Cảm nghĩ về tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp
Cảm nghĩ về tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép với mục đích thương mại.
Tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp Mẫu 1
(1) Trong bài thơ “Gặp lá cơm nếp”, hình ảnh người con hiện lên với tấm lòng hiếu thảo thật đẹp và cao cả. (2) Tình yêu thương mà người con dành cho mẹ của mình không thể hiện qua những lời bày tỏ trực tiếp, mà được thể hiện qua những hành động cụ thể. (3) Vì yêu thương mẹ, mà anh khoác lên mình màu áo lính, mang theo cây súng hành quân đến nơi xa để bảo vệ bình yên cho mái nhà, cho quê hương, cho cuộc sống của mẹ. (4) Cũng vì thương mẹ, mà tình cảm của anhdành cho mẹ mênh mông như biển lớn, chỉ cần hình ảnh một chiếc lá nhỏ cũng đủ để dâng trào cuồn cuộn. (5) Tình cảm đó mộc mạc, chân thành và to lớn, sánh ngang với tình yêu tổ quốc trong lòng người lính. (6) Bởi có lẽ với anh, tình yêu mẹ và tình yêu tổ quốc đã dung hòa làm một, trở thành bếp lửa hừng hực, thúc giục bước chân anh tiến về phía trước.
Tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp Mẫu 2
(1) Bài thơ Gặp lá cơm nếp là dòng cảm xúc của người con dành cho người mẹ yêu quý của mình. (2) Trên đường đi làm nhiệm vụ nơi xa, anh chợt gặp hình ảnh chiếc lá cơm nếp quen thuộc như ở quê nhà, nên lòng chợt bồi hồi nhớ về mẹ. (3) Người mẹ hiện lên trong tâm trí anh với dáng vẻ tảo tần, đang hái từng chiếc lá về nấu cho con một chõ xôi nóng hổi. (4) Dáng mẹ bên bếp lửa ấm áp, khói mờ bay lên lách qua kẽ tranh vừa đẹp đẽ, vừa ấm áp. (5) Mẹ và tình yêu mẹ vẫn luôn hiện hữu và ngự trị trong tâm trí người lính, chỉ cần một chốt mở để đánh thức mà thôi. (6) Chính bởi tình yêu thương sâu đậm ấy, mà anh quyết định rời xa mẹ, rời xa quê hương để trở thành một người lính nơi chiến trường xa xôi. (7) Để giữ mãi sự bình yêu cho quê nhà, anh sẽ vững vàng tay súng, luôn nhìn về phía trước, không chút chùn lòng.
Tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp Mẫu 3
(1) Trong bài thơ Gặp lá cơm nếp, hình ảnh người mẹ được khắc họa một cách mộc mạc nhưng gần gũi và ấm áp. (2) Người mẹ ấy hiện lên qua dáng vẻ tần tảo nhặt lá về đun bếp, nấu cho con chõ xôi nóng hổi. (3) Chỉ vậy thôi, mà biết bao yêu thương và nhung nhớ da diết đã được dịp dâng trào trong trái tim người lính. (4) Qua hình ảnh thơ, em cảm nhận được tình yêu thương của người lính dành cho mẹ của mình. (5) Nhớ về mẹ, anh như trở về là đứa trẻ thơ, được lóc cóc đi theo sau mẹ ra vườn hái lá về nấu xôi. (6) Cũng chính vì quấn quít bên mẹ, yêu thương mẹ đến thế, mà anh quyết định xa nhà, cầm súng chiến đấu với kẻ thù, bảo vệ mẹ và quê hương. (7) Tình cảm ấy mộc mạc, chân chất mà thiêng liêng, cao cả đến không gì có thể sánh được.
Tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp Mẫu 4
(1) Người lính trong bài thơ Gặp lá cơm nếp, là một người con với tình yêu tha thiết dành cho mẹ, cho quê hương của mình. (2) Chàng xa quê nhà để chiến đấu với quân thù, mang theo những kỉ niệm bên mẹ. (3) Chính tình cảm thiêng liêng ấy đã chắp cho anh sức mạnh và sự kiên cường. (4) Qua hồi ức của anh, người mẹ hiện lên qua hình ảnh cặm cụi nấu nồi xôi nếp cho con ăn. (5) Người mẹ yêu thương, tảo tần ấy là cả một thế giới của người lính. (6) Anh yêu thương, kính trọng và luôn nhớ về mẹ của mình. (7) Mẹ chính là sức mạnh, là suối nguồn yêu thương cho anh thêm động lực để vững tay súng, bảo vệ tổ quốc.