhỏ bé là nguồn cội, là linh hồn, lẽ sống của cuộc đời ông. Tâm trạng ấy của ông Hai không phải là nỗi niềm riêng cá biệt mà là cảm xúc chung của bất cứ người nông dân nào khi phải rời xa nơi chôn rau cắt rốn để sống với thân phận của một dân ngụ cư.
Vẻ đẹp tâm hồn của ông Hai còn nằm ở diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc. Khi chia sẻ về tác phẩm, Kim Lân từng nói: "Lão Hai chính là tôi. Viết đi viết lại hình như cuối cùng câu chuyện chính là mình." Nhà văn không bao giờ ra khỏi địa phận chân thực của mình viết về nên tất cả những cung bậc cảm xúc của nhân vật đều được miêu tả rất sinh động, tinh tế và sâu sắc. Đây quả là một tình cảnh éo le, khiến nhân vật phải giằng co, đấu tranh tâm lí từ đó bộc lộ rõ phẩm chất, tính cách.
Trước khi nghe tin làng mình theo giặc, ông Hai biết được bao nhiêu tin vui về cách mạng. Nào là một em nhỏ đã dũng cảm bơi ra hồ Hoàn Kiếm cắm quốc kì lên Tháp Rùa, nào là anh chiến sĩ giết được bảy tên giặc rồi tự sát bằng quả lựu đạn cuối cùng, nào là đội nữ dân quân Trưng Trắc đã giả dạng người mua hàng bắt sống một tên quan hai bốt Thao,... Ông Hai tự hào, phấn khởi bởi lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, sự mưu trí, anh dũng của nhân dân ta. Không phân biệt già trẻ, gái trái, tất cả đồng bào đều cùng nhau chiến đấu. Những nhân vật ấy không được Kim Lân đặt tên bởi họ không tiêu biểu cho tài năng, tấm lòng của một cá nhân mà đại diện cho tinh thần của cả một dân tộc, một thời đại. Những chiến công hiển hách của quân ta khiến ông Hai vui sướng quá đỗi, "ruột gan ông lão cứ múa cả lên". Chắc hẳn ông cũng mong chờ những tin tức như vậy từ làng Chợ Dầu.
Khi nghe tin làng theo giặc, ban đầu, ông Hai bàng hoàng, sửng sốt. Cú sốc bất ngờ và đau đớn khiến “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”. Càng yêu làng, tin tưởng vào làng thì ông lại càng đau xót. Còn gì đau đớn hơn khi lẽ sống của mình sụp đổ? Ông lão như rơi xuống hố sâu của nỗi tủi nhục, bẽ bàng. Ông cố bình tâm để xác minh tin tức: “Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại…”. Sự ngập ngừng thể hiện qua dấu ba chấm cho thấy ông niềm âu lo phấp phỏng cùng thoáng hi vọng mong manh. Ông ước ao đó chỉ là tin thất thiệt về làng... Nhưng người đàn bà “vừa ở dưới ấy lên” đã kể ra những dẫn chứng về sự phản bội của làng Chợ Dầu. Mỗi chi tiết bà ta kể là mỗi vết dao sâu hoắm găm vào trái tim ông. Giặc vào làng, cả làng vác cờ ra hân hoan. Thằng chánh Bệu còn khuân cả tủ chè, đỉnh đồng, vải vóc lên xe cam-nhông, rồi lại đưa cả vợ con đi với giặc ở ngoài tỉnh. Ông Hai không thể không tin. Cố gắng giấu niềm chua xót, ông đành lảng đi: “Hà, nắng gớm, về nào…”. Nỗi xấu hổ khôn cùng khiến người nông dân ấy “cúi gằm xuống mặt mà đi”. Còn niềm đau nào hơn là người của cái làng “giống Việt gian bán nước”? Thậm chí, những kẻ ăn cắp, ăn trộm vì đói khổ còn đáng thương, đáng được tha thứ và thấu hiểu hơn những kẻ phản bội lại Tổ quốc, đồng bào, phản bội nòi giống và tổ tiên để đi theo giặc giã.
Về đến nhà, ông Hai “nằm vật xuống giường”. Gương mặt mới hồi nào hồ hởi nay đã chẳng còn chút sinh khí. Ông đau đớn, tủi thân khi nhìn bọn trẻ con đang chơi với nhau ông. Tương lai nào cho các con ông khi chúng là trẻ con làng Việt gian? Rồi mai đây, chúng sẽ bị người ta hắt hủi. Nước mắt ông lão cứ giàn ra. Thế rồi, ông Hai căm giận đến tột cùng, lên tiếng chửi bọn người làng Chợ Dầu: “Chúng bay ăn miếng cơm hay ăn miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”. Không phải niềm vui hay những lời tự hào, ở đây, những giọt nước mắt và sự tức giận của ông Hai cũng cho thấy tình yêu của ông với làng, với đất nước. Có yêu quý, hi vọng thì ông mới tức giận đến trào nước mắt. Đó không phải là tình yêu mộc mạc như ban đầu mà là một tình yêu tỉnh táo, lí trí, đặt vận mệnh đất nước lên trên. Trong lòng ông Hai diễn ra một cuộc xung đột nội tâm gay gắt. Một mặt, ông cố thuyết phục mình không tin vào cái tin dữ kia. Ông nhớ lại từng người một rồi tự lẩm bẩm: “ họ toàn là những người có tinh thần cả. Họ đã ở lại làng, quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy”!. Mặt khác, ông lại nghi ngờ chính mình: “Không có lửa làm sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì”. Câu nói “Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian”! được ngắt ra thành các câu văn ngắn với dấu “!” thể hiện sự phẫn uất và bất lực của ông Hai. Thế rồi, từ bẽ bàng, đau đớn, ngờ vực đến phẫn nộ, tâm trạng ông Hai chuyển sang sự lo lắng. Ông quan ngại cho cuộc sống của mình và những người làng đi tản cư: “Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao?”. Không khoa trương cầu kì, cũng không đưa ra bất kì tuyên ngôn nào, Kim Lân vẫn thể hiện trọn vẹn nỗi khổ tâm nhân vật bằng lối viết chân xác, giản dị. Ta vốn đã quen với những trang viết hùng hồn, những lời văn hùng tráng và lôi cuốn khi viết về lòng yêu nước, nay lại cảm động thấm thía trước nỗi niềm của một người nông dân nhỏ bé khi hay tin làng theo giặc. Bầu không khí nặng nề bao trùm nhà ông Hai tối hôm đó. Ông không sao ngủ được, trở mình hết bên này đến bên kia. Nghe tiếng mụ chủ nhà, trống ngực ông đập thình thịch, chân tay nhủn ra. Nỗi đau xót, tuyệt vọng đã ghì chặt lấy ông.
Tâm trạng ám ảnh của ông Hai còn được thể hiện xuyên suốt ba bốn ngày sau. Cả ngày ông Hai chỉ quanh quẩn trong nhà, nghe ngóng xem tình hình. Lúc nào ông cũng nơm nớp lo sợ mọi người xung quanh đang bàn tán đến “cái chuyện ấy”. Cứ thoáng nghe tiếng Tây, Việt gian, cam-nhông, ông lại lủi vào một góc nhà mà nín thít. “Thôi, lại chuyện ấy rồi.”
Đỉnh điểm của sự căng thẳng, tuyệt vọng nằm ở việc mụ chủ nhà muốn đuổi ông đi. Khi ấy, ông Hai có 2 con đường: một là thuê nhà ở nơi khác, hai là trở về làng Chợ Dầu. Nhân vật đứng giữa hai ngã rẽ, buộc phải đấu tranh để đưa ra quyết định. Kim Lân đã rất tài tình khi xây dựng tình huống truyện đặc sắc này, từ đó thể hiện rõ phẩm chất nhân vật. Nếu ông đi nơi khác thì sợ rằng không ai chứa chấp nhưng về làng tức là phản bội lại cụ Hồ, kháng chiến. Thân phận con người hóa thành bơ vơ, lạc lõng. Mâu thuẫn của ông Hai là mâu thuẫn giữa niềm tự hào, tình yêu làng thuần hậu và nỗi ô nhục vì làng phản bội theo Tây. Cuối cùng, nhân vật đã đưa ra lựa chọn: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây rồi thì phải thù”. Chi tiết này thật cảm động! Nó cho thấy con người đã ý thức được về tình yêu nước, sự kiên trung với cách mạng. Quá trình phát triển tâm lí của nhân vật với những thay đổi, xung đột quyết liệt được nhà văn miêu tả rất tinh tế và thuyết phục. Dù đã đưa ra lựa chọn, ông Hai vẫn không thể dứt bỏ nghĩa tình với làng. Thậm chí, ông càng day dứt và nhớ làng hơn. Không biết gửi nỗi tâm sư vào đâu, ông đành tâm sự với đứa con nhỏ cho vơi bớt đi nỗi đau khổ của mình.
- Thế nhà con ở đâu?
- Nhà ta ở làng Chợ Dầu.
- Thế con có thích về làng Chợ Dầu không?
- Có
………
- Thế con ủng hộ ai?
- Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm.
Đoạn đối thoại giản đơn nhưng thật cảm động! Ông Hai vẫn luôn dành cho ngôi làng một vị trí trang trọng trong trái tim, ông giáo dục con dù ở nơi đâu cũng luôn nhớ về “nhà”. Nhà văn Ê - li - a Ê - ren -bua đã viết: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Đọc “Làng”, ta càng thấm thía câu nói ấy. Ông Hai yêu làng, nhớ về làng, hay khoe làng cũng chính là yêu đất nước vì ngôi làng của ông chính là một phần máu thịt của Tổ quốc. Giờ đây, tình yêu ấy càng lớn hơn khi được bổ sung thêm khía cạnh thủy chung với cách mạng, kháng chiến. Ông muốn con ông biết “Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm”. “Cái tấm lòng của bố con ông là như thế, chết thì chết không bao giờ dám đơn sai.” Đây chính là lời thề sâu nặng, thiêng liêng của người dân dành cho Tổ quốc. Lời thề ấy không được khắc ghi trên đá hay thốt ra trước cảnh núi sông hùng vĩ mà được thốt lên trong tâm can của ông, trong khung cảnh đơn sơ, nghèo khó của làng quê Việt. Thân thương và đáng trọng biết nhường nào!
Như vậy, ta có thể thấy sự giằng xé nội tâm của ông Hai từ khi nghe tin làng theo giặc. Cuộc đấu tranh nội tâm đi từ chỗ bất ngờ, choáng váng đến đau xót, nhục nhã, tủi hờn, căm tức rồi ám ảnh, sợ hãi đến cùng cực. Lựa chọn cuối cùng của ông đã nói lên tình yêu làng, yêu nước, tình cảm thủy chung son sắt với cách mạng, kháng chiến của người nông dân. Ông Hai là hình ảnh đại diện cho vẻ đẹp của người nông dân VN trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Khi nghe tin làng được cải chính, tâm trạng của ông Hai hoàn toàn thay đổi. “Cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”, “Mồm bỏm bẻm nhai trầu”, “Cặp mắt hung hung đỏ hấp háy”. Nhà văn sử dụng một loạt các từ láy để diễn tả niềm vui, sức sống dâng trào của ông lão. Niềm vui ấy còn được thể hiện bằng các hành động như phấn khởi mua quà cho các con, đem khoe tin làng với tất cả mọi người: "Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi vừa lên cải chính.... Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả". Nghe tin nhà mình bị Tây đốt, ông cũng lấy làm tự hào. Điều này có vẻ trái với quy luật thông thường nhưng lại phù hợp với dòng diễn biến tâm trạng của nhân vật. “Tây nó đốt nhà tôi” chứng tỏ “tôi” không hề theo giặc. Mái nhà là tổ ấm, là tài sản cá nhân quý giá nhưng ta sẵn sàng hi sinh tất cả khi Tổ quốc cần. Tình yêu làng của ông còn được tô đậm hơn nữa khi qua câu chuyện ông kể ở nhà bác Thứ tối hôm ấy. Giặc có bao nhiêu thằng, đốt phá những đâu đâu, dân quân tự vệ làng ông đã chống cự ra sao. Ông kể rành rọt, tỉ mỉ như chính ông vừa tham dự trận đánh ấy. Mọi người xung quanh, ai ai cũng vui mừng cho ông, đến cả bà chủ nhà cũng đon đả. Tình yêu nước là chất keo kết dính con người, tạo ra sự đoàn kết trong cộng đồng.
Những nhân vật như ông Hai, bố con ông gác máy bay trên núi Côi Kê,…chính là đại diện cho tình yêu nước, tinh thần trách nhiệm, lòng tự tôn dân tộc, sự đôn hậu thủy chung ở người nông dân Việt Nam. Hình ảnh những con người chân lấm tay bùn đi vào trang sách thật hiên ngang. Tài năng của Kim Lân khiến người đọc ngạc nhiên như chính nhà văn Nguyễn Khải đã nhận xét khi đọc “Làng”: “Đó là thần viết, thần mượn tay người để viết nên những trang sách bất hủ”
Như vậy, qua những hành động và quá trình diễn biến tâm lí, ta có thể thấy nhân vật ông Hai mang những phẩm chất đáng quý: giản dị, chất phác, có tình yêu làng quê và đất nước sâu nặng, một lòng son sắt thủy chung với cách mạng, có tinh thần kháng chiến mãnh liệt, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Qua đó, nhà văn bày tỏ thái độ trân trọng, ngợi ca đối với người nông dân Việt Nam
Để xây dựng thành công nhân vật ông Hai, tác giả Kim Lân đã sử dụng tài hoa nghệ thuật xây dựng nhân vật chân thực, nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật sâu sắc, tinh tế, cách xây dựng tình huống truyện hấp dẫn và tạo dựng chi tiết đặc sắc cùng nghệ thuật kể chuyện chân thực, ngôn ngữ nhân vật vừa mang những nét chung của con người nông thôn miền Bắc vừa thể hiện được tính cách riêng.
Nhân vật ông Hai cùng tình yêu làng “thoát kén hóa đẹp xinh” thật đáng yêu, đáng trọng! Nhân vật, tác phẩm cũng như tên tuổi của nhà văn Kim Lân - nhà văn của “thuần hậu nguyên thủy” sẽ mãi có một vị trí trang trọng trong lòng người đọc
Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng mẫu 2
Kim Lân là nhà văn có sở trường viết truyện ngắn. Hầu hết các tác phẩm của ông chỉ viết về sinh hoạt của nông dân và cảnh ngộ của người nông dân. Truyện Làng được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn Nghệ xuất bản năm 1948. Truyện tập trung nói về lòng yêu nước của ông Hai, lòng yêu nước này xuất phát từ tình yêu nơi chôn nhau cắt rốn của mình và nó đã hoà nhập giữa làng và nước. Tình cảm và ý nghĩa này đã trở thành phổ biến ở nỗi người dân Việt Nam ta trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.
Qua hình tượng ông Hai, người đọc sẽ hiểu rõ hơn lòng yêu nước của nhân dân ta lúc bấy giờ.
Làng chợ Dầu có chiến sự, ông Hai phải tản cư đến làng Thắng, vùng tự do theo chính sách của cụ Hồ: “Tản cư là yêu nước”. Nhưng không phải ra khỏi làng chợ Dầu là ông Hai bỏ lại sau lưng tất cả mà ngược lại, lúc nào ông cũng trông ngóng tin tức và theo dõi những biến chuyển ở làng chợ Dầu. Đó là nơi tổ tiên ông sinh cơ lập nghiệp, nơi ông sinh ra và lớn lên. Biết bao tình cảm đã gắn bó với cảnh vật, với dân làng nơi mảnh đất quê hương ấy. Bởi lẽ đó mà mỗi khi nói đến làng chợ Dầu, ông nói với giọng “say mê và náo nức lạ thường”, ông Hai đã yêu làng chợ Dầu bằng một tình yêu thật đặc biệt. Ông yêu tất cả những gì ở làng ông: những nhà ngói san sát, đường lát toàn đá xanh, cái sinh phần của viên quan Tổng đốc...
Từ sau Cách mạng tháng Tám, lòng yêu làng quê của ông Hai có những chuyển biến rõ rệt. Trước kia ông hãnh diện vì làng ông giàu có, to đẹp. Giờ đây ông lại tự hào về những cái khác: phong trào cách mạng sôi nổi, những buổi tập quân sự, những buổi đắp ụ, hố, giao thông hào... luôn cả cái phòng thông tin, cái chòi phát thanh... Trong con mắt ông Hai, cái gì của làng chợ Dầu cũng đều đáng tự hào hết. Vì vậy từ lúc phải đi tản cư, ông khổ tâm day dứt không nguôi. Quả thật cuộc đời và số phận của ông thật sự gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn của mình đã trở thành truyền thống, là tâm lí chung của mọi người dân lúc bấy giờ.
Chính cách mạng và kháng chiến đã khơi dậy ở những người nông dân tình cảm yêu nước hoà nhập thống nhất với tình cảm làng quê thành một thứ tình cảm rộng lớn nhất. Đến đây, tác giả đã đặt nhân vật vào một tình huống gay gắt đế bộc lộ sâu sắc lòng yêu làng, yêu nước của ông Hai. Tình huống ấy là cái tin làng chợ Dầu theo giặc: “Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây”. Nghe tin đột ngột, ông Hai sững sờ “cổ ông lão nghẹn đắng hẳn lại, da mặt tê rân rân”, ông lão lặng đi tưởng như đến không thở được. Ông cảm thấy đau đớn và nhục nhã vì cái làng chợ Dầu yêu quý của mình đã theo giặc Bao nhiêu điều tự hào trước kia giờ đây sụp đổ và nó trở thành nỗi xấu hổ vô cùng. Từ lúc ấy ông Hai không dám đi đâu, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ tưởng như người ta đang bàn tán đến chuyện ấy... Và từ nỗi ám ảnh nặng nề đó trở thành sự sợ hãi thường xuyên trong ông Hai với nỗi đau xót, tủi hổ trong lòng. Làng và nước trở thành đôi địch. Hai tình cảm này đã dẫn đến một cuộc xung đột nội tầm ở ông Hai. Vì thế có lúc ông nghĩ “làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù”. Rõ ràng tình yêu nước rộng lớn hơn nên bao trùm lên tình yêu làng quê. Mặc dù đã xác định như vậy nhưng ông vẫn không dứt bỏ tình cảm với làng chợ Dầu được, nên nỗi ray rứt ngày càng văng thêm. Phải thật sự am hiểu sâu sắc về con người, nhất là tâm lí của người nông dân nên nhà văn Kim Lân mới diễn tả rất đúng tâm trạng nhân vật ông Hai như vậy.
Từ đó, ông Hai chỉ còn biết trút nỗi khổ tâm vào đứa con nhỏ ngây thơ: “Nhà ta ở làng chợ Dầu”, “ủng hộ cụ Hồ con nhỉ!” Những lời tâm sự ấy thực chất là tự nhủ với chính mình nhằm khẳng định lòng thuỷ chung với cách mạng, với kháng chiến mà biểu tượng là cụ Hồ. Lòng yêu nước của ông Hai còn được biểu hiện rõ nét hơn khi nghe tin đính chính: làng bị giặc tàn phá, không theo Tây. Những nỗi lo âu, xấu hổ tan biến đi thay vào đó là niềm vui mừng khôn xiết nên ông nói bô bô “Tây nó đốt nhà tôi rồi ông chúạ. Đốt nhẵn!”. Đây quả là một niềm vui kì lạ. Niềm vui mừng thể hiện một cách đau xót và đầy cảm động về tình yêu nước và cách mạng của ông Hai. Đây là tình cảm đặc biệt của ông Hai cũng là tình cảm chung của những nông dân hay đúng hơn là của nhân dân ta lúc bấy giờ, thời kháng chiến chống Pháp. Đối với họ trong lúc này, trước hết và trên hết là Tổ quốc. Vì Tổ quốc họ sẵn sàng hi sinh tất cả dù đó là tính mạng hay tài sản. Tình yêu nước của nhân dân ta là như thế.
Thành công của Kim Lân là xây dựng theo cốt truyện tâm lí, tạo tình huống có tính căng thẳng thử thách nội tâm nhân vật để từ đó bộc lộ tâm trạng, tính cách nhân vật. Đặt tác phẩm vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ta mới thấy hết giá trị thành công của nó. Bởi lẽ thông qua nhân vật ông Hai với những ngôn ngữ, cử chỉ, tâm trạng... tiêu biểu là một người nông dân có cá tính riêng: vui tính, thích trò chuyện nhưng cũng ham nói chữ. Đó là nét tâm lí chung của quần chúng. Cách trần thuật tự nhiên, linh hoạt khiến cho truyện sinh động, hấp dẫn hơn.
Tóm lại, Làng của Kim Lân là một truyện ngắn đặc sắc, khai thác một tình cảm bao trùm và phổ biến trong con người thời kì kháng chiến: tình cảm quê hương, đất nước. Đây là một tình cảm mang tính cộng đồng. Nhưng thành công của Kim Lân là đã diễn tả tình cảm, tâm lí chung ấy trong sự thể hiện cụ thể, sinh động ở một con người, trở thành một nét tâm lí sâu sắc ở nhân vật ông Hai. Vì thế nó là tình cảm chung mà lại mang màu sắc riêng, tô đậm rõ cá tính của nhân vật. Tình yêu làng quê, yêu đất nước, yêu kháng chiến của nhân vật ông Hai trong truyện là tình cảm thực sự của nhân dân ta trong thời kháng chiến. Truyện giúp ta hiểu, yêu mến và khâm phục biết bao những người nông dân bình dị, chất phác mà lại có lòng yêu nước tha thiết và cao cả đến thế.
Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng mẫu 3
Nhà văn Kim Lân được biết đến với nhiều tác phẩm nổi tiếng và là nhà văn của người nông dân, nói thay tiếng lòng của họ. Một trong những tác phẩm của ông ghi đậm dấu ấn trong lòng bạn đọc chính truyện ngắn Làng. Truyện ngắn đã khắc họa chân dung ông Hai với thế giới nội tâm nhiều biến động.
Truyện ngắn Làng biểu hiện một tình cảm cao đẹp của toàn dân tộc, tình cảm quê hương đất nước đặc biệt là ở nhân vật ông Hai tình cảm chung đó mang rõ màu sắc riêng, in rõ cá tính chỉ riêng ông mới có. Tình yêu làng, một bản chất có tính truyền thông trong ông Hai. Ông hay khoe làng, đó là niềm tự hào sâu sắc về làng quê. Được cách mạng giải phóng, ông tự hào về phong trào cách mạng của quê hương, vê việc xây dựng làng kháng chiến của quê ông. Phải xa làng, ông nhớ quá cái không khí "đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá…”; rồi ông lo "cái chòi gác,… những đường hầm bí mật,…” đã xong chưa? Khi mới nghe tin làng chợ Dầu của mình theo giặc, ông sững sờ, chưa tin. Nhưng khi người ta kể rành rọt, cổ họng ông nghẹn đắng lại, da mặt tê rân rân, lặng người đi, tưởng như không thể thở được, không tin vào những gì đã nghe. Ông cố gắng lảng tránh tin đồn đó, đau đớn đến uất nghẹn, trả tiền nước, đứng dậy chèm chẹp miệng, cố cười nói to và đi về. Nghe tiếng người khác chửi làng Việt gian theo giặc mà tưởng chửi mình, chỉ biết cúi gằm mặt xuống mà đi.
Về đến nhà, nhìn thấy các con, càng nghĩ càng tủi hổ vì chúng nó "cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi”. Ông giận những người ở lại làng, nhưng điểm mặt từng người thì lại không tin họ "đổ đốn” ra thế. Nhưng cái tâm lí "không có lửa làm sao có khói”, lại bắt ông phải tin là họ đã phản nước hại dân. Ông cảm thấy tủi nhục, không dám đối mặt với người khác. Sợ bị đuổi phải quay lại làng nhưng lại kiên quyết không về cái làng theo giặc ấy. Suốt mấy ngày chỉ ở nhà, khi nghe ai nhắc đến Việt gian hoặc chuyện đó thì giật mình, tủi nhục. Cái tin nhục nhã ấy chiếm hết tâm trí ông thành nỗi ám ảnh khủng khiếp. Ông luôn hoảng hốt giật mình. Không khí nặng nề bao trùm cả nhà. Tình cảm yêu nước và yêu làng còn thể hiện sâu sắc trong cuộc xung đột nội tâm gay gắt: Đã có lúc ông muốn quay về làng vì ở đây tủi hổ quá, vì bị đẩy vào bế tắc khi có tin đồn không đâu chứa chấp người làng chợ Dầu. Nhưng tình yêu nước, lòng trung thành với kháng chiến đã mạnh hơn tình yêu làng nên ông lại dứt khoát: "Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù”. Qua đó, ta thấy được tình yêu sâu nặng đối với làng chợ Dầu truyền thống (chứ không phải cái làng đổ đốn theo giặc) và tấm lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng với kháng chiến mà biểu tượng của kháng chiến là cụ Hồ được biểu lộ rất mộc mạc, chân thành. Tình cảm đó sâu nặng, bền vững và vô cùng thiêng liêng:
Khi tin làng chợ Dầu theo giặc được cải chính, gánh nặng tâm lí tủi nhục được trút bỏ, ông Hai tột cùng vui sướng và càng tự hào về làng chợ Dầu. Cái cách ông đi khoe việc Tây đốt sạch nhà của ông là biểu hiện cụ thể ý chí "Thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước” của người nông dân lao động bình thường. Việc ông kể rành rọt về trận chống càn ở làng chợ Dầu thể hiện rõ tinh thần kháng chiến và niềm tự hào về làng kháng chiến của ông. Qua đây ta thấy được cuộc sống, niềm vui, niềm tự hào, hạnh phúc của con người ông Hai nằm ở sự trung thành, lòng yêu nước của ông đối với ngôi làng của mình và đối với thế cuộc đất nước nước lúc bấy giờ.
Với ngòi bút tài tình của mình, Kim Lân không chỉ mang đến cho bạn đọc một tác phẩm với những nét đặc sắc nghệ thuật của nội tâm nhân vật mà còn khơi gợi lòng yêu nước ở mỗi người. Nhiều năm tháng qua đi nhưng tác phẩm vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị ban đầu của nó và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.
Phân tích ông Hai mẫu 4
Kim Lân quê ở Bắc Ninh, là cây bút chuyên viết truyện ngắn và có sáng tác từ trước cách mạng tháng Tám. Những cảnh ngộ của người nông dân và sinh hoạt làng quê là đề tài sáng tác chủ yếu của ông. Truyện ngắn Làng được viết năm 1948, in trên tạp chí Văn nghệ (số 1), là một tác phẩm thành công của văn học Việt Nam thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Truyện đã xây dựng thành công nhân vật ông Hai, một lão nông hiền lành, chất phác với tình yêu làng đặc biệt của mình.
Ông Hai là người rất yêu làng của mình, thường khoe làng để khỏa lấp nỗi nhớ về những tháng ngày hoạt động kháng chiến cùng anh em, đồng đội. Ông không chỉ là một dân làng mà còn là một phụ lão, một chiến sĩ đã từng tham gia đánh giặc giữ làng mà nay vì phải rời làng đi tản cư. Ấy vậy mà cái tin làng Chợ Dầu theo giặc lại truyền đến quá đột ngột trong lúc tâm trạng của ông đang phấn chấn vì những tin tức kháng chiến vừa nghe được ở phòng thông tin.
Vậy nên, cái tin ấy khiến cho “cổ ông lão nghẹn đắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu, ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ,… ”. Ông già vui tính, hay chuyện, mong ngóng tin tức của làng mình mà lúc này phải “vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác rồi cúi gằm mặt đi thẳng. Chỉ với một vài câu văn ngắn, tác giả đã cụ thể hoá sự sững sờ, ngạc nhiên đến mức hốt hoảng của ông Hai khi nghe tin dữ – một cái tin động trời mà trước đó ông không thể tin, không thể ngờ lại có thể xảy ra như thế. Những câu nói mỉa mai, căm ghét của người đàn bà cho con bú về làng Chợ Dầu vẫn đeo đẳng ông Hai, khiến ông thật ê chề, đau khổ như chính mình đang bị mắng vì ông là người làng Chợ Dầu – người của cái làng theo giặc ấy!
Vừa về đến nhà, ông Hai “nằm vật ra giường”; trong đau khổ, nhục nhã, ông nhìn đàn con chơi đùa thật đáng thương ở sau nhà. Bất giác ông nghĩ đến sự hắt hủi của mọi người dành cho những đứa trẻ của cái làng Việt gian này: ” nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? ”.
Thương con, ông càng căm ghét bọn dân trong làng đã chạy hùa theo giặc, đã làm nên những chuyện đớn hèn, nhục nhã tổn hại đến danh dự của làng. Đó chính là tội phản bội, tội bán nước thật không thể dung thứ. Có lúc, ông cảm thấy chuyện tày đình này thật khó tin vì có biết bao tấm gương đã từng sống mái với kẻ thù, liều chết để hoàn thành sứ mệnh chung của cả dân tộc. Đã ở làng, quyết tâm một sống một chết với giặc, “có đời nào cam tâm làm điều nhục nhã ấy!… ”. Làm sao họ có thể sa đọa, biến chất nhanh như thế được?!
Ông kiểm điểm lại từng người trong óc. “Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà”. Nhưng rồi những chứng cứ một lần nữa tái hiện lại khiến ông phải cay đắng chấp nhận sự thật nhục nhã này. Ông Hai không ngừng dày vò tâm trí: “Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian!”. Ông nghĩ tới sự xua đuổi, tẩy chay của tất cả mọi người, nghĩ đến tương lai chưa biết phải làm ăn, sinh sống như thế nào và phải đối diện ra sao trước miệng lưỡi cạnh khoé, nanh nọc của mụ chủ nhà. Tối đó, ông Hai “vẫn trằn trọc không sao ngủ được”, hết trở mình bên này lại trở mình bên kia, thở dài, “chân tay nhũn ra, tưởng chừng như không cất lên được”.
Ba bốn hôm sau đó, ông Hai “không bước chân ra đến ngoài”, mà “chỉ quanh quẩn trong cái gian nhà chật chội ấy mà nghe ngóng”, ‘‘một đám đông túm lại, ông cũng để ỷ,dăm bảy tiếng cười nói xa xa, ông cũng chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta để người ta bàn tán đến ‘‘cái chuyện ấy” rồi lủi ra một góc nhà, nín thít”.
Đó là cử chỉ của một người đang cam cố chịu đựng, trốn tránh như một tội phạm vì sợ người ta phát hiện mình là người là2ng Việt gian, sợ người ta xa lánh, xua đuổi, mắng nhiếc. Đến khi mụ chủ nhà nanh nọc, khó tính, có ý định đuổi cả nhà ông, tâm trạng ông Hai càng u ám, bế tắc. Những câu hỏi cứ hên tiếp cuộn trào trong tâm trí một ông già khốn khổ đáng thương: “Biết đem nhau đi đâu bây giờ? Biết đâu người ta chứa bố con ông mà đi bây giờ? ”. “Thật là tuyệt đường sinh sống! Trong giây phút tuyệt vọng ấy, ông đã chớm nở ý định quay về làng cũ: ‘‘Hay là quay về làng?… nhưng ý nghĩ ấy được gạt phăng ngay sau đó: “ Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. “Về là bỏ kháng bỏ Cụ Hồ về làng là chịu đầu hàng thằng Tây, là lại cam chịu kiếp sống nô lệ, tôi đòi,.’.. Về là chịu mất hết.
Đến đây, tinh yêu làng, yêu nước, ủng hộ cách mạng đã thực sự hòa quyện trong lòng ông lão nông dân tản cư. Trong đau khổ, dằn vặt, ông Hai đã đưa ra quyết định dứt khoát: phải thù cái làng theo giặc ấy dù trước đây cả đời ông đã gắn bó máu thịt với nó, đã vô cùng thương yêu, tự hào về nó. Mâu thuẫn nội tâm đã được tháo gỡ nhưng lòng ông Hai đau đớn biết bao. Ông chỉ biết san sẻ phần nào nỗi đau ấy với thằng con út thơ ngây; Những giọt nước mắt của ông lại “giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má”. Ông nổi thủ thỉ: “Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỏ”.
