Hóa 12 Bài 2: Lipit
Hóa học 12 bài 2
Hóa 12 Bài 2: Lipit được VnDoc biên soạn tóm tắt trọng tâm kiến thức bài 2 hóa 12 lipit. Hy vọng tài liệu giúp ích cho các bạn học sinh trong quá trình học tập, tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất. Mời các bạn tham khảo.
Mời bạn đọc cùng tham khảo tài liệu Hóa học 12 sách mới:
Bài tiếp theo: Hóa 12 Bài 3: Khái niệm về xà phòng và chất giặt rửa tổng hợp
A. Lý thuyết Hóa 12 bài 2
I. Khái niệm
Lipit là những hợp chất hữu cơ có trong tế bào sống, không tan trong nước nhưng tan nhiều trong dung môi hữu cơ không phân cực.
Khái niệm: Chất béo là trieste của glixerol với axit béo, gọi chung là triglixerit hay triaxylglixerol.
II. Cấu tạo
Gồm gốc axit béo (axit đơn chức có số C chẵn, mạch dài, không phân nhánh) + gốc hiđrocacbon của glixerol.
Axit béo: Các axit béo thường có trong chất béo là
axit stearic (CH3[CH2]16COOH),
axit panmitic (CH3[CH2]14COOH),
axit oleic (cis−CH3[CH2]7CH=CH[CH2]7COOH).
Công thức cấu tạo của chất béo
trong đó R1, R2, R3 là gốc hiđrocacbon, có thể giống nhau hoặc khác nhau.
Ví dụ:
(C17H35COO)3C3H5: tritearylglixerol (tritearin)
(C15H31COO)3C3H5: tripanmitoylglixerol (tripanmitin)
(C17H33COO)3C3H5: trioleoylglixerol (triolein)
III. Tính chất vật lí
Nhẹ hơn nước, không tan trong nước
Khi phân tử chất béo có chứa gốc hiđrocacbon không no, chất béo ở trạng thái lỏng ; có chứa gốc hiđrocacbon no, chất béo ở trạng thái rắn.
Mỡ động vật và dầu thực vật đều không tan trong nước, nhẹ hơn nước; nhưng tan tốt trong các dung môi hữu cơ
IV. Tính chất hóa học
a) Phản ứng thủy phân trong môi trường axit
(CH3[CH2]16COO)C3H5 + 3H2O \(\overset{t^{\circ } , H^{+} }{\rightleftharpoons}\) 3CH3[CH2]16COOH + C3H5(OH)3
b) Phản ứng thủy phân trong môi trường bazo (phản ứng xà phòng hóa)
(CH3[CH2]16COO)C3H5 + 3NaOH \(\overset{t^{\circ } }{\rightarrow}\) 3CH3[CH2]16COONa + C3H5(OH)3
c) Phản ứng hidro hóa
Chất béo có chứa các gốc axit béo không no có phản ứng cộng H2 vào nối đôi:
Chất béo không no + H2 \(\overset{Ni, t^{\circ } , xt}{\rightarrow}\) chất béo no
(C17H33COO)3C3H5 (lỏng) + 3H2 \(\overset{Ni, t^{\circ } , xt}{\rightarrow}\)(C17H35COO)3C3H5 (rắn)
d. Phản ứng oxi hóa
Chất béo tác dụng với oxi của không khí tạo thành andehit có mùi khó chịu. Đó là nguyên nhân của hiện tượng dầu mỡ để lâu bị ôi.
V. Ứng dụng của chất béo
1. Vai trò của chất béo trong cơ thể
Chất béo là thức ăn quan trọng của con người.
Trong cơ thể người, chất béo là nguồn cung cấp và dự trữ năng lượng.
Chất béo còn là nguyên liệu tổng hợp một số chất cần thiết cho cơ thể.
Đảm bảo sự vận chuyển và hấp thụ các chất hòa tan được trong chất béo.
2. Ứng dụng của chất béo
Trong công nghiệp, một lượng lớn chất béo dùng để điều chế xà phòng và glixerol. Một số loại dầu thực vật được sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ diesel.
Chất béo còn được dùng trong sản xuất một số thực phẩm khác như mì sợi, đồ hộp…
Grixerol được dùng trong sản xuất chất dẻo, mĩ phẩm, thuốc nổ…
B. Trắc nghiệm Hóa 12 bài 2
Câu 1: Khi xà phòng hóa tripanmitin ta thu được sản phẩm là:
A. C15H31COONa và etanol.
B. C17H35COOH và glixerol.
C. C15H31COONa và glixerol.
D. C17H35COONa và glixerol.
Câu 2: Phát biểu nào sau đây là không đúng?
A. Chất béo không tan trong nước.
B. Chất béo không tan trong nước, nhẹ hơn nước nhưng tan nhiều trong dung môi hữu cơ.
C. Dầu ăn và mỡ bôi trơn có cùng thành phần nguyên tố.
D. Chất béo là este của glixerol và các axit cacboxylic mạch cacbon dài, không phân nhánh.
Câu 3: Có các nhận định sau:
a) Chất béo là trieste của glixerol với các axit monocacboxylic có mạch C dài không phân nhánh.
b) Lipit gồm các chất béo ,sáp, steroid, photpholipit,...
c) Chất béo là chất lỏng
d) Chất béo chứa các gốc axit không no thường là chất lỏng ở nhiệt độ thường và được gọi là dầu.
e) Phản ứng thủy phân chất béo trong môi trường kiềm là phản ứng thuận nghịch.
f) Chất béo là thành phần chính của dầu mỡ động vật, thực vật.
Số nhận định đúng:
A. 2.
B. 3.
C. 4.
D. 5
Câu 4: Đun nóng 20g một loại chất béo trung tính với dung dịch chứa 0,25 mol NaOH, để trung hòa NaOH dư cần 0,18 mol HCl. Khối lượng xà phòng 72% sinh ra từ 1 tấn chất béo trên là:
A. 1434,26 kg
B. 1703,33 kg
C. 1032,67 kg
D. 1344,26 kg
Câu 5: Thuỷ phân este C2H5COOCH=CH2 trong môi trường axit tạo thành những sản phẩm gì
A. C2H5COOH, CH2=CH-OH
B. C2H5COOH, HCHO
C. C2H5COOH, HCHO
D. C2H5COOH, CH3CH2OH
Câu 6. Xà phòng hóa hoàn toàn 70 gam hỗn hợp gồm triglixerit và axit béo cần dùng V lít dd NaOH 2M, đun nóng. Sau phản ứng thu được 7,36 gam glixerol và 72,46 gam xà phòng. Giá trị của V là:
A. 0,13.
B. 0,135.
C. 0,12.
D. 0,125.
Đáp án hướng dẫn giải chi tiết
1C | 2C | 3B | 4A | 5C | 6D |
Câu 1.
Công thức cấu tạo thu gọn của tripanmitin là: (C15H31COO)3C3H5
Phương trình phản ứng xà phòng hóa:
(C15H31COO)3C3H5 + 3NaOH → 3C15H31COONa + C3H5(OH)3
Câu 3.
(1) sai vì phải là axit béo (axit cacboxylic có mạch C dài, không phân nhánh, từ 12 đến 24C).
(2), (4), (6) đúng.
(3 sai vì mỡ là chất rắn.
(5) sai vì nó là phản ứng 1 chiều.
Câu 4.
nNaOH xà phòng = 0,07 mol
Phương trình tổng quát:
(RCOO)3C3H5 + 3NaOH → 3RCOONa + C3H5(OH)3
0,07→ 0,07/3 mol
Bảo toàn khối lượng: mmuối = 20,653g
20 g chất béo tạo 20,653g muối
1000kg => 1032,65 kg muối
=> mxà phòng 72% = 1434,26 kg
Câu 5. Thuỷ phân este C2H5COOCH=CH2 trong môi trường axit tạo thành những sản phẩm: C2H5COOH, HCHO
Câu 6.
Gọi số mol axit béo là x => phản ứng với NaOH tạo x mol H2O
=> nNaOH pứ = naxit béo + 3 nGlixerol = x + 0,24 mol
Bảo toàn khối lượng : mhh + mNaOH = mGlixerol + mxà phòng + mH2O
=> 70 + 40.( x + 0,24) = 7,36 + 72,46 + 18x
=> x = 0,01 mol
=> VNaOH = 0,125 lit
Để giúp các bạn nắm chắc kiến thức lý thuyết trên lớp, VnDoc biên soạn bộ câu hỏi kèm đáp án dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm tại:
C. Giải bài tập Hóa 12 bài 2 Lipit
Để giúp các bạn học sinh có thể hoàn thành tốt các dạng bài tập sách giáo khoa cũng như biết cách vận dụng kiến thức đã học của bài áp dụng vào các dạng bài tập, từ đó rèn luyện kĩ năng thao tác giải bài tập. VnDoc đã biên soạn hướng dẫn giải bài tập hóa 12 sách giáo khoa bài 2 tại: :
----------------------
Trên đây VnDoc đã giới thiệu Hóa 12 Bài 2: Lipit tới bạn đọc. Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm mục Thi thpt Quốc gia môn Toán, Thi THPT Quốc gia môn Hóa học mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.