Đoạn văn rất chân tình, cảm động bởi nó không chỉ diễn tả thể hiện tình cảm phụ tử của cha con ông Hai mà qua đó, bộc lộ tâm trạng buồn bã, đau khổ và lòng quyết tâm trung thành của người cha già với cách mạng, với Cụ Hồ. Lời tâm sự: “Anh em đồng chí biết bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bo con ông. Cái lòng bố con ông là như thế đẩy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai” là những suy nghĩ, lời lẽ chân thành rất mực, mộc mạc rất mực của người nông dân nghèo Bắc bộ. Ồng Hai một lòng trung thành với cách mạng; và với ông, điều này to lớn hơn tất cả. Dù yêu làng da diết nhưng ông không thể phản bội Tổ quốc.
Đến khi ông chủ tịch dưới quê lên cải chính tin đồn, ông Hai như mở cờ trong bụng. Thì ra cái tin làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính, đó chỉ là tin đồn nhảm do địch mượn gió bẻ măng tung ra để gây hoang mang dân chúng, còn sự . Thật là làng ông đã chiến đấu rất anh dũng, ông mua quà chia cho các con: “Chúng mày đâu rồi,ra thầy chia quà cho nào lật đật báo tin với mọi người, cải chính cho mọi người xung quanh.
Sau cái ngày trọng đại ấy, ông thay đổi hoàn toàn: mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên “mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ, hấp háy”. Ông hồ hởi khoe với bác Thứ cái tin làng Chợ Dầu theo giặc là “sai sự mục đích” cả và tỏ ra rất hào hứng, hạnh phúc khi nhà mình bị Tây đốt nhẵn. Và còn đi khoe với mọi người nữa: lão lại lật đật bỏ đi nơi khác. Còn phải để cho người khác biết chứ. Ông lão cứ múa tay lên mà khoe tin ấy với mọi người.
Đối với ông, cái tin ấy ấy chính là một chứng cớ hùng hồn như muốn nói với mọi người rằng làng xóm quê hương ông đã dũng cảm chiến đấu chống quân thù. Ông rất vui, rất tự hào khi nghe tin nhà mình bị giặc đốt: “Tây nó đốt nhà tôi rồi ông chủ ạ. Đốt nhẵn. Ông chủ tịch làng em vừa lên chỉnh…cải chính cái tin làng chợ Dầu chúng em Việt gian ấy mà. Ra láo! Láo hết, chẳng cổ gì sất! Toàn là sai sự mục đích cả! Một lần nữa tình yêu làng, yêu nước của ông Hai được thể hiện một cách thành thực và cảm động.
Khép lại tác phẩm, ông Hai trở lại là một ông già vui tính, yêu quê hương, yêu nước; hai tình cảm ấy giờ lại thống nhất trong ông. Ông Hai là hình ảnh đẹp của những người nông dân bình dị nhưng giàu lòng yêu nước – một mẫu người rất đáng quí của dân tộc ta trong những năm trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Kim Lân thật sự tài ba khi chỉ bằng vài tình tiết đơn giản đã giúp ta hiểu được thế nào là cuộc kháng chiến toàn dân. Tác giả cũng ngầm khẳng định: với những người nông dân hồn hậu, nhiệt tình, sôi nổi như ông Hai thì cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi là điều tất yếu. Niềm vui hoàn toàn trở lại trong tâm hồn người nông dân già tản cư. Và ông lại tiếp tục hãnh diện khoe làng mình là ngôi làng kháng chiến. Sau đó, cứ mỗi tối, ông Hai lại khoe về làng. Ông kể hôm thằng Tây khủng bố làng ông, chúng nó có bao nhiêu thằng, đi những lối nào, dân quân tự vệ làng ông chiến đấu ra sao…
Với nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, gay cấn, miêu tả tâm lí nhân vật ông Hai rất sinh động và chân thực qua suy nghĩ, hành động, lời nói (đối thoại và độc thoại), ngôn ngữ trần thuật giản dị, gần gũi; nhà văn đã ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp: chân thật, mộc mạc nhưng đầy nhiệt tình với kháng chiến, hăng hái với cách mạng; tình yêu làng quê tha thiết, tình yêu nước sâu sắc luôn hòa quyện, thống nhất cùng nhau và gắn với sứ mệnh giải phóng dân tộc. Những điều đó đã làm nhân vật ông Hai sống mãi trong lòng người đọc nhiều thế hệ